2010–2019
Tình Chị Em Phụ Nữ: Ôi Chúng Ta Cần đến Nhau Biết Bao
Tháng tư 2014


Tình Chị Em Phụ Nữ: Ôi Chúng Ta Cần đến Nhau Biết Bao

Hình Ảnh

Chúng ta phải dừng lại không tập trung vào những khác biệt giữa chúng ta và tìm kiếm những điểm chung của nhau.

Trong đoạn video đó chúng ta đã thấy tám quốc gia và nghe chín ngôn ngữ khác nhau. Hãy tưởng tượng có bao nhiêu ngôn ngữ nữa đã được thêm vào câu cuối cùng đó. Thật là phấn khởi để biết rằng với tư cách là các chị em phụ nữ trên toàn cầu, chúng ta đã có thể cất lên tiếng nói của mình trong chứng ngôn về lẽ thật vĩnh cửu rằng chúng ta là các con gái của một Cha Thiên Thượng nhân từ.

Thật là một đặc ân lớn lao được có mặt ở đây vào dịp lịch sử này và ngỏ lời cùng tất cả các phụ nữ từ tám tuổi trở lên của Giáo Hội. Tình đoàn kết của chúng ta buổi tối hôm nay có một sức mạnh vĩ đại. Khi tôi nhìn thấy tất cả chúng ta quy tụ tại Trung Tâm Đại Hội thì tôi cũng nghĩ đến hàng ngàn người khác đang xem chương trình phát sóng này từ các địa điểm trên khắp thế giới. Sức mạnh phối hợp của các chứng ngôn và đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô chắc chắn tạo thành một trong những buổi nhóm họp tràn đầy đức tin và mạnh mẽ của các phụ nữ trong lịch sử của Giáo Hội, và có lẽ trong lịch sử của thế giới.

Buổi tối hôm nay chúng ta hân hoan trong nhiều vai trò khác nhau với tư cách là phụ nữ trong Giáo Hội. Mặc dù trong nhiều phương diện, chúng ta khác nhau và độc nhất vô nhị, nhưng chúng ta cũng thừa nhận rằng chúng ta đều là các con gái của cùng một Cha Thiên Thượng, là Đấng làm cho chúng ta trở thành chị em với nhau. Chúng ta đoàn kết trong việc xây dựng vương quốc của Thượng Đế và trong các giao ước mà mình đã lập, bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa. Buổi nhóm họp phối hợp này chắc chắn là chứa đựng tình chị em vinh quang nhất trên mặt đất!1

Việc là chị em với nhau cho thấy rằng có một mối ràng buộc không thể cắt đứt giữa chúng ta. Các chị em chăm sóc lẫn nhau, trông nom nhau, an ủi nhau, và luôn có mặt với nhau lúc vui cũng như lúc buồn. Chúa phán: “Ta nói cho các ngươi hay, hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”2

Kẻ nghịch thù muốn chúng ta phải chỉ trích hoặc phê phán lẫn nhau. Nó muốn chúng ta tập trung vào sự khác biệt của chúng ta và so sánh chúng ta với nhau. Các chị em có thể thích tập thể dục mạnh trong một giờ đồng hồ mỗi ngày vì điều đó làm cho các chị em cảm thấy khỏe mạnh, trong khi tôi cho rằng việc tôi đi bộ lên cầu thang thay vì đi thang máy là thành tích thể dục quan trọng. Chúng ta vẫn có thể là bạn với nhau, phải không?

Là phụ nữ chúng ta có thể rất khắt khe với chính mình. Khi so sánh mình với người khác, chúng ta sẽ luôn luôn cảm thấy không thích hợp hoặc bực bội đối với người khác. Chị Patricia T. Holland có lần đã nói: “Vấn đề là, chúng ta không thể gọi mình là Ky Tô hữu mà tiếp tục phê phán nhau—hoặc bản thân mình—một cách nghiêm khắc như vây.”3 Bà nói tiếp rằng không có điều gì đáng để chúng ta phải mất đi lòng trắc ẩn và tình chị em. Chúng ta chỉ cần thư giãn và vui vẻ đối với những khác biệt thiêng liêng của mình. Chúng ta cần phải nhận ra rằng tất cả chúng ta đều mong muốn được phục vụ trong vương quốc bằng cách sử dụng những tài năng độc đáo và ân tứ của chúng ta theo cách riêng của mình. Sau đó chúng ta có thể thưởng thức tình chị em, mối kết giao của chúng ta, và bắt đầu phục vụ.

Sự thực là quả thật chúng ta cần đến nhau và thực sự cần đến nhau. Lẽ đương nhiên, phụ nữ tìm kiếm tình bạn, sự hỗ trợ và sự đồng hành. Chúng ta có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau, và chúng ta thường tự áp đặt cho mình những trở ngại mà ngăn cản chúng ta vui hưởng mối kết giao mà có thể là một trong những phước lành lớn nhất trong cuộc sống. Ví dụ, chúng tôi là các phụ nữ lớn tuổi hơn cần những điều mà các em gái trong Hội Thiếu Nhi mang đến. Chúng tôi có thể học được nhiều từ các em về sự phục vụ và tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.

Gần đây tôi đã nghe một câu chuyện tuyệt vời về một cô bé tên là Sarah. Mẹ của Sarah đã có cơ hội để giúp đỡ một người phụ nữ khác trong tiểu giáo khu của mình tên là Brenda, là người bị bệnh đa xơ cứng. Sarah thích đi với mẹ để đến giúp Brenda. Sarah thường thoa kem mỹ phẩm lên đôi tay của Brenda và xoa bóp các ngón tay và cánh tay của chị ấy vì chị ấy thường bị đau nhức. Sau đó em biết cách nhẹ nhàng kéo duỗi cánh tay của Brenda lên đầu của chị để tập luyện cơ bắp của chị. Sarah chải tóc cho Brenda và trò chuyện với chị trong khi mẹ của em chăm sóc cho các nhu cầu khác của chị. Sarah biết được tầm quan trọng và niềm vui phục vụ người khác và bắt đầu hiểu rằng ngay cả một đứa trẻ cũng có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong cuộc sống của một người nào đó.

Tôi thích ví dụ chúng ta có trong chương đầu tiên của sách Lu Ca trong đó có mô tả mối quan hệ tuyệt vời giữa Ma Ri, mẹ của Chúa Giê Su, và người chị họ của bà là Ê Li Sa Bét. Ma Ri là một thiếu nữ khi bà được cho biết về nhiệm vụ phi thường là làm mẹ của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Thoạt tiên, điều đó dường như là một trách nhiệm nặng nề để gánh chịu một mình. Chính Chúa đã mang đến cho Ma Ri một người để chia sẻ trách nhiệm của bà. Qua thông điệp của thiên sứ Gáp Ri Ên, Ma Ri đã được cho biết tên của một người phụ nữ đáng tin cậy và đầy lòng thông cảm là người mà bà có thể tìm đến để được hỗ trợ—người chị họ của bà là Ê Li Sa Bét.

Người thiếu nữ này và người chị họ là người “son sẻ,”4 đã chia sẻ một mối ràng buộc về việc mang thai kỳ diệu của họ, và tôi chỉ có thể tưởng tượng là trong ba tháng họ ở bên nhau thì thật là quan trọng biết bao đối với cả hai khi họ có thể trò chuyện, thông cảm, và hỗ trợ lẫn nhau trong sự kêu gọi độc nhất vô nhị của họ. Họ thật là một tấm gương tuyệt diệu về những người phụ nữ thuộc nhiều thế hệ khác nhau nuôi dưỡng lẫn nhau.

Những người trong chúng ta lớn tuổi hơn đều có thể có một ảnh hưởng rất lớn đối với các thế hệ trẻ hơn. Khi mẹ tôi còn bé, cha mẹ của bà không tích cực trong Giáo Hội. Mặc dù mới năm tuổi, bà thường đi bộ một mình đến nhà thờ và tham dự các buổi họp—Hội Thiếu Nhi, Trường Chủ Nhật, và buổi họp Tiệc Thánh—tất cả những buổi họp này đều khác giờ họp.

Gần đây tôi đã hỏi mẹ tôi tại sao bà đã làm như vậy mỗi tuần, khi bà đã không có sự hỗ trợ hay khuyến khích từ ông bà ngoại của tôi. Bà đáp: “Mẹ có các giảng viên trong Hội Thiếu Nhi đã yêu thương mẹ.” Các giảng viên này đã chăm sóc bà và giảng dạy phúc âm cho bà. Họ đã dạy bà rằng bà có Cha Thiên Thượng yêu thương bà và chính là mối quan tâm của họ đối với bà đã giúp cho bà tiếp tục đến hàng tuần. Mẹ tôi nói với tôi: “Đó là một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất trong thời thơ ấu của mẹ.” Một ngày nào đó, tôi hy vọng là có thể cám ơn các chị phụ nữ tuyệt vời này. Tuổi tác không thành vấn đề khi nói đến sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô.

Cách đây hai tuần, tôi đã gặp một chủ tịch Hội Thiếu Nữ giáo khu ở California, chị đã nói với tôi rằng bà mẹ 81 tuổi của chị mới vừa được kêu gọi với tư cách là cố vấn lớp Mia Maid. Tôi cảm thấy tò mò, nên tôi gọi điện thoại cho mẹ của chị ấy. Khi vị giám trợ của Chị Val Baker yêu cầu được gặp bà, bà đã đoán là sẽ được kêu gọi làm quản thủ thư viện hoặc sử gia của tiểu giáo khu. Khi ông yêu cầu bà phục vụ với tư cách là người cố vấn lớp Mia Maid cho Hội Thiếu Nữ, thì phản ứng của bà là: “Giám trợ có chắc không vậy?”

Vị giám trợ nghiêm chỉnh đáp: “Thưa Chị Baker, tôi không lầm lẫn đâu; sự kêu gọi này là từ Chúa.”

Bà nói rằng bà không có câu trả lời nào khác ngoại trừ, “Vâng, tất nhiên rồi.”

Tôi yêu thích sự soi dẫn mà vị giám trợ này đã nhận được rằng bốn em gái lớp Mia Maids trong tiểu giáo khu của ông có nhiều điều để học hỏi từ sự khôn ngoan, kinh nghiệm, và tấm gương suốt đời của chị phụ nữ lớn tuổi này. Và hãy đoán xem Chị Baker sẽ đi tìm ai khi bà cần giúp đỡ để thiết lập trang Facebook của bà?

Tôi nghĩ đến các chị em trong Hội Phụ Nữ có thể được giúp đỡ nhiều như thế nào trong việc chào mừng các em trẻ tuổi mới đến từ Hội Thiếu Nữ. Các em trẻ tuổi của chúng ta thường cảm thấy như thể họ không thuộc vào và không liên quan gì đến những người trong Hội Phụ Nữ. Trước khi 18 tuổi, họ cần những người lãnh đạo Hội Thiếu Nữ và những người mẹ vui vẻ làm chứng về các phước lành lớn lao của Hội Phụ Nữ. Họ cần phải cảm thấy nhiệt tình về việc trở thành một phần của một tổ chức vinh quang như vậy. Khi các thiếu nữ bắt đầu tham dự Hội Phụ Nữ, điều họ cần nhất là có một người bạn ngồi bên cạnh, một cánh tay choàng qua vai, và một cơ hội để giảng dạy và phục vụ. Tất cả chúng ta hãy tìm đến giúp đỡ lẫn nhau qua tiến trình chuyển đổi và những giây phút quan trọng của cuộc sống.

Xin cám ơn tất cả các phụ nữ của Giáo Hội là những người đang tìm đến ban phước và phục vụ người khác bất kể sự khác biệt về tuổi tác và văn hóa là gì đi nữa. Các thiếu nữ đang phục vụ các em trong Hội Thiếu Nhi và những người lớn tuổi. Các chị em độc thân thuộc mọi lứa tuổi dành ra rất nhiều giờ để chăm sóc cho nhu cầu của những người xung quanh họ. Chúng ta ghi nhận có hàng ngàn thiếu nữ đang dành ra 18 tháng của cuộc đời để chia sẻ phúc âm với thế giới. Tất cả những điều này là bằng chứng cho thấy rằng, như lời bài thánh ca ưa thích của chúng ta: “Công việc của các thiên thần được đưa cho phụ nữ.”5

Nếu có những trở ngại, thì đó là vì chính chúng ta đã tạo ra chúng. Chúng ta phải dừng lại không tập trung vào những khác biệt giữa chúng ta và tìm kiếm những điểm chung của nhau; rồi chúng ta có thể bắt đầu nhận ra tiềm năng lớn nhất của mình và đạt được lợi ích lớn nhất trong cuộc sống này. Chị Marjorie P. Hinckley có lần đã nói: “Ôi, chúng ta cần đến nhau biết bao. Những người trong chúng tôi là những người lớn tuổi cần đến các chị em trẻ tuổi. Và hy vọng thay, các chị em là những người trẻ tuổi cần một số người trong chúng tôi là những người lớn tuổi. Đó là một sự kiện xã hội khi phụ nữ cần đến phụ nữ. Chúng ta cần tình bạn tâm đầu ý hợp và hết sức trung thành với nhau.”6 Chị Hinckley đã nói đúng; ôi, chúng ta cần nhau biết bao!

Thưa các chị em, không có một nhóm phụ nữ nào khác trên thế giới được tiếp cận với các phước lành lớn lao hơn chúng ta là các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau. Chúng ta là các tín hữu của Giáo Hội của Chúa, và bất kể hoàn cảnh cá nhân của chúng ta ra sao đi nữa thì chúng ta cũng đều có thể tận hưởng những phước lành trọn vẹn của quyền năng chức tư tế qua việc tuân giữ các giao ước mà mình đã lập tại lễ báp têm và trong đền thờ. Chúng ta có các vị tiên tri tại thế để dẫn dắt và giảng dạy, và chúng ta vui hưởng ân tứ lớn lao của Đức Thánh Linh, là Đấng phục vụ với tư cách là Đấng an ủi và hướng dẫn trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được ban phước để làm việc chung với các anh em ngay chính khi chúng ta củng cố mái gia đình của mình. Chúng ta tiếp cận được sức mạnh và quyền năng của các giáo lễ đền thờ và nhiều hơn nữa.

Ngoài việc vui hưởng tất cả những phước lành tuyệt vời này, chúng ta còn có nhau—các chị em trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta đã được phước với những đức tính dịu dàng và bác ái cho phép chúng ta ban phát tình yêu thương và sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô cho những người xung quanh. Khi chúng ta nhìn xa hơn những khác biệt về tuổi tác, văn hóa và hoàn cảnh để nuôi dưỡng và phục vụ lẫn nhau, chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô và sự soi dẫn, những điều này giúp chúng ta biết phải phục vụ người nào và vào lúc nào.

Tôi xin gửi đến các chị em một lời mời do một chủ tịch trung ương Hội Phụ Nữ đã từng đưa ra; chị nói: “Tôi xin mời các chị em không những yêu thương nhau nhiều hơn mà còn cho thấy tình yêu thương rõ ràng hơn nữa đối với nhau.7 Cầu xin cho chúng ta có thể nhận ra là mình cần đến nhau biết bao, và cầu xin cho chúng ta có thể cho thấy rõ là chúng ta yêu thương nhau, là lời cầu nguyện của tôi, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Barbara B. Smith, “The Bonds of Sisterhood,” Ensign, tháng Ba năm 1983, 20–23.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 38:27.

  3. Patricia T. Holland, “‘One Thing Needful’: Becoming Women of Greater Faith in Christ,” Ensign, tháng Mười năm 1987, 29.

  4. Lu Ca 1:7.

  5. “As Sisters in Zion,” Hymns, số 309.

  6. Glimpses into the Life and Heart of Marjorie Pay Hinckley, do Virginia H. Pearce xuất bản (1999), 254–55.

  7. Bonnie D. Parkin, “Chọn Lòng Bác Ái: Phần Tốt Đó,” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, 106.