2010–2019
Cái Giá—và Phước Lành—để Làm Môn Đồ
Tháng tư 2014


Cái Giá—và Phước Lành—để Làm Môn Đồ

Hình Ảnh

Hãy mạnh dạn. Hãy sống theo phúc âm một cách trung tín cho dù những người xung quanh các anh chị em không hề sống theo phúc âm.

Thưa Chủ Tịch Monson, chúng tôi yêu mến chủ tịch. Chủ tịch đã cống hiến tấm lòng và sức khỏe cho mọi sự kêu gọi do Chúa ban cho, nhất là chức vụ thiêng liêng mà chủ tịch hiện đang nắm giữ. Toàn thể Giáo Hội này cám ơn chủ tịch về sự phục vụ kiên định và tận tâm bền bỉ đối với bổn phận.

Với lòng ngưỡng mộ và nhằm khích lệ tất cả mọi người là những người sẽ cần phải luôn luôn cương quyết vững vàng trong những ngày sau này, tôi xin nói với tất cả mọi người và nhất là giới trẻ của Giáo Hội rằng nếu các anh chị em chưa thấy, thì một ngày nào đó các anh chị em sẽ thấy mình được kêu gọi để bảo vệ đức tin của mình hoặc thậm chí có lẽ còn chịu đựng một số ngược đãi cá nhân chỉ vì các anh chị em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những giây phút như vậy đòi hỏi các anh chị em phải có cả lòng dũng cảm lẫn lễ độ.

Ví dụ, gần đây một chị truyền giáo đã viết cho tôi: “Người bạn đồng hành của tôi và tôi thấy một người đang ngồi ăn trưa trên một cái ghế băng ở quảng trường của thị trấn. Khi chúng tôi đến gần, người ấy nhìn lên và thấy thẻ tên truyền giáo của chúng tôi. Với một ánh mắt giận dữ, người ấy nhảy lên và giơ tay đánh tôi. Tôi né tránh kịp, nhưng lại bị người ấy phun thức ăn lên khắp cả người tôi và bắt đầu chửi thề những điều khủng khiếp nhất. Chúng tôi bỏ đi không nói gì cả. Tôi cố gắng lau chùi thức ăn trên mặt mình, và bất ngờ cảm thấy có một nhúm khoai tây nghiền ném trúng vào phía sau đầu tôi. Đôi khi rất khó để làm một người truyền giáo vì tôi muốn quay trở lại ngay lúc đó, túm lấy người đàn ông nhỏ con đó, và nói: ‘XIN LỖI, ông làm gì vậy!’ Nhưng tôi đã không làm như vậy.”

Tôi xin nói với người truyền giáo tận tụy này, chị truyền giáo thân mến, chị đã gia nhập một nhóm những người đàn ông và phụ nữ rất đặc biệt, và như tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã nói, họ là những người “suy ngẫm về cái chết của Ngài, vác thập tự giá của Ngài và gánh lấy sự hổ thẹn của thế gian.”1

Quả thật, anh Nê Phi của Gia Cốp đã viết về Chúa Giê Su: “Và thế gian, vì sự bất chính của mình, sẽ xét đoán Ngài như một người hư không; vậy nên, họ quất Ngài bằng roi, Ngài hứng chịu cho họ quất; họ đánh đập Ngài, Ngài hứng chịu cho họ đánh đập. Phải, họ khạc nhổ vào Ngài, Ngài cũng hứng chịu cho họ khạc nhổ, vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người.”2

Để theo kịp với kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi, các vị tiên tri và các sứ đồ, những người truyền giáo và các tín hữu trong mỗi thế hệ đã có một lịch sử lâu dài về việc bị chối bỏ và trả một cái giá cao một cách đau đớn— họ đều là những người đã cố gắng vinh danh sự kêu gọi của Thượng Đế để nâng đỡ gia đình nhân loại theo “một con đường tốt lành hơn.”3

Tác giả sách Hê Bơ Rơ hỏi: “Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói về [họ]?”

“Những người đó … đã … bịt mồm sư tử,

“Tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, … tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn …

“[Đã thấy] người nhà mình chết sống lại, [trong khi] có kẻ bị hình khổ dữ tợn, …

“Có kẻ khác … chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích, lao tù nữa.

“Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi,

“(Thế gian không xứng đáng cho họ ở) phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi trong hang, trong những hầm dưới đất.”4

Chắc chắn là các thiên sứ trên trời đã khóc khi họ ghi lại cái giá để làm môn đồ này trong một thế giới thường thù nghịch đối với các giáo lệnh của Thượng Đế. Chính Đấng Cứu Rỗi đã ngồi trên núi Ô Li Ve và khóc cho những người bị khước từ và bị giết chết trong khi phục vụ Ngài trong hàng trăm năm. Và giờ đây Ngài đã bị khước từ và sắp bị giết chết.

Chúa Giê Su đã kêu lên: “Hỡi Giê Ru Sa Lem, Giê Ru Sa Lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!

“Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang.”5

Và đây là một sứ điệp dành cho tất cả các thanh niên và thiếu nữ trong Giáo Hội này. Các em có thể tự hỏi là có đáng bõ công hay không để dũng cảm bênh vực cho các giá trị đạo đức trong trường trung học hoặc đi truyền giáo khi những niềm tin trân quý nhất của các em bị chửi rủa hoặc để chống lại nhiều điều trong xã hội mà đôi khi chế giễu một cuộc sống tận tụy với tôn giáo. Có chứ, đáng bõ công chứ, vì cách lựa chọn kia là “nhà” của chúng ta bị bỏ hoang”—các cá nhân bị lẻ loi, các gia đình bị ruồng bỏ, khu phố hoang tàn, và các quốc gia hoang phế.

Điều này cho thấy gánh nặng của những người được kêu gọi để mang sứ điệp của Đấng Mê Si. Ngoài việc giảng dạy, khuyến khích, và cổ vũ mọi người (đó là phần thú vị của vai trò môn đồ), thỉnh thoảng cũng các sứ giả này được kêu gọi để lo lắng, cảnh báo, và đôi khi để khóc (đó là phần đau đớn của vai trò môn đồ). Họ biết rất rõ rằng con đường dẫn đến vùng đất hứa “đượm sữa và mật”6 cần phải chạy qua Núi Si Nai tức là gồm có nhiều điều chúng ta được “bảo phải làm” và “không được làm.”7

Rủi thay, các sứ giả của các giáo lệnh do thiên thượng đưa ra ngày nay cũng thường không phổ biến như thời xưa, như ít nhất là hai chị truyền giáo đã bị khạc nhổ, ném khoai tây vào người giờ đây có thể làm chứng. Ghét là một từ xấu, tuy nhiên vẫn có những người ngày nay sẽ nói với A Háp đồi bại: “Tôi ghét [tiên tri Mi Chê], vì người không hề nói tiên tri lành về tôi, bèn là dữ luôn.”8 Cách ghét đó đối với tính trung thực của một vị tiên tri đã làm cho A Bi Na Đi mất mạng. Khi ông nói với Vua Nô Ê: “Vì ta đã nói lên sự thật nên các người tức giận ta … Vì ta đã nói lên lời Thượng Đế nên các người cho rằng ta điên”9 hoặc, chúng ta có thể thêm vào là quê mùa, độc tài, cố chấp, ác độc, hẹp hòi, lỗi thời, và già nua.

Chính Chúa đã than với tiên tri Ê Sai

“Con cái không muốn nghe luật pháp Đức Giê Hô Va;

“[Họ] nói với kẻ tiên kiến rằng: Đừng tiên kiến làm chi! nói với kẻ tiên tri rằng: Đừng nói tiên tri về lẽ thật! Hãy nói cho chúng tôi những điều vui thú, hãy lấy những sự huyễn hoặc bảo chúng tôi!

“Hãy lìa khỏi đường, bỏ khỏi lối, cất Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên khỏi mặt chúng tôi!”10

Các bạn trẻ của tôi ơi, buồn thay, điều đó là đặc trưng cho thời đại chúng ta, nếu người đời muốn bất cứ vị thần nào, thì họ muốn phải là vị thần không đòi hỏi nhiều, “vị thần dễ chịu”, là vị thần dịu dàng không gây rắc rối, xáo trộn, vị thần vỗ về chúng ta, làm cho chúng ta cười vui, rồi sau đó bảo chúng ta chạy chơi nô đùa.11

Đó thật là việc con người tạo ra Thượng Đế theo hình ảnh của mình! Đôi khi—và điều này dường như là điều trớ trêu lớn nhất trong tất cả mọi điều trớ trêu—những người này sử dụng danh của Chúa Giê Su như là một Thượng Đế “dễ chịu”. Họ thực sự tin như vậy sao? Ngài là Đấng đã phán rằng không những chúng ta không vi phạm các giáo lệnh, mà thậm chí chúng ta còn không nên nghĩ tới cách vi phạm các giáo lệnh nữa. Và nếu có nghĩ tới cách vi phạm các giáo lệnh, thì chúng ta đã vi phạm các giáo lệnh trong lòng mình rồi. Điều này nghe có giống như giáo lý “dễ chịu”, thú vị để nghe và phổ biến trong nhóm người tự mãn không?

Và những người chỉ muốn nhìn vào hoặc chạm tay vào tội lỗi từ xa thì sao? Chúa Giê Su đã phán một cách nghiêm khắc rằng nếu mắt của các ngươi phạm tội, thì hãy móc nó ra mà quăng đi. Nếu tay của các ngươi phạm tội, thì hãy chặt nó mà liệng đi.12 “Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo,”13 Ngài cảnh cáo những người nghĩ rằng Ngài chỉ phán những lời xoa dịu không quan trọng. Thảo nào, sau mỗi bài giảng, các cộng đồng địa phương “xin Ngài ra khỏi địa phận mình.”14 Thảo nào, sau mỗi phép lạ, quyền năng của Ngài không được người ta nghĩ là do Thượng Đế mà là do quỹ dữ mà ra.15 Rõ ràng là khẩu hiệu phổ biến “Chúa Giê Su sẽ làm gì trong trường hợp đó?” thì không phải lúc nào cũng mang lại một câu trả lời ưa thích.

Ở điểm cao nhất của giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã phán: “Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.”16 Để chắc chắn là họ hiểu chính xác đó là loại tình yêu nào, Ngài đã phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta,”17 và “ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng.”18 Tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô là nhu cầu lớn nhất mà chúng ta có trên hành tinh này, một phần là do sự ngay chính phải luôn luôn đi kèm với tình yêu thương đó. Vì vậy, nếu tình yêu thương phải là khẩu hiệu của chúng ta, như nó phải là như vậy, thì vì lời của Ngài là Đấng tiêu biểu cho tình yêu thương, chúng ta phải từ bỏ sự phạm giới và bất kỳ lời gợi ý nào để khuyến khích làm điều đó từ những người khác. Chúa Giê Su hiểu rõ điều mà nhiều người trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta dường như đã quên: rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa lệnh truyền để tha thứ tội lỗi (mà Ngài đã có một khả năng vô hạn để làm như vậy) và lời cảnh cáo chống lại việc dung túng cho tội lỗi đó (mà Ngài không bao giờ làm dù chỉ một lần).

Thưa các bạn, nhất là các bạn trẻ của tôi, hãy can đảm lên. Tình yêu thương thanh khiết như Đấng Ky Tô tuôn chảy từ sự ngay chính chân thật có thể thay đổi thế giới. Tôi làm chứng rằng phúc âm chân chính và tại thế của Chúa Giê Su Ky Tô hiện có trên thế gian và các anh chị em là tín hữu của Giáo Hội chân chính và tại thế của Ngài, các anh chị em đang cố gắng để chia sẻ phúc âm đó. Tôi làm chứng về phúc âm và Giáo Hội đó, với một lời chứng đặc biệt về các chìa khóa của chức tư tế phục hồi đã mở ra quyền năng và hiệu quả của các giáo lễ cứu rỗi. Tôi chắc chắn rằng các chìa khóa đó đã được phục hồi và rằng các giáo lễ đó một lần nữa có sẵn qua Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô hơn là tôi chắc chắn rằng tôi đang đứng trước các anh chị em tại bục giảng này và các anh chị em ngồi trước mặt tôi trong đại hội này.

Hãy mạnh dạn lên. Hãy sống theo phúc âm một cách trung tín cho dù những người xung quanh các anh chị em không hề sống theo phúc âm. Hãy bảo vệ niềm tin của các anh chị em với cử chỉ lễ độ và lòng trắc ẩn, nhưng phải bảo vệ niềm tin này. Một lịch sử lâu dài về các tiếng nói đầy soi dẫn, kể cả những tiếng nói các anh chị em sẽ nghe trong đại hội này, và tiếng nói mà các anh chị em vừa nghe chính là của Chủ Tịch Thomas S. Monson, chỉ cho các anh chị em hướng tới con đường làm môn đồ Ky Tô giáo. Đó là một con đường chật và hẹp mà không có vĩ độ rõ ràng vào một thời điểm nào đó, nhưng có thể đi được một cách phấn khởi và thành công, “với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.”19 Khi can đảm theo đuổi một phương hướng như vậy, các anh chị em sẽ rèn luyện đức tin không thể lay chuyển, sẽ tìm thấy sự an toàn chống lại những ngọn gió độc đang thổi tới, ngay cả trong cơn lốc, và sẽ cảm nhận sức mạnh như đá của Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, mà nếu xây dựng vai trò môn đồ tận tụy của mình trên đó, thì các anh chị em không thể sa ngã.20 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.