2015
Biết Chữ để Thay Đổi Thế Giới của Chúng Tôi
Tháng Mười năm 2015


Biết Chữ để Thay Đổi Thế Giới của Chúng Tôi

Một hội đồng giáo hạt ở Ghana cho thấy việc hội ý với nhau và sử dụng các phương tiện địa phương có thể tạo cơ hội cho sự phát triển cá nhân và phục vụ người khác như thế nào.

Hình Ảnh
illustration of people helping each other climb a tower of books

Tranh ảnh do Taylor Callery minh họa

Chị Vida Osei ở Ghana muốn học đọc và viết tiếng Anh. Chị đã theo học chương trình cộng đồng một vài lần, nhưng đã trở nên chán nản và bỏ học trong vòng vài tuần. Một ngày Chủ Nhật sau đó, trong khi tham dự các buổi họp tại Chi Nhánh Thứ Hai, chị biết được rằng Giáo Hạt Asamankese đang bảo trợ một chương trình đọc và viết tiếng Anh. Chị quyết định nắm lấy cơ hội và ghi danh.

Chẳng bao lâu chị nhận thấy rằng chương trình này rất khác biệt. Chị sẽ có thể tham dự với bạn bè nhà thờ. Thánh thư được sử dụng làm tài liệu học để chị sẽ học tiếng Anh và phúc âm cùng một lúc.

Hai tháng sau khi lớp học bắt đầu, Vida đã dâng lên lời cầu nguyện đầu tiên trong đời trong một lớp học. Ba tháng sau khi bắt đầu, chị đã đưa ra bài nói chuyện lần đầu tiên trong đời trong lễ Tiệc Thánh, một phần bằng tiếng Twi, tiếng địa phương châu Phi, và một phần bằng tiếng Anh. Bốn tháng sau khi bắt đầu, chị bắt đầu viết vào một cuốn sổ tả tơi các đơn đặt hàng, những khoản chi phí và giá cả cho công việc của chị với tư cách là một cô thợ may tự làm chủ. Chị đã có ít lỗi hơn với khách hàng, nhận được giá thấp hơn từ các nhà cung cấp, và kiếm được nhiều tiền hơn trong bất cứ tháng nào trước đây.

Chị nói: “Tôi đã quá nhút nhát để tham dự một lớp dạy chữ với bất cứ ai.” “Nhưng khi lớp dạy chữ được tổ chức tại nhà hội với các tín hữu mà tôi biết, thì điều đó mang đến cho tôi can đảm để cố gắng lại một lần nữa. Và bây giờ tôi có thể đọc thánh thư và cải thiện công việc doanh của tôi bằng cách đọc và viết tiếng Anh.”

Ở miền nam sa mạc Sahara châu Phi, nhiều người, nhất là phụ nữ, không biết đọc và biết viết. Nạn mù chữ phổ biến đến nỗi một câu tục ngữ xưa của châu Phi nói: “Nếu muốn giấu một điều gì đó, thì hãy viết nó trong một cuốn sách.” Tuy nhiên, việc biết viết và biết đọc đang gia tăng đối với các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau như Vida.

Những Thử Thách để Khắc Phục

Cơ sở hạ tầng hạn chế và hệ thống trường công lập hạn chế ở hầu hết các quốc gia ở miền nam sa mạc Sahara có nghĩa là các cơ hội bị hạn chế, nhất là đối với các em gái. Vì học phí cao và thân phận bị hạn chế của các em gái trong xã hội, nên đối với nhiều người việc đọc chữ dường như là một kỹ năng không thể đạt được. Ví dụ, ở Ghana, mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, nhưng con số ước tính cho thấy có ít hơn một nửa số phụ nữ thành niên nói tiếng Anh. Ở vùng nông thôn Ghana, hai phần ba số phụ nữ thành niên không biết chữ.

Seth Oppong, chủ tịch Giáo Hạt Abomosu trong Phái Bộ Truyền Giáo Ghana Accra West nói: “Hầu hết phụ nữ thành niên ở các thị trấn và làng mạc của chúng tôi không nói được tiếng Anh. Tiếng địa phương của chúng tôi, Twi, đã là một ngôn ngữ nói trong nhiều thế kỷ. Chỉ mới gần đây thôi một bảng chữ cái tiếng Twi đã được tạo ra, vì thế cũng có rất ít người đọc được.”

Georgina Amoaka, chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo hạt giải thích: “Các chị em phụ nữ phải trông cậy vào người khác—hầu hết là chồng của họ nếu họ kết hôn, hoặc nghe bạn bè nói nếu họ chưa kết hôn—để hiểu các nguyên tắc phúc âm và chính sách Giáo Hội. Nhiều người rất mong muốn phục vụ, nhưng họ không thể đọc sách hướng dẫn hoặc tạp chí nên cơ hội của họ tham gia trong giáo hội rất hạn chế.”

Lời Khuyên Bảo từ Hội Đồng

Vì phụ nữ không nói được tiếng Anh ở trong nhà hoặc ngoài chợ, nên việc tham dự Giáo Hội mang đến cho họ động cơ chính để học ngôn ngữ. Tuy nhiên, các tín hữu lâu năm lẫn những người mới cải đạo cũng có thể gặp phải sự chống đối của gia đình liên quan đến các chương trình dạy chữ. Hội đồng giáo hạt đã thảo luận vấn đề này, và sau đó Chủ Tịch Oppong nói với các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ trong mỗi chi nhánh về một phương pháp toàn giáo hạt để dạy chữ. Mặc dù có sẵn cho tất cả các phụ nữ trong cộng đồng, chương trình này sẽ tập trung vào phụ nữ trong Giáo Hội. Thay vì mời riêng các cá nhân, lời mời sẽ được đưa ra để tham dự theo nhóm—ví dụ, các chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ và Hội Thiếu Nhi sẽ tham dự chung với nhau để họ có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Dựa trên các cuộc thảo luận với các chi nhánh, các vị lãnh đạo giáo hạt quyết định tổ chức các lớp học dạy chữ tại mỗi chi nhánh vào ngày Chủ Nhật cũng như hai lần trong tuần. Sau một nỗ lực tập trung trong sáu tháng, các chứng chỉ tốt nghiệp sẽ được trao cho những người tham dự thường xuyên và hoàn tất các bài tập phải làm ở nhà.

Những Nguồn Tài Liệu Thích Nghi với Nhu Cầu

Anh Cả Jim Dalton, một người truyền giáo cao niên đang phục vụ trong giáo hạt nói: “Một trong những thử thách là tìm ra một cách để dạy đọc và viết cho những người chỉ có ngôn ngữ nói mà thôi. Vì truyền thống lâu đời của Twi là một ngôn ngữ nói nhưng không viết xuống, nên hầu hết những người nói ngôn ngữ này không biết viết nó như thế nào, vì vậy chúng tôi đã phải bắt đầu với việc học viết ngôn ngữ đó.”

Ransford Darkwah thuộc hội đồng thượng phẩm Giáo Hạt Abomosu làm việc với hai người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà, là Francis Ansah và Cecelia Amankwah, để sử dụng một sách hướng dẫn xuất bản tại địa phương. Những người tham dự được cho thấy hình ảnh và yêu cầu viết về những điều họ thấy. Điều này đã giúp cho họ phát triển kỹ năng viết trong khi học cách suy nghĩ bằng tiếng Anh. Sau khi một số khả năng cơ bản đã được đặt ra, thì các nguồn tài liệu học tập cấp cao hơn có thể được sử dụng.

Chuẩn bị và đổi mới

Trước khi chương trình bắt đầu, các chuyên gia về việc dạy chữ đã không những huấn luyện các giảng viên về các phương pháp học tập mà còn về cách giảng dạy các kỹ năng thực hành vệ sinh và cuộc sống gia đình nữa. Nhưng ngay cả việc huấn luyện tốt nhất cũng không thể thấy trước một số thử thách đã gặp phải một khi các lớp học bắt đầu: việc mất điện thường xuyên trong khu vực làm cho các lớp học tối khó tiến hành, tin đồn rằng những người thợ mỏ vàng ngang tàng đang rình rập trên các đường phố ban đêm tạo ra nhiều nỗi lo lắng, và thỉnh thoảng những người có chìa khóa đã không thể đến đúng giờ để mở cửa nhà thờ.

Một lần nữa, hội đồng giáo hạt đã thảo luận điều cần phải làm. Để đáp lại lời khuyên của họ, các nhóm tham dự viên bắt đầu cùng nhau đi đến lớp. Họ được tặng cho đèn pin để giúp họ đi bộ an toàn trên đường. Các vị lãnh đạo địa phương cho phép sử dụng máy phát điện để có đèn điện tại nhà thờ vào ban đêm. Các tín hữu đáng tin cậy sống gần các nhà thờ được giao cho chìa khóa để họ có thể mở cửa các tòa nhà đúng giờ.

Những Phần Trình Bày vào Lễ Tốt Nghiệp

Sáu mươi mốt tín hữu và người tầm đạo đã bắt đầu chương trình. Bốn mươi ba người hoàn tất tất cả các khóa học và bài tập ở nhà. Tại lễ tốt nghiệp, họ được mời đưa ra những phần trình bày ngắn.

Hình Ảnh
Participants, family members, and friends celebrate at graduation ceremonies for the district-sponsored literacy program.

Sandra Obeng Amoh thuộc Chi Nhánh Sankubenase nói: “Trước khi chương trình học chữ bắt đầu, tôi không thể đọc được chữ nào cả. Khi chồng tôi đi công tác, tôi không bao giờ có buổi họp tối gia đình. Cách đây một vài tuần khi anh ấy vắng nhà, con trai đầu lòng của tôi đã giúp tôi đọc sách hướng dẫn và tôi đã dạy một bài học bằng tiếng Anh cho các con tôi. Kể từ đó, tôi đã làm như vậy mỗi tuần khi chồng tôi vắng nhà.”

Mặc dù kỹ năng tiếng Anh rất hạn chế, nhưng Prosper Gyekete vẫn là một tín hữu trung thành trong Chi Nhánh Abomosu Thứ Hai, và đã đọc một chứng ngôn có ba câu do chính anh viết. Anh nói rằng anh đã không thể đọc hay viết trước khi theo học lớp dạy chữ, nhưng bây giờ anh đã có thể giúp con cái còn nhỏ của mình với bài tập ở nhà của chúng. Anh nói: “Nhờ điều tôi đã học được, nên tôi có thể là một người cha tốt hơn.”

Kwaku Sasu thuộc Chi Nhánh Kwabeng nói: “Bây giờ, tôi có thể tự mình đọc thánh thư được rồi. Trước đây, tôi biết Sách Mặc Môn là chân chính cho dù dù tôi không thể đọc được. Giờ đây tôi biết sách đó là chân chính khi tôi đọc sách đó. Chứng ngôn của tôi tiếp tục phát triển.”

Các thành viên của chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ Chi Nhánh Asunafo nói rằng họ dành riêng mỗi thứ Năm để nói chuyện với nhau chỉ bằng tiếng Anh. Evelyn Agyeiwaa, chủ tịch Hội Phụ Nữ nói: “Ngày hôm đó, những cuộc nói chuyện kéo dài hơn vì chúng tôi không thể nghĩ ra đúng từ để nói với nhau. Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi bắt đầu thông dịch cho nhau, và tìm đúng từ để nói. Vì chúng tôi đã học tập chung với nhau, nên không một ai trong số chúng tôi cảm thấy ngượng ngùng hoặc sợ hãi để nói sai chữ cả. Chúng tôi chỉ giúp đỡ lẫn nhau.”

Rất Nhiều Lợi Ích

Những người phụ nữ đã hoàn tất chương trình dạy chữ của Giáo Hạt Abomosu đều nói là họ cảm thấy hài lòng hơn về bản thân họ và có nhiều khả năng để tham gia trong nhà thờ. Họ trở nên sẵn sàng hơn để chấp nhận những sự kêu gọi, đọc thánh thư, và giảng dạy ở nhà thờ lẫn ở nhà. Một số người đàn ông cũng đã hoàn tất chương trình dạy chữ đó. Hầu hết là những người có sinh kế bằng nghề nông nói rằng bây giờ họ có thể giỏi hơn trong việc tính toán khoản chi tiêu và doanh số bán sản phẩm của họ, giúp con cái làm bài tập ở nhà, và đọc thánh thư một mình và với gia đình của họ.

Được khuyến khích bởi sự thành công ở Abomosu, Giáo Hạt Asamankese gần bên cũng đã phát động chương trình dạy chữ riêng.

Gladis Aseidu thuộc Chi nhánh Sankubenase nói: “Việc có được khả năng đọc và viết đang thay đổi cuộc sống của chúng tôi và cuộc sống của con cái chúng tôi. Việc biết chữ đang thay đổi thế giới của chúng tôi, và chúng tôi cảm tạ Cha Thiên Thượng.”

Những người tham dự, những người trong gia đình, và bạn bè ăn mừng tại lễ tốt nghiệp dành cho chương trình dạy chữ do giáo hạt bảo trợ.

Hình ảnh vải của Africanway/iStock/Thinkstock27