2022
Sự Sáng Tạo
Tháng Một/Tháng Hai năm 2022


Hãy Đến Mà Theo Ta

Sự Sáng Tạo

Sáng Thế Ký 1–2; Môi Se 2–3; Áp Ra Ham 4–5

Hình Ảnh
earth with sun and moon

Thế gian được sáng tạo bởi Chúa Giê Su Ky Tô dưới sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng để chúng ta có một nơi để sinh sống, học hỏi, và sử dụng quyền tự quyết của mình để chọn điều đúng (xin xem Áp Ra Ham 3:24–26).

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng việc “sáng tạo … không có nghĩa là tạo ra từ hư không; mà việc đó có nghĩa là tổ chức, cũng như khi một người tổ chức các vật liệu và xây một con tàu.”1 Từ “sáng tạo” trong tiếng Hê Bơ Rơ có nghĩa là tạo hình, uốn nắn, tổ chức, và hình thành (xin xem Sáng Thế Ký1:1; Áp Ra Ham 3:24).

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích rằng “bản thân quá trình Sáng Tạo vật chất được trải qua các thời kỳ có trình tự,” chứ không phải theo ngày. “Dù được gọi là ngày, hay thời kỳ, hay thời đại, thì mỗi giai đoạn [của Sự Sáng Tạo] là một khoảng thời gian giữa hai sự kiện có thể xác định được—một phần của thời vĩnh cửu.”2

Ngày Thứ Nhất: Ánh Sáng và Bóng Tối

“Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng,” và Ngài “phân sáng ra cùng tối”, tạo ra ngày và đêm (xin xem Sáng Thế Ký 1:3–5).

Ngày Thứ Nhì: Nước và Trời

Thượng Đế đã phân rẽ nước và trời. “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước. … Đức Chúa Trời đặt tên khoảng không là trời.” (Xin xem Sáng Thế Ký 1:6–8.)

Ngày Thứ Ba: Đại Dương và Đất Liền

“Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn … nơi nước tụ lại là biển” (Sáng Thế Ký 1:10). Lúc đó, thế gian đã sẵn sàng cho đời sống thực vật (xin xem Sáng Thế Ký 1:11–12).

Ngày Thứ Tư: Mặt Trời và Thời Tiết

Thượng Đế tạo nên mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao “để phân ra ngày với đêm” và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm” (xin xem Sáng Thế Ký 1:14–16).

Ngày Thứ Năm: Các Vật Sống

Thượng Đế đã sáng tạo “các vật sống” (Sáng Thế Ký 1:21). Các động vật này được truyền lệnh để sanh sản thêm nhiều cho đầy dẫy dưới biển và trên đất (xin xem Sáng Thế Ký 1:22).

Ngày Thứ Sáu: A Đam và Ê Va

Quá trình sáng tạo sự sống của Thượng Đế tiếp tục với “các thú vật trên đất”, “các gia súc”, và “các loài bò sát” (Áp Ra Ham 4:24–25). Sau đó Ngài đã tạo ra A Đam và Ê Va “giống như hình ảnh của thể xác Ngài” (Môi Se 6:9) và truyền lệnh cho họ phải “hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, … và quản trị … các vật sống” (Sáng Thế Ký 1:28).

Ngày Thứ Bảy: Ngày Nghỉ Ngơi

Sau khi hoàn thành công việc của Ngài, Thượng Đế nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. “Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi” (Sáng Thế Ký 2:3).

Thượng Đế sau đó truyền lệnh rằng chúng ta cũng phải “nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8).

Chúng ta có thể làm cho ngày Sa Bát được thánh bằng cách dành thời gian để đi nhà thờ, dự phần Tiệc Thánh, và tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi. Chúa đã phán dạy: “Vì thật vậy, đây là ngày đã được định để cho các ngươi nghỉ ngơi khỏi phải lao nhọc, và để trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao” (Giáo Lý và Giao Ước 59:10).

Trong ngày Sa Bát, “những ý nghĩ, hành động, và cử chỉ của chúng ta là các dấu hiệu để dâng lên Thượng Đế và là một dấu chỉ cho tình yêu thương chúng ta dành cho Ngài.”3

Ghi Chú

  1. Joseph Smith, bài nói chuyện được đưa ra vào ngày 7 tháng Tư năm 1844, trong tài liệu History, 1838–1856, quyển E-1 [ngày 1 tháng Bảy năm1843–ngày 30 tháng Tư năm 1844], trang 1973, josephsmithpapers.org.

  2. Russell M. Nelson, “The Creation,” Liahona, tháng Bảy năm 2000, trang 103.

  3. David A. Bednar, “Những Lời Hứa Rất Quí Rất Lớn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 92; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 130.