2022
Làm Cho Việc Phục Sự Trở Nên Ý Nghĩa
Tháng Một/Tháng Hai năm 2022


Các Nguyên Tắc Phục Sự

Làm Cho Việc Phục Sự Trở Nên Ý Nghĩa

Nếu anh chị em tự hỏi xem công việc phục sự của mình có ý nghĩa không, thì hãy xem xét những ý kiến sau.

Hình Ảnh
woman hugging a young woman in a wheelchair

Thật dễ để tự hỏi xem công việc phục sự của chúng ta có mang lại sự khác biệt không, đặc biệt là khi chúng ta đang có những khó khăn của riêng mình.

Trong quãng đời trước khi ngồi xe lăn, tôi thích nhìn thấy một bảng đăng ký được chuyền quanh Hội Phụ Nữ. Tôi thường đăng ký để phục vụ. Đó là một cách để thể hiện sự sẵn lòng của tôi để “mang gánh nặng lẫn cho nhau” (Mô Si A 18:8).

Không phải do bảng đăng ký mà tôi đã không thể đăng ký nữa. Thực ra, tôi đã không thể ký tên của mình. Do khuyết tật của mình, tôi thậm chí đã không thể cầm bảng đăng ký. Không một ai mong đợi tôi đăng ký. Nhưng, ôi, tôi muốn đăng ký biết bao! Sự phục vụ bao bọc chúng ta trong tình thương yêu của Thượng Đế và kết nối chúng ta với người khác. Bản thân tôi rất cần cảm giác kết nối đó.

Bởi vì tôi cần người khác giúp chăm sóc cho mình, sự phục vụ của tôi dường như không đáng với những nỗ lực mà những người khác phải bỏ ra để giúp đỡ tôi. Cái bảng đăng ký đó nhắc tôi về điều mà tôi đã không thể làm được nữa—ít ra là cho đến khi người chị em phục sự của tôi nhìn thấy niềm khao khát của tôi.

Chị ấy hỏi tôi xem tôi muốn làm gì để phục vụ, chứ không chỉ những gì tôi muốn người khác làm cho mình. Sau đó chị ấy ký tên của tôi vào bảng đăng ký. Chị ấy đến nhà tôi và giúp tôi nấu những bữa ăn mà tôi đã tình nguyện chuẩn bị cho người khác. Chị ấy chưa bao giờ tỏ ý rằng bản thân tôi cần quá nhiều sự giúp đỡ đến nỗi tôi không nên cố gắng giúp đỡ người khác. Chị ấy rất vui được dành thời gian với tôi.

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng những nỗ lực của mình thật đáng bõ công. Với sự giúp đỡ từ người chị em phục sự của mình, tôi đã có thể làm một điều gì đó. Bất kể là điều đó có ý nghĩa gì cho một người nào khác hay không, điều đó đã tạo ra sự khác biệt đối với tôi. Mặc dù không trực tiếp mang lại lợi ích cho gia đình tôi hoặc chữa lành cơ thể tôi, điều đó đã giúp chữa lành tâm hồn tôi.

EmRee Pugmire

Utah, Hoa Kỳ

Với Sự Giúp Đỡ Từ Ngài, Anh Chị Em Còn Hơn Cả Thỏa Đáng

Hình Ảnh
the Old Testament prophet Enoch and people from the city of Zion

City of Zion Translated (Thành Phố Si Ôn Được Cất Lên Trời), tranh do Del Parson họa; ảnh chiếc kính lúp đến từ Getty Images

Việc cảm thấy không thỏa đáng để thực hiện công việc của Chúa là rất thông thường. Tiên tri Hê Nóc cũng cảm thấy như vậy. Khi Chúa truyền lệnh cho ông phải kêu gọi dân chúng hối cải, ông đã lo lắng vì ông “chỉ là một thiếu niên và tất cả mọi người ghét con; vì con là người nói năng chậm chạp” (Môi Se 6:31).

Nhưng Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ ở cùng với Hê Nóc và rằng Thánh Linh của Ngài sẽ ngự trên ông, và “tất cả những lời nói của ngươi sẽ được ta cho là chính đáng; … vậy nên,” Ngài mời gọi, “hãy đi cùng với ta” (Môi Se 6:34).

Hê Nóc đã tuân theo điều Chúa truyền lệnh, và ông đã có ảnh hưởng lớn đến dân chúng, không phải do quyền năng của riêng ông mà là do “quyền năng của ngôn ngữ mà Thượng Đế đã ban cho ông” (Môi Se 7:13).

Các Nguyên Tắc để Suy Ngẫm

Nếu anh chị em tự hỏi liệu công việc phục sự của mình có ý nghĩa không, thì hãy xem xét những nguyên tắc sau đây:

  1. Sự hiểu biết về việc phục sự và những mục đích của việc ấy sẽ giúp chúng ta đánh giá những nỗ lực của mình một cách chính xác hơn.

    • Việc phục sự không chỉ để xây đắp những mối quan hệ gắn bó hơn; mà còn nhằm giúp người khác củng cố mối quan hệ của họ với Đấng Cứu Rỗi.1

    • Việc phục sự không chỉ là một sự chỉ định, mà còn là cách chúng ta sống theo giao ước của mình để phục vụ Ngài bằng cách chăm sóc lẫn nhau.

    • Việc phục sự không tuân theo một khuôn mẫu được định trước. Việc đó thúc đẩy chúng ta cố gắng hơn để thích ứng với mỗi tình huống và để tìm kiếm sự soi dẫn nhằm phục sự theo cách của Đấng Cứu Rỗi.

  2. Hiểu biết về cách Thượng Đế nhìn nhận việc phục sự của chúng ta có thể thay đổi quan điểm của chúng ta.

    • Thượng Đế không đo lường việc phục sự dựa trên kết quả ấn tượng hoặc liệu nỗ lực của chúng ta thậm chí có được đánh giá cao hay không (xin xem tấm gương của Oliver Granger trong Giáo Lý và Giao Ước 117:12–13).2

    • Khi chúng ta mong muốn điều tốt lành và nỗ lực thực sự, thì việc phục sự của chúng ta có ý nghĩa đối với Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 4:2, 5).

    • Thượng Đế sẵn lòng làm vinh hiển ngay cả “việc phục sự nhỏ và không đáng kể” của chúng ta3 (xin xem Giáo Lý và Giao Ước123:17).

Chúng Ta Có Thể Làm Gì?

Thay vì lo lắng về điều mà anh chị em không nghĩ là mình có thể làm, hãy thành tâm cân nhắc điều mà anh chị em có thể làm. Sau đó, hãy hành động. Khi anh chị em hành động trong danh của Chúa, Ngài sẽ làm vinh hiển nỗ lực của anh chị em và sử dụng chúng để ban phước cho anh chị em và người khác (xin xem 2 Nê Phi 32:9).

Ghi Chú

  1. Xin xem Russell M. Nelson, “Phục Sự với Quyền Năng và Thẩm Quyền của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 69–70.

  2. Để tìm hiểu thêm về Oliver Granger và cách Thượng Đế đo lường sự thành công của chúng ta, hãy đọc Boyd K. Packer, “Những Người Rất Hèn Mọn Này,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 86–88.

  3. Henry B. Eyring, “Đáp Ứng Sự Kêu Gọi của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, trang 77.