2010–2019
“Đừng Sợ, vì Ta Ở với Ngươi”
Tháng tư 2014


“Đừng Sợ, vì Ta Ở với Ngươi”

Hình Ảnh

Khi phát triển đức tin và tin cậy Chúa nhiều hơn, chúng ta có thể tiếp cận quyền năng của Ngài để ban phước và giải thoát chúng ta.

Có một vài cảm giác so sánh với những mối cảm xúc dịu dàng của việc trở thành cha mẹ. Không có điều gì tuyệt vời hơn là trực tiếp nhận được một đứa bé sơ sinh quý báu từ thiên thượng. Cậu em trai của tôi đã trải qua kinh nghiệm đó trong một cách vô cùng cảm động. Đứa con trai bé nhỏ đầu lòng của cậu ấy sinh non và chỉ nặng 1,3 kilô. Hai tháng đầu của cuộc đời của Hunter là ở trong khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của bệnh viện. Đó là những tháng tràn đầy tình yêu thương trìu mến của mọi người trong gia đình khi chúng tôi hy vọng và khẩn cầu Chúa để được Ngài giúp đỡ.

Bé Hunter cần giúp đỡ rất nhiều. Bé cố gắng để có đủ sức mạnh cần thiết để sống. Bàn tay mạnh mẽ của người cha nhân từ của nó thường nắm lấy bàn tay nhỏ bé của đứa con trai để khuyến khích đứa con nhỏ yếu ớt.

Và điều đó cũng giống như vậy đối với tất cả con cái của Thượng Đế. Cha Thiên Thượng tìm đến mỗi người chúng ta với tình yêu thương vô hạn của Ngài. Ngài có quyền năng đối với tất cả mọi thứ và mong muốn giúp chúng ta học hỏi, phát triển, và trở về với Ngài. Điều này xác định mục đích của Đức Chúa Cha “là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”1

Khi phát triển đức tin và tin cậy Chúa nhiều hơn, chúng ta có thể tiếp cận quyền năng của Ngài để ban phước và giải thoát chúng ta.

Trong suốt các trang của Sách Mặc Môn đều có đề tài tuyệt vời về quyền năng của Chúa để giải thoát con cái của Ngài. Nê Phi giới thiệu đề tài này ngay trong chương đầu tiên của sách. Trong câu 20, chúng ta đọc: “Này, tôi, Nê Phi, sẽ cho các người thấy rằng, tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa, nhờ đức tin của họ, để làm cho họ hùng mạnh ngay cả có được quyền năng giải thoát.”2

Cách đây nhiều năm, tôi đã đích thân biết các lẽ thật đã được cho thấy trong câu này. Tôi trở nên biết việc gần gũi Cha Thiên Thượng là thực sự như thế nào và Ngài mong muốn giúp đỡ chúng ta biết bao.

Một buổi tối nọ, trong khi màn đêm buông xuống, tôi đang lái xe chở các con tôi thì tôi thấy một đứa bé đang đi bộ dọc trên con đường vắng vẻ. Sau khi lái xe vượt qua nó, tôi đã có một ấn tượng rõ rệt là tôi nên quay trở lại và giúp nó. Nhưng vì tôi lo lắng là điều đó có thể làm cho nó sợ hãi vì có một người lạ đậu xe lại bên cạnh nó vào ban đêm nên tôi tiếp tục lái đi. Một lần nữa, ấn tượng mạnh mẽ đó đến với tâm trí tôi rằng: “Hãy đi giúp đứa bé đó!”

Tôi lái xe trở lại cậu bé đó và hỏi: “Cháu có cần giúp đỡ không? Cô có cảm giác là cô phải giúp đỡ cháu.”

Nó quay về phía chúng tôi và nước mắt chảy dài trên má, nó nói: “Xin cô giúp đỡ cháu. Cháu đã cầu nguyện để có ai đó sẽ giúp đỡ cháu.”

Lời cầu nguyện của nó để được giúp đỡ đã được đáp ứng với sự soi dẫn do thiên thượng gửi tới tôi. Kinh nghiệm nhận được sự hướng dẫn rõ ràng như vậy từ Thánh Linh đã để lại dấu ấn khó quên mà vẫn còn trong lòng tôi.

Và giờ đây sau 25 năm và nhờ vào tấm lòng thương xót dịu dàng, tôi đã liên lạc lại được với đứa bé này chỉ cách đây vài tháng. Tôi khám phá ra rằng kinh nghiệm này không phải chỉ là câu chuyện của tôi—mà đó cũng là câu chuyện của đứa bé ấy nữa. Bây giờ Deric Nance là một người cha đã có gia đình riêng. Cậu ấy cũng không bao giờ quên kinh nghiệm này. Điều đó đã giúp chúng tôi đặt một nền tảng đức tin rằng Thượng Để nghe và đáp ứng lời cầu nguyện của chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều đã sử dụng kinh nghiệm đó để giảng dạy cho con cái của mình rằng Thượng Đế đang trông nom chúng ta. Chúng ta không đơn độc một mình.

Vào đêm hôm đó, Deric đã ở lại trường sau giờ học vì một sinh hoạt và đã lỡ chuyến xe buýt cuối cùng. Là một thiếu niên, cậu ta cảm thấy tự tin là mình có thể trở về nhà được, vì vậy cậu ta bắt đầu đi bộ.

Một giờ rưỡi đã trôi qua và cậu ta đang bước đi trên con đường vắng vẻ. Cậu ta đã sợ hãi vì vẫn còn nhiều cây số nữa mới đến nhà và chẳng thấy có nhà ai cả. Trong nỗi tuyệt vọng, cậu ta đi ra phía sau một đống sỏi, quỳ xuống và cầu xin Cha Thiên Thượng giúp đỡ. Chỉ trong vài phút sau khi Deric trở lại đường đi, tôi đã dừng lại để đưa ra sự giúp đỡ mà cậu ấy đã cầu xin.

Và giờ đây sau nhiều năm, Deric nhớ lại: “Chúa đã quan tâm đến cháu, một đứa bé gầy gò, thiển cận. Và mặc dù tất cả mọi điều khác đang xảy ra trên thế giới, nhưng Ngài cũng đã biết được hoàn cảnh của cháu và yêu thương cháu đủ để gửi người đến giúp đỡ. Chúa đã đáp ứng lời cầu nguyện của cháu nhiều lần kể từ lúc bị lạc đường đó. Sự đáp ứng của Ngài không phải luôn luôn xảy ra ngay lập tức và rõ ràng, nhưng việc Ngài biết cháu là điều hiển nhiên vào ngày nay cũng như vào cái đêm cô đơn ấy. Bất cứ khi nào cảm thấy trĩu nặng với những lo lắng của thế gian, thì cháu biết là Ngài luôn luôn có một kế hoạch để chắc chắn là cháu sẽ trở về nhà an toàn một lần nữa.”

Như Deric đã nói, không phải lời cầu nguyện nào cũng được đáp ứng một cách nhanh chóng. Nhưng thật sự là Đức Chúa Cha biết chúng ta và nghe những lời khẩn cầu của tâm hồn chúng ta. Ngài thực hiện phép lạ theo từng lời cầu nguyện một, từng người một.

Chúng ta có thể tin cậy rằng Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta, không nhất thiết phải theo cách mình muốn nhưng theo cách tốt nhất để giúp chúng ta tăng trưởng. Sự vâng phục ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Ngài có thể là khó, nhưng đó là điều thiết yếu để trở thành giống như Ngài và tìm kiếm sự bình an Ngài ban cho chúng ta.

Chúng ta có thể tiến đến việc cảm thấy như C. S. Lewis đã mô tả: “Tôi cầu nguyện vì tôi không thể tự giúp mình… Tôi cầu nguyện vì tôi luôn luôn có nhu cầu đi đứng và ngủ. Việc cầu nguyện không phải thay đổi Thượng Đế mà là thay đổi tôi.”3

Có rất nhiều câu chuyện trong thánh thư về những người đã tin cậy vào Chúa và là những người đã được Ngài giúp đỡ và giải thoát. Hãy nghĩ về Đa Vít, là người đã thoát chết khỏi tay của người khổng lồ Gô Li Át bằng cách trông cậy vào Chúa. Hãy xem Nê Phi, là người có những lời khẩn cầu lên Thượng Đế để giải thoát ông ra khỏi những sợi dây trói. Hãy nhớ tới thiếu niên Joseph Smith, là người đã thành tâm tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa. Ông đã được giải thoát khỏi quyền lực của bóng tối và nhận được một sự đáp ứng kỳ diệu. Mỗi người này đều đã đối phó với những thử thách thực sự và khó khăn. Mỗi người này đều đã hành động trong đức tin và đặt sự tin cậy của mình vào Chúa. Mỗi người này đều đã nhận được sự giúp đỡ của Ngài. Và trong thời kỳ của chúng ta, quyền năng và tình yêu thương của Thượng Đế vẫn còn được biểu hiện trong cuộc sống của con cái Ngài.

Gần đây, tôi đã thấy điều đó trong cuộc sống của Các Thánh Hữu tràn đầy đức tin ở Zimbabwe và Botswana. Trong một buổi họp nhịn ăn và chứng ngôn trong một Chi Nhánh nhỏ ở Chiwaridzo, tôi đã hạ mình và được soi dẫn bởi chứng ngôn của trẻ em, giới trẻ cũng như người lớn. Mỗi người đã cho thấy sức mạnh về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Với những thử thách và hoàn cảnh khó khăn xung quanh, mỗi ngày họ đã sống bằng cách tin cậy vào Thượng Đế. Họ thừa nhận có bàn tay của Ngài trong cuộc sống của họ và thường bày tỏ điều đó bằng câu “Tôi vô cùng biết ơn Thượng Đế.”

Cách đây một vài năm, một gia đình trung tín đã chứng minh cho các tín hữu trong tiểu giáo khu của chúng tôi cùng một sự tin cậy đó nơi Chúa. Arn và Venita Gatrell đang sống một cuộc sống hạnh phúc thì Arn được chẩn đoán bị bệnh ung thư ác tính. Tiên lượng bệnh không khả quan—anh ta chỉ có thể sống được một vài tuần thôi. Gia đình họ muốn được ở bên nhau một lần cuối cùng. Vì vậy, tất cả con cái quy tụ lại với nhau, một số con cái từ xa về. Họ chỉ có 48 giờ quý báu được ở bên nhau. Gia đình Gatrell chọn kỹ điều gì quan trọng nhất đối với họ—một ảnh chụp gia đình, một bữa ăn tối chung gia đình, và một phiên lễ trong Đền Thờ Salt Lake. Venita nói: “Khi chúng tôi bước ra khỏi cửa đền thờ, thì đó là lần cuối cùng mà chúng tôi sẽ ở bên nhau trong cuộc sống này.”

Nhưng họ được bảo đảm rằng còn có nhiều điều dành cho họ hơn là chỉ cuộc sống này. Nhờ vào các giao ước thiêng liêng của đền thờ nên họ có hy vọng vào lời hứa của Thượng Đế. Họ có thể ở bên nhau vĩnh viễn.

Hai tháng kế tiếp tràn đầy các phước lành, có quá nhiều để kể lại. Đức tin và sự tin cậy của Arn và Venita nơi Chúa được phát triển như Venita mô tả: “Tôi đã được giúp để đối phó với thử thách. Tôi biết được rằng mình có thể cảm thấy bình an trong cảnh hỗn loạn. Tôi biết rằng Chúa đang trông nom chúng tôi. Nếu tin cậy vào Chúa, thì chúng ta thực sự có thể vượt qua mọi thử thách của cuộc sống.”

Một trong số các con gái của họ nói thêm: “Chúng tôi nhìn cha mẹ mình và thấy được tấm gương của họ. Chúng tôi thấy đức tin của họ và cách họ sử dụng đức tin đó. Tôi sẽ không bao giờ cầu xin thử thách này, nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ từ bỏ nó.”

Dĩ nhiên, sự qua đời của Arn không phải là kết quả mà gia đình Gatrell hy vọng. Nhưng cuộc khủng hoảng đó không làm cho họ nghi ngờ về đức tin của họ. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không phải là một bản liệt kê những điều phải làm; thay vì thế, phúc âm có thể sống trong lòng chúng ta. Phúc âm không phải là một gánh nặng cho chúng ta,4 mà thay vì thế làm cho gánh nặng của chúng ta được nhẹ nhàng hơn. Phúc âm giúp chúng ta đối phó với thử thách. Phúc âm đã giúp gia đình Gatrell đối phó với thử thách của họ. Họ cảm thấy bình an ở giữa cơn bão. Họ đã bám chặt vào nhau và vào các giao ước đền thờ mà họ đã lập và tuân giữ. Họ đã tăng trưởng trong khả năng của mình để tin cậy vào Chúa và được củng cố bởi đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi quyền năng chuộc tội của Ngài.

Bất cứ nơi nào chúng ta thấy mình ở trên con đường làm môn đồ, bất kể những lo lắng và thử thách của chúng ta là gì đi nữa, thì chúng ta cũng không đơn độc một mình. Chúng ta không bị bỏ quên đâu. Giống như Deric, Các Thánh Hữu ở châu Phi, và gia đình Gatrell—với đức tin chúng ta có thể chọn để tiếp cận bàn tay của Thượng Đế với nhu cầu của mình. Chúng ta có thể đối phó với những thử thách của mình bằng lời cầu nguyện và sự tin cậy nơi Chúa. Và trong tiến trình đó, chúng ta trở thành giống như Ngài hơn.

Chúa phán cùng mỗi người chúng ta: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi.”5

Tôi chia sẻ chứng ngôn khiêm nhường nhưng chắc chắc rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha biết rõ từng người chúng ta và tìm đến giúp đỡ chúng ta. Qua Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể khắc phục những thử thách của thế gian này và sẽ được giải thoát để trở về nhà an toàn. Cầu xin cho chúng ta có thể tin cậy nơi Ngài, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Môi Se 1:39.

  2. 1 Nê Phi 1:20.

  3. Do nhân vật C. S. Lewis nói như được mô tả trong William Nicholson, Shadowlands (1989), 103.

  4. Harry Emerson Fosdick, Twelve Tests of Character (1923), 88.

  5. Ê Sai 41:10.