Đại Hội Trung Ương
Sự Cần Thiết Phải Có một Giáo Hội
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


Sự Cần Thiết Phải Có một Giáo Hội

Thánh thư dạy rõ về nguồn gốc và sự cần thiết phải có một giáo hội được dẫn dắt bởi và với thẩm quyền của Chúa chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Cách đây nhiều năm, Anh Cả Mark E. Petersen, một thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã bắt đầu một bài nói chuyện với ví dụ sau đây:

“Kenneth và vợ của ông, Lucille, là những người tốt bụng, lương thiện và ngay thẳng. Tuy vậy, họ không đi nhà thờ, và cảm thấy họ chỉ cần làm người tốt là đủ mà không cần phải đi nhà thờ. Họ dạy con cái họ về sự lương thiện và đức hạnh, và tự nhủ là Giáo Hội cũng chỉ dạy chúng thế thôi.

“Và hơn nữa, họ khăng khăng là họ cần những ngày cuối tuần cho việc giải trí của gia đình… [và] nếu đi nhà thờ thì họ sẽ không còn đủ thời gian để giải trí.” 1

Hôm nay, sứ điệp của tôi liên quan đến những người tốt bụng và có ý tưởng sùng đạo mà đã ngừng không tham dự hoặc tham gia trong các giáo hội của họ. 2 Khi tôi đề cập đến “giáo hội”, tôi muốn nói đến cả các giáo đường, nhà thờ, nhà hội, hoặc các tổ chức tôn giáo khác. Chúng tôi lo ngại rằng số người tham dự trong tất cả các tòa nhà này đang giảm xuống đáng kể trên toàn quốc. 3 Nếu chúng ta không còn coi trọng giáo hội của mình nữa vì bất cứ lý do gì, thì chúng ta đang đe dọa cuộc sống thuộc linh cá nhân của mình, và một con số đáng kể những người đang tự mình tách ra khỏi Thượng Đế sẽ làm giảm các phước lành của Ngài dành cho các quốc gia của chúng ta.

Việc tham dự và sinh hoạt trong một giáo hội giúp chúng ta trở thành người tốt hơn và có ảnh hưởng tốt hơn đến cuộc sống của người khác. Trong giáo hội, chúng ta được dạy cách để áp dụng các nguyên tắc tôn giáo. Chúng ta học hỏi lẫn nhau. Việc quan sát một tấm gương có sức thuyết phục thì mạnh mẽ hơn là lắng nghe một bài thuyết giáo. Chúng ta được củng cố bằng cách giao thiệp với những người có cùng chung ý tưởng. Khi tham dự và tham gia trong giáo hội, tấm lòng chúng ta “lấy sự yêu thương mà liên hiệp.” 4

I.

Thánh thư mà Thượng Đế ban cho các Ky Tô Hữu trong Kinh Thánh và trong điều mặc khải hiện đại dạy rõ là cần phải có một giáo hội. Cả hai đều cho thấy Chúa Giê Su Ky Tô đã tổ chức một giáo hội và dự tính rằng một giáo hội sẽ tiếp tục thực hiện công việc của Ngài sau này. Ngài đã kêu gọi Mười Hai Vị Sứ Đồ và ban cho họ thẩm quyền và các chìa khóa để hướng dẫn giáo hội đó. Kinh Thánh dạy rằng Đấng Ky Tô là “đầu hội thánh” 5 và các chức sắc trong đó được ban cho “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng [Ky Tô].” 6 Chắc chắn là Kinh Thánh đề cập rất rõ đến nguồn gốc của một giáo hội và sự cần thiết cần phải có một giáo hội ngày nay.

Có người nói tham dự các buổi nhóm họp nhà thờ không giúp ích gì cho họ. Có người thì nói: “Hôm nay tôi chẳng học hỏi được gì cả” hoặc “Không có ai thân thiện với tôi cả” hoặc “Tôi cảm thấy bị xúc phạm.” Đừng bao giờ để cho nỗi thất vọng cá nhân ngăn cách chúng ta khỏi giáo lý của Đấng Ky Tô, là Đấng dạy chúng ta phục vụ, chứ không phải được phục vụ. 7 Với suy nghĩ này, một tín hữu khác mô tả mục đích của việc đi nhà thờ của mình:

“Cách đây nhiều năm, tôi đã thay đổi thái độ của mình về việc đi nhà thờ. Tôi không còn đi nhà thờ vì lợi ích của tôi nữa, mà để nghĩ về những người khác. Tôi cố gắng chào hỏi những người ngồi một mình, chào mừng những người khách đến thăm, … tình nguyện làm một công việc được chỉ định. …

“Nói tóm lại, tôi đi nhà thờ mỗi tuần với ý định phải tích cực, chứ không tiêu cực, và tạo ra một sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của mọi người.” 8

Hình Ảnh
Chào đón ở nhà thờ

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy rằng “chúng ta không đi đến các buổi họp trong ngày Sa Bát để tiêu khiển hay ngay cả chỉ để được giảng dạy. Chúng ta đi để thờ phượng Chúa. Đó là một trách nhiệm của cá nhân. … Nếu buổi lễ là thất bại đối với anh chị em thì chính là anh chị em đã thất bại. Không ai có thể thờ phượng thay cho anh chị em; anh chị em cần phải tự mình trông đợi Chúa.” 9

Việc tham dự trong giáo hội có thể mở rộng tấm lòng và thánh hóa tâm hồn chúng ta.

Hình Ảnh
Buổi họp hội đồng tiểu giáo khu

Trong giáo hội, chúng ta không chỉ phục vụ một mình hoặc tùy theo lựa chọn riêng hoặc vì thuận tiện. Chúng ta thường phục vụ trong một nhóm. Khi phục vụ, chúng ta tìm những cơ hội nhiệm mầu để vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân của thời đại chúng ta. Sự phục vụ do giáo hội hướng dẫn giúp chúng ta khắc phục tính ích kỷ của cá nhân mà có thể làm suy giảm sự phát triển thuộc linh của mình.

Tôi cũng muốn đề cập đến các lợi thế quan trọng khác nữa, dù chỉ trong chốc lát. Trong giáo hội, chúng ta giao thiệp với những người tuyệt vời mà đang cố gắng hết sức để phục vụ Thượng Đế. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không đơn độc trong các sinh hoạt tôn giáo của mình. Chúng ta đều cần giao thiệp với người khác, và mối giao thiệp trong giáo hội là một số mối giao thiệp bổ ích nhất chúng ta có thể trải nghiệm được, cho bản thân và cho vợ chồng con cái chúng ta. Nghiên cứu cho thấy là nếu không có những mối giao thiệp này, đặc biệt là giữa trẻ em và các bậc cha mẹ trung tín, thì càng ngày càng khó hơn để cha mẹ nuôi dạy con cái trong tín ngưỡng của họ. 10

II.

Cho đến giờ, tôi đã nói về các giáo hội nói chung. Bây giờ tôi sẽ đề cập đến những lý do đặc biệt đối với vai trò tín hữu, sự tham dự, và tham gia trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi của Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
Đền Thờ Salt Lake

Dĩ nhiên, chúng ta khẳng định rằng thánh thư, cổ điển và hiện đại, đều dạy rõ về nguồn gốc và sự cần thiết phải có một giáo hội được dẫn dắt bởi và với thẩm quyền của Chúa chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cũng làm chứng rằng Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đã được thiết lập để giảng dạy giáo lý trọn vẹn của Ngài và thi hành cùng với thẩm quyền chức tư tế của Ngài nhằm thực hiện các giáo lễ cần thiết để vào vương quốc của Thượng Đế. 11 Các tín hữu nào bỏ không tham dự Giáo Hội và chỉ trông cậy vào phần thuộc linh của cá nhân đều tự tách rời khỏi những yếu tố thiết yếu của phúc âm: quyền năng và các phước lành của chức tư tế, sự trọn vẹn của giáo lý phục hồi, và động lực cũng như cơ hội để áp dụng giáo lý đó. Họ đánh mất cơ hội của mình để hội đủ điều kiện làm cho gia đình họ được tồn tại suốt thời vĩnh cửu.

Một lợi ích lớn lao nữa của Giáo Hội phục hồi là để giúp chúng ta phát triển về mặt thuộc linh. Phát triển có nghĩa là thay đổi. Trong thuật ngữ thuộc linh, điều này có nghĩa là hối cải và tìm cách để đến gần Chúa hơn. Trong Giáo Hội phục hồi chúng ta có giáo lý, các thủ tục, và những người giúp đỡ đầy soi dẫn để giúp đỡ chúng ta hối cải. Mục đích của họ, ngay cả trong các hội đồng tư cách tín hữu, không phải là trừng phạt giống như kết cục của một tòa án hình sự. Các hội đồng tư cách tín hữu của Giáo Hội ân cần tìm cách để giúp chúng ta hội đủ điều kiện cho lòng thương xót của sự tha thứ mà có thể đạt được qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Cặp vợ chồng truyền giáo
Hình Ảnh
Đang đi về phía đền thờ

Phần thuộc linh của riêng một người có thể hiếm khi tạo ra động lực và kết cấu cho sự phục vụ vị tha mà Giáo Hội phục hồi cung ứng. Ví dụ điển hình của điều này là các thanh niên nam nữ và những người cao niên bỏ qua một bên việc học hành hoặc các sinh hoạt hưu trí để chấp nhận sự kêu gọi phục vụ truyền giáo. Công việc của họ với tư cách là người truyền giáo cho những người lạ ở nơi xa lạ mà họ không được chọn. Cũng đúng như vậy với các tín hữu trung tín tham gia vào sự phục vụ vị tha mà chúng ta gọi là “công việc đền thờ.” Không có sự phục vụ nào như thế có thể được thực hiện nếu không có Giáo Hội bảo trợ, tổ chức, và hướng dẫn.

Đức tin tôn giáo của các tín hữu chúng ta và sự phục vụ trong Giáo Hội đã dạy họ cách làm việc trong những nỗ lực hợp tác mang lại lợi ích cho cộng đồng rộng lớn hơn. Loại kinh nghiệm và sự phát triển đó không diễn ra trong chủ nghĩa cá nhân mà đang rất thịnh hành trong những hoạt động của xã hội hiện nay. Trong cách tổ chức tiểu giáo khu địa phương của chúng ta theo vị trí địa lý, chúng ta giao thiệp và làm việc với những người mà mình có thể không được chọn, những người mà giảng dạy và thử thách chúng ta.

Ngoài việc giúp chúng ta học hỏi những đức tính thuộc linh như tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự tha thứ, và lòng kiên nhẫn, lợi thế này tạo cho chúng ta cơ hội để học cách làm việc với những người có hoàn cảnh và sở thích rất khác biệt. Lợi thế này đã giúp nhiều tín hữu của chúng ta và nhiều tổ chức được ban phước nhờ sự tham gia của họ. Các Thánh Hữu Ngày Sau nổi tiếng về khả năng của họ để lãnh đạo và đoàn kết trong những nỗ lực hợp tác. Truyền thống đó bắt nguồn từ những người tiền phong can đảm của chúng ta đã đến định cư ở Vùng Núi Miền Tây và thiết lập truyền thống quý giá hợp tác vị tha vì lợi ích chung.

Hình Ảnh
Dự án Những Bàn Tay Giúp Đỡ

Phần lớn các nỗ lực nhân đạo và từ thiện đều cần được hoàn thành bằng cách phối hợp các nguồn lực riêng lẻ và cùng nhau phục vụ trên quy mô lớn. Giáo Hội phục hồi làm điều này với những nỗ lực nhân đạo to lớn trên toàn cầu. Nỗ lực này gồm có phân phát đồ dùng học tập và y tế, cho người đói ăn, chăm sóc người tị nạn, giúp đảo ngược ảnh hưởng của thói nghiện, và còn nhiều nữa. Các tín hữu Giáo Hội của chúng ta nổi tiếng về các dự án Bàn Tay Giúp Đỡ khi có thiên tai. Vai trò tín hữu trong Giáo Hội cho phép chúng ta dự phần vào các nỗ lực quy mô lớn như vậy. Các tín hữu còn đóng tiền nhịn ăn để giúp người nghèo khó trong số họ.

Hình Ảnh
Dự phần Tiệc Thánh

Ngoài cảm giác bình an và niềm vui qua sự đồng hành của Thánh Linh, các tín hữu của chúng ta tham dự nhà thờ hàng tuần đều vui hưởng kết quả của việc sống theo phúc âm, chẳng hạn như các phước lành của việc sống theo Lời Thông Sáng và của sự thịnh vượng về mặt vật chất và thuộc linh mà đã được hứa cho những người sống theo luật thập phân. Chúng ta cũng có phước lành để nhận được lời khuyên bảo từ các vị lãnh đạo đầy soi dẫn.

Trên hết tất cả các phước lành này là các giáo lễ chức tư tế có thẩm quyền cần thiết cho thời vĩnh cửu, kể cả Tiệc Thánh mà chúng ta nhận được vào mỗi ngày Sa Bát. Giáo lễ tột bậc trong Giáo Hội phục hồi là giao ước trường cửu của hôn nhân, mà làm cho các mối quan hệ gia đình vinh quang có thể được kéo dài mãi mãi. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy nguyên tắc này theo một cách đáng nhớ. Ông nói: “Chúng ta không thể mong ước đi vào nơi hiện diện của Thượng Đế. Chúng ta phải tuân theo các luật pháp mà [phước lành đó] được căn cứ vào.” 12

Một trong các luật pháp này là phải thờ phượng ở nhà thờ mỗi ngày Sa Bát. 13 Sự thờ phượng của chúng ta và sự áp dụng các nguyên tắc vĩnh cửu mang chúng ta đến gần Ngài hơn và làm vinh hiển khả năng của chúng ta để yêu thương. Parley P. Pratt, một trong các Vị Sứ Đồ ban đầu của gian kỳ này, đã mô tả cảm giác của ông khi Tiên Tri Joseph Smith giải thích các nguyên tắc này: “Tôi cảm thấy rằng Thượng Đế quả thật là Cha Thiên Thượng của tôi; rằng Chúa Giê Su là anh trai của tôi, và rằng người vợ của lòng tôi là một người bạn đời trần thế, vĩnh cửu: một người tốt bụng, một thiên thần phục sự, được ban cho tôi như là một niềm an ủi, và một mão triều thiên mãi mãi và đời đời. Tóm lại, giờ đây tôi có thể yêu với tinh thần và cũng với sự hiểu biết nữa.” 14

Để kết thúc, tôi xin nhắc nhở tất cả mọi người rằng chúng tôi không tin là sự tốt lành có thể đạt được chỉ qua một giáo hội. Bên ngoài một giáo hội, chúng ta thấy hàng triệu người hỗ trợ và thực hiện vô số việc làm tốt. Một cách riêng rẽ, Các Thánh Hữu Ngày Sau tham gia vào nhiều việc làm như thế. Chúng ta thấy những việc làm này như là sự thể hiện của lẽ thật vĩnh cửu rằng “Thánh Linh ban sự sáng cho mọi người bước vào thế gian.” 15

Mặc dù những việc làm tốt đều có thể được thực hiện mà không cần đến một giáo hội, nhưng giáo lý trọn vẹn và các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao chỉ có sẵn trong Giáo Hội phục hồi. Thêm vào đó, việc tham dự nhà thờ mang đến cho chúng ta sức mạnh và đức tin gia tăng mà đến từ việc giao thiệp với những tín hữu khác và cùng nhau thờ phượng với những người cũng đang cố gắng ở trên con đường giao ước và trở thành các môn đồ tốt hơn của Đấng Ky Tô. Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta sẽ trở nên vững vàng trong những kinh nghiệm này của Giáo Hội khi chúng ta tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả các ân tứ của Thượng Đế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mark E. Petersen, “Eternal Togetherness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1974, trang 48.

  2. Xin xem D. Todd Christofferson, “Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108–111.

  3. Xin xem Jeffrey M. Jones, “U.S. Church Membership Falls below Majority for First Time,” Gallup, ngày 29 tháng Ba năm 2021, news.gallup.com/poll/341963/church-membership-falls-below-majority-first-time.aspx.

  4. Cô Lô Se 2:2.

  5. Xin xem Ê Phê Sô 5:23–24.

  6. Ê Phê Sô 4:12.

  7. Xin xem Gia Cơ 1:27.

  8. Mark Skousen gửi cho Dallin H. Oaks, ngày 15 tháng Hai năm 2009.

  9. Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (năm 2006), trang 173–174.

  10. Xin xem Elizabeth Weiss Ozotak, “Social and Cognitive Influences on the Development of Religious Beliefs and Commitment in Adolescence,” Journal for the Scientific Study of Religion, tập 28, quyển 4 (tháng Mười Hai năm 1989), 448–463.

  11. Xin xem Giăng 3:5.

  12. Russell M. Nelson, “Giờ Đây Là Thời Gian để Chuẩn Bị,” Liahona, tháng Năm năm 2005, trang 18.

  13. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:9.

  14. Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. biên soạn (năm 1938), trang 298.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 84:46; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 58:27–28.