2009
Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi
Tháng Mười Một năm 2009


“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi”

Lời mời gọi hối cải hiếm khi là khiển trách, mà thay vì thế là một lời khẩn khoản âu yếm để quay lại và trở về với Thượng Đế.

Hình Ảnh
Elder Neil L. Andersen

Thưa các anh chị em, đã sáu tháng trôi qua kể từ khi tôi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Đến bây giờ việc phục vụ với những người từ lâu là các tấm gương và thầy của tôi vẫn còn là một kinh nghiệm rất khiêm nhường. Tôi vô cùng biết ơn về những lời cầu nguyện và tán trợ của các anh chị em. Đối với tôi, đây là lúc phải cầu nguyện khẩn thiết, chân thành để tìm kiếm sự chấp thuận của Chúa. Tôi đã cảm thấy được tình yêu thương của Ngài một cách thiêng liêng và khó quên. Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống và đây là công việc thiêng liêng của Ngài.

Chúng ta thương yêu Chủ Tịch Thomas S. Monson, là vị tiên tri của Chúa. Tôi sẽ nhớ mãi lòng nhân từ của ông khi ông kêu gọi tôi vào tháng Tư vừa qua. Vào lúc kết thúc cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông đã dang tay ra ôm lấy tôi. Chủ Tịch Monson là một người cao lớn. Khi ông choàng cánh tay dài lên tôi và kéo tôi đến gần, thì tôi cảm thấy giống như một đứa bé được bao bọc trong vòng tay che chở của một người cha nhân từ.

Trong những tháng kể từ kinh nghiệm đó, tôi đã nghĩ về lời mời gọi của Chúa để đến với Ngài và được ôm vào cánh tay thuộc linh của Ngài. Ngài phán: “Này, cánh tay thương xót của ta [đang] dang ra về phía các ngươi, và bất cứ kẻ nào đến, ta đều đón nhận; và phước thay cho những ai đến cùng ta.”1

Thánh thư nói về cánh tay của Ngài là mở rộng,2 đưa ra,3 dang rộng,4 và bao bọc.5 Chúng được mô tả là mạnh mẽ6 và thiêng liêng,7 cánh tay thương xót,8 cánh tay an toàn,9 cánh tay yêu thương,10 “vẫn đưa ra suốt ngày.”11

Đến một mức độ nào đó, mỗi người chúng ta cảm thấy đôi tay thuộc linh này ôm quanh người mình. Chúng ta đã cảm nhận được sự tha thứ, tình yêu thương và an ủi của Ngài. Chúa đã phán: “Chính ta là Đấng an ủi các ngươi.”12

Ước muốn của Chúa để chúng ta đến cùng Ngài và được bao bọc trong vòng tay của Ngài, thường là lời mời gọi hối cải. “Này, Ngài gửi lời mời đến tất cả mọi người, vì cánh tay thương xót của Ngài đang dang ra về phía họ, và Ngài phán: Hãy hối cải, rồi ta sẽ thu nhận các ngươi.”13

Khi phạm tội, chúng ta lánh xa Thượng Đế. Khi hối cải, chúng ta hướng về Thượng Đế.

Lời mời gọi hối cải hiếm khi là khiển trách, mà thay vì thế là một lời khẩn khoản âu yếm để quay lại và trở về với Thượng Đế.14 Đây là hiệu lệnh của Đức Chúa Cha nhân từ và Vị Nam Tử Độc Sinh của Ngài để chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, đạt được lối sống cao hơn, thay đổi và cảm nhận được hạnh phúc đến từ việc tuân giữ các lệnh truyền. Là môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta hân hoan trong phước lành được hối cải và niềm vui được tha thứ. Nhưng điều này trở thành một phần của con người chúng ta, định hướng lối suy nghĩ và cảm nghĩ của chúng ta.

Trong số hằng chục ngàn người đang lắng nghe đại hội này, có nhiều mức độ xứng đáng cá nhân và sự ngay chính khác nhau. Tuy nhiên, sự hối cải là phước lành dành cho tất cả chúng ta. Mỗi chúng ta cần phải cảm nhận vòng tay thương xót của Đấng Cứu Rỗi qua việc tha thứ các tội lỗi của mình.

Cách đây nhiều năm, tôi được yêu cầu họp với một người mà từ lâu trước khi chúng tôi đến thăm nhau, đã có một thời gian sống rất bừa bãi. Vì những chọn lựa xấu, nên người ấy đã bị khai trừ khỏi Giáo Hội. Người ấy đã trở lại Giáo Hội được một thời gian và trung tín tuân giữ các giáo lệnh, nhưng những hành động trước đó đã trở lại ám ảnh người ấy. Khi họp với người ấy, tôi đã cảm thấy được nỗi hổ thẹn và ăn năn sâu xa của người ấy vì đã vi phạm các giao ước của mình trước đó. Tiếp theo cuộc phỏng vấn, tôi đặt tay lên đầu người ấy và ban cho người ấy một phước lành của chức tư tế. Trước khi ban phước, tôi cảm thấy một cảm giác mạnh mẽ về tình yêu thương và sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi dành cho người ấy. Sau khi ban phước xong, chúng tôi ôm chặt lấy nhau và người ấy nức nở khóc.

Tôi kinh ngạc trước vòng tay thương xót và yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho người hối cải, bất kể tội lỗi có ích kỷ đến đâu cũng được xóa bỏ.

Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có thể và tha thiết muốn tha thứ tội lỗi của chúng ta. Ngoại trừ tội lỗi của một số người chọn sự diệt vong sau khi đã biết được sự trọn vẹn thì sẽ không có tội lỗi nào không thể được tha thứ.15 Thật là một đặc ân kỳ diệu cho mỗi người chúng ta để từ bỏ tội lỗi của mình và đến cùng Đấng Ky Tô. Sự tha thứ thiêng liêng là một trong những trái tuyệt vời nhất của phúc âm, cất đi tội lỗi và nỗi đau đớn khỏi tâm hồn của chúng ta và thay vào đó bằng niềm vui và lương tâm yên ổn . Chúa Giê Su phán: “Giờ đây các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?”16

Một vài người lắng nghe ngày hôm nay có thể cần có “một sự thay đổi lớn lao trong lòng”17 để đối phó với những tội lỗi nghiêm trọng. Việc một người lãnh đạo chức tư tế giúp đỡ có lẽ là cần thiết. Đối với đa số, sự hối cải được thực hiện một cách trầm lặng và rất riêng tư, hằng ngày tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để có những thay đổi cần thiết.

Đối với nhiều người, sự hối cải là một cuộc hành trình nhiều hơn là một sự kiện chỉ xảy ra một lần. Việc này không phải dễ dàng. Thay đổi rất khó. Điều này đòi hỏi phải chạy ngược chiều gió, bơi ngược dòng nước. Chúa Giê Su phán: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”18 Sự hối cải là từ bỏ một số điều như tính bất lương, kiêu ngạo, tức giận và những ý nghĩ không trong sạch cùng hướng đến những điều khác như lòng nhân từ, vị tha, kiên nhẫn và nếp sống thuộc linh. Đó là trở về với Thượng Đế.

Làm thế nào chúng ta quyết định sự hối cải của mình cần phải tập trung vào vấn đề gì? Khi một người thân hoặc người bạn đề nghị điều mà chúng ta cần phải thay đổi, con người thiên nhiên nơi chúng ta đôi khi thò đầu ra và đáp: “Ồ, bạn nghĩ là tôi cần phải thay đổi à? Này, để tôi nói cho bạn nghe một vài vấn đề của bạn nhé.” Một phương cách tốt hơn là khiêm nhường cầu khẩn Chúa.: “Thưa Cha, Ngài muốn con phải làm gì?” Thì câu trả lời sẽ đến. Chúng ta cảm thấy cần phải thay đổi. Chúa phán bảo trong tâm trí của chúng ta.19

Rồi chúng ta được phép chọn: chúng ta sẽ hối cải hay là khép chặt tâm hồn không tiếp nhận các phước lành của thiên thượng?

An Ma cảnh cáo: “Đừng cố gắng bào chữa cho tội lỗi của mình.”20 Khi “khép chặt tâm hồn,” chúng ta ngừng tin vào tiếng nói đó của Thánh Linh đang mời gọi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta cầu nguyện nhưng lắng nghe ít hơn. Những lời cầu nguyện của chúng ta thiếu đức tin mà sẽ dẫn đến sự hối cải.21

Ngay lúc này, có một người nào đó nói: “Thưa Anh Andersen, anh không hiểu. Anh không thể cảm thấy được điều tôi cảm thấy. Thật là khó để thay đổi.”

Bạn nói rất đúng; tôi không hiểu hết. Nhưng có một Đấng hiểu hết. Ngài biết. Ngài đã cảm thấy được nỗi đau đớn của anh. Ngài đã phán: “Này, ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta.”22 Đấng Cứu Rỗi đang đứng đó và dang rộng cánh tay mời gọi chúng ta: “Hãy đến cùng ta.”23 Chúng ta có thể hối cải. Chúng ta có thể làm được điều đó!

Khi biết cần phải thay đổi, chúng ta đau khổ về nỗi buồn mình đã tạo ra. Điều này dẫn đến sự thú tội chân thành với Chúa và, khi cần, với những người khác.24 Khi nào có thể được, chúng ta cố gắng phục hồi lại những gì mình đã gây ra thiệt hại hoặc lấy của người khác.

Sự hối cải trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Việc chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần rất là quan trọng—để tiến đến một cách nhu mì, khiêm nhường trước mặt Chúa, nhìn nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Ngài, cầu xin Ngài tha thứ cho chúng ta và hứa sẽ luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài.

Đôi khi trong lúc hối cải, trong nỗ lực hằng ngày của mình để trở thành giống như Đấng Ky Tô hơn, chúng ta cũng thấy mình nhiều lần vất vả với cùng những nỗi khó khăn. Giống như khi trèo lên một ngọn núi um tùm cây cối, đôi khi chúng ta không thấy mình đã đi được bao xa cho đến khi leo đến gần đỉnh hơn và nhìn lại từ đỉnh núi cao. Đừng chán nản. Nếu các anh chị em đang cố gắng và nỗ lực hối cải, thì các anh chị em đang ở trong tiến trình hối cải.

Khi sửa đổi, chúng ta thấy cuộc sống rõ ràng hơn, và cảm thấy Đức Thánh Linh đang hoạt động vững vàng hơn ở bên trong chúng ta.

Đôi khi, chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta còn nhớ tội lỗi của mình sau khi đã từ bỏ chúng rất lâu. Tại sao nỗi buồn phiền vì những lỗi lầm của mình vẫn tiếp tục đi theo sự hối cải?

Các anh chị em vẫn còn nhớ một câu chuyện cảm động do Chủ Tịch James E. Faust kể lại. “Khi còn niên thiếu ở nông trại … , tôi nhớ bà nội tôi thường nấu những bữa ăn rất ngon trên bếp củi. Khi cái thùng đựng củi cạnh lò hết củi thì Bà Nội thường lặng lẽ mang cái thùng đi ra ngoài và chất củi vào thùng từ đống cây tuyết tùng ở bên ngoài, rồi mang cái thùng nặng trĩu trở vào nhà.”

Lúc bấy giờ giọng của Chủ Tịch Faust đầy xúc động khi ông nói tiếp: “Tôi đã rất vô tình … tôi ngồi đó và để cho bà nội yêu quý của tôi đi chất củi vào thùng. Tôi cảm thấy xấu hổ và hối tiếc về [cái tội] vô tình suốt cuộc đời mình. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ xin bà tha thứ.”25

Hơn 65 năm đã trôi qua. Nếu Chủ Tịch Faust vẫn còn nhớ và hối tiếc đã không giúp đỡ bà nội của ông suốt những năm đó, thì chúng ta có ngạc nhiên với một số điều chúng ta vẫn còn nhớ và hối tiếc không?

Thánh thư không nói rằng chúng ta sẽ quên đi tội lỗi đã từ bỏ của mình trên trần thế. Thay vì thế, thánh thư nói rằng Chúa sẽ quên.26

Từ bỏ tội lỗi có nghĩa là không bao giờ quay lại. Việc từ bỏ đòi hỏi thời gian. Để giúp đỡ, đôi khi Chúa để cho những tội lỗi của chúng ta vẫn còn được ghi nhớ trong ký ức của chúng ta.27 Đó là một phần thiết yếu trong việc học hỏi trên trần thế của chúng ta.

Khi thành thật thú nhận các tội lỗi của mình, phục hồi lại những gì có thể phục hồi cho người bị xúc phạm và từ bỏ tội lỗi bằng cách tuân giữ các giáo lệnh, thì chúng ta đang ở trong tiến trình tiếp nhận sự tha thứ. Với thời gian, chúng ta sẽ cảm thấy nỗi thống khổ buồn phiền của mình lắng xuống, khi “cất bỏ tội lỗi khỏi trái tim của chúng ta”28 và mang đến “sự yên ổn trong lương tâm.”29

Đối với những người thật sự hối cải, nhưng dường như không thể cảm thấy thanh thản được: hãy tiếp tục tuân giữ các giáo lệnh. Tôi hứa với các anh chị em rằng sự thanh thản sẽ đến theo kỳ định của Chúa. Sự chữa lành cũng đòi hỏi có thời gian.

Nếu các anh chị em cảm thấy lo lắng thì hãy bàn thảo với vị giám trợ của mình. Vị giám trợ có được quyền năng nhận thức rõ ràng.30 Ông ấy sẽ giúp đỡ các anh chị em.

Thánh thư cảnh cáo chúng ta: “Chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình!”31 Nhưng trong cuộc sống này không bao giờ là quá muộn để hối cải cả.

Có lần tôi được yêu cầu họp với một cặp vợ chồng lớn tuổi đang trở lại với Giáo Hội. Họ đã được cha mẹ mình giảng dạy phúc âm. Sau khi kết hôn, họ rời bỏ Giáo Hội. Giờ đây, 50 năm sau, họ trở lại. Tôi nhớ người chồng bước vào văn phòng kéo theo bình dưỡng khí. Họ bày tỏ niềm hối tiếc đã không sống trung tín. Tôi cho họ biết về niềm vui của chúng tôi vì sự trở lại của họ, cam đoan với họ rằng vòng tay đón mừng của Chúa sẽ dành cho những người hối cải. Người đàn ông lớn tuổi đáp: “Thưa Anh Andersen, chúng tôi biết điều này. Nhưng chúng tôi buồn vì con cháu chúng tôi không có các phước lành của phúc âm. Chúng tôi trở lại nhưng chỉ một mình thôi.”

Họ không trở lại một mình. Sự hối cải không những thay đổi chúng ta, mà còn ban phước cho gia đình và những người chúng ta yêu thương. Với sự hối cải ngay chính, theo kỳ định của Chúa, vòng tay dang rộng của Đấng Cứu Rỗi sẽ không những bao bọc chúng ta mà còn vươn ra đến cuộc sống của con cháu chúng ta. Sự hối cải luôn luôn có nghĩa rằng có một hạnh phúc lớn lao hơn trước mắt.

Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi của mình. Bản thân tôi đã cảm nhận được quyền năng cứu chuộc của Ngài. Tôi đã thấy rõ bàn tay chữa lành của Ngài đến với hằng ngàn người trong các quốc gia trên khắp thế giới. Tôi làm chứng rằng ân tứ thiêng liêng của Ngài đã cất tội lỗi khỏi tâm hồn và mang bình an đến cho lương tâm của chúng ta.

Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta là tín hữu của Giáo Hội Ngài. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hối cải, từ bỏ tội lỗi và đến cùng Ngài. Tôi làm chứng rằng Ngài đang ở đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. 3 Nê Phi 9:14.

  2. Xin xem Mặc Môn 6:17.

  3. Xin xem An Ma 19:36.

  4. Xin xem 2 Các Vua 17:36; Thi Thiên 136:12.

  5. Xin xem 2 Nê Phi 1:15.

  6. Xin xem GLGƯ 123:6.

  7. Xin xem 3 Nê Phi 20:35.

  8. Xin xem An Ma 5:33.

  9. Xin xem An Ma 34:16.

  10. Xin xem GLGƯ 6:20.

  11. 2 Nê Phi 28:32.

  12. 2 Nê Phi 8:12.

  13. An Ma 5:33.

  14. Xin xem Hê La Man 7:17.

  15. Xin xem Boyd K. Packer, “The Brilliant Morning of Forgiveness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 19.

  16. 3 Nê Phi 9:13.

  17. An Ma 5:12.

  18. Ma Thi Ơ 16:24.

  19. Xin xem GLGƯ 8:2.

  20. An Ma 42:30.

  21. Xin xem An Ma 34:17–18.

  22. Ê Sai 49:16.

  23. 3 Nê Phi 9:14.

  24. Xin xem GLGƯ 58:43.

  25. James E. Faust, “The Weightier Matters of the Law: Judgment, Mercy, and Faith,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 59.

  26. Xin xem GLGƯ 58:42–43; Xin xem thêm An Ma 36:17–19.

  27. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Điểm Trở Về An Toàn,” Liahona, tháng Năm năm 2007, 101.

  28. An Ma 24:10.

  29. Mô Si A 4:3. Thánh thư liên kết hạnh phúc của chúng ta trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau với sự yên ổn lương tâm. Hãy lưu ý đến lời giảng dạy của An Ma rằng trái với niềm vui là sự cắn rứt lương tâm (Xin xem An Ma 29:5). Các vị tiên tri khác liên kết nỗi đau khổ của người tà ác tiếp theo cuộc sống này với tội lỗi mà họ cảm thấy (xin xem 2 Nê Phi 9:14, 46; Mô Si A 2:38; 3:24–25; Mặc Môn 9:5). Joseph Smith nói: “Một người tự hành hạ và kết tội mình. Do đó có câu tục ngữ rằng: Họ sẽ đi vào hồ lửa với diêm sinh. Nỗi thất vọng dày vò trong tâm trí của con người cũng mạnh mẽ như một hồ lửa với diêm sinh” (trong History of the Church, 6:314).

  30. Xin xem GLGƯ 46:27.

  31. An Ma 34:33.