2010–2019
Trung Thành cùng Đức Tin
Tháng tư 2014


Trung Thành cùng Đức Tin

Hình Ảnh

Mỗi người chúng ta sẽ được phước rất nhiều nếu chúng ta biết những câu chuyện về đức tin và sự hy sinh mà đã dẫn dắt tổ tiên của mình gia nhập Giáo Hội của Chúa.

Tôi thích lịch sử Giáo Hội. Có lẽ giống như nhiều anh chị em, đức tin của tôi được củng cố khi tôi biết được về lòng tận tụy của tổ tiên chúng ta là những người đã chấp nhận phúc âm và trung thành cùng đức tin.

Cách đây một tháng, 12.000 thanh niên thiếu nữ tuyệt vời từ Khu Vực Đền Thờ Gilbert Arizona đã ăn mừng lễ khánh thành đền thờ mới của họ với một buổi trình diễn đầy soi dẫn, cho thấy lòng cam kết của họ để sống ngay chính. Đề tài của lễ ăn mừng của họ là “Trung Thành cùng Đức Tin.”

Cũng giống như giới trẻ trung tín ở Arizona đó đã làm, mỗi Thánh Hữu Ngày Sau nên cam kết phải “trung thành cùng đức tin.”

Những lời của bài thánh ca này là: “Trung thành cùng đức tin mà cha mẹ chúng ta đã trân quý” (“True to the Faith,” Hymns, số 254).

Chúng ta có thể thêm vào: “Trung thành cùng đức tin mà ông bà của chúng ta đã trân quý.”

Tôi tự hỏi nếu mỗi người trẻ tuổi nhiệt tình ở Arizona đó biết được lịch sử Giáo Hội của mình—nếu họ biết được lịch sử về gia đình của họ đã trở thành tín hữu của Giáo Hội như thế nào. Thật là tuyệt vời nếu mỗi Thánh Hữu Ngày Sau biết được những câu chuyện cải đạo của tổ tiên của mình.

Cho dù các anh chị em có phải là con cháu của những người tiền phong hay không thì di sản đức tin và sự hy sinh của người tiền phong Mặc Môn cũng là di sản của các anh chị em. Đây là di sản cao quý của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Một trong những giai đoạn tuyệt vời nhất trong lịch sử của Giáo Hội đã xảy ra khi một Sứ Đồ của Chúa là Wilford Woodruff giảng dạy phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô ở khắp nước Anh vào năm 1840—chỉ 10 năm sau khi Giáo Hội được thành lập.

Wilford Woodruff và các Sứ Đồ khác đã tập trung công việc của họ trong các khu vực Liverpool và Preston của nước Anh, với thành công đáng kể. Anh Cả Woodruff, sau này trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội, đã liên tục cầu nguyện lên Thượng Đế để xin được hướng dẫn trong công việc vô cùng quan trọng này. Những lời cầu nguyện của ông đã soi dẫn ông đi đến một nơi khác để giảng dạy phúc âm.

Chủ Tịch Monson đã dạy rằng khi chúng ta nhận được sự soi dẫn từ thiên thượng để làm một điều gì đó—thì chúng ta làm điều đó ngay lập tức—không trì hoãn. Đó chính là điều mà Wilford Woodruff đã làm. Với sự hướng dẫn rõ ràng từ Thánh Linh là phải “đi về phía nam,” Anh Cả Woodruff gần như ngay lập tức đã ra đi và đi đến một vùng của nước Anh được gọi là Herefordshire—vùng thôn quê ở miền tây nam nước Anh. Ở đây, ông đã gặp một người nông dân giàu có tên là John Benbow, ở đó ông được chào đón “với tấm lòng vui mừng và tạ ơn” (Wilford Woodruff, trong Matthias F. Cowley, Wilford Woodruff: History of His Life and Labors as Recorded in His Daily Journals [1909], 117).

Một nhóm hơn 600 người, là những người tự gọi là Các Anh Em Đoàn Kết, đã “cầu nguyện để có được ánh sáng và lẽ thật” (Wilford Woodruff, trong Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff [2004], 91). Chúa gửi Wilford Woodruff đến như là một cách đáp ứng cho những lời cầu nguyện của họ.

Lời giảng dạy của Anh Cả Woodruff có kết quả ngay lập tức, và nhiều người đã chịu phép báp têm. Brigham Young và Willard Richards đã cùng tham gia với ông ở Herefordshire, và ba Vị Sứ Đồ đã thành công một cách đáng kể.

Chỉ trong một vài tháng, họ đã tổ chức được 33 chi nhánh cho 541 tín hữu đã gia nhập Giáo Hội. Công việc phi thường của họ vẫn tiếp tục, và cuối cùng hầu như mỗi một thành viên trong nhóm Các Anh Em Đoàn Kết đều chịu phép báp têm vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bà cụ tổ Hannah Maria Eagles Harris của tôi là một trong những người đầu tiên lắng nghe Wilford Woodruff. Bà kể cho chồng bà là Robert Harris Jr., rằng bà đã nghe được lời của Thượng Đế và bà dự định sẽ chịu phép báp têm. Ông Robert không hài lòng khi nghe vợ mình cho biết như vậy. Ông nói với bà rằng ông sẽ đi theo bà để nghe bài giảng kế tiếp của người truyền giáo Mặc Môn, và ông sẽ sửa chỉnh người này.

Ông Robert ngồi gần phía trước của phòng họp, với một quyết tâm chắc chắn là sẽ không để bị thuyết phục, và có lẽ cũng để chất vấn người đến thuyết giảng này, nhưng ông đã ngay lập tức được Thánh Linh cảm động, cũng giống như vợ của ông đã được cảm động trước đó. Ông biết sứ điệp của Sự Phục Hồi là sự thật, và vợ chồng ông đã chịu phép báp têm.

Câu chuyện của họ về đức tin và lòng tận tụy cũng tương tự như hàng ngàn câu chuyện của những người khác là: khi họ nghe sứ điệp phúc âm, thì họ biết đó là sự thật!

Như Chúa phán: “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (Giăng 10:27).

Sau khi nghe tiếng nói của Đấng Chăn, họ đã cam kết hoàn toàn cuộc sống của họ để sống theo phúc âm và tuân theo sự hướng dẫn của vị tiên tri của Chúa. Để đáp ứng sự kêu gọi “quy tụ đến Si Ôn,” họ bỏ lại đằng sau nhà cửa ở nước Anh, vượt Đại Tây Dương, và quy tụ với Các Thánh Hữu ở Nauvoo, Illinois.

Họ hết lòng chấp nhận phúc âm. Trong khi cố gắng được ổn định trong vùng đất mới của mình, họ đã phụ giúp trong việc xây cất Đền Thờ Nauvoo bằng cách đóng thập phân với sức lao động của mình—cứ mỗi 10 ngày, họ bỏ ra một ngày làm việc để xây cất đền thờ.

Họ đã đau lòng biết bao khi nghe tin về cái chết của vị tiên tri yêu quý của họ, là Joseph Smith, và anh trai của ông là Hyrum. Nhưng họ vẫn tiếp tục! Họ vẫn trung thành cùng đức tin.

Khi Các Thánh Hữu bị ngược đãi và bị đuổi ra khỏi Nauvoo, Robert và Maria cảm thấy được phước rất nhiều khi nhận được lễ thiên ân của họ trong đền thờ, ngay trước khi họ vượt qua sông Mississippi và đi về phía tây. Mặc dù không chắc chắn về tương lai nhưng họ biết chắc về đức tin và chứng ngôn của họ.

Với sáu người con, họ lội bùn trong khi băng ngang Iowa trên đường về miền tây. Họ đã tự dựng lên một cái lều để che mưa gió ở bên bờ Sông Missouri, khu vực đó được biết đến là Chung Cư Mùa Đông.

Những người tiền phong dũng cảm này đang chờ đợi sự hướng dẫn của các sứ đồ để biết bằng cách nào và khi nào họ sẽ lên đường về miền tây. Kế hoạch của mọi người đã bị thay đổi khi Brigham Young, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai, đưa ra một lời kêu gọi những người đàn ông tình nguyện phục vụ trong Quân Đội Hoa Kỳ, được biết đến là Tiểu Đoàn Mặc Môn.

Robert Harris Jr là một trong hơn 500 người tiền phong Mặc Môn đã đáp ứng lời kêu gọi của Brigham Young. Ông nhập ngũ, mặc dù điều đó có nghĩa là ông sẽ bỏ lại phía sau người vợ đang mang thai và sáu đứa con nhỏ.

Tại sao ông và những người đàn ông khác đã làm một điều như vậy?

Câu trả lời có thể được đưa ra bằng chính lời của ông cụ tổ của tôi. Trong một bức thư mà ông đã viết cho vợ mình khi tiểu đoàn trên đường đi đến Santa Fe, ông viết như sau: “Đức tin của anh mạnh mẽ hơn bao giờ hết [và khi anh nghĩ về những điều mà Brigham Young nói với bọn anh], thì anh tin rằng điều đó cũng như thể Thượng Đế Vĩ Đại phán bảo với anh.”

Tóm lại, ông biết rằng ông cũng như những người đàn ông khác đã lắng nghe một vị tiên tri của Thượng Đế. Đó là lý do tại sao họ đã làm điều đó! Họ biết rằng họ đã được một vị tiên tri của Thượng Đế hướng dẫn.

Trong cùng một bức thư đó, ông bày tỏ những cảm nghĩ dịu dàng đối với vợ con của ông và nói về những lời cầu nguyện liên tục để vợ con ông sẽ được phước.

Về sau trong bức thư đó, ông đã đưa ra lời phát biểu hùng hồn này: “Chúng ta không được quên những điều mà em và anh đã nghe, và [cảm nhận] được trong Đền Thờ của Chúa.”

Hai lời khuyên thiêng liêng này đã được phối hợp với chứng ngôn trước đó của ông rằng “chúng ta được một Vị Tiên Tri của Thượng Đế hướng dẫn,” và đã trở thành giống như thánh thư đối với tôi.

Mười tám tháng sau khi lên đường với tiểu đoàn, Robert Harris đã được đoàn tụ an toàn với Maria yêu quý của ông. Họ vẫn trung tín và trung thành với phúc âm phục hồi trong suốt cuộc đời họ. Họ có 15 người con, 13 người trong số đó sống đến khi trưởng thành. Bà nội của tôi, Fannye Walker, ở Raymond, Alberta, Canada, là một trong 136 người cháu của họ.

Bà Nội Walker rất tự hào rằng ông nội của bà đã phục vụ trong Tiểu Đoàn Mặc Môn, và bà đã muốn tất cả các cháu của bà biết điều đó. Bây giờ tôi đã là một người ông, nên tôi hiểu tại sao điều đó rất quan trọng đối với bà như vậy. Bà muốn lòng con cái trở lại cùng lòng cha. Bà muốn các cháu của bà biết về di sản ngay chính của họ—vì bà biết di sản đó sẽ ban phước cho cuộc sống của chúng.

Chúng ta càng cảm thấy được liên kết với các tổ tiên ngay chính của mình thì chúng ta càng có nhiều khả năng hơn để chọn những điều khôn ngoan và ngay chính.

Điều này có thật. Mỗi người chúng ta sẽ được phước rất nhiều nếu chúng ta biết những câu chuyện về đức tin và sự hy sinh mà đã dẫn dắt tổ tiên của mình gia nhập Giáo Hội của Chúa.

Từ lần đầu tiên được nghe Wilford Woodruff giảng dạy và làm chứng về Sự Phục Hồi của phúc âm, thì Robert và Maria đã biết phúc âm là chân chính.

Họ cũng biết rằng cho dù những thử thách hoặc gian nan mà họ sẽ trải qua là gì đi nữa, họ cũng sẽ được ban phước để vẫn luôn trung thành cùng đức tin. Dường như họ đã nghe những lời của vị tiên tri của chúng ta ngày nay. Ông đã nói: “Không có sự hy sinh nào quá lớn … để nhận được các phước lành [của đền thờ]” (Thomas S. Monson, “Đền Thờ Thánh—Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 92).

Một câu đã được khắc trên mặt của một đồng tiền hai pound của nước Anh: “Nhờ Công Việc của Các Tiền Nhân mà Chúng Ta Có Được Ngày Nay.” Khi nghĩ về các tổ tiên tiền phong vĩ đại của chúng ta, tôi cảm thấy rằng chúng ta đều được lợi ích nhờ vào các nỗ lực và đức tin của những người đi trước trong lịch sử của Giáo Hội.

Mặc dù lời khuyên đó đến từ một bức thư của Robert Harris, nhưng tôi tin rằng rất nhiều tổ tiên cũng sẽ gửi cùng một lời khuyên như vậy đến con cháu của họ: Trước hết, chúng ta không được quên những kinh nghiệm chúng ta đã có trong đền thờ, và chúng ta không được quên những lời hứa và các phước lành đến với mỗi người chúng ta nhờ vào đền thờ. Thứ hai, chúng ta không được quên rằng chúng ta được một vị tiên tri của Thượng Đế hướng dẫn.

Tôi làm chứng rằng chúng ta được một vị tiên tri của Thượng Đế hướng dẫn. Chúa phục hồi Giáo Hội của Ngài trong những ngày sau qua Tiên Tri Joseph Smith, và chúng ta không được quên rằng chúng ta đã được dẫn dắt không ngừng bởi một loạt các vị tiên tri của Thượng Đế từ Joseph đến Brigham và qua mỗi Vị Chủ Tịch của Giáo Hội kế nhiệm đến vị tiên tri của chúng ta ngày nay—Thomas S. Monson. Tôi biết ông, tôi kính trọng ông, và tôi yêu mến ông. Tôi làm chứng rằng ông là vị tiên tri của Chúa trên thế gian ngày nay.

Lòng tôi mong muốn rằng, cùng với con cháu của tôi, chúng tôi sẽ tôn vinh di sản của tổ tiên ngay chính của chúng tôi—những người tiền phong Mặc Môn trung tín đó đã sẵn lòng hy sinh mọi thứ cùng bênh vực Thượng Đế và tôn giáo của họ. Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ trung thành với đức tin mà cha mẹ của chúng ta đã trân quý. Trong thánh danh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.