2009
Duy Trì Sự Thay Đổi Lớn Lao Trong Lòng
Tháng Mười Một năm 2009


Duy Trì Sự Thay Đổi Lớn Lao Trong Lòng

Muốn kiên trì đến cùng, chúng ta cần phải sốt sắng làm hài lòng Thượng Đế và thờ phượng Ngài một cách nhiệt tình.

Hình Ảnh
Elder Dale G. Renlund

Tháng Mười Hai năm 1967, ca ghép tim thành công đầu tiên được thực hiện ở Cape Town, Nam Phi. Quả tim bệnh hoạn của một người sắp chết được cắt bỏ và được ghép vào quả tim khỏe mạnh do một người chết hiến tặng. Kể từ đó, có hơn 75.000 ca ghép tim được thực hiện trên toàn cầu.

Ở mỗi bệnh nhân ghép tim, cơ thể nhận biết quả tim cứu mạng mới như là “một vật lạ từ bên ngoài” và bắt đầu phản ứng lại. Nếu không có biện pháp ngăn ngừa thì phản ứng tự nhiên của cơ thể sẽ không chấp nhận quả tim mới và người được ghép tim sẽ chết. Thuốc có thể ngăn chặn phản ứng tự nhiên này, nhưng cần phải uống thuốc hằng ngày và theo đúng giờ giấc. Ngoài ra, tình trạng của quả tim mới cũng cần phải được theo dõi. Thỉnh thoảng người ta tiến hành sinh thiết quả tim, lấy ra những mô nhỏ xét nghiệm dưới kính hiển vi. Khi người ta thấy những dấu hiệu cơ thể thải quả tim mới thì họ sẽ điều chỉnh lại thuốc cho phù hợp. Nếu quá trình thải ghép quả tim mới được phát hiện sớm thì có thể ngăn ngừa được cái chết.

Điều đáng ngạc nhiên là một số bệnh nhân không quan tâm nhiều đến quả tim được ghép của mình. Họ uống thuốc không đều đặn và đi khám bác sĩ ít hơn. Họ nghĩ rằng vì họ cảm thấy khỏe thì mọi việc đều tốt đẹp. Thái độ thiển cận này thường làm cho thời gian sống của bệnh nhân rút ngắn lại.

Một cuộc ghép tim có thể kéo dài thời gian sống của những người mà nếu không làm như vậy thì sẽ chết vì suy tim. Nhưng đó không phải là “ca mổ sống còn,” như tạp chí Time đã gọi như vậy vào năm 1967.1 Ca mổ sống còn không phải là “sự thay đổi lớn lao trong lòng” về phần thể chất mà là phần thuộc linh.2

Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và việc tuân theo các luật pháp cùng các giáo lễ của phúc âm, chúng ta trải qua ca mổ sống còn này, chính là sự thay đổi trong lòng về phần thuộc linh. Vì những phạm giới của mình, nên quả tim thuộc linh của chúng ta trở nên bệnh hoạn và chai đá, khiến cho chúng ta phải chịu cái chết thuộc linh và xa rời Cha Thiên Thượng. Chúa giải thích ca mổ mà mọi người chúng ta đều cần đến: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt.”3

Tuy nhiên, cũng giống như các bệnh nhân ghép tim, sự thay đổi lớn lao này trong tim thuộc linh của chúng ta chỉ mới bắt đầu. Sự hối cải, phép báp têm và lễ xác nhận đều cần thiết, nhưng không đủ. Thật vậy, cần phải có sự chăm sóc ngang bằng nếu không muốn nói là nhiều hơn đối với một quả tim thay đổi về phần thuộc linh, so với một quả tim của cơ thể được ghép tim, nếu chúng ta kiên trì đến cùng. Chỉ bằng cách làm như vậy chúng ta mới có thể được xem là vô tội vào lúc phán xét.4

Việc kiên trì đến cùng có thể rất khó vì khuynh hướng của con người thiên nhiên là từ chối thay đổi tấm lòng thuộc linh và để cho tấm lòng mình trở nên chai đá. Không có gì ngạc nhiên khi Chúa phải cảnh cáo “ngay cả những người đã được thánh hóa cũng phải chú tâm nữa.”5

Chúng ta đều biết có người đã có sự thay đổi lớn lao này trong lòng rồi nhưng sau đó đầu hàng con người thiên nhiên. Họ trở nên hững hờ trong việc thờ phượng và sự tận tâm đối với Thượng Đế, lòng họ trở nên chai đá và do đó làm nguy hại cho sự cứu rỗi vĩnh cửu của họ.

Cuộc sống của những người đã cải đạo nhờ sự thuyết giảng của các con trai Mô Si A mang đến một số hiểu biết về cách người ta tránh khước từ sự thay đổi lớn lao phần thuộc linh. Chúng ta đọc về những người này rằng “nhiều người đã được dẫn dắt tới sự hiểu biết lẽ thật, nhờ sự thuyết giảng của Am Môn và các anh em ông … và đã cải đạo theo Chúa, họ không hề bỏ đạo.”6

Làm thế nào họ kiên trì đến cùng một cách thành công như vậy? Chúng ta biết rằng “họ cũng được nổi tiếng về lòng nhiệt thành đối với Thượng Đế và luôn cả đối với đồng loại nữa; và quả thật họ là những người hết sức lương thiện và ngay chính trong tất cả mọi việc; và họ vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô cho đến cùng.”7

Lòng nhiệt thành của họ đối với Thượng Đế có lẽ phản ảnh niềm hăng hái để làm hài lòng Thượng Đế và thờ phượng Ngài đầy tha thiết và sốt sắng. Lòng nhiệt thành của họ đối với con người cho thấy một mối quan tâm mãnh liệt để giúp đỡ và phục vụ những người khác. Đức tính hoàn toàn ngay thẳng và chân thật trong mọi điều cho thấy rằng họ đã trung thành với các giao ước và không giảm bớt cam kết của mình đối với Thượng Đế hay con người. Chúng ta còn biết thêm rằng họ đã dạy cho con cái phúc âm trong nhà của họ. Chúng ta biết rằng họ đã chôn cất vũ khí chiến tranh của họ, tự mình tránh xa những cám dỗ.

Chắc hẳn họ thường đánh giá tình trạng của sự thay đổi thuộc linh trong lòng họ. Họ không chỉ cho rằng mọi việc đều tốt đẹp. Bằng cách xem xét tấm lòng thay đổi của mình, họ có thể nhận ra rất sớm nếu tấm lòng của họ có bị chai đá hay từ chối thay đổi để điều trị ngay.

An Ma Con đặt ra một loạt câu hỏi cho những người cùng thời với dân Am Môn mà đã xem xét những tấm lòng thay đổi. An Ma hỏi: “Nếu các người có cảm thấy được một sự thay đổi trong lòng mình, và các người có muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc, tôi xin hỏi, các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”8 Ông còn hỏi họ có đủ khiêm nhường, không kiêu ngạo và ganh tỵ cùng tử tế đối với đồng bào của họ không.9 Bằng cách thành thật trả lời những câu hỏi giống như những câu hỏi này, chúng ta có thể sớm sửa đổi để không đi trệch khỏi con đường chật và hẹp cũng như tuân giữ các giao ước của mình một cách chính xác.

Năm 1980, gia đình chúng tôi dọn nhà đến bên kia đường của bệnh viện nơi tôi được huấn luyện và làm việc. Tôi làm việc mỗi ngày, kể cả ngày Chúa Nhật. Vào ngày Chúa Nhật, nếu tôi làm xong công việc vào 2 giờ trưa thì tôi có thể cùng với vợ và con gái tôi lái xe đi nhà thờ để dự các buổi họp bắt đầu vào lúc 2 giờ 30.

Vào một ngày Chúa Nhật, cuối năm huấn luyện thứ nhất, tôi biết rằng tôi có thể làm xong khoảng 2 giờ trưa. Tuy nhiên, tôi thấy rõ rằng nếu tôi ở lại bệnh viện lâu hơn một chút thì vợ và con gái tôi sẽ đi một mình không có tôi. Rồi tôi có thể đi bộ về nhà và có một giấc ngủ trưa cần thiết. Tôi rất tiếc phải nói rằng tôi đã làm như thế. Tôi chờ đến 2 giờ 15, chậm rãi đi bộ về nhà, và nằm xuống trên cái ghế dài với hy vọng là sẽ ngủ được một giấc. Nhưng tôi đã không thể ngủ được. Tôi cảm thấy băn khoăn và lo lắng. Tôi luôn luôn thích đi nhà thờ. Tôi tự hỏi tại sao vào lúc này chứng ngôn đầy nhiệt tình và lòng sốt sắng mà tôi đã cảm nhận trước đó đã mất rồi.

Tôi không phải nghĩ ngợi lâu. Vì thời khóa biểu làm việc, nên tôi trở nên hờ hững với việc cầu nguyện và học thánh thư. Tôi thường thức dậy vào buổi sáng, cầu nguyện và đi làm. Thường thường ngày đêm hòa lẫn với nhau trước khi tôi trở về nhà trễ vào buổi chiều hôm sau. Rồi tôi quá mệt mỏi đến nỗi tôi ngủ thiếp trước khi cầu nguyện hoặc đọc thánh thư. Sáng hôm sau thì chu kỳ đó bắt đầu lại như vậy. Vấn đề là tôi không làm những điều cơ bản cần thiết để giữ cho tấm lòng thay đổi mạnh mẽ của tôi không trở nên chai đá.

Tôi ngồi dậy khỏi chiếc ghế dài, quỳ xuống và cầu xin Thượng Đế tha thứ. Tôi hứa với Cha Thiên Thượng rằng tôi sẽ thay đổi. Ngày hôm sau, tôi mang một quyển Sách Mặc Môn vào bệnh viện. Ở trên bản liệt kê những việc cần làm của tôi và mỗi ngày kể từ ngày ấy, là hai điều; cầu nguyện ít nhất buổi sáng và buổi tối và đọc thánh thư. Đôi khi, vào lúc nửa đêm, tôi cũng phải nhanh chóng tìm ra một chỗ kín đáo để cầu nguyện. Có vài ngày, thời gian học thánh thư của tôi rất ngắn. Tôi cũng hứa với Cha Thiên Thượng rằng tôi sẽ luôn luôn cố gắng đi nhà thờ, cho dù tôi vắng mặt một phần buổi lễ. Trong vòng một vài tuần, lòng hăng hái đã trở lại và chứng ngôn đầy nhiệt tình bừng cháy dữ dội một lần nữa. Tôi hứa là sẽ không bao giờ sa vào cái bẫy thuộc linh chết người của việc hờ hững do những hành động dường như nhỏ nhặt này có thể hủy hoại những sự việc có tính chất vĩnh cửu, dù hoàn cảnh có ra sao đi nữa.

Muốn kiên trì đến cùng, chúng ta cần phải sốt sắng làm hài lòng Thượng Đế và thờ phượng Ngài một cách nhiệt tình. Điều này có nghĩa rằng chúng ta duy trì đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách cầu nguyện, đọc thánh thư, dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần, và có được Đức Thánh Linh thường xuyên đồng hành với chúng ta. Chúng ta cần phải tích cực giúp đỡ và phục vụ những người khác, cũng như chia sẻ phúc âm với họ. Chúng ta cần phải ngay thẳng và chân thật trong mọi điều, đừng bao giờ thỏa hiệp các giao ước của mình với Thượng Đế hoặc cam kết của chúng ta với con người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong nhà mình, chúng ta cần phải nói, hoan hỷ và thuyết giảng về Đấng Ky Tô để cho con cái—và rồi bản thân chúng ta—sẽ mong muốn áp dụng Sự Chuộc Tội vào cuộc sống của mình.10 Chúng ta phải nhận ra những cám dỗ mà dễ dàng bao vây chúng ta và đặt chúng xa khỏi tầm với—thật xa khỏi tầm với của mình. Cuối cùng, chúng ta cần phải thường xuyên xem xét tấm lòng thay đổi mạnh mẽ của mình và đảo ngược bất cứ dấu hiệu nào mới bắt đầu chớm nở về sự chai đá.

Xin hãy xem xét tình trạng của tấm lòng thay đổi của mình. Các anh chị em có phát hiện ra bất cứ sự khước từ nào vì khuynh hướng của con người thiên nhiên mà trở nên hờ hững không? Nếu có, thì hãy tìm ra một nơi nào các anh chị em có thể quỳ xuống. Hãy nhớ rằng, còn nhiều năm khó khăn nữa trên trần thế này. Đừng đánh mất kết quả của ca mổ sống còn: sự cứu rỗi vĩnh cửu và sự tôn cao.

Tôi biết rằng chúng ta có thể tiến tới với đức tin vững vàng trong Đấng Ky Tô và hân hoan kiên trì chịu đựng đến cùng,11 trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. “Surgery: The Ultimate Operation,” Time, ngày 15 tháng Mười Hai năm 1967, 64.

  2. Xin xem Mô Si A 5:2; An Ma 5:12–14.

  3. Ê Xê Chi Ên 36:26.

  4. Xin xem 3 Nê Phi 27:16.

  5. GLGƯ 20:34.

  6. An Ma 23:6.

  7. An Ma 27:27.

  8. An Ma 5:26.

  9. Xin xem An Ma 5:27–30.

  10. Xin xem 2 Nê Phi 25:26.

  11. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Chúng Ta Không Có Lý Do để Hoan Hỷ Sao?” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 18–21.