2009
Tình Yêu Thương và Luật Pháp
Tháng Mười Một năm 2009


Tình Yêu Thương và Luật Pháp

Tình yêu thương của Thượng Đế không vượt qua được luật pháp và các giáo lệnh của Ngài, đồng thời ảnh hưởng của luật pháp và các giáo lệnh của Thượng Đế cũng không làm giảm đi mục đích và hiệu quả của tình yêu thương của Ngài.

Hình Ảnh
Elder Dallin H. Oaks

Tôi rất cảm kích được nói chuyện về tình yêu thương và các giáo lệnh của Thượng Đế. Sứ điệp của tôi là tình yêu thương chung dành cho nhân loại và trọn vẹn của Thượng Đế được cho thấy trong tất cả những phước lành của kế hoạch phúc âm, kể cả sự thật là các phước lành quý báu nhất được dành cho những người tuân theo luật pháp của Ngài.1 Đây là các nguyên tắc vĩnh cửu hướng dẫn cha mẹ trong tình yêu thương và việc dạy dỗ con cái của họ.

I.

Tôi bắt đầu với bốn ví dụ minh họa việc nhiều người trên thế gian nhầm lẫn giữa tình yêu thương và luật pháp.

  • Một thanh niên chung sống với người tình nói với cha mẹ đang buồn phiền của mình: “Nếu cha mẹ thương con, thì cha mẹ nên chấp nhận con và người yêu của con cũng giống như cha mẹ chấp nhận con cái đã kết hôn của cha mẹ vậy.”

  • Một thiếu niên phản ứng như sau với việc ra lệnh hoặc áp lực của cha mẹ: “Nếu cha mẹ thương con, thì cha mẹ sẽ không bắt buộc con.“

Trong những ví dụ này, một người đang vi phạm một lệnh truyền mà lại quả quyết rằng tình yêu thương của cha mẹ cần phải quan trọng hơn các lệnh truyền của luật pháp thiêng liêng và những dạy dỗ của cha mẹ.

Hai ví dụ kế tiếp cho thấy việc nhiều người trên thế gian nhầm lẫn về hiệu quả của tình yêu thương của Thượng Đế.

  • Một người chối bỏ giáo lý về việc một cặp trai gái cần phải kết hôn cho thời vĩnh cửu nhằm vui hưởng mối quan hệ gia đình trong cuộc sống mai sau, khi nói rằng: “Nếu Thượng Đế thật sự yêu thương chúng ta thì tôi không thể tin nổi là Ngài sẽ phân rẽ vợ chồng theo cách này.”

  • Một người khác nói rằng đức tin của mình đã bị hủy diệt bởi nỗi đau khổ mà Thượng Đế để cho một người hoặc một chủng tộc phải chịu, khi kết luận rằng: “Nếu có một Đấng Thượng Đế yêu thương chúng ta thì Ngài sẽ không để cho điều này xảy ra.”

Những người này không tin các luật pháp vĩnh cửu vì các luật pháp này trái với khái niệm của họ về hiệu quả của tình yêu thương của Thượng Đế. Những người có quan điểm như vậy thì không hiểu tính chất về tình yêu thương của Thượng Đế hoặc mục đích của các luật pháp và giáo lệnh của Ngài. Tình yêu thương Thượng Đế không vượt qua được luật pháp và các giáo lệnh của Ngài, đồng thời ảnh hưởng của luật pháp và các giáo lệnh của Thượng Đế không làm giảm đi mục đích và hiệu quả của tình yêu thương của Ngài. Điều này cũng phải đúng như vậy đối với tình yêu thương và luật lệ của cha mẹ.

II.

Trước hết, hãy suy nghĩ về tình yêu thương của Thượng Đế, đã được Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf mô tả đầy ý nghĩa buổi sáng hôm nay. Sứ Đồ Phao Lô đã hỏi: “Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Ky Tô? Không phải sự khốn cùng; không phải sự bắt bớ; không phải sự nguy hiểm hay gươm giáo (xin xem Rô Ma 8:35). Ông kết luận: “Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương Đức Chúa Trời” (các câu 38–39).

Không có bằng chứng nào về quyền năng vô hạn và sự toàn hảo trong tình yêu thương của Thượng Đế hiển nhiên hơn lời tuyên bố của Sứ Đồ Giăng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài” (Giăng 3:16). Một Sứ Đồ khác viết rằng Thượng Đế “đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy” (Rô Ma 8:32). Hãy nghĩ xem Cha Thiên Thượng đã đau lòng biết bao khi gửi Vị Nam Tử của Ngài đến để chịu đựng nỗi đau khổ không thể hiểu nổi vì tội lỗi của chúng ta. Đó là bằng chứng hiển nhiên nhất về tình yêu thương của Ngài dành cho mỗi chúng ta!

Tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài là sự xác thật vĩnh cửu, nhưng tại sao Ngài yêu thương chúng ta nhiều như vậy, và tại sao chúng ta mong muốn tình yêu thương đó? Câu trả lời được tìm thấy trong mối quan hệ giữa tình yêu thương của Thượng Đế với luật pháp của Ngài.

Một số người dường như quý trọng tình yêu thương của Thượng Đế vì họ hy vọng rằng tình yêu thương của Ngài bao la và vô điều kiện đến nỗi họ có thể được thương xót để miễn khỏi phải tuân theo luật pháp của Ngài. Ngược lại, những người hiểu kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài biết rằng các luật pháp của Thượng Đế là bất biến, tức là một bằng chứng hiển nhiên khác về tình yêu thương dành cho các con cái của Ngài. Sự thương xót không thể cướp đoạt công lý được,2 và những người nhận được sự thương xót là “những ai biết giữ giao ước và tuân theo điều giáo lệnh” (GLGƯ 54:6).

Chúng ta đọc đi đọc lại trong Kinh Thánh và các thánh thư thời cận đại về cơn giận của Thượng Đế đối với người tà ác3 và về hành động của Ngài trong cơn thịnh nộ4 đối với những người vi phạm các luật pháp của Ngài. Cơn giận và cơn thịnh nộ là bằng chứng về tình yêu thương của Ngài như thế nào? Joseph Smith dạy rằng Thượng Đế “đã lập ra những luật lệ mà qua đó [những linh hồn Ngài sẽ gửi xuống thế gian] có thể có đặc ân tiến triển giống như Ngài.”5 Tình yêu thương của Thượng Đế toàn hảo đến nỗi Ngài đã nhân từ đòi hỏi chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Ngài vì Ngài biết rằng chỉ qua việc tuân theo các luật pháp của Ngài chúng ta mới có thể trở thành toàn hảo giống như Ngài. Vì lý do này, cơn giận của Thượng Đế và cơn thịnh nộ của Ngài không mâu thuẫn với tình yêu thương của Ngài mà là bằng chứng về tình yêu thương đó. Mỗi bậc cha mẹ đều biết rằng mình có thể yêu thương một đứa con một cách hoàn toàn và trọn vẹn mặc dù vẫn còn rất tức giận và thất vọng trước hành vi hư hỏng của đứa con đó.

Tình yêu thương của Thượng Đế thật phổ biến đến nỗi kế hoạch toàn hảo ban nhiều ân tứ cho tất cả các con cái của Ngài, ngay cả những người không tuân theo các luật pháp của Ngài. Cuộc sống trần thế là một ân tứ như vậy, được ban cho tất cả những người đã hội đủ điều kiện trong Trận Chiến trên Thiên Thượng.6 Một ân tứ vô điều kiện khác là sự phục sinh của mọi người: “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô Rinh Tô 15:22). Nhiều ân tứ khác không tùy thuộc vào việc cá nhân tuân theo luật pháp. Như Chúa Giê Su đã dạy, Cha Thiên Thượng “khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác” (Ma Thi Ơ 5:45).

Nếu chịu lắng nghe, thì chúng ta có thể biết và cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế cho dù chúng ta có bất tuân hay không. Một người phụ nữ mới trở lại tích cực trong Giáo Hội đã đưa ra lời mô tả này trong bài nói chuyện tại lễ Tiệc Thánh: “Ngài luôn luôn hiện diện bên tôi, ngay cả khi tôi chối bỏ Ngài. Ngài luôn luôn hướng dẫn và an ủi với tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài bao quanh tôi, nhưng tôi đã quá tức giận để nhận thấy và chấp nhận những sự việc và cảm nghĩ như vậy.”7

III.

Các phước lành chọn lọc nhất của Thượng Đế rõ ràng tùy thuộc vào việc tuân theo luật pháp và các giáo lệnh của Thượng Đế. Lời giảng dạy chính yếu từ sự mặc khải thời cận đại là:

“Có một luật pháp ở trên trời, được lập ra và không thể hủy bỏ được trước khi có sự tạo dựng thế gian này, mà theo đó mọi phước lành đều được căn cứ vào đó—

“Và khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó” (GLGƯ 130:20–21).

Nguyên tắc trọng đại này giúp chúng ta hiểu lý do của nhiều sự việc, giống như làm thế nào công lý và lòng thương xót được cân bằng qua Sự Chuộc Tội. Nguyên tắc này cũng giải thích lý do tại sao Thượng Đế sẽ không ngăn chặn việc sử dụng quyền tự quyết của con cái Ngài. Quyền tự quyết—khả năng chọn lựa của chúng ta—là nền tảng của kế hoạch phúc âm mà mang chúng ta đến thế gian. Thượng Đế không can thiệp để ngăn chặn những hậu quả của một số điều chọn lựa của con người nhằm bảo vệ sự an lạc của những người khác—ngay cả khi họ giết chết, làm tổn thương hoặc áp bức nhau—vì điều này sẽ hủy diệt kế hoạch của Ngài dành cho sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta.8 Ngài sẽ ban phước cho chúng ta để chịu đựng những hậu quả của điều chọn lựa của những người khác, nhưng Ngài sẽ không ngăn chặn những điều chọn lựa đó.9

Nếu một người hiểu được những lời giảng dạy của Chúa Giê Su, thì người ấy không thể nào kết luận một cách hợp lý rằng Cha Thiên Thượng nhân từ hoặc Vị Nam Tử thiêng liêng lại tin rằng tình yêu thương của hai Ngài thay thế cho các giáo lệnh của hai Ngài. Hãy suy ngẫm về những ví dụ này.

Khi Chúa Giê Su bắt đầu giáo vụ của Ngài, sứ điệp đầu tiên của Ngài là sự hối cải.10

Khi Ngài tỏ lòng thương xót nhân từ bằng cách không kết án người phụ nữ bị giải đến Ngài vì tội ngoại tình, vậy mà Ngài đã phán bảo với người ấy: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11).

Chúa Giê Su dạy rằng: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma Thi Ơ 7:21).

Hiệu quả của các giáo lệnh và luật pháp của Thượng Đế không thay đổi để thích nghi với hành vi hoặc ước muốn được nhiều người ưa chuộng. Nếu một người nào đó nghĩ rằng tình yêu thương của Thượng Đế hoặc của cha mẹ dành cho một người thì cho phép người thân yêu đó không tuân theo luật pháp, thì họ chẳng hiểu tình yêu thương lẫn luật pháp. Chúa đã phán: “Bất cứ điều gì vi phạm luật pháp và không tuân theo luật pháp mà lại tìm cách tự tạo nên luật pháp, và muốn tiếp tục ở trong tội lỗi, và hoàn toàn tiếp tục ở trong tội lỗi, thì không thể được thánh hoá bởi luật pháp hay bởi lòng thương xót, công lý , hay sự phán xét được. Vậy nên, chúng phải tiếp tục ô uế” (GLGƯ 88:35).

Chúng ta đọc trong điều mặc khải thời cận đại: “Tất cả các vương quốc đều có luật pháp ban hành” (GLGƯ 88:36). Ví dụ:

“Kẻ nào không thể tuân theo luật pháp của vương quốc thượng thiên thì không thể đương nổi vinh quang thượng thiên được.

“Và kẻ nào không thể tuân theo luật pháp của vương quốc trung thiên thì cũng không thể đương nổi vinh quang trung thiên được.

“Và kẻ nào không thể tuân theo luật pháp của vương quốc hạ thiên thì cũng không thể đương nổi vinh quang hạ thiên được” (GLGƯ 88:22–24).

Nói cách khác, vương quốc vinh quang mà Sự Phán Xét Cuối Cùng sẽ chỉ định cho chúng ta đến thì không phải được định đoạt bởi tình yêu thương, mà bởi luật pháp Thượng Đế sử dụng trong kế hoạch của Ngài để làm cho chúng ta hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu, “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (GLGƯ 14:7).

IV.

Trong việc giảng dạy và phản ứng đối với con cái, các bậc cha mẹ có nhiều cơ hội để áp dụng các nguyên tắc này. Một cơ hội như vậy phải liên hệ với các món quà mà các bậc cha mẹ cho con cái của mình. Cũng giống như Thượng Đế đã ban một số ân tứ cho con cái trên trần thế mà không đòi hỏi mỗi người phải tuân theo luật pháp của Ngài, cha mẹ chu cấp nhiều điều như nhà cửa và thức ăn, cho dù con cái của họ không hoàn toàn tuân theo tất cả những đòi hỏi của cha mẹ. Nhưng, tiếp theo tấm gương của Cha Thiên Thượng đầy thông sáng và nhân từ là Đấng đã ban cho luật pháp và các giáo lệnh vì lợi ích của con cái Ngài, thì cha mẹ khôn ngoan quy định một số món quà của mình dựa theo sự vâng lời.

Nếu cha mẹ có một đứa con ương ngạnh—như một thiếu niên vui thích rượu chè hoặc ma túy—thì họ đương đầu với một câu hỏi quan trọng. Tình yêu thương của cha mẹ có đòi hỏi rằng những chất này hoặc việc uống rượu của chúng có được phép làm trong nhà không, hoặc những đòi hỏi của luật công dân hay tính nghiêm trọng của hạnh kiểm hoặc việc lo lắng về các con cái khác trong nhà đòi hỏi rằng điều đó phải bị nghiêm cấm không?

Để đặt ra một câu hỏi còn quan trọng hơn nữa, nếu một đứa con trưởng thành đang chung sống với người tình, thì sự nghiêm trọng của mối quan hệ tình dục ngoài vòng ràng buộc hôn nhân này có đòi hỏi đứa con đó phải cảm thấy áp lực của việc gia đình không tán thành bằng cách từ bỏ mọi liên hệ gia đình, hay là tình yêu thương của cha mẹ có đòi hỏi họ làm ngơ với việc chung sống này không? Tôi đã thấy cả hai phản ứng quá đáng này và tin rằng cả hai phản ứng này đều không thích hợp.

Cha mẹ phải phản ứng như thế nào? Đó là vấn đề về sự sáng suốt của cha mẹ do Chúa soi dẫn. Không có một lãnh vực hành động nào của cha mẹ mà cần sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng hoặc dễ nhận được hơn là những quyết định của cha mẹ trong việc nuôi nấng con cái và cai quản gia đình. Đây là công việc vĩnh cửu.

Khi cha mẹ vất vả với những vấn đề này, thì họ nên nhớ đến lời giảng dạy của Chúa rằng chúng ta để lại chín mươi chín con chiên nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất.11 Chủ Tịch Thomas S. Monson đã kêu gọi một chiến dịch tình yêu thương để giải cứu những anh chị em của chúng ta đi lang thang trong vùng hoang dã của tính lãnh đạm hoặc ngu dốt.12 Những lời giảng dạy này cần có mối quan tâm đầy yêu thương mà chắc chắn đòi hỏi phải tiếp tục mối quan hệ yêu thương.

Cha mẹ cũng nên ghi nhớ lời giảng dạy thường xuyên của Chúa rằng “với những kẻ được Chúa yêu mến, Ngài sửa phạt họ.” (Hê Bơ Rơ 12:6).13 Trong bài nói chuyện tại đại hội về lòng khoan dung và tình yêu thương, Anh Cả Russell M. Nelson dạy rằng “tình yêu thương dành cho người phạm tội có thể bắt buộc phải dũng cảm đối đầu—chứ không phải tán thành! Tình yêu thương thật sự không hỗ trợ hành vi tự hủy diệt.”14

Bất cứ nơi nào được vạch ra lằn ranh giữa quyền năng yêu thương và sức mạnh của luật pháp, thì sự vi phạm các giáo lệnh chắc chắn sẽ tác động đến mối quan hệ yêu thương trong gia đình. Chúa Giê Su dạy:

“Các ngươi tưởng ta đến ban sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng thà đem sự phân rẽ:

“Vì từ nay về sau, nếu năm người ở chung một nhà, thì sẽ phân ly nhau, ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba.

“Cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha; mẹ nghịch cùng con gái, con gái nghịch cùng mẹ” (Lu Ca 12:51–53).

Lời giảng dạy nghiêm nghị này nhắc chúng ta nhớ rằng khi những người trong gia đình không đoàn kết trong việc cố gắng tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế thì sẽ có sự phân rẽ. Chúng ta làm hết sức mình để tránh làm suy yếu mối quan hệ yêu thương, nhưng đôi khi điều đó xảy ra sau khi chúng ta đã làm hết sức mình.

Ở giữa mối căng thẳng như vậy, chúng ta cần phải chịu đựng sự thật khi người thân đi lạc đường sẽ làm giảm đi hạnh phúc của chúng ta, nhưng đừng để bị giảm đi tình yêu thương đối với nhau hoặc các nỗ lực kiên nhẫn của chúng ta để được đoàn kết trong sự hiểu biết về tình yêu thương và luật pháp của Thượng Đế.

Tôi làm chứng về lẽ thật của những điều này tức là một phần kế hoạch cứu rỗi và giáo lý của Đấng Ky Tô, là Đấng tôi làm chứng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem Russell M. Nelson, “Divine Love,” Liahona, tháng Hai năm 2003, 12.

  2. Xin xem An Ma 42:25.

  3. Xin xem, ví dụ, Các Quan Xét 2:12–14; Thi Thiên 7:11; GLGƯ 5:8; 63:32.

  4. Xin xem, ví dụ, 2 Các Vua 23:26–27; Ê Phê Sô 5:6; 1 Nê Phi 22:16–17; An Ma 12:35–36; GLGƯ 84:24.

  5. Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith (2007), 210.

  6. Xin xem Khải Huyền 12:7–8.

  7. Thư đề ngày 6 tháng Mười Hai năm 2005, tác giả sở hữu.

  8. So sánh An Ma 42:8.

  9. So sánh Mô Si A 24:14–15.

  10. Xin xem Ma Thi Ơ 4:17.

  11. Xin xem Lu Ca 15:3–7.

  12. Xin xem Thomas S. Monson, “Lost Battalions,” Liahona, tháng Chín năm 1987, 3.

  13. Xin xem thêm Châm Ngôn 3:12; Khải Huyền 3:19; GLGƯ 95:1.

  14. Russell M. Nelson, “Teach Us Tolerance and Love,” Ensign, tháng Năm năm 1994, 71.