2009
Joseph Smith— Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi
Tháng Mười Một năm 2009


Joseph Smith— Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi

Qua Joseph Smith, tất cả quyền năng, các chìa khóa, lời giảng dạy và các giáo lễ cần thiết cho sự cứu rỗi và sự tôn cao đã được phục hồi.

Hình Ảnh
Elder Tad R. Callister

Trong một vài phút, hãy tưởng tượng rằng có một người nào đó nói với các anh chị em ba sự kiện này về một nhân vật trong Kinh Tân Ước, chứ không có điều gì khác nữa: thứ nhất, Đấng Cứu Rỗi phán cùng người này: “Hỡi người ít đức tin” (Ma Thi Ơ 14:31), thứ nhì, người này trong một phút nóng giận đã cắt đứt một tai của người tôi tớ thầy tế lễ cả và thứ ba, người này đã ba lần chối không biết Đấng Cứu Rỗi là ai, mặc dù người ấy đã đi với Ngài hằng ngày. Nếu đó là điều các anh chị em chỉ biết hoặc chú trọng vào, thì các anh chị em có thể nghĩ rằng người này là một người vô lại hoặc một người xấu, nhưng qua đó các anh chị em có lẽ đã không biết một người cao trọng nhất trong số những người cao trọng từng sống trên thế gian: Sứ Đồ Phi E Rơ.

Tương tự như thế, một số người cố gắng tập trung vào hoặc thổi phồng một số khuyết điểm không quan trọng của Tiên Tri Joseph Smith nhưng trong lúc đó, họ cũng đã không thấy được tầm quan trọng, con người thật sự và sứ mệnh của người đó. Joseph Smith là người đã được Chúa xức dầu để phục hồi Giáo Hội của Đấng Ky Tô trên thế gian. Khi ông bước ra khỏi khu rừng thiêng liêng, cuối cùng ông đã biết được bốn lẽ thật cơ bản mà lúc bấy giờ không được đa số thế giới Ky Tô hữu cùng thời giảng dạy.

Trước hết, ông biết rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài Chúa Giê Su Ky Tô đều là hai Đấng riêng biệt. Kinh Thánh xác nhận điều Joseph Smith khám phá và cho chúng ta biết rằng Vị Nam Tử lệ thuộc vào ý muốn của Đức Chúa Cha (xin xem Ma Thi Ơ 26:42). Chúng ta được tác động bởi sự tuân phục của Đấng Cứu Rỗi và tìm ra sức mạnh nhờ tấm gương của Ngài để làm giống như vậy, nhưng điều gì sẽ là chiều sâu và lòng nhiệt tình đối với sự tuân phục của Đấng Ky Tô hoặc quyền năng thúc đẩy của tấm gương đó nếu Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử chỉ là một Đấng, trên thực tế là Vị Nam Tử chỉ tuân theo ý muốn của riêng Ngài dưới một cái tên khác?

Thánh thư đưa ra thêm bằng chứng về lẽ thật lớn lao này: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài” (Giăng 3:16). Việc một người cha hy sinh con một của mình chứng tỏ tình yêu thương cao quý mà trí óc và tâm hồn con người có thể thấu hiểu và cảm nhận được. Điều đó được miêu tả trong câu chuyện cảm động về Áp Ra Ham và Y Sác (xin xem Sáng Thế Ký 22). Nhưng nếu Đức Chúa Cha cũng là Vị Nam Tử, thì sự hy sinh này, trong số tất cả những sự hy sinh, đã bị mất và Áp Ra ham không còn hy sinh Y Sác nữa—Vậy thì Áp Ra Ham tự dâng hiến mình rồi.

Lẽ thật lớn lao thứ nhì Joseph Smith khám phá ra là Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử có thể xác vinh quang bằng xương bằng thịt. Tiếp theo Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, Ngài hiện đến cùng các môn đồ của Ngài và phán: “Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có” (Lu Ca 24:39). Một số người đã cho rằng đây là một biểu hiện tạm thời trong xác thịt và khi thăng thiên Ngài đã bỏ lại thể xác rồi trở lại trạng thái linh hồn của mình. Nhưng thánh thư cho chúng ta biết rằng điều này không thể có được. Phao Lô đã dạy: “Bởi biết rằng Đấng Ky Tô đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài” (Rô Ma 6:9). Nói cách khác, một khi Đấng Ky Tô đã phục sinh thì thể xác của Ngài không bao giờ có thể bị tách rời khỏi linh hồn của Ngài nữa, nếu không Ngài đã bị chết, đó chính là hậu quả mà Phao Lô đã nói là không thể còn nữa sau khi Ngài phục sinh.

Lẽ thật thứ ba Joseph Smith biết được là Thượng Đế vẫn còn phán bảo với con người ngày hôm nay—cửa thiên thượng không đóng lại. Một người cần phải đặt ra ba câu hỏi mà đã có lần được Chủ Tịch Hugh B. Brown đề nghị để đi đến kết luận đó (xin xem “The Profile of a Prophet,” Liahona, tháng Sáu năm 2006, 13). Thứ nhất, ngày nay Thượng Đế có yêu thương chúng ta nhiều như Ngài đã yêu thương những người dân Ngài đã nói đến trong thời kỳ Tân Ước không? Thứ nhì, ngày nay Thượng Đế có cùng một quyền năng như Ngài đã có không? Và thứ ba, ngày nay chúng ta có cần Ngài nhiều như họ đã cần Ngài thời xưa không? Nếu câu trả lời cho những câu hỏi đó đều là có và nếu Thượng Đế lúc nào cũng vậy, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi, như thánh thư đã dạy như vậy (xin xem Mặc Môn 9:9) thì không còn nghi ngờ gì nữa: Ngày nay Thượng Đế thật sự phán cùng con người đúng như Joseph Smith đã làm chứng.

Lẽ thật thứ tư Joseph Smith học được là lúc bấy giờ đã không có Giáo Hội trọn vẹn và hoàn hảo của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian. Dĩ nhiên, có những người tốt và một số yếu tố của lẽ thật, nhưng Sứ Đồ Phao Lô đã tiên tri trong thời xưa rằng Ngày Tái Lâm của Đấng Ky Tô sẽ không đến nếu không “có sự bỏ đạo đến trước” (2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:3).

Tiếp theo Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, Sự Phục Hồi Giáo Hội của Đấng Ky Tô bắt đầu “từng hàng chữ một, từng lời giáo huấn một” (GLGƯ 98:12).

Qua Joseph Smith, giáo lý của phúc âm đã được phục hồi và được rao giảng cho người chết trong thế giới linh hồn cho những người không có cơ hội tốt trên thế gian để nghe phúc âm (xin xem GLGƯ 128:5–22; xin xem them GLGƯ 138:30–34). Đây không phải là sáng kiến của một trí óc đầy sáng tạo mà là sự phục hồi của lẽ thật trong Kinh Thánh. Từ lâu, Phi E Rơ đã dạy: “Vì ấy bởi điều đó mà Tin lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết, hầu cho sau khi chịu xét đoán theo loài người về phần xác, thì họ được sống theo Đức Chúa Trời về phần hồn” (1 Phi E Rơ 4:6). Frederic W. Farrar, tác giả và nhà thần học nổi tiếng của Anh Giáo, đưa ra lời nhận xét sau đây về lời giảng dạy này của Phi E Rơ: “Mọi nỗ lực đã được đưa ra để giải thích ý nghĩa giản dị của đoạn này. Đó là một trong những đoạn Thánh Thư quý báu nhất, và không tối nghĩa… . Vì nếu lời lẽ có ý nghĩa thì lời lẽ này có nghĩa rằng Đấng Ky Tô, khi Thánh Linh của Ngài đi xuống thế giới thấp hơn, đã rao giảng sứ điệp cứu rỗi cho người chết mà chưa từng hối cải.” (The Early Days of Christianity [1883], 78)

Nhiều người giảng dạy rằng có một thiên thượng và một ngục giới. Joseph Smith đã phục hồi lẽ thật rằng có nhiều tầng trời. Phao Lô nói về một người đã được đem lên đến tầng trời thứ ba (xin xem 2 Cô Rinh Tô 12:2). Có thể nào có tầng trời thứ ba mà lại không có tầng trời thứ hai hoặc thứ nhất không?

Trong nhiều mặt, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô giống như 1.000 miếng của trò chơi lắp hình. Khi Joseph Smith đến thì có lẽ đã có 100 miếng hình đã được lắp vào chỗ rồi. Sau đó Joseph Smith bắt tay vào và lắp 900 miếng khác vào chỗ để người ta có thể nói: “Ồ, bây giờ tôi đã hiểu tôi từ đâu đến, tại sao tôi có mặt ở đây và tôi sẽ đi đâu.” Đối với vai trò của Joseph Smith trong Sự Phục Hồi, Chúa đã định nghĩa rõ vai trò đó: “Thế hệ này sẽ có lời của ta qua ngươi” (GLGƯ 5:10).

Bất chấp việc lẽ thật đã được phục hồi đầy dẫy trong Kinh Thánh, một số người thật lòng tìm kiếm đã nói: “Tôi có thể chấp nhận những giáo lý này nhưng không chấp nhận điều nói về tất cả các thiên sứ và khải tượng Joseph Smith khẳng định rằng ông đã nhận được. Điều này dường như rất khó để tin vào thời nay.”

Đối với những người thật lòng tìm kiếm đó, chúng ta nhẹ nhàng đáp: “Không có các thiên sứ và khải tượng trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô thời Tân Ước sao? Một thiên sứ đã chẳng hiện ra cùng Ma Ri và Giô Sép sao? Các thiên sứ không hiện đến cùng Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng trên Núi Biến Hình sao? Một thiên sứ không giải cứu Phi E Rơ và Giăng ra khỏi ngục sao? Một thiên sứ không hiện đến cùng Cọt Nây, và rồi cùng Phao Lô trước khi ông bị đắm tàu và cùng Giăng trên Đảo Bát Mô sao? Phi E Rơ không có một khải tượng về phúc âm đi đến cùng dân Ngoại, Phao Lô không có một khải tượng về tầng trời thứ ba, Giăng không có khải tượng về những ngày sau, và Ê Tiên đã không có khải tượng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử sao?”

Vâng, Joseph Smith thật sự thấy các thiên sứ và khải tượng—vì ông là công cụ trong tay của Thượng Đế để phục hồi cùng một Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện hữu trong thời kỳ cổ xưa—với tất cả quyền năng cũng như các giáo lý của Giáo Hội này.

Tuy thế, thật đáng tiếc khi thỉnh thoảng, một số người sẵn sàng bỏ qua các lẽ thật quý báu của phúc âm do Joseph Smith phục hồi chỉ vì họ chú ý đến một vấn đề lịch sử hoặc một giả thuyết khoa học nào đó không chính yếu cho sự tôn cao của họ, và khi làm như vậy, họ đã bán quyền thừa kế thuộc linh để đổi lấy một nồi canh phạn đậu. Họ đánh đổi việc tuyệt đối chắc chắn của Sự Phục Hồi cho một nỗi nghi ngờ, và do đó bị sa vào bẫy vì đánh mất niềm tin tưởng nơi nhiều điều họ thật sự biết bởi vì một vài điều họ không biết. Chừng nào mà đức tin còn được đòi hỏi và trí óc của chúng ta còn bị hạn chế thì sẽ luôn luôn có thể xảy ra dường như là cơn khủng hoảng trí tuệ, nhưng tương tự như thế, cũng sẽ luôn luôn có các giáo lý chắc chắn và vững vàng của Sự Phục Hồi để bám vào, sẽ cung ứng nền tảng bằng đá mà trên đó chứng ngôn của chúng ta có thể được xây đắp.

Khi nhiều người theo Đấng Ky Tô tránh xa Ngài, Ngài bèn hỏi các Sứ Đồ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”

Rồi Phi E Rơ đã đáp bằng một câu trả lời mà cần phải ghi khắc vào mỗi tấm lòng: “Chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:66-68).

Nếu một người nào đó bỏ các giáo lý đã được phục hồi này thì người ấy sẽ đi đâu để học hỏi về thiên tính của Thượng Đế như đã được giảng dạy trong khu rừng đó? Người ấy sẽ đi đâu để tìm ra các giáo lý về cuộc sống tiền dương thế, phép báp têm cho người chết và hôn nhân vĩnh cửu? Người ấy sẽ đi đâu để tìm ra quyền năng gắn bó có thể ràng buộc vợ chồng cùng con cái bên kia mộ phần?

Qua Joseph Smith, tất cả các quyền năng, chìa khóa, lời giảng dạy và giáo lễ cần thiết cho sự cứu rỗi và sự tôn cao đã được phục hồi. Các anh chị em không thể đi nơi nào khác trên thế gian để nhận được điều đó. Điều đó không thể nào tìm ra được ở bất cứ giáo hội nào khác, không thể nào tìm ra được ở bất cứ nhà triết học nào, hoặc tài liệu khoa học hay cuộc hành hương cá nhân nào cả, cho dù có thể có tri thức đến mấy đi nữa. Sự cứu rỗi chỉ có thể tìm ra được ở một nơi mà thôi, đã được chính Chúa chỉ rõ, khi Ngài phán rằng đây “là giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này”(GLGƯ 1:30).

Tôi làm chứng rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Sự Phục Hồi, cũng như ông đã khẳng định như vậy. Tôi lặp lại giai điệu của bài thánh ca đầy phấn khởi đó: “Lòng hằng ngợi khen người giao tiếp với Giê Hô Va!” (“Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.