2010–2019
Các Ngươi Nên Là Những Người Như Thế Nào?
Tháng tư 2014


Các Ngươi Nên Là Những Người Như Thế Nào?

Hình Ảnh

Những thay đổi nào được đòi hỏi ở chúng ta để trở thành những người mà chúng ta nên trở thành?

Khi hình dung ra buổi họp này đang diễn ra trên khắp thế giới, chúng ta được nhắc nhở rằng không có điều gì có thể so sánh được với cuộc quy tụ này—ở bất cứ nơi đâu. Mục đích của phiên họp chức tư tế của đại hội trung ương là giảng dạy cho những người nắm giữ chức tư tế về việc chúng ta nên là những người như thế nào (xin xem 3 Nê Phi 27:27) và soi dẫn chúng ta đạt được điều lý tưởng đó.

Khi tôi còn là một người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn ở Hawaii cách đây nửa thế kỷ và khi còn là một người truyền giáo ở Anh, chúng tôi thường quy tụ trong các nhà hội và (với nỗ lực mãnh liệt) lắng nghe phiên họp chức tư tế qua đường dây điện thoại. Trong những năm sau đó, hệ thống vệ tinh cho phép các chương trình phát sóng đến các địa điểm Giáo Hội đã được chọn với những cái đĩa tiếp sóng rất lớn để chúng ta có thể nghe lẫn xem các buổi họp. Chúng ta đã kinh ngạc trước công nghệ đó! Rất ít người có thể tưởng tượng được thế giới ngày nay khi bất cứ ai truy cập vào Internet với điện thoại thông minh, máy tính bảng, hoặc máy vi tính đều có thể tiếp nhận các sứ điệp của buổi họp này.

Tuy nhiên, cách tiếp cận đang được phát triển rộng rãi này với tiếng nói của các tôi tớ của Chúa, mà cũng như là chính tiếng nói của Chúa (xin xem GLGƯ 1:38), đều không hữu dụng nhiều trừ khi chúng ta sẵn sàng tiếp nhận lời Ngài (xin xem GLGƯ 11:21) và sau đó làm theo lời đó. Nói một cách giản dị, mục đích của đại hội trung ương và của phiên họp chức tư tế này chỉ được làm tròn nếu chúng ta sẵn sàng hành động—nếu chúng ta sẵn sàng thay đổi.

Cách đây vài thập niên, tôi đang phục vụ với tư cách là một giám trợ. Trong một thời gian dài, tôi thường xuyên họp với một người trong tiểu giáo khu của chúng tôi. Anh này lớn tuổi hơn tôi. Mối quan hệ giữa vợ chồng anh ta đang gặp rắc rối và con cái của anh ta xa lánh anh ta. Anh ta chật vật cố gắng để giữ vững công việc làm, không có bạn bè thân thiết, và cảm thấy quá khó để giao tiếp với các tín hữu trong tiểu giáo khu nên cuối cùng anh ta đã không muốn phục vụ trong Giáo Hội. Trong một cuộc thảo luận căng thẳng về những thử thách trong cuộc sống của mình, anh ta nghiêng người về phía tôi—như để kết thúc cuộc nói chuyện cuối cùng trong vô số cuộc nói chuyện của chúng tôi—và nói: “Thưa giám trợ, tôi dễ nổi nóng, và tính tôi như thế đấy!”

Câu nói đó vào đêm hôm ấy làm tôi sửng sốt và đã ám ảnh tôi kể từ lúc ấy. Một khi người này đã quyết định—một khi bất cứ ai trong chúng ta đã kết luận là— “Tính tôi như thế đấy,” thì chúng ta từ bỏ khả năng của mình để thay đổi. Chúng ta cũng có thể từ bỏ các nỗ lực của mình để cải thiện bản thân trong cuộc sống này—không còn hy vọng để thay đổi tốt hơn nữa. Mặc dù một số người trong chúng ta có thể nghĩ điều tôi nói đây không mô tả chúng ta, nhưng có lẽ mỗi người chúng ta đều đã cho thấy ít nhất một hoặc hai thói quen xấu: “Tính tôi như thế đấy.”

Vâng, chúng ta nhóm họp trong buổi họp chức tư tế này là vì con người hiện tại của chúng ta chứ không phải là con người mà chúng ta có thể trở thành. Chúng ta nhóm họp ở đây buổi tối hôm nay trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta nhóm họp với sự tin tưởng rằng Sự Chuộc Tội của Ngài ban cho mỗi người chúng ta khả năng để thay đổi—bất kể sự yếu kém, yếu đuối, thói nghiện của chúng ta là gì đi nữa. Chúng ta nhóm họp với hy vọng rằng tương lai của mình đều có thể được tốt hơn, cho dù chúng ta đã làm gì trong quá khứ.

Khi chúng ta tham dự buổi họp này với “chủ ý thật sự” để thay đổi (Mô Rô Ni 10:4), thì Thánh Linh có thể tiếp cận trọn vẹn với tâm trí của chúng ta. Như Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith: “Và chuyện rằng, nếu họ … thực hành đức tin nơi ta”—hãy ghi nhớ đức tin là một nguyên tắc của quyền năng và hành động—“thì ta sẽ đổ Thánh Linh của ta lên họ vào ngày họ cùng nhau hội họp” (GLGƯ 44:2). Điều đó có nghĩa là tối hôm nay đây!

Nếu các anh em nghĩ rằng những thử thách của mình không thể vượt qua được, thì tôi xin kể cho các anh em nghe về một người mà chúng tôi gặp trong một ngôi làng nhỏ ở bên ngoài Hyderabad, Ấn Độ, vào năm 2006. Người này là một tấm gương sáng về việc sẵn lòng thay đổi. Appa Rao Nulu sinh ra ở vùng nông thôn Ấn Độ. Vào lúc ba tuổi, anh mắc bệnh bại liệt và bị tàn tật. Xã hội của anh đã dạy cho anh biết rằng tiềm năng của anh bị hạn chế nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi là thiếu niên, anh đã gặp những người truyền giáo của chúng ta. Họ đã dạy anh về một tiềm năng lớn lao hơn, trong cuộc sống này lẫn trong thời vĩnh cửu mai sau. Anh chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội. Với một tầm nhìn cao về bản thân và tiềm năng của mình một cách đáng kể, anh đã đặt ra mục tiêu để nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Năm 1986, anh được sắc phong là anh cả và được kêu gọi phục vụ ở Ấn Độ. Việc đi bộ không phải là dễ dàng, anh đã cố gắng hết sức để mỗi tay cầm một cây gậy và anh thường té ngã; nhưng anh chưa bao giờ bỏ cuộc cả. Anh đã lập cam kết là sẽ phục vụ truyền giáo một cách vinh dự và tận tụy, và anh đã làm đúng như vậy.

Khi chúng tôi gặp Anh Nulu, gần 20 năm sau khi anh phục vụ truyền giáo, anh vui vẻ chào đón chúng tôi ở cuối con đường và dẫn chúng tôi đến một con đường đất ghập ghềnh đến căn nhà có hai phòng nơi anh đang sống với vợ và ba đứa con. Đó là một ngày nóng nực và khó chịu. Anh vẫn còn gặp khó khăn khi bước đi, nhưng không hề tự mình ta thán. Qua nỗ lực chuyên cần của bản thân, anh đã trở thành giáo viên, dạy học cho các trẻ em trong làng. Khi chúng tôi bước vào căn nhà khiêm tốn của anh, anh lập tức đưa tôi đến một góc nhà và lấy ra một cái hộp có chứa tài sản quan trọng nhất của anh. Anh muốn tôi thấy một mảnh giấy. Mảnh giấy ghi rằng: “Với lời chúc tốt đẹp và phước lành cho Anh Cả Nulu, một người truyền giáo can đảm và hạnh phúc; [đề ngày] 25 tháng Sáu năm 1987; [ký tên] Boyd K. Packer.” Vào dịp đó, Chủ Tịch Packer lúc bấy giờ là Anh Cả Packer đã đến thăm Ấn Độ và đã nói chuyện với một nhóm người truyền giáo, Chủ Tịch khẳng định với Anh Cả Nulu về tiềm năng của anh ấy. Nói tóm lại, vào ngày đó năm 2006, Anh Nulu đã nói với tôi là phúc âm đã thay đổi anh—một cách vĩnh viễn!

Trong chuyến đi thăm gia đình Nulu này, chúng tôi đã đi cùng với chủ tịch phái bộ truyền giáo. Ông đến đó để phỏng vấn Anh Nulu, vợ và các con của anh—để cha mẹ nhận được lễ thiên ân của họ và được làm lễ gắn bó và cho con cái được làm lễ gắn bó với cha mẹ chúng. Chúng tôi cũng đã trình bày với gia đình này về việc thu xếp cho họ để đi đến Đền Thờ Hồng Kông Trung Quốc để làm các giáo lễ này. Họ khóc với niềm vui vì giấc mơ họ đã chờ đợi từ lâu giờ sắp được thực hiện.

Điều gì được kỳ vọng ở một người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế? Những thay đổi nào được đòi hỏi ở chúng ta để trở thành những người mà chúng ta nên trở thành? Tôi xin đưa ra ba đề nghị:

  1. Chúng ta cần phải là những người đàn ông xứng đáng để nắm giữ chức tư tế! Cho dù chúng ta là các thiếu niên nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn hoặc những người đàn ông mang Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, thì chúng ta cũng cần phải là những người đàn ông có chức tư tế, cho thấy mức độ trưởng thành về phần thuộc linh vì chúng ta đã lập các giao ước. Như Phao Lô đã nói: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ” (1 Cô Rinh Tô 13:11). Chúng ta cần phải khác biệt vì chúng ta nắm giữ chức tư tế—không kiêu căng hay ngạo mạn hoặc hợm hĩnh—mà phải khiêm tốn, dễ dạy và nhu mì. Việc nhận được chức tư tế và các chức phẩm khác nhau của chức đó phải có một ý nghĩa nào đó đối với chúng ta. Đó không phải là một việc làm cho có lệ tự động xảy ra ở vào một độ tuổi nào đó, nhưng phải là một hành động thiêng liêng của giao ước đã được lập một cách thận trọng. Chúng ta nên cảm thấy vinh dự và biết ơn đến mức mọi hành động của chúng ta đều thể hiện điều đó. Nếu chúng ta ít khi nghĩ đến chức tư tế, thì chúng ta cần phải thay đổi.

  2. Chúng ta cần phải phục vụ! Khía cạnh cơ bản của việc nắm giữ chức tư tế là phải “làm vinh hiển chức vụ kêu gọi [của chúng ta]” (xin xem GLGƯ 84:33) bằng cách phục vụ những người khác. Chúng ta không nên là loại người tránh bổn phận quan trọng, nhất là phục vụ vợ con của mình, không chấp nhận hoặc thụ động trong việc làm tròn chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội, hoặc không quan tâm đến những người khác trừ khi đó là điều thuận tiện. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma Thi Ơ 22:37) và sau đó Ngài phán thêm: “Nếu các ngươi yêu mến ta thì các ngươi hãy phục vụ … ta” (GLGƯ 42:29). Tính ích kỷ là sự tương phản với trách nhiệm của chức tư tế, và nếu đây là một cá tính của chúng ta, thì chúng ta cần phải thay đổi.

  3. Chúng ta cần phải xứng đáng! Tôi có thể không có khả năng như Anh Cả Jeffrey R. Holland, khi ông nói trong một phiên họp chức tư tế cách đây một vài năm để “đứng rất gần các (anh) em … , đối diện, với giọng nói đầy phấn khởi và khích lệ” (”Tất Cả Chúng Ta Đều Tham Gia,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 45), nhưng, các anh em thân mến, chúng ta cần phải bắt đầu nhận thức được rằng làm thế nào một số sinh hoạt mà hiện nay thường được chấp nhận trên thế gian đang hạn chế quyền năng của chúng ta trong chức tư tế. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình còn để bị cám dỗ, cho dù chỉ một mức độ nhỏ, bởi hình ảnh sách báo khiêu dâm hoặc vi phạm luật trinh khiết hay sự bất lương dưới bất cứ hình thức nào và không có ảnh hưởng xấu đến chúng ta và gia đình mình, thì chúng ta đang bị lừa dối đó. Mô Rô Ni nói: “Phải lưu ý làm tất cả mọi việc một cách xứng đáng” (Mặc Môn 9:29). Chúa đã chỉ thị một cách mạnh mẽ: “Và giờ đây ta ban cho các ngươi một lệnh truyền là phải coi chừng về bản thân mình, và chuyên tâm chú ý đến những lời về cuộc sống vĩnh cửu” (GLGƯ 84:43). Nếu có bất kỳ tội lỗi nào chưa được giải quyết mà cản trở sự xứng đáng của chúng ta, thì chúng ta cần phải thay đổi.

Câu trả lời đầy đủ duy nhất cho câu hỏi do Chúa Giê Su Ky Tô đặt ra: “Các ngươi nên là những người như thế nào?” chính là câu trả lời súc tích và sâu sắc mà Ngài đã đưa ra: “Các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27). Lời mời gọi “hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32) cả hai đều đòi hỏi và kỳ vọng sự thay đổi. Ngài đã thương xót không bỏ chúng ta một mình. “Và nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ … Ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27). Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể thay đổi. Tôi chắc chắn điều này là như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.