2009
Sự An Toàn cho Linh Hồn
Tháng Mười Một năm 2009


Sự An Toàn cho Linh Hồn

Tôi cũng muốn được hoàn toàn rõ ràng khi đứng trước rào phán xét của Thượng Đế để tuyên bố với thế gian … rằng Sách Mặc Môn là chân chính.

Hình Ảnh
Elder Jeffrey R. Holland

Những lời tiên tri về những ngày sau cùng thường nói đến những đại họa như động đất, đói kém hay lụt lội. Do đó những điều này có thể đưa đến nhiều loại biến động rộng rãi về kinh tế hoặc chính trị.

Nhưng có một loại hủy diệt trong ngày sau đối với tôi thường nghe như liên quan đến riêng tư nhiều hơn là công chúng, cá nhân hơn là tập thể—một lời cảnh cáo có lẽ áp dụng bên trong nhiều hơn là bên ngoài Giáo Hội. Đấng Cứu Rỗi cảnh cáo rằng trong những ngày sau cùng, ngay cả những người dân giao ước, là những người được chọn, cũng có thể bị kẻ thù của lẽ thật lừa gạt.1 Nếu chúng ta nghĩ về điều này như là một hình thức hủy diệt phần thuộc linh, thì nó có thể làm sáng tỏ một lời tiên tri ngày sau khác. Hãy nghĩ về tâm hồn như trung tâm tượng trưng cho đức tin, vị trí nên thơ của lòng trung kiên và giá trị của chúng ta, rồi hãy cân nhắc lời phán của Chúa Giê Su rằng trong những ngày sau cùng, “người ta thất kinh mất vía.”2

Dĩ nhiên, điều đáng khích lệ là khi Cha trên Trời của chúng ta biết tất cả những nguy hiểm ngày sau này, những nỗi phiền muộn này của tấm lòng và tâm hồn, thì Ngài ban cho lời khuyên dạy và bảo vệ cho những điều đó.

Về mặt đó, việc Sách Mặc Môn, một trong những nền tảng vững mạnh nhất của Chúa3 trong cuộc phản công chống lại những vấn đề của ngày sau bắt đầu với một câu chuyện ngụ ngôn xuất sắc về cuộc sống, một ẩn dụ sâu xa về hy vọng so với sợ hãi, về ánh sáng so với bóng tối, về sự cứu rỗi so với sự hủy diệt—một ẩn dụ về điều mà Chị Ann M. Dibb đã nói thật thấm thía buổi sáng hôm nay, đều luôn luôn có ý nghĩa đối với tôi.

Trong giấc mơ của Lê Hi, một cuộc hành trình đã gian nan rồi lại càng trở nên gian nan hơn khi một đám sương mù tối đen nổi lên che khuất bất cứ cơ hội nào để thấy được con đường an toàn nhưng chật hẹp mà gia đình ông và những người khác đang đi. Cần phải lưu ý rằng đám sương mù tối đen này bao phủ tất cả khách lữ hành—người trung tín và người có quyết tâm (chúng ta còn có thể nói là người chọn lọc) cũng như người yếu đuối và không có nền tảng vững chắc. Điểm chính của câu chuyện này là những người khách lữ hành thành công đã chống lại mọi điều làm cho xao lãng, kể cả sự cám dỗ của những lối cấm cũng như lời chế giễu của kẻ kiêu căng và tự phụ đã đi theo những lối đó. Biên sử nói rằng những người được bảo vệ “cố sức tiến tới trước [và, tôi có thể thêm vào là kiên quyết] giữ chặt” thanh sắt mà lúc nào cũng chạy dọc theo hướng đi của con đường đúng.4 Dù là đêm hay ngày, thì thanh sắt cũng đánh dấu con đường cứu chuộc duy nhất đó mà thôi.

Về sau Nê Phi nói: “Tôi thấy rằng thanh sắt … là lời của Thượng Đế, [dẫn tới] suối nước sống … là biểu tượng cho tình thương yêu của Thượng Đế.” Khi thấy việc biểu lộ tình yêu thương này của Thượng Đế, Nê Phi nói tiếp:

“Tôi bèn nhìn và thấy Đấng Cứu Chuộc của thế gian … là Đấng đi thuyết giảng trong dân chúng

“… Và tôi thấy có những đám đông dân chúng bị đau ốm và bị khốn khổ bởi đủ thứ bệnh tật cùng bởi các quỷ dữ và ác linh; … Thế rồi những người đó được chữa lành bằng quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế; và các quỷ dữ và ác linh đều bị xua đuổi.”5

Tình yêu thương. Sự chữa lành. Sự giúp đỡ. Niềm Hy vọng. Quyền năng của Đấng Ky Tô để đối phó với tất cả những rắc rối thường xuyên xảy ra —kể cả thời kỳ cuối cùng. Đó là nơi ẩn náu an toàn mà Thượng Đế muốn ban cho chúng ta trong những ngày tuyệt vọng của riêng mình hoặc chung mọi người. Đó là sứ điệp bắt đầu và kết thúc của Sách Mặc Môn, là kêu gọi mọi người “hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài”6 Cụm từ đó—trích từ những dòng chứng ngôn cuối cùng của Mô Rô Ni, được viết 1.000 năm sau khải tượng của Lê Hi—là chứng ngôn của một người sắp chết về con đường chân chính duy nhất.

Tôi xin được nói đến một chứng ngôn thời hiện đại trong “những ngày sau cùng”. Khi Joseph Smith và anh của ông là Hyrum đi đến Carthage để đương đầu với điều mà họ biết sẽ là sự tuẫn đạo sắp xảy đến, thì Hyrum đọc những lời này để an ủi tâm hồn của em trai mình:

“Ngươi đã trung thành, vậy nên, ngươi sẽ được làm cho mạnh, để được ngồi nơi mà ta đã chuẩn bị trong các gian nhà của Cha ta.

“Và giờ đây, tôi, Mô Rô Ni, xin nói lời vĩnh biệt … cho đến khi chúng ta gặp lại nhau trước ghế phán xét của Đấng Ky Tô.”7

Đó là một vài câu ngắn từ chương 12 sách Ê The trong Sách Mặc Môn. Trước khi đóng sách lại, Hyrum gấp lại góc trang chỗ ông đã đọc, đánh dấu trang đó như là một phần chứng ngôn vĩnh viễn mà hai người anh em này sắp hy sinh cho chứng ngôn đó. Tôi cầm trong tay quyển sách đó, chính là quyển sách Hyrum đã đọc, cũng nếp gấp của góc trang vẫn còn thấy được. Sau này, khi thật sự bị giam giữ trong ngục thất, Tiên Tri Joseph đã quay sang những người lính canh đang giam giữ họ và đưa ra một chứng ngôn hùng hồn về tính chất xác thực thiêng liêng của Sách Mặc Môn.8 Chẳng bao lâu sau đó, súng đạn đã cướp đi mạng sống của hai người làm chứng này.

Là một trong hằng ngàn lời chứng của tôi về tính thiêng liêng của Sách Mặc Môn, tôi đưa ra lời chứng này để thêm vào một bằng chứng nữa về tính trung thực của sách đó. Trong những giây phút trọng đại nhất—và cuối cùng—đầy khó khăn này của họ, tôi xin hỏi các anh chị em: những người này có nguyền rủa Thượng Đế bằng cách tiếp tục sắp xếp cuộc sống, danh dự của họ và tìm kiếm sự cứu rỗi vĩnh cửu trong một quyển sách (và cũng có thể hiểu ngầm là một giáo hội và một giáo vụ) mà họ bịa đặt ra một cách thiếu cơ sở không?

Hãy bỏ qua sự thật là những người vợ của họ sắp trở thành góa phụ và con của họ sắp mồ côi cha. Hãy bỏ qua sự thật là số ít người đi theo họ sắp trở thành những người “vô gia cư, tứ cố vô thân” và con cái của họ sẽ để lại những dấu chân máu ngang qua những dòng sông đóng băng và cánh đồng hoang dại.9 Hãy bỏ qua sự thật là sẽ có đông người chết và nhiều người khác sống để tuyên bố khắp bốn phương rằng họ biết Sách Mặc Môn và Giáo Hội giảng dạy về sách đó là chân chính. Hãy bỏ qua tất cả những điều đó và nói cho tôi biết là trong giây phút gần kề cái chết này, hai người này sẽ bước vào chốn hiện diện của Đấng Phán Xét Vĩnh Cửu của họ bằng cách trích dẫn và tìm được niềm an ủi trong một quyển sách mà, nếu không phải chính là lời của Thượng Đế, sẽ gọi họ là những kẻ lừa đảo và lừa bịp cho đến cùng không? Họ sẽ không làm thế đâu! Họ thà chịu chết hơn là chối bỏ nguồn gốc thiêng liêng và tính trung thực vĩnh cửu của Sách Mặc Môn.

Trong 179 năm, quyển sách này đã bị xem xét và tấn công, chối bỏ và đả phá, công kích và chỉ trích, có lẽ không giống như bất cứ quyển sách nào khác trong lịch sử tôn giáo cận đại—có lẽ không giống như bất cứ quyển sách nào trong bất cứ lịch sử tôn giáo nào. Vậy mà nó vẫn đứng vững. Những lập luận về nguồn gốc của sách đến và đi một cách thất bại—từ Ethan Smith đến Solomon Spaulding, từ kẻ hoang tưởng đến thiên tài xảo quyệt. Không có giải đáp nào thật sự phù hợp để sách này chịu bị xem xét vì không có một giải đáp nào khác hơn là giải đáp mà Joseph đã đưa ra với tư cách là dịch giả trẻ tuổi ít học thức của sách ấy. Trong sự kiện này, tôi đồng ý với ông cố của tôi là người chỉ nói rằng: “Không một người tà ác nào có thể viết một quyển sách như vậy và cũng không có một người tốt nào viết quyển sách đó trừ phi đó là quyển sách chân chính và người ấy được Thượng Đế truyền lệnh để làm như vậy.”10

Tôi làm chứng rằng một người không thể nào đạt được đức tin trọn vẹn trong công việc ngày sau này—và do đó tìm ra mức độ bình an và an ủi trọn vẹn nhất cho thời kỳ này của chúng ta—cho đến khi người ấy chấp nhận tính thiêng liêng của Sách Mặc Môn và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng sách ấy làm chứng. Nếu có bất cứ ai điên rồ hoặc bị lừa gạt đến mức chối bỏ 531 trang của bản văn xa lạ trước đây có đầy tính chất văn học và phức tạp của ngôn ngữ Xê Mít lại không thành thật cố gắng giải thích về nguồn gốc của các trang sách đó—nhất là không giải thích về sự làm chứng mạnh mẽ về Chúa Giê Su Ky Tô và ảnh hưởng thuộc linh sâu xa vì sự làm chứng đó đối với quyển sách có hằng triệu độc giả ngày nay—nếu như thế, thì người như vậy, cho dù là người chọn lọc bởi Thượng Đế hay không, thì cũng đã bị lừa gạt; và nếu muốn rời bỏ Giáo Hội này, thì người ấy cần phải chối bỏ và khước từ Sách Mặc Môn. Trong ý nghĩa đó, quyển sách này là điều mà chính Đấng Ky Tô đã phán “phải là đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã,”11 một chướng ngại vật trên đường đi của một người không muốn tin trong công việc này. Các nhân chứng, ngay cả các nhân chứng có lúc đã căm ghét Joseph, cũng đã làm chứng cho đến khi chết rằng họ đã nhìn thấy một thiên sứ và được giao cho các bảng khắc. Họđã tuyên bố: “Những bảng khắc này đã biểu lộ cho chúng tôi trông thấy bằng quyền năng của Thượng Đế, chứ không phải bằng quyền năng của loài người. Vậy nên, chúng tôi biết chắc chắn rằng tác phẩm này có thật.”12

Giờ đây, tôi đã không cùng với Lê Hi hoặc Nê Phi hay anh của Gia Rết vượt đại dương và định cư ở tân thế giới. Tôi đã không nghe Vua Bên Gia Min nói về bài giảng được một thiên sứ ban cho ông. Tôi đã không truyền đạo với An Ma và A Mu Léc cũng như không chứng kiến cái chết khốc liệt của những người tin vô tội. Tôi đã không ở trong đám đông người Nê Phi sờ vào các vết thương của Chúa phục sinh, cũng như tôi đã không khóc với Mặc Môn và Mô Rô Ni trước sự tiêu diệt của cả một nền văn minh. Nhưng chứng ngôn của tôi về biên sử này và về sự bình an do biên sử này mang đến cho tâm hồn con người thì cũng gắn bó và dứt khoát như chứng ngôn của họ. Cũng như họ, “[tôi] lấy danh dự mà làm chứng trước thế giới về những điều [tôi] đã thấy.” Và cũng như họ, “[tôi] không nói dối, xin Thượng Đế chứng giám cho điều này.”13

Tôi cầu xin rằng chứng ngôn của tôi về Sách Mặc Môn cùng tất cả những gì chứa đựng trong sách đó, được đưa ra trong ngày hôm nay với lời thề nguyện và chức tư tế của tôi, được con người trên thế gian và thiên sứ trên trời ghi chép lại. Tôi hy vọng rằng tôi có được một vài năm còn lại “cuối đời” mình, nhưng cho dù tôi có hay không có đi chăng nữa, thì tôi cũng muốn được hoàn toàn rõ ràng khi đứng trước rào phán xét của Thượng Đế để tuyên bố với thế gian, bằng lời lẽ trung thực nhất mà tôi có thể nói lên được, rằng Sách Mặc Môn là chân chính, ra đời theo cách Joseph đã nói là sẽ ra đời và được ban cho để mang đến hạnh phúc cũng như hy vọng cho người trung tín trong nỗi đau khổ của những ngày sau này.

Lời chứng của tôi lặp lại lời chứng của Nê Phi là người đã viết một phần sách này trong những “ngày cuối đời” của ông:

Hãy nghe theo những lời này và hãy tin Đấng Ky Tô. Và nếu các người tin Đấng Ky Tô thì các người sẽ tin những lời này, vì đây là những lời của Đấng Ky Tô, … và những lời này dạy tất cả mọi người phải nên làm điều thiện.

Và nếu những lời này không phải là những lời của Đấng Ky Tô, thì các người hãy xét đi—vì Đấng Ky Tô sẽ chỉ cho các người thấy, vào ngày sau cùng, với quyền năng và vinh quang lớn lao, rằng đây chính là những lời của Ngài.”14

Thưa các anh chị em, Thượng Đế luôn luôn cung ứng sự an toàn cho linh hồn, và với Sách Mặc Môn, Ngài đã một lần nữa thực hiện điều đó trong thời kỳ chúng ta. Hãy ghi nhớ lời phán này của chính Chúa Giê Su: “Và kẻ nào biết tích lũy lời của ta thì sẽ không bị lừa gạt”15—và trong những ngày sau cùng tấm lòng cũng như đức tin của các anh chị em sẽ không làm các anh chị em hư mất. Tôi nghiêm chỉnh làm chứng về điều này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem Ma Thi Ơ 24:24; xin xem thêm Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:22.

  2. Lu Ca 21:26.

  3. Xin xem History of the Church 4:461.

  4. 1 Nê Phi 8:30.

  5. 1 Nê Phi 11:25, 27–28, 31.

  6. Mô Rô Ni 10:32.

  7. Ê The 12:37–38; xin xem thêm GLGƯ 135:5.

  8. Xin xem History of the Church 6:600.

  9. Joseph Smith, trong History of the Church, 4:539.

  10. George Cannon, được trích dẫn trong “The Twelve Apostles,” trong Andrew Jenson, xuất bản, The Historical Record, 6:175.

  11. 1 Phi E Rơ 2:8.

  12. “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng,” Sách Mặc Môn.

  13. “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng,” Sách Mặc Môn; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  14. 2 Nê Phi 33:10–11; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  15. Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:37.