2010–2019
Tiếp Tục Theo Dõi
Tháng tư 2014


Tiếp Tục Theo Dõi

Hình Ảnh

Chúng ta đều có thể tham gia một cách kiên định hơn vào công việc truyền giáo bằng cách thay thế nỗi sợ hãi của mình với đức tin thật sự.

Tháng Chín này là đúng 64 năm tôi trở về nhà từ công việc truyền giáo ở Anh. Ba ngày sau khi trở về, tôi đến dự một buổi khiêu vũ tại trường University of Utah cùng với một người bạn. Anh ta cho tôi biết về một cô sinh viên xinh đẹp đang học năm thứ hai tên là Barbara Bowen, là người mà anh ta nghĩ rằng tôi phải gặp mặt. Anh ta dẫn cô ấy đến và giới thiệu chúng tôi, và chúng tôi bắt đầu khiêu vũ với nhau.

Rủi thay, đây là cách mà chúng tôi thường gọi là “khiêu vũ đuổi bắt,” có nghĩa là ta chỉ được khiêu vũ với một cô gái cho đến khi một người khác đến đập nhẹ vào vai mình, thì mình phải nhường cô gái ấy cho người đó để khiêu vũ. Barbara rất hoạt bát và nổi tiếng, vì vậy tôi chỉ được khiêu vũ với cô ấy chưa tới một phút thì đã phải nhường chỗ cho một thanh niên khác.

Tôi không thể chấp nhận điều đó được. Vì đã học được tầm quan trọng của việc tiếp tục theo dõi trong khi đi truyền giáo nên tôi xin số điện thoại của cô ấy và gọi điện thoại cho cô ấy ngay ngày hôm sau để mời cô ấy đi chơi, nhưng cô ấy đang bận rộn với việc học hành và sinh hoạt với bạn bè. May thay, công việc truyền giáo của tôi đã dạy tôi phải kiên trì cho dù tôi đang trở nên thất vọng, và cuối cùng tôi đã có thể mời cô ấy hẹn hò đi chơi. Và buổi hẹn hò đó dẫn đến những buổi hẹn hò khác. Bằng cách nào đó trong những buổi hẹn hò đó, tôi đã có thể thuyết phục cô ta rằng tôi là người truyền giáo chân chính duy nhất được giải nhiệm trở về—ít nhất là đối với cô ấy. Giờ đây, 64 năm sau, chúng tôi có bảy đứa con và nhiều cháu chắt và đó là bằng chứng về lẽ thật quan trọng rằng cho dù sứ điệp của ta có hay đến đâu đi nữa nhưng ta có thể không có cơ hội để đưa ra sứ điệp đó nếu không liên tục theo dõi một cách kiên trì.

Đây có thể là lý do tại sao tôi cảm thấy có ấn tượng rõ ràng ngày hôm nay để tiếp tục theo dõi về hai sứ điệp của tôi đã đưa ra trong đại hội trước đây.

Trong đại hội tháng Mười năm 2011, tôi đã kêu gọi chúng ta phải ghi nhớ những lời quan trọng này của Chúa: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.”1

Với những lời này, Chúa giải thích rõ rằng cái tên này phải là một danh hiệu chính thức được dùng để gọi Giáo Hội của Ngài. Vì đã được Ngài giải thích rõ nên chúng ta không nên gọi Giáo Hội bằng bất cứ tên nào khác, chẳng hạn như “Giáo Hội Mặc Môn” hoặc “Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau.”

Từ ngữ Mặc Môn có thể được sử dụng một cách thích hợp trong một số bối cảnh để chỉ các tín hữu của Giáo Hội, chẳng hạn như những người tiền phong Mặc Môn, hoặc các tổ chức như Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle. Các tín hữu Giáo Hội được biết đến rộng rãi là những người Mặc Môn, và trong khi giao tiếp với những người không cùng tín ngưỡng với chúng ta, chúng ta có thể tự nói mình là những người Mặc Môn khi thích hợp, miễn là chúng ta phối hợp chi tiết này với tên đầy đủ của Giáo Hội.

Nếu các tín hữu học cách sử dụng tên chính xác của Giáo Hội liên quan đến từ Mặc Môn, thì điều đó sẽ nhấn mạnh rằng chúng ta là Ky Tô hữu, là các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi.

Thưa các anh chị em, chúng ta hãy tiếp tục theo dõi và phát triển thói quen luôn luôn nhấn mạnh rõ là chúng ta thuộc về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sứ điệp thứ hai mà tôi cảm thấy nên tiếp tục theo dõi đã được đưa ra ngay tại đại hội trung ương lần trước khi tôi khuyến khích các tín hữu nên cầu nguyện rằng họ sẽ được dẫn đến ít nhất một người mà họ có thể mời để tìm hiểu về phúc âm phục hồi trước lễ Giáng Sinh. Nhiều tín hữu Giáo Hội đã chia sẻ với tôi một số kinh nghiệm đặc biệt về kết quả của việc họ cầu xin Chúa ban cho các cơ hội truyền giáo.

Ví dụ, một người truyền giáo được giải nhiệm trở về đã cầu nguyện một cách cụ thể để được dẫn đến “một người” mà anh ta có thể đưa ra lời mời. Tên của một người bạn cũ cùng học đại học đã đến với tâm trí của anh ta. Anh ta liên lạc với cô ấy trên Facebook, và anh ta biết rằng cô ấy đã cầu nguyện để biết được mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Anh ta đã theo dõi tình trạng của cô ấy đúng vào lúc cô ấy đang tìm kiếm lẽ thật, và vào tháng Mười Hai cô ấy đã chịu phép báp têm.

Tôi đã được nghe báo cáo về nhiều lời mời tương tự, nhưng chỉ một số ít người đã tiếp tục theo dõi như người anh em này đã làm.

Tôi là một người tin chắc vào nguyên tắc theo dõi. Như đã được ghi trong sách hướng dẫn truyền giáo Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, việc “đưa ra một lời mời mà không tiếp tục theo dõi thì giống như bắt đầu một cuộc hành trình mà không kết thúc hoặc mua vé cho một buổi hòa nhạc mà không đi vào nhà hát vậy. Nếu không có hành động hoàn thành, thì lời cam kết là rỗng tuếch.”2

Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta không những dạy mọi người cách mời người khác mà còn làm thế nào để tiếp tục theo dõi lời mời của chúng ta nữa. Mục đích của công việc truyền giáo được định nghĩa là mời “những người khác đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách giúp họ nhận được phúc âm phục hồi qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng.”3

Lời mời chắc chắn là một phần của tiến trình này. Nhưng hãy nhận biết rằng công việc truyền giáo của các tín hữu có rất nhiều điều hơn là chỉ đơn giản đưa ra lời mời mọi người lắng nghe những người truyền giáo. Điều này cũng bao gồm việc tiếp tục theo dõi với những người truyền giáo trong việc chắc chắn rằng những người đó đang phát triển đức tin, cảm thấy động lực để hối cải, chuẩn bị để lập giao ước và kiên trì đến cùng.

Nguyên tắc theo dõi này được minh họa trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ:

“Phi E Rơ với Giăng cùng lên đền thờ. …

“Vả, có một người què từ lúc sanh ra, cứ hằng ngày người ta đem đặt tại cửa đền, gọi là Cửa Đẹp, đặng ăn mày những người vào đền.

“Người thấy Phi E Rơ và Giăng vào, thì xin hai người bố thí.

“Phi E Rơ với Giăng ngó chăm người, rồi nói rằng: Hãy nhìn xem chúng ta.

“Vậy, người bèn nhìn chăm chăm hai người, tưởng sẽ được chút gì

“Nhưng Phi E Rơ nói với người rằng: Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhân danh Đức Chúa Giê Su Ky Tô ở Na Xa Rét, hãy bước đi!”

Thật là một lời mời gọi mạnh mẽ từ một tôi tớ của Chúa, phải không? Nhưng Phi E Rơ đã không ngừng lại ở lời mời. Câu chuyện trong Kinh Thánh cho chúng ta biết tiếp theo rằng “ông nắm tay hữu người, đỡ dậy. Tức thì bàn chân và mắt cá người trở nên cứng vững.

“Người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ngợi khen Đức Chúa Trời.”4

Nói cách khác, Phi E Rơ không những sử dụng thẩm quyền chức tư tế của mình mà còn mời người đàn ông đứng lên và bước đi. Ông cũng tiếp tục theo dõi lời mời của mình bằng cách đưa tay ra nắm lấy bàn tay phải của người đó, nâng anh ta đứng lên, và sau đó đi với người đó vào đền thờ.

Trong khi suy ngẫm về tấm gương của Phi E Rơ, tôi xin đề nghị rằng chúng ta đều có thể tham gia một cách kiên định hơn vào công việc truyền giáo bằng cách thay thế nỗi sợ hãi của mình với đức tin thật sự, mời một người nào đó ít nhất mỗi quý một lần—hoặc bốn lần mỗi năm—để được những người truyền giáo toàn thời gian giảng dạy. Họ đang chuẩn bị để giảng dạy bởi Thánh Linh với sự soi dẫn chân thành và sâu xa của Chúa. Cùng nhau chúng ta có thể tiếp tục theo dõi các lời mời của mình, nắm lấy tay của những người khác, nâng họ lên và cùng đi với họ trên cuộc hành trình thuộc linh.

Để giúp các anh chị em trong tiến trình này, tôi mời tất cả các tín hữu, bất kể chức vụ kêu gọi hiện tại của các anh chị em là gì hoặc mức độ tích cực trong Giáo Hội của các anh chị em như thế nào, hãy có được một cuốn Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sách đó có sẵn qua các trung tâm phân phối của chúng ta và cũng trên Internet. Chúng ta có thể đọc hoặc tải xuống miễn phí phiên bản trên Internet. Đó là một cuốn sách hướng dẫn cho công việc truyền giáo—có nghĩa rằng đó là một cuốn sách hướng dẫn cho tất cả chúng ta. Hãy đọc, và nghiên cứu sách đó, rồi sau đó áp dụng điều các anh chị em học được để giúp các anh chị em hiểu cách mang những người khác lại cùng Đấng Ky Tô qua lời mời và tiếp tục theo dõi họ. Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Bây giờ là thời gian cho các tín hữu và những người truyền giáo cùng đến với nhau, cùng làm việc với nhau, phải lao nhọc trong vườn nho của Chúa để đem loài người về cùng Ngài.”5

Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy các môn đồ của Ngài rằng:

“Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít.

“Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”6

Chúa đã đáp ứng lời cầu nguyện đó trong thời kỳ của chúng ta với con số những người truyền giáo toàn thời gian đông nhất trong lịch sử thế giới. Với làn sóng mới này của những người lao nhọc trung tín, Chúa đã ban cho chúng ta một cơ hội khác để phụ giúp Ngài trong việc mang loài người đến cùng Ngài.

Các tín hữu có nhiều cách thiết thực để giúp đỡ và hỗ trợ những người truyền giáo phi thường của chúng ta. Ví dụ, các anh chị em có thể nói với những người truyền giáo rằng các anh chị em đang học sách Thuyết Giảng Phúc Âm và yêu cầu họ chỉ cho các anh chị em thấy điều họ đang học. Trong khi các anh chị em chia sẻ với nhau, thì các tín hữu và những người truyền giáo toàn thời gian chắc chắn sẽ tin tưởng nhau hơn, giống như Chúa đã truyền lệnh:

“Nhưng để cho mọi người đều có thể nói lên trong danh Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Rỗi thế gian;”7

Và, “Này, ta phái các ngươi đi làm chứng và cảnh cáo dân chúng, và điều cần thiết cho mỗi người nào đã từng được cảnh cáo thì phải cảnh cáo người lân cận của mình.”8

Thưa các anh chị em, các anh chị em có thể tưởng tượng được kết quả sẽ ra sao nếu gia đình và bạn bè đều ghi vào trong thư và email những điều họ học được từ sự nghiên cứu cá nhân về sách Thuyết Giảng Phúc Âm để gửi cho những người truyền giáo toàn thời gian của họ không? Các anh chị em có thể hình dung ra các phước lành sẽ đến với các gia đình khi họ biết và hiểu rõ hơn những gì con trai và con gái của họ sẽ học và giảng dạy khi đi truyền giáo không? Các anh chị em còn có thể tưởng tượng được các phước lành phi thường của ân điển chuộc tội mà chúng ta sẽ nhận được, chung với nhau và riêng từng người khi chúng ta làm theo lời hứa của Đấng Cứu Rỗi cho tất cả những người làm chứng khi họ tham gia vào việc mời những người khác đến cùng Ngài—rồi sau đó theo dõi những lời mời đó không?

Chúa đã phán qua Tiên Tri Joseph Smith: “Các ngươi vẫn được phước, vì chứng ngôn mà các ngươi đã chia sẻ được ghi chép trên trời để các thiên sứ được thấy; và họ vui mừng vì các ngươi, và tội lỗi của các ngươi được tha.”9

“Vì ta sẽ tha tội cho các ngươi cùng với lệnh truyền này—để các ngươi tiếp tục kiên định … để làm chứng cùng toàn thể thế gian về những điều mà đã được truyền đạt cho các ngươi.”10

Nếu chúng ta tiếp tục theo dõi, thì Chúa sẽ không làm cho chúng ta thất vọng. Tôi đã thấy niềm vui không kể xiết đi kèm với lời mời được thúc đẩy bởi chứng ngôn và sự theo dõi kiên định trong số các tín hữu của Giáo Hội trên toàn thế giới. Gần đây, trong khi đang ở Argentina, tôi đã khuyến khích các tín hữu đi mời một người nào đó đến nhà thờ trước khi đại hội trung ương này. Một đứa bé tám tuổi tên là Joshua đã nghe theo và mời người bạn thân nhất của mình và gia đình của người bạn này đến buổi tiếp tân tham quan tại tiểu giáo khu của họ ở Buenos Aires. Tôi xin đọc từ một lá thư tôi vừa nhận được trong đó có giải thích lời mời của Joshua và sự theo dõi kiên định của em ấy như sau:

“Cứ vài phút [Joshua] lại chạy ra cổng để xem họ đến chưa. Em ấy nói rằng em biết là họ sẽ [đến].

“Màn đêm buông xuống mà người bạn của Joshua cũng không đến, nhưng Joshua không bỏ cuộc. Cứ vài phút, em ấy tiếp tục ra ngoài cổng trước để xem. Đến lúc bắt đầu dọn dẹp thì Joshua bắt đầu nhảy cẫng lên và loan báo: ‘Họ đến rồi kìa! Họ đến rồi kìa’ Tôi nhìn lên và thấy cả gia đình đang đi đến nhà thờ. Joshua chạy ra để chào đón họ và ôm chầm lấy người bạn của mình. Tất cả họ đều đi vào trong và dường như rất thích buổi tiếp tân tham quan. Họ đã lấy một số cuốn sách nhỏ và đã dành rất nhiều thời gian để làm quen với một số bạn mới. Thật là tuyệt vời khi nhìn thấy đức tin của cậu bé này và biết rằng các em trong Hội Thiếu Nhi cũng có thể là người truyền giáo.”11

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta cùng làm việc chung với nhau, tìm kiếm một người, mời gọi, và tiếp tục theo dõi với sự tin tưởng và đức tin, thì Chúa sẽ hài lòng về chúng ta và hàng trăm ngàn con cái của Thượng Đế sẽ tìm thấy mục đích và bình an trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả chúng ta trong nỗ lực của mình để gấp rút làm công việc cứu rỗi, tôi khiêm nhường cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.