2009
Sự Cầu Nguyện và Những Thúc Giục của Thánh Linh
Tháng Mười Một năm 2009


Sự Cầu Nguyện và Những Thúc Giục của Thánh Linh

Những kinh nghiệm về sự thúc giục và sự cầu nguyện này không xa lạ gì trong Giáo Hội. Chúng là một phần mặc khải Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta.

Hình Ảnh
President Boyd K. Packer

Không một người cha nào chịu gửi con cái đến một vùng đất xa xôi đầy nguy hiểm để chịu thử thách suốt đời, là nơi Lu Xi Phe tự do hành động, mà không cung ứng cho chúng một quyền năng bảo vệ cá nhân nào. Người cha đó sẽ còn cung ứng cho con cái phương tiện liên lạc với mình. Mỗi người con của Đức Chúa Cha được gửi đến thế gian đều được ban cho Thánh Linh của Đấng Ky Tô hoặc Ánh Sáng của Đấng Ky Tô.1 Không một ai trong chúng ta bị bỏ mặc ở đây một mình mà không có hy vọng được hướng dẫn và cứu chuộc.

Sự Phục Hồi bắt đầu với lời cầu nguyện của một thiếu niên 14 tuổi cùng một khải tượng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn đã được khai mở.

Sự Phục Hồi phúc âm mang đến sự hiểu biết về cuộc sống tiền dương thế. Từ thánh thư, chúng ta biết về Đại Hội trên Thiên Thượng và quyết định gửi các con trai con gái của Thượng Đế xuống thế gian để tiếp nhận một thể xác và được thử thách.2 Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế. Chúng ta có một thể linh hiện đang trú ngụ trong một thể xác bằng thịt. Thánh thư nói rằng: “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (1 Cô Rinh Tô 3:16).

Là con cái của Thượng Đế, chúng ta biết rằng chúng ta là một phần “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” của Ngài (An Ma 42:8).

Chúng ta biết có một Trận Chiến trên Thiên Thượng, và Lu Xi Phe cùng những người theo nó bị đuổi ra mà không có thể xác:

“Sa Tan, con rắn ngày xưa, tức là quỹ dữ … đã chống lại Thượng Đế, và tìm cách chiếm vương quốc của Thượng Đế của chúng ta và của Đấng Ky Tô của Ngài—

“Vậy nên, nó đã gây chiến với các thánh hữu của Thượng Đế, và bao vây họ” (GLGƯ 76:28–29).

Chúng ta được ban cho quyền tự quyết.3 Chúng ta cần phải sử dụng quyền đó một cách khôn ngoan và luôn luôn gần gũi với Thánh Linh, nếu không thì chúng ta đã dại dột thấy mình đầu hàng cám dỗ của kẻ nghịch thù. Chúng ta biết rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, các lỗi lầm có thể được gột rửa và thể xác hữu diệt của chúng ta sẽ được phục hồi theo hình thể toàn hảo của nó.

“Vì này, Thánh Linh của Đấng Ky Tô được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác; vậy nên, tôi chỉ cho các người biết cách xét đoán; vì bất cứ việc gì mời mọc làm điều thiện, và thuyết phục để tin nơi Đấng Ky Tô, đều do quyền năng và ân tứ của Đấng Ky Tô đưa lại; vậy nên các người có thể hiểu biết một cách rõ ràng rằng điều đó do Thượng Đế mà ra” (Mô Rô Ni 7:16).

Có một cách giao tiếp trọn vẹn qua Thánh Linh, “vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chứa Trời nữa” (1 Cô Rinh Tô 2:10).

Tiếp theo phép báp têm vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một giáo lễ thứ hai “Phép đặt tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh” (Những Tín Điều 1:4).

Tiếng nói soi dẫn dịu dàng, nhỏ nhẹ đó đến như là một cảm nghĩ hơn là một âm thanh. Tri thức thuần khiết có thể được nói trong tâm trí. Đức Thánh Linh truyền đạt với linh hồn của chúng ta qua tâm trí hơn là qua các giác quan.4 Sự hướng dẫn này đến với tính cách là tư tưởng, cảm nghĩ qua những sự thúc giục và ấn tượng.5 Chúng ta có thể cảm nhận được những lời giao tiếp thiêng liêng hơn là nghe những lời này, và thấy với phần thuộc linh hơn là với con mắt của người trần.6

Tôi đã phục vụ nhiều năm trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ với Anh Cả LeGrand Richards. Ông qua đời thọ được 96 tuổi. Ông kể lại cho chúng tôi biết rằng, khi còn là thiếu niên 12 tuổi, ông đã tham dự một buổi đại hội trung ương tuyệt diệu trong Đại Thính Đường. Nơi đó, ông đã nghe Chủ Tịch Wilford Woodruff nói chuyện.

Chủ Tịch Woodruff kể lại một kinh nghiệm khi được Thánh Linh thúc giục. Ông được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn phái đi “quy tụ tất cả Các Thánh Hữu của Thượng Đế ở New England và Canada rồi mang họ đến Si Ôn.”7

Ông ngừng chân ở nhà của một trong số các anh em ở Indiana và đậu xe ngựa trong sân nơi ông cùng vợ với một đứa con ngủ, trong khi những người khác trong gia đình ngủ trong nhà. Ngay sau khi ông nằm xuống thì Thánh Linh mách bảo với ông: “Hãy dậy mà dời cái xe của ngươi đi.” Ông thức dậy và dời cái xe ngựa một khoảng cách xa chỗ cũ. Trong khi ông trở lại giường thì Thánh Linh phán bảo với ông một lần nữa: “Hãy đi dời các con lừa của ngươi xa khỏi cây sồi đó.” Ông làm theo và rồi một lần nữa đi ngủ.

Không đến 30 phút sau, một cơn gió lốc cuốn đổ cái cây nơi buộc các con lừa trước đó. Cái cây đó bị văng xa 90 mét ngang qua hai hàng rào. Cái cây khổng lồ có chu vi của thân cây rộng 1 thước rưỡi, rơi xuống đúng ngay chỗ chiếc xe ngựa của ông đậu trước đó. Nhờ lắng nghe theo những thúc giục của Thánh Linh, Anh Cả Woodruff đã cứu mạng sống mình và của vợ con mình.8

Cũng cùng một Thánh Linh đó có thể thúc giục và bảo vệ các anh chị em.

Khi tôi mới được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương cách đây gần 50 năm, chúng tôi sống trên một mảnh đất nhỏ ở Utah Valley mà chúng tôi gọi là nông trại. Chúng tôi có một con bò, một con ngựa, mấy con gà và nhiều con cái.

Một ngày thứ Bảy, tôi phải lái xe ra sân bay để đáp máy bay đi dự một đại hội giáo khu ở California. Nhưng con bò đang chuẩn bị sinh con và gặp rắc rối. Con bê đã ra đời nhưng con bò không thể đứng dậy được. Chúng tôi gọi điện thoại cho bác sĩ thú y đến ngay. Ông nói con bò nuốt phải một sợi dây bằng kim loại và sẽ không thể sống qua ngày.

Tôi ghi lại số điện thoại của công ty sản xuất phó sản từ thịt gia súc để vợ tôi có thể gọi điện thoại cho họ đến mang con bò đi ngay sau khi nó chết.

Trước khi tôi đi, chúng tôi cùng cầu nguyện chung gia đình. Đứa con trai nhỏ của chúng tôi dâng lên lời cầu nguyện. Sau khi nó đã cầu xin Cha Thiên Thượng “ban phước cho Cha trong chuyến đi của ông và ban phước cho tất cả chúng con,” thì nó bắt đầu một lời cầu xin khẩn thiết. Nó nói: “Thưa Cha Thiên Thượng, xin ban phước cho con bò Bossy để nó được bình an vô sự.”

Ở California, tôi đã kể lại sự kiện đó và nói: “Thằng bé cần phải biết rằng chúng ta không nhận được mọi thứ mình cầu xin một cách dễ dàng như vậy.”

Có một bài học cần phải được học, và chính tôi chứ không phải con tôi là người đã học bài học đó. Khi tôi trở về vào tối Chúa Nhật thì Bossy đã “được bình an vô sự.”

Tiến trình này không dành riêng cho các vị tiên tri. Ân tứ Đức Thánh Linh có tác dụng đồng đều đối với cả nam lẫn nữ và thậm chí cả trẻ con. Chính trong ân tứ và quyền năng kỳ diệu này mà có thể tìm thấy được giải pháp thiêng liêng cho bất cứ vấn đề nào.

“Và giờ đây, Ngài đã ban phát lời của Ngài cho loài người qua các thiên sứ, phải, không những cho người nam mà còn cho cả người nữ. Này, như vậy cũng chưa phải hết; cả trẻ con nữa cũng nhiều lần nhận được những lời lẽ khiến những người thông thái và những học giả phải bối rối” (An Ma 32:23).

Chúa có nhiều cách để trút sự hiểu biết xuống tâm trí chúng ta nhằm thúc giục, hướng dẫn, giảng dạy, sửa đổi và cảnh giác chúng ta. Chúa đã phán: “Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đến với ngươi và sẽ ngự trong tâm ngươi” (GLGƯ 8:2).

Và Ê Nót ghi lại: “Trong lúc tôi đang vận dụng hết tâm hồn mình như vậy, này, tiếng nói của Chúa lại đến với tâm trí tôi” (Ê Nót 1:10).

Các anh chị em có thể biết được những điều mình cần biết. Hãy cầu nguyện để các anh chị em sẽ học cách tiếp nhận và luôn luôn sống xứng đáng để nhận được sự soi dẫn đó. Hãy giữ công cụ đó—chính là tâm trí của các anh chị em—được trong sạch và tránh khỏi cảnh hỗn loạn của thế gian.

Anh Cả Graham W. Doxey, từng phục vụ trong Đệ Nhị Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, kể cho tôi nghe về một kinh nghiệm. Mẹ của ông, về sau là cố vấn trong chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nhi, cũng kể cho tôi nghe về kinh nghiệm này.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, ông ở trong Hải Quân và đóng quân ở Trung Quốc. Ông và vài người khác đi xe lửa đến tham quan thành phố Tientsin.

Về sau, họ lên xe lửa để trở lại căn cứ của mình nhưng sau hơn một giờ đồng hồ, xe lửa quẹo lên phía bắc. Họ đã đi nhầm xe lửa! Họ không nói được tiếng Trung Quốc. Họ kéo dây khẩn cấp để ngừng xe lửa lại. Họ bị bỏ lại tại một nơi nào đó ở vùng nông thôn và chẳng biết làm gì ngoài việc đi bộ trở lại thành phố.

Sau khi đi được một lúc, họ thấy một toa xe nhỏ bơm bằng tay để chạy, loại toa xe mà các công nhân đường sắt sử dụng. Họ đặt vào đường ray và bắt đầu bơm nó lên để chạy trên đường ray xe lửa. Nó lao xuống dốc nhưng vẫn cần phải được đẩy khi lên dốc.

Khi đi đến một dốc đồi, họ chen nhau leo lên toa xe và bắt đầu xuống dốc. Graham là người cuối cùng leo lên toa xe. Chỗ còn lại duy nhất là ở trước toa xe. Ông chạy bám theo toa xe và cuối cùng leo vào. Khi làm như vậy, ông trượt chân ngã. Người ông nảy ra sau với chân đạp vào toa xe để giữ không bị cán lên. Khi chiếc xe bắt đầu tăng tốc độ, ông nghe tiếng của mẹ ông nói: “Bud à, hãy cẩn thận nhé!”

Ông đi đôi giày lính nặng nề. Chân ông bị tuột ra khỏi giày và cái đế dày cộm của chiếc giày kẹt vào trong răng bánh xe rồi chặn chiếc xe lại chỉ cách bàn tay ông 30 centimét.

Cha mẹ của ông, đang chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo của Các Tiểu Bang Trung Đông vào lúc ấy, đang ngủ trong một căn phòng khách sạn. Mẹ của ông tỉnh dậy khoảng 2 giờ sáng và đánh thức chồng mình: “Bud đang gặp rắc rối!” Họ quỳ xuống cạnh giường và cầu nguyện cho sự an toàn của con trai họ.

Bức thư kế tiếp ông nhận được có viết: “Bud, con có sao không? Điều gì xảy ra cho con vậy?”

Rồi ông viết cho họ nghe điều đã xảy ra. Khi họ tính toán giờ giấc thì đúng lúc người ông bị nảy bật lên dọc theo đường ray xe lửa, thì cha mẹ ông đang quỳ xuống trong căn phòng khách sạn cách nửa vòng trái đất và cầu nguyện để ông được an toàn.

Những kinh nghiệm về sự thúc giục và sự cầu nguyện này không xa lạ gì trong Giáo Hội. Chúng là một phần mặc khải Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta.

Một trong những công cụ sắc bén nhất của kẻ nghịch thù là thuyết phục chúng ta tin rằng mình không còn xứng đáng để cầu nguyện nữa. Dù các anh chị em là ai hoặc có thể đã làm điều gì đi nữa thì các anh chị em vẫn có thể luôn luôn cầu nguyện.

Tiên Tri Joseph Smith hứa rằng “tất cả những ai có thể xác sẽ có quyền năng đối với những ai không có thể xác.”9

Khi thử thách đến, các anh chị em có thể nghĩ ra cách loại bỏ nó khỏi tâm trí mình—có lẽ bằng cách nhớ lại lời của một bài thánh ca ưa thích. Tâm trí của các anh chị em điều khiển; còn thể xác chỉ là công cụ của tâm trí. Khi một ý nghĩ không xứng đáng nào đó hiện đến với các anh chị em, hãy thay thế ý nghĩ đó bằng cách loại bỏ khỏi tâm trí mình. Âm nhạc xứng đáng rất mạnh mẽ và giúp các anh chị em kiềm chế những ý nghĩ của mình.10

Khi Oliver Cowdery thất bại trong nỗ lực phiên dịch, Chúa đã phán cùng ông:

“Này, ngươi đã không hiểu; ngươi đã cho rằng ta sẽ ban cho ngươi khả năng đó mặc dù ngươi không suy nghĩ về việc ấy mà chỉ biết cầu xin ta thôi.

“Nhưng này, ta nói cho ngươi hay rằng, ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi ngươi phải hỏi xem điều đó có đúng không; và nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.

“Nhưng nếu điều đó không đúng thì ngươi sẽ không có những cảm giác như vậy” (GLGƯ 9:7–9).

Nguyên tắc đó được minh họa bằng một câu chuyện về một đứa bé gái. Nó tức giận anh nó vì đã làm một cái bẫy để bắt chim sẻ.

Vì không ai có thể giúp nó được nên nó tự nhủ: “Vậy thì tôi sẽ cầu nguyện về điều đó.”

Sau lời cầu nguyện, đứa bé gái kể cho mẹ nó nghe: “Con biết là anh ấy sẽ không bắt được một con chim sẻ nào hết trong cái bẫy đó vì con đã cầu nguyện về điều đó. Con chắc chắn là anh ấy không bắt được con chim sẻ nào hết!”

Mẹ nó nói: “Làm thế nào con có thể chắc chắn như vậy được?”

Nó nói: “Sau khi con cầu nguyện xong, con đi ra ngoài và đá vào cái bẫy đó cho gãy vụn ra!”

Hãy cầu nguyện, ngay cả khi các anh chị em còn trẻ và bướng bỉnh như tiên tri An Ma hoặc có một ý nghĩ bảo thủ như A Mu Léc là người “được biết nhiều về những điều này nhưng… đã không muốn biết” (An Ma 10:6).

Hãy học cách cầu nguyện. Hãy cầu nguyện thường xuyên. Hãy cầu nguyện trong ý nghĩ, trong lòng mình. Hãy quỳ xuống cầu nguyện. Sự cầu nguyện là chìa khóa riêng của các anh chị em để đến thiên thượng. Ổ khóa nằm ở bên kia bức màn che của các anh chị em. Và, tôi đã học biết cách kết thúc tất cả những lời cầu nguyện của tôi với câu “Ý Cha được nên” (Ma Thi Ơ 6:10; xin xem thêm Lu Ca 11:2; 3 Nê Phi 13:10).

Đừng trông mong là sẽ được hoàn toàn giải thoát khỏi những rắc rối, nỗi thất vọng, đau đớn và nản lòng vì đây là những điều mà chúng ta được gửi đến thế gian để chịu đựng .

Một người viết:

Với bàn tay ích kỷ và thiếu kiên nhẫn,

Chúng ta làm xáo trộn kế hoạch

Mà Chúa đã lập ra.

Khi chúng ta khóc lóc đau đớn thì Ngài phán:

“Ngươi hãy im đi trong khi ta đang giải quyết những rắc rối ngươi gây ra.”11

Thánh thư hứa rằng: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1 Cô Rinh Tô 10:13).

Đấng Cứu Rỗi phán: “Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi; hãy tận tụy tìm kiếm ta, rồi các ngươi sẽ tìm thấy ta; hãy cầu xin, rồi các ngươi sẽ nhận được; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi” (GLGƯ 88:63).

Chúng ta bắt đầu phiên họp đại hội này với phần tán trợ các vị thẩm quyền trung ương. Phần tán trợ đầu tiên là dành cho Thomas S. Monson với tư cách là Chủ Tịch Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết Chủ Tịch Monson, tôi nghĩ rằng, cũng giống như bất cứ người nào khác trên thế gian đều biết ông, và tôi muốn chia sẻ một lời chứng đặc biệt rằng ông “được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri” (Những Tín Điều 1:5). Ông cần những lời cầu nguyện của chúng ta—và vợ ông, Frances cùng gia đình họ—trong gánh nặng khủng khiếp trên vai ông.

Tôi cầu nguyện rằng ông sẽ được hỗ trợ về phần thể chất, tâm trí và tinh thần và rất hiển nhiên đối với Giáo Hội, cũng như hiển nhiên đối với những người rất gần gũi với ông, rằng ông “được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri.” Và rồi, “muốn được thuyết giảng Phúc Âm và thực hiện các giáo lễ trong Phúc Âm, bằng phép đặt tay bởi những vị có thẩm quyền” (Những Tín Điều 1:5), ông đã được kêu gọi vào chức phẩm của ông.

Cầu xin Chúa ban phước cho chúng ta và hỗ trợ Chủ Tịch Monson và gia đình trong mọi phương diện cần thiết để thực hiện công việc vĩ đại đang ở trên vai ông. Tôi làm chứng điều đó và cầu khẩn phước lành đó với tư cách là một tôi tớ của Chúa, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem GLGƯ 84:46.

  2. Xin xem GLGƯ 138:56; Xin xem thêm Rô Ma 8:16.

  3. Xin xem GLGƯ 101:78.

  4. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:14; GLGƯ 8:2; 9:8–9.

  5. Xin xem GLGƯ 11:13; 100:5.

  6. Xin xem 1 Nê Phi 17:45.

  7. Xin xem Wilford Woodruff, trong Conference Report, tháng Tư năm 1898, 30; “Remarks,” Deseret Weekly, ngày 5 tháng Chín năm 1891, 323.

  8. Xin xem Wilford Woodruff, Leaves from My Journal (1881), 88.

  9. Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith (2007), 211.

  10. Xin xem GLGƯ 25:12.

  11. Tác giả vô danh, trong Jack M. Lyon và những người khác, xuất bản, Best-Loved Poems of the LDS People (1996), 304.