2009
Cố Gắng Làm Điều Không Thể Làm
Tháng Mười Một năm 2009


Cố Gắng Làm Điều Không Thể Làm

Cuộc sống vĩnh cửu là sống với Đức Chúa Cha và gia đình của chúng ta vĩnh viễn. Lời hứa này không phải là niềm khích lệ lớn nhất để làm hết khả năng và hết sức trong tầm tay của mình sao?

Hình Ảnh
Elder Jorge F. Zeballos

Khi mười hai môn đồ được kêu gọi ở lục địa Châu Mỹ, Chúa Giê Su Ky Tô truyền lệnh cho họ: “Vậy nên ta muốn các ngươi phải được toàn hảo như ta, hay như Cha các ngươi trên trời là toàn hảo vậy.”1 Đấng Cứu Rỗi vừa mới hoàn thành sứ mệnh thành công, đầy vị tha và siêu việt của Ngài trên thế gian. Điều này cho phép Ngài phán với thẩm quyền rằng Ngài và Đức Chúa Cha, Cha của chúng ta, đều là mẫu mực cho mỗi người chúng ta phải noi theo.

Thoạt tiên từ một quan điểm thuần túy của con người, điều này dường như là một nhiệm vụ không thể thực hiện được. Tuy nhiên, sự toàn hảo đó bắt đầu có thể thực hiện được khi hiểu rằng để hoàn thành điều đó, chúng ta sẽ không làm một mình. Sự giúp đỡ kỳ diệu và hữu hiệu nhất mà một người có thể tìm kiếm thì luôn luôn có sẵn. Trước nhất là bàn tay rộng lượng và nhân từ của Đức Cha Vĩnh Cửu là Đấng mong muốn chúng ta trở lại chốn hiện diện của Ngài vĩnh viễn. Là Đức Chúa Cha, Ngài luôn luôn sẵn lòng và mong muốn tha thứ những lỗi lầm và yếu kém của chúng ta cùng các tội lỗi chúng ta phạm phải, sự tha thứ chỉ được ban cho miễn là chúng ta phải hối cải hoàn toàn và thành tâm. Với tính cách là một phần bổ sung cho điều đó—và để thể hiện tối đa tình yêu thương bao la đối với mỗi con cái của Ngài—Ngài cung ứng cho chúng ta kết quả của công việc phi thường do Đấng Cứu Rỗi thực hiện, ấy là Sự Chuộc Tội, được thực hiện bởi một Vị Nam Tử biết vâng lời, luôn luôn sẵn sàng làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha nhằm mang lại lợi ích cho mỗi người chúng ta.

Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith như sau: “Và nếu ngươi tuân giữ các giáo lệnh của ta và kiên trì đến cùng thì ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”2 Lời hứa thiêng liêng này có thể đạt được. Cuộc sống vĩnh cửu là sống với Đức Chúa Cha và với gia đình của chúng ta vĩnh viễn.3 Lời hứa này không phải là niềm khích lệ lớn nhất để làm hết khả năng và hết sức trong tầm tay của mình sao?

Vào lúc khởi đầu của Sự Phục Hồi, khi công việc kỳ diệu này sắp xảy đến cho con cái loài người, Chúa đã phán: “Vậy, hỡi các ngươi là kẻ bắt tay vào công việc phục vụ Thượng Đế, các ngươi hãy chú tâm phục vụ Ngài với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh, để các ngươi có thể đứng vô tội trước mặt Thượng Đế vào ngày sau cùng.”4 Với hết tâm hồn, hết năng lực, hết tâm trí và hết sức mạnh—có nghĩa là với tất cả con người của chúng ta.

Chủ Tịch David O. McKay nói rằng những phần thưởng dồi dào chỉ đến với những người hăng hái phấn đấu.5 Những phần thưởng này sẽ dành cho những người nuôi dưỡng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo ý muốn của Ngài để làm việc, hy sinh và dâng hiến tất cả những gì họ nhận được để củng cố cùng xây đắp vương quốc của Thượng Đế.

Việc làm tròn lời hứa thiêng liêng để có được cuộc sống vĩnh cửu, để được toàn hảo và được hạnh phúc vĩnh viễn trong đơn vị gia đình, tùy thuộc vào việc chân thành chứng tỏ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, cùng tuân theo các lệnh truyền, kiên trì và siêng năng trong suốt cuộc sống của chúng ta.

Chúa không trông mong chúng ta làm điều mà mình không thể hoàn thành được. Lệnh truyền phải trở nên hoàn hảo như Ngài là nhằm khuyến khích chúng ta hoàn thành với hết khả năng của mình, để khám phá và phát triển các tài năng và các thuộc tính mà chúng ta được Đức Cha Vĩnh Cửu ban phước, là Đấng mời gọi chúng ta nhận biết tiềm năng của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế. Ngài biết chúng ta; Ngài biết khả năng và nhược điểm của chúng ta. Lời mời gọi và thử thách để trở nên hoàn hảo, để đạt được cuộc sống vĩnh cửu là dành cho tất cả nhân loại.

Ngay sau khi giảng dạy rằng “không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được,” Vua Bên Gia Min cho biết rằng “con người cần phải chuyên tâm, để nhờ đó mà họ có thể chiếm được phần thưởng.”6 Thượng Đế sẽ không đòi hỏi nhiều hơn những gì tốt nhất mà chúng ta có thể dâng hiến vì điều đó không công bằng. Ngài cũng không thể chấp nhận ít hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể dâng hiến vì điều đó cũng không công bằng. Do đó, chúng ta hãy luôn luôn dâng hiến hết sức mình trong việc phục vụ Thượng Đế và đồng loại của mình. Chúng ta hãy phục vụ trong gia đình và trong những sự kêu gọi của mình trong Giáo Hội theo cách tốt nhất nếu có thể được. Chúng ta hãy làm hết khả năng của mình càng ngày càng tốt hơn.

Sự cứu rỗi và cuộc sống vĩnh cửu sẽ không thể thực hiện được nếu không nhờ vào Sự Chuộc Tội do Đấng Cứu Rỗi thực hiện, là Đấng mà chúng ta chịu ơn mọi điều. Nhưng để các phước lành quan trọng nhất này được hữu hiệu trong cuộc sống của mình, chúng ta cần phải làm phần vụ của mình “vì chúng ta biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.”7 Với đức tin, lòng nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm và tình yêu thương, chúng ta hãy làm tất cả những gì trong tầm tay với của mình và chúng ta sẽ làm tất cả để có thể đạt được những gì không thể thực hiện được—đó là hoàn thành điều không thể thực hiện được đối với đầu óc con người, nhưng với sự can thiệp thiêng liêng của Đức Chúa Cha nhân từ và sự hy sinh vô hạn do Đấng Cứu Rỗi thực hiện thì điều đó trở thành ân tứ lớn lao nhất, vinh quang nhất trong thực tế, để sống vĩnh viễn với Thượng Đế và gia đình của chúng ta.

Tôi cầu nguyện rằng, bằng cách dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, mỗi người chúng ta thường xuyên ghi nhớ và tái lập cam kết mà chúng ta đã lập với Cha Thiên Thượng vào lúc chúng ta bước vào nước báp têm và khi chúng ta nhận được mỗi giáo lễ của phúc âm phục hồi. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ làm hết sức trong vai trò làm người phối ngẫu, cha mẹ, con cái, anh chị em, trong những sự kêu gọi của mình, trong việc chia sẻ phúc âm, cứu giúp những người đang sa ngã, cố gắng cứu vớt tổ phụ của mình trong công việc và cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Tôi cầu nguyện rằng cuộc sống của chúng ta cho phép chúng ta nói như Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin.”8

Khi làm như vậy, chúng ta sẽ đáp ứng điều kiện của Cha Thiên Thượng để ban phước cho chúng ta hơn bao giờ hết, trong cuộc sống này cũng như trong cuộc sống vĩnh cửu. Ngài mong muốn ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có, thậm chí còn làm cho chúng ta trở thành những người dự phần vào ân tứ lớn lao nhất của Ngài tức là cuộc sống vĩnh cửu.

Mặc dù sự toàn hảo dường như là một thử thách không thể thực hiện khi được xem xét từ quan điểm của con người, nhưng tôi làm chứng rằng Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Rỗi đã cho chúng ta biết rằng điều khó xảy ra đó vẫn có thể thực hiện được. Vâng, việc đạt được cuộc sống vĩnh cửu có thể xảy ra. Vâng, việc có được hạnh phúc bây giờ và mãi mãi có thể xảy ra.

Tác giả của kế hoạch hoàn hảo chứa đựng những lời hứa vinh quang này là Cha Thiên Thượng và Ngài hằng sống. Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chính Ngài đã mang lấy gánh nặng của tội lỗi và những hành động bất công chúng ta đã phạm trên thế gian để cho chúng ta có thể được giải thoát khỏi hậu quả của chúng. Tôi biết Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Phúc âm và chức tư tế đã được phục hồi cho thế gian trong thời kỳ sau cùng qua Tiên Tri Joseph Smith. Ngày nay, chúng ta có được phước lành to lớn vì các sứ đồ và các vị tiên tri được Thượng Đế kêu gọi để chỉ dẫn chúng ta trên con đường trở lại với Đức Chúa Cha. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã được kêu gọi để hướng dẫn công việc vĩ đại này trong những thời kỳ này. Ông là vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. 3 Nê Phi 12:48.

  2. GLGƯ 14:7.

  3. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cuộc Sống Vĩnh Cửu,” scriptures.lds.org.

  4. GLGƯ 4:2.

  5. Xin xem The Teachings of David O. McKay, do Mary Jane Woodger biên soạn (2004), 300.

  6. Mô Si A 4:27.

  7. 2 Nê Phi 25:23.

  8. 2 Ti Mô Thê 4:7.