Đại Hội Trung Ương
Của Cải Lớn Lao Nhất
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


Của Cải Lớn Lao Nhất

Mỗi người chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô với một lòng cương quyết đi theo phúc âm của Ngài.

Thánh thư có viết về một vị quan trẻ tuổi giàu có đã chạy đến bên Chúa Giê Su, quỳ dưới chân Ngài, với lòng chân thành thực sự, cầu vấn Đức Thầy: “Tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?” Sau khi xem lại một danh sách dài các lệnh truyền mà người này đã trung tín tuân giữ, Chúa Giê Su đã phán rằng người ấy phải bán hết gia tài của mình, đem bố thí cho kẻ nghèo khổ, vác thập tự giá của mình, và đi theo Ngài. Sự táo bạo trong chỉ thị đó đã làm cho vị quan trẻ tuổi này—dù trước đó rất quyết tâm—phải cảm thấy chùn bước, và anh ấy buồn bã bỏ đi bởi vì, thánh thư có viết, “người này có nhiều của lắm.” 1

Rõ ràng rằng đây là một câu chuyện nhằm cảnh báo về cách sử dụng của cải và nhu cầu của người nghèo. Nhưng cuối cùng đây chính là một câu chuyện về sự tận tụy hết lòng, vô điều kiện đối với trách nhiệm thiêng liêng. Dù giàu hay nghèo, mỗi người chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô với một lòng cương quyết đi theo phúc âm của Ngài như đã được trông đợi nơi vị quan trẻ tuổi này. Theo cách nói của giới trẻ ngày nay, thì chúng ta tự tuyên bố rằng: “theo hết.” 2

Trong một tác phẩm văn học đáng nhớ của mình, C.S. Lewis tưởng tượng thấy Chúa phán với chúng ta một điều như vầy: “Ta không muốn … thời giờ của ngươi … [hoặc] tiền bạc của ngươi … [hoặc] công việc của ngươi [nhiều như] ta [chỉ] muốn Ngươi. [Cái cây đó mà ngươi đang cắt tỉa.] Ta không muốn cắt đi một cành này hoặc cành nọ, Ta muốn … cắt toàn bộ [cây này]. [Và cái răng đó.] Ta không muốn khoan [nó], hoặc bọc nó lại, hoặc [trám] nó. [Ta muốn] nhổ nó ra. [Thực ra, ta muốn ngươi] dâng lên [cho ta] con người thiên nhiên của ngươi. … [Và] thay vào đó ta sẽ biến ngươi thành một con người mới. Thực ra, ta sẽ ban cho ngươi chính Bản Thân Ta: ý chí… của ta sẽ trở thành [của ngươi].” 3

Tất cả những người nói chuyện trong đại hội trung ương này đều sẽ nói, theo cách này hoặc cách khác, điều mà Đấng Ky Tô đã phán cùng người thanh niên giàu có này: “Hãy đến cùng Đấng Cứu Rỗi của anh chị em. Hãy đến một cách trọn vẹn và hết lòng. Hãy vác cây thập tự của anh chị em, dù nó nặng đến thế nào, và bước theo Ngài.” 4 Họ sẽ nói điều này vì biết rằng trong vương quốc của Thượng Đế, không có nỗ lực nửa vời, không có việc dừng lại nửa chừng, và không có việc bỏ cuộc. Đối với những người đã xin phép được chôn cất cha mẹ hoặc ít nhất từ giã những người thân trong gia đình, câu trả lời từ Chúa Giê Su rất khắt khe và dứt khoát. Ngài nói: “Hãy để dành việc đó cho người khác”. “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.” 5 Khi chúng ta được yêu cầu làm những việc khó khăn, ngay cả những việc trái với ước muốn trong lòng, thì hãy nhớ rằng lòng trung thành mà chúng ta dành cho chính nghĩa của Đấng Ky Tô phải là ưu tiên cao nhất trong cuộc sống. Mặc dù Ê Sai đã trấn an chúng ta rằng điều đó có sẵn mà “không cần tiền, không đòi giá,” 6 —và dù điều đó là đúng—chúng ta cần phải sẵn sàng, tôi xin mượn lời thơ của nhà thơ T. S. Eliot, để nói về cái giá phải trả “đơn giản chỉ là, tất cả mà thôi.” 7

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều có một số thói quen hoặc khuyết điểm hoặc quá khứ cá nhân mà có thể khiến chúng ta không hoàn toàn đắm mình về mặt thuộc linh vào công việc này. Nhưng Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta và đặc biệt hoàn hảo trong việc tha thứ và quên đi những tội lỗi mà chúng ta đã lãng quên, có lẽ vì chúng ta cho Ngài quá nhiều cơ hội để thực hành điều này. Dù gì đi nữa, luôn có sự giúp đỡ thiêng liêng cho mỗi người chúng ta vào bất kỳ lúc nào chúng ta cảm thấy cần thay đổi hành vi của mình. Thượng Đế đã “thay đổi tấm lòng” của Sau Lơ. 8 Ê Xê Chi Ên đã kêu gọi tất cả dân Y Sơ Ra Ên thời xưa hãy từ bỏ quá khứ và “làm cho mình lòng mới và thần mới.” 9 An Ma đã kêu gọi một “sự thay đổi lớn lao” 10 để linh hồn được hân hoan cởi mở, và chính Chúa Giê Su đã phán dạy rằng “nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.” 11 Rõ ràng khả năng thay đổi và sống theo một tiêu chuẩn cao hơn đã luôn là một trong các ân tứ từ Thượng Đế cho những ai tìm kiếm nó.

Thưa các bạn, trong thời điểm hiện tại, chúng ta thấy có rất nhiều hình thức chia rẽ, bè phái, từ khía cạnh kỹ thuật số đến lĩnh vực chính trị, với nhiều sự thù địch lẫn nhau. Chúng ta có nên tự hỏi liệu lối sống “cao quý và thánh thiện hơn,” 12 theo như lời của Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói, có phải là điều chúng ta nên tìm kiếm không? Khi làm như vậy, chúng ta nên nhớ lại giai đoạn tuyệt vời đó trong Sách Mặc Môn khi dân chúng đã hỏi và trả lời câu hỏi này một cách dứt khoát:

“Và chuyện rằng, không có sự tranh chấp nào xảy ra trong tất cả dân chúng khắp trong xứ … nhờ tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân.

“Và cũng không có những sự ganh tị, xung đột, … dâm dật nào xảy ra; và quả thật, chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.

“Chẳng còn kẻ trộm cắp, sát nhân, và cũng chẳng có người nào gọi là dân La Man nữa, và cũng không có một sắc dân nào riêng biệt, mà trái lại, tất cả mọi người đều là một, đều là con cái của Đấng Ky Tô, và là những người thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.

Và phước thay cho họ biết bao! 13

Điểm then chốt trong bước đột phá để có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc là gì? Điều đó được viết trong câu thánh thư sau đây: “Tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân.” 14 Khi tình thương yêu của Thượng Đế giúp định hình cho chính cuộc sống chúng ta, cho những mối quan hệ của chúng ta với nhau và cuối cùng là cho cảm nghĩ của chúng ta đối với nhân loại, thì những khác biệt, hạn chế, và chia rẽ giả tạo ngày xưa sẽ bắt đầu mất đi, và hòa bình gia tăng. Đó chính xác là điều đã xảy ra trong ví dụ Sách Mặc Môn của chúng ta. Đã không còn dân La Man, dân Gia Cốp, dân Giô Sép, hoặc dân Giô Ram nữa. Cũng không có một sắc dân riêng biệt nào nữa. Dân chúng đã mang lấy chỉ một danh tính siêu việt. Tất cả bọn họ đều được biết đến như các “con cái của Đấng Ky Tô.” 15

Tất nhiên, ở đây chúng ta đang nói đến lệnh truyền lớn lao đầu tiên được ban cho gia đình nhân loại—hết lòng thương yêu Thượng Đế, không với điều kiện hoặc thỏa hiệp nào, có nghĩa là, với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của chúng ta. 16 Tình yêu thương Thượng Đế này là lệnh truyền vĩ đại đầu tiên trong vũ trụ. Nhưng lẽ thật vĩ đại đầu tiên trong vũ trụ là Thượng Đế yêu thương chúng ta với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của Ngài. Và khi những nỗ lực lớn lao đó trong lòng của Ngài và của chúng ta hội tụ lại mà không bị kiềm chế, thì sẽ có một sự bùng nổ thật sự về sức mạnh thuộc linh và đạo đức. Sau đó, như Teilhard de Chardin đã viết, “[lần] thứ hai trong lịch sử thế giới, con người sẽ phát hiện ra lửa.” 17

Khi đó, và thực sự chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tuân giữ hiệu quả lệnh truyền lớn lao thứ nhì trong những cách không hời hợt hoặc tầm thường. Nếu chúng ta yêu thương Thượng Đế đủ để hoàn toàn trung tín với Ngài, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta khả năng, năng lực, ý chí, và cách thức để thương yêu người lân cận và bản thân chúng ta. Có lẽ khi đó, chúng ta sẽ có thể nói một lần nữa: “Chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.” 18

Thưa các anh chị em, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ thành công tại nơi mà người thanh niên giàu có đó đã thất bại, rằng chúng ta sẽ mang lấy thập tự giá của Đấng Ky Tô, cho dù có đòi hỏi đến đâu, bất chấp vấn đề và cái giá phải trả là gì. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta cam kết noi theo Ngài, bằng cách này hoặc cách khác, con đường đó sẽ đi ngang qua một cái mão gai và một cây thập tự giá La Mã lạnh lẽo. Bất kể vị quan trẻ tuổi giàu có ấy có bao nhiêu của cải, người ấy vẫn không đủ giàu có để thay thế những biểu tượng đó, và chúng ta cũng vậy. Khi xem xét phước lành của việc nhận được của cải lớn lao nhất—ân tứ của cuộc sống vĩnh cửu—thì đó chỉ là việc nhỏ khi chúng ta được đòi hỏi hãy vững bước để noi theo Thầy Tư Tế Thượng Phẩm mà chúng ta tin theo, là Ngôi Sao Ban Mai, Đấng Biện Hộ, và Vua của chúng ta. Tôi làm chứng cùng vị tiên tri A Ma Lê Ki ngày xưa rằng mỗi người chúng ta: “[hãy dâng] tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài.” 19 Chúng ta thường hát về sự tận tụy, quyết tâm và kiên trì đó:

Khẩn xin Ngài; Dùng dây ái từ này:

Buộc tim vẫn vơ tôi vào Ngài. …

Kính dâng lòng này xin Chúa niêm phong;

Nguyện được hiến dâng thẳng lên Ngài. 20

Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.