2010–2019
Sự Vâng Lời do Lòng Trung Tín của Chúng Ta
Tháng tư 2014


Sự Vâng Lời do Lòng Trung Tín của Chúng Ta

Hình Ảnh

Sự vâng lời là một biểu tượng về đức tin của chúng ta về sự khôn ngoan và sức mạnh của thẩm quyền cao nhất, chính là Thượng Đế.

Các buổi tối họp mặt gia đình mà Chị Perry và tôi tổ chức mỗi tối thứ Hai bỗng nhiên gia tăng số người tham dự. Em trai tôi, con gái của em tôi, em trai của Barbara, và vợ chồng một đứa cháu gái đã dọn vào ở cùng khu chung cư của chúng tôi. Đây là lần duy nhất tôi đã được phước để sống gần gia đình kể từ khi còn bé. Lúc bấy giờ, gia đình tôi sống cùng một khu phố với vài người bà con bên gia đình của mẹ tôi. Nhà của Ông Ngoại Sonne ở bên cạnh nhà chúng tôi về phía bắc, và nhà của Dì Emma ở bên cạnh nhà chúng tôi về phía nam. Nhà của Dì Josephine ở phía nam của khu phố, và ở phía đông là nhà của Cậu Alma.

Trong thời niên thiếu của tôi, chúng tôi thường tiếp xúc với bà con thân thuộc của mình hàng ngày và chia sẻ những giây phút làm việc, chơi đùa và thăm hỏi lẫn nhau. Mẹ chúng tôi đều được nhanh chóng báo cho biết nếu chúng tôi quá nghịch ngợm. Thế giới của chúng ta bây giờ thì khác—mọi người trong hầu hết các gia đình đều sống rải rác khắp nơi. Cho dù có sống tương đối gần nhau, họ cũng thường không sống bên cạnh nhau. Tuy nhiên, tôi phải tin rằng thời niên thiếu của tôi và hoàn cảnh hiện tại của tôi có phần nào giống như thiên thượng, với những người trong gia đình thân yêu sống gần nhau. Điều này là một lời nhắc nhở liên tục với tôi về tính chất vĩnh cửu của đơn vị gia đình.

Khi lớn lên, tôi đã có một mối quan hệ đặc biệt với ông ngoại của tôi. Tôi là con trai cả trong gia đình. Tôi xúc tuyết trên đường đi vào mùa đông và chăm sóc bãi cỏ vào mùa hè cho nhà của chúng tôi, nhà của Ông Ngoại và nhà của hai bà dì của tôi. Ông ngoại thường ngồi trước hiên nhà trong khi tôi cắt cỏ. Khi làm xong, tôi thường ngồi trên bậc thềm trước nhà ông và trò chuyện với ông. Những giây phút đó là những kỷ niệm trân quý đối với tôi.

Một ngày nọ, tôi hỏi ông ngoại làm thế nào tôi biết được là tôi đã luôn luôn làm điều đúng, vì có rất nhiều điều lựa chọn trong cuộc sống. Như mọi lần, ông ngoại đã trả lời tôi với một kinh nghiệm từ cuộc sống nông trại.

Ông đã dạy tôi về việc huấn luyện một cặp ngựa để chúng làm việc với nhau. Ông giải thích rằng một cặp ngựa phải luôn luôn biết ai phụ trách. Một phần cần thiết của việc điều khiển và hướng dẫn một con ngựa là một bộ yên cương và hàm thiếc ngựa. Nếu một con trong cặp ngựa tin rằng nó không cần phải vâng theo ý muốn của người điều khiển thì cặp ngựa sẽ không bao giờ kéo và cùng làm việc với nhau để có thể hoàn thành công việc một cách tốt đẹp được.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét bài học mà ông ngoại tôi đã dạy cho tôi bằng cách sử dụng ví dụ này. Ai là người điều khiển cặp ngựa? Ông ngoại tôi tin rằng chính là Chúa. Ngài là Đấng có một mục đích và kế hoạch. Ngài cũng là huấn luyện viên và tạo nên cặp ngựa và mỗi con ngựa riêng biệt. Người điều khiển cặp ngựa biết rõ nhất, và cách duy nhất để một con ngựa biết rằng nó luôn luôn làm điều đúng là phải vâng lời và tuân theo sự dẫn dắt của người điều khiển cặp ngựa.

Ông ngoại tôi đã so sánh bộ yên cương và hàm thiếc ngựa với điều gì? Tôi tin rằng vào lúc đó, cũng như tôi tin bây giờ, ông ngoại tôi đang giảng dạy tôi phải làm theo sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Đối với ông, bộ yên cương và hàm thiếc ngựa là điều thuộc linh. Một con ngựa biết vâng lời, tức là một phần của cặp ngựa được huấn luyện kỹ, chỉ cần một cái giật nhẹ từ người điều khiển cặp ngựa để làm đúng theo điều mà người ấy muốn nó làm. Cái giật nhẹ này giống như tiếng nói êm nhỏ để qua đó Chúa phán cùng chúng ta. Để tôn trọng quyền tự quyết của chúng ta, tiếng nói này không bao giờ là to tiếng, hay là một ảnh hưởng mạnh mẽ cả.

Những người đàn ông và phụ nữ nào làm ngơ trước những thúc giục dịu dàng của Thánh Linh thường sẽ học được, giống như đứa con trai hoang phí, qua những hậu quả tự nhiên của sự bất tuân và việc sống buông thả. Chỉ sau khi những hậu quả tự nhiên làm cho đứa con hoang phí biết hạ mình thì anh ta mới “tỉnh ngộ” và nghe những lời thì thầm của Thánh Linh mách bảo anh ta trở về nhà cha mình (xin xem Lu Ca 15:11–32).

Vì vậy, bài học ông ngoại tôi dạy tôi là phải luôn luôn sẵn sàng để tiếp nhận cái giật nhẹ của Thánh Linh. Ông ngoại đã dạy tôi rằng tôi sẽ luôn luôn nhận được một sự thúc giục nếu tôi bắt đầu đi sai đường. Và tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì sai trái nghiêm trọng nếu để cho Thánh Linh hướng dẫn những quyết định của tôi.

Như Gia Cơ 3:3 dạy: “Chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa, cho nó chịu phục mình, nên mới sai khiến cả và mình nó được.”

Chúng ta phải nhạy cảm với hàm thiếc thuộc linh của mình. Ngay cả với cái giật nhẹ nhất của Đức Thầy, chúng ta cũng phải sẵn lòng để hoàn toàn thay đổi hướng đi của mình. Để thành công trong cuộc đời, chúng ta phải dạy cho linh hồn và thể xác của mình cùng làm việc với nhau trong việc vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Nếu chúng ta lưu tâm đến những thúc giục nhẹ nhàng của Đức Thánh Linh, thì điều đó có thể kết hợp linh hồn và thể xác của chúng ta trong một mục đích và sẽ hướng dẫn chúng ta trở về căn nhà vĩnh cửu của mình để sống với Cha Thiên Thượng vĩnh cửu.

Tín điều thứ ba dạy chúng ta về tầm quan trọng của sự vâng lời: “Chúng tôi tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”

Sự vâng lời mà ông ngoại tôi đã mô tả trong ví dụ của ông về một cặp ngựa cũng đòi hỏi một sự tin tưởng đặc biệt—có nghĩa là, một đức tin tuyệt đối nơi người điều khiển cặp ngựa. Bài học mà ông ngoại tôi đã dạy cho tôi, do đó, cũng liên quan đến nguyên tắc đầu tiên của phúc âm—chính là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Sứ Đồ Phao Lô dạy: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê Bơ Rơ 11:1). Sau đó, Phao Lô đã sử dụng các tấm gương của A Bên, Ê Nót, Nô Ê, Áp Ra Ham để giảng dạy về đức tin. Ông tập trung vào câu chuyện về Áp Ra Ham, vì Áp Ra Ham là tổ phụ của những người trung tín.

“Bởi đức tin, Áp Ra Ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu.

“Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc ….

“Cũng bởi đức tin mà Sa Ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín” (Hê Bơ Rơ 11:8–9, 11).

Chúng ta biết rằng qua con trai Y Sác của Áp Ra Ham và Sa Ra, một lời hứa đã được ban cho Áp Ra Ham và Sa Ra—một lời hứa về con cháu, “muôn vàn con cháu, đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được” (xin xem câu 12; xin xem thêm Sáng Thế Ký 17:15–16). Và sau đó, đức tin của Áp Ra Ham đã được thử thách trong một cách mà làm nhiều người trong chúng ta sẽ cho là không thể tưởng tượng được.

Tôi đã nhiều lần suy ngẫm câu chuyện về Áp Ra Ham và Y Sác, và tôi vẫn không tin rằng tôi hoàn toàn hiểu thấu được lòng trung tín và vâng phục của Áp Ra Ham. Có lẽ tôi có thể tưởng tượng ra ông trung thành sửa soạn đồ đạc để ra đi vào một buổi sáng sớm, nhưng làm thế nào ông có thể bước đi bên cạnh con trai của ông là Y Sác, trong một cuộc hành trình ba ngày để đến chân Núi Mô Ri A? Làm thế nào họ mang được củi để đốt trên núi? Làm thế nào ông xây được bàn thờ? Làm thế nào ông trói Y Sác lại và đặt Y Sác nằm trên bàn thờ? Làm thế nào ông giải thích cho con mình biết rằng nó sẽ là của lễ hy sinh? Và làm thế nào ông có sức mạnh để nâng con dao lên và giết con trai của mình? Đức tin của Áp Ra Ham đã làm cho ông có khả năng để tuân theo sự dẫn dắt của Thượng Đế một cách chính xác cho đến thời điểm kỳ diệu khi một thiên sứ gọi từ trên trời và cho Áp Ra Ham biết là ông đã qua được cuộc thử thách đau đớn của ông. Và sau đó thiên sứ của Chúa đã lặp lại những lời hứa về giao ước của Áp Ra Ham.

Tôi nhìn nhận rằng đối với một số người, những thử thách liên quan đến việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự vâng lời sẽ khó khăn hơn những người khác. Tôi có đủ năm kinh nghiệm để biết rằng những con ngựa có cá tính rất khác biệt, vì vậy, một số con ngựa có thể dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn để huấn luyện và đối với con người thì khác nhiều hơn. Mỗi người chúng ta là con trai hay con gái của Thượng Đế, và chúng ta có một câu chuyện độc đáo về tiền dương thế và trần thế. Do đó, có rất ít giải pháp hữu hiệu đối với mọi người. Và vì vậy tôi hoàn toàn nhìn nhận rằng cuộc sống gồm có việc cố gắng và thất bại nhiều lần, và rằng quan trọng nhất là chúng ta liên tục cần đến nguyên tắc thứ hai của phúc âm, chính là sự hối cải.

Đúng là trong thời gian ông ngoại tôi còn sống là một thời gian giản dị hơn, nhất là liên quan đến việc lựa chọn giữa điều đúng và điều sai. Mặc dù một số người rất thông minh và sáng suốt có thể tin rằng thời gian phức tạp hơn của chúng ta đòi hỏi phải có giải pháp càng phức tạp hơn, tôi không tin rằng họ đúng. Thay vào đó, tôi tin rằng vấn đề phức tạp thời nay đòi hỏi giải pháp giản dị hơn, giống như câu trả lời của ông ngoại tôi cho câu hỏi chân thành của tôi về việc làm thế nào để biết được sự khác biệt giữa điều đúng và điều sai. Tôi biết điều tôi giới thiệu với các anh chị em ngày nay là một công thức giản dị, nhưng tôi có thể làm chứng rằng công thức này đã hữu hiệu đối với tôi biết bao. Tôi giới thiệu điều đó với các anh chị em và cũng mời các anh chị em hãy thử nghiệm những lời nói của tôi. Nếu các anh chị em làm thế, thì tôi hứa rằng những lời của tôi sẽ dẫn dắt các anh chị em đến sự lựa chọn rõ ràng mỗi khi bị vây quanh bởi những điều lựa chọn, và sẽ dẫn dắt các anh chị em đến những câu trả lời giản dị cho các câu hỏi làm bối rối người học thức và những người cho rằng mình khôn ngoan.

Chúng ta thường nghĩ rằng sự vâng lời gồm có việc tuân theo một cách thụ động các mệnh lệnh hoặc chỉ dẫn của một thẩm quyền cao hơn mà không phải suy nghĩ. Thật ra, theo cách tốt nhất, sự vâng lời là một biểu tượng về đức tin của chúng ta về sự khôn ngoan và sức mạnh của thẩm quyền cao nhất, chính là Thượng Đế. Khi Áp Ra Ham cho thấy lòng trung tín vững chắc và vâng phục đối với Thượng Đế, ngay cả khi được truyền lệnh phải hy sinh con trai của ông, Thượng Đế đã giải cứu ông. Tương tự như vậy, khi chúng ta cho thấy lòng trung tín bằng cách vâng lời, thì cuối cùng Thượng Đế sẽ giải cứu chúng ta.

Những người chỉ dựa vào bản thân của mình và chỉ tuân theo những ước muốn và khuynh hướng của mình thì bị giới hạn rất nhiều khi được so sánh với những người noi theo Thượng Đế và tiếp cận với sự thông sáng, quyền năng, và ân tứ của Ngài. Người ta từng nói: “Một người chỉ quan tâm đến bản thân mình là một người tầm thường.” Sự vâng lời mạnh mẽ, chủ động thì không hề yếu kém hoặc thụ động. Điều đó chính là phương tiện để qua đó chúng ta tuyên xưng đức tin của mình nơi Thượng Đế và hội đủ điều kiện để nhận được quyền năng của thiên thượng. Vâng lời là một sự lựa chọn. Đó là một sự lựa chọn giữa kiến thức hạn chế và quyền năng của chúng ta với sự thông sáng và quyền năng vô hạn của Thượng Đế. Theo bài học mà ông ngoại tôi đã đưa ra cho tôi, thì đó là một sự lựa chọn để cảm nhận được hàm thiếc ngựa trong miệng của chúng ta và tuân theo sự dẫn dắt của người điều khiển cặp ngựa.

Cầu xin cho chúng ta có thể trở thành những người thừa kế của giao ước và dòng dõi của Áp Ra Ham qua lòng trung tín và qua việc nhận được các giáo lễ của phúc âm phục hồi. Tôi hứa với các anh chị em rằng các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu đều có sẵn cho tất cả những người trung tín và biết vâng lời. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.