Đại Hội Trung Ương
Đồng Tâm
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


Đồng Tâm

Khi anh chị em giao thiệp với người khác với sự tử tế, quan tâm, và lòng trắc ẩn, tôi hứa rằng anh chị em sẽ nâng đỡ những bàn tay rũ rượi và chữa lành những tấm lòng.

Lời Giới Thiệu

Cách những phát minh khoa học tầm cỡ đôi khi được soi dẫn bởi những sự kiện đơn giản như là một quả táo rụng từ trên cây xuống thật là thú vị đúng không nào?

Hôm nay, cho phép tôi chia sẻ một phát minh đã xảy ra nhờ vào một nhóm thỏ làm mẫu thí nghiệm.

Vào thập niên 1970, các nhà nghiên cứu lập ra một thí nghiệm để xem xét ảnh hưởng của chế độ ăn uống đến sức khỏe tim mạch. Trong khoảng vài tháng, họ cho nhóm thỏ dùng để đối chứng một chế độ ăn nhiều chất béo và theo dõi huyết áp, nhịp tim, và mức cholesterol của chúng.

Theo như dự kiến, nhiều con thỏ biểu hiện sự tích tụ mỡ bên trong động mạch. Tuy nhiên, điều này chưa phải là hết! Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra một điều nữa mà không hợp lý chút nào. Mặc dù tất cả các con thỏ đều tích tụ mỡ, nhưng một nhóm các con thỏ có lượng tích tụ ít hơn 60 phần trăm so với các con thỏ khác một cách đáng ngạc nhiên. Như thể là họ đang nghiên cứu hai nhóm thỏ khác biệt nhau vậy.

Những kết quả như thế này có thể khiến các nhà khoa học mất ăn mất ngủ. Làm thế nào lại có thể như vậy chứ? Các con thỏ đều cùng một giống từ New Zealand, từ một vốn gen hầu như giống hệt nhau. Chúng đều nhận được cùng loại và lượng thức ăn như nhau.

Điều này có nghĩa gì?

Những kết quả này có làm vô hiệu hóa nghiên cứu không? Có sai lầm nào trong khâu thiết kế thí nghiệm chăng?

Các nhà khoa học đã vật lộn để hiểu được kết quả không lường trước được này!

Cuối cùng, họ chuyển sự tập trung sang các nhân viên nghiên cứu. Liệu các nhà nghiên cứu đã làm điều gì đó để tác động đến kết quả chăng? Khi tìm hiểu theo hướng này, họ phát hiện ra rằng mỗi con thỏ có ít hàm lượng mỡ tích tụ đều được chăm sóc bởi cùng một nhà nghiên cứu. Cô ấy cho các con thỏ ăn cùng thức ăn như những nhà nghiên cứu khác. Tuy nhiên, theo lời một nhà khoa học báo cáo, “cô ấy là một người tử tế và chu đáo khác thường.” Khi cô ấy cho các con thỏ ăn, “cô ấy nói chuyện với chúng, âu yếm và vuốt ve chúng. … ‘Cô ấy không thể làm khác được. Đó là tính cách của cô ấy.’”1

Hình Ảnh
Nhà nghiên cứu tốt bụng với thỏ

Cô ấy không chỉ đơn thuần cho các con thỏ ăn. Cô ấy cho chúng tình yêu thương!

Thoạt tiên, điều đó không chắc là lý do cho sự khác biệt đáng kể nhưng nhóm nghiên cứu không thể tìm được bất kỳ khả năng nào khác.

Vì thế, họ lặp lại thí nghiệm đó—lần này họ kiểm soát chặt chẽ mọi yếu tố gây biến đổi khác. Khi họ phân tích kết quả, điều tương tự xảy ra! Những con thỏ dưới sự chăm sóc của nhà nghiên cứu đầy tình thương có kết quả sức khỏe cao hơn đáng kể.

Các nhà khoa học đã công bố kết quả của cuộc nghiên cứu trong tạp chí uy tín Science.2

Nhiều năm sau, những phát hiện của cuộc thí nghiệm này dường như vẫn có ảnh hưởng trong cộng đồng y tế. Trong vài năm gần đây, Giáo Sư Kelli Harding xuất bản một quyển sách có tựa đề The Rabit Effect (Hiệu Ứng Thỏ) lấy tên từ thí nghiệm này. Kết luận của bà là: “Hãy lấy một con thỏ với một lối sống không lành mạnh. Trò chuyện với nó. Ôm ấp nó. Cho nó tình cảm. … Mối quan hệ như vậy tạo nên sự khác biệt. … Bà kết luận, “Cuối cùng những điều tác động lên sức khỏe của chúng ta một cách ý nghĩa nhất liên quan mật thiết đến cách chúng ta đối xử lẫn nhau, cách chúng ta sống, và quan điểm của chúng ta về cách làm người.”3

Trong một thế giới thế tục, đôi khi có rất ít và thưa những chiếc cầu nối giữa khoa học và lẽ thật phúc âm. Tuy nhiên với tư cách là các Ky Tô Hữu, những người đi theo Chúa Giê Su Ky Tô, các Thánh Hữu Ngày Sau, kết quả của cuộc nghiên cứu này dường như dễ cảm nhận được hơn là đáng ngạc nhiên. Đối với tôi, điều này là một trong những bằng chứng cho thấy sự tử tế là một nguyên tắc phúc âm cơ bản và mang tính chữa lành nền tảng—một nguyên tắc có thể chữa lành trái tim về mặt tình cảm, về mặt thuộc linh, và như đã được minh chứng ở đây, ngay cả về mặt thể chất.

Đồng Tâm

Khi được hỏi, “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Đấng Cứu Rỗi đã đáp rằng “hãy hết lòng … mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi,” và tiếp theo với câu, “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”4 Câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi nhấn mạnh bổn phận từ thiên thượng của chúng ta. Một vị tiên tri thời xưa đã truyền lệnh rằng “không được có sự tranh chấp lẫn nhau, mà [chúng ta] phải nhìn thấy [và] … đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau.5 Chúng ta được tiếp tục dạy rằng “uy quyền hay ảnh hưởng nào … nên được duy trì … nhờ sự hiền dịu và nhu mì, … nhờ lòng nhân từ … không gian xảo.”6

Tôi tin rằng nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi cho tất cả các Thánh Hữu Ngày Sau: người lớn, giới trẻ, và trẻ em.

Vì vậy, cho phép tôi ngỏ lời trực tiếp với các em ở độ tuổi Thiếu Nhi trong chốc lát.

Các em đã hiểu tầm quan trọng của việc tử tế rồi. Đoạn điệp khúc của một trong các bài hát Thiếu nhi, “Tôi Cố Gắng Được giống như Chúa Giê Su” dạy:

Hãy yêu mến lẫn nhau như Chúa đã yêu ngươi.

Hãy cho thấy lòng nhân theo như thánh ý Chúa.

Hãy có ý nghĩ bác ái khoan dung trong hành động,

Là điều phán dạy của Chúa Giê Su.7

Tuy nhiên, đôi khi các em thậm chí vẫn còn thấy khó khăn. Câu chuyện sau đây về một cậu bé trong Hội Thiếu Nhi có tên Minchan Kim đến từ Hàn Quốc có thể giúp các em. Gia đình em ấy gia nhập Giáo Hội vào khoảng sáu năm về trước.

Hình Ảnh
Minchan Kim

“Một ngày nọ ở trường, một số bạn cùng lớp đang chọc ghẹo một học sinh khác bằng cách bêu rếu tên. Nó có vẻ vui, nên trong vài tuần, tôi tham gia cùng với họ.

“Vài tuần sau, cậu bé đó bảo tôi rằng mặc dù bạn ấy giả vờ không quan tâm, bạn ấy đã rất đau lòng vì những lời lẽ ấy, và bạn đã khóc mỗi buổi tối. Tôi gần như muốn khóc khi nghe bạn ấy kể lại. Tôi cảm thấy có lỗi vô cùng và muốn giúp bạn ấy. Ngày hôm sau, tôi đến gặp bạn ấy, quàng tay qua vai bạn và nói lời xin lỗi, tôi nói rằng, ‘Mình rất xin lỗi vì đã chọc ghẹo bạn nha.’ Bạn ấy gật đầu chấp nhận lời xin lỗi của tôi, và đôi mắt bạn ấy ngấn đầy nước.

“Tuy nhiên, mấy bạn khác vẫn còn chọc ghẹo bạn ấy. Sau đó, tôi nhớ về điều tôi đã học được trong lớp Thiếu Nhi: hãy chọn điều ngay. Vì thế, tôi đã yêu cầu các bạn cùng lớp của mình dừng lại. Đa số mấy bạn quyết định không thay đổi và còn giận tôi. Nhưng một trong những cậu bé khác đã đến xin lỗi, và cả ba chúng tôi trở thành bạn tốt với nhau.

“Mặc dù có vài người vẫn còn chọc ghẹo bạn ấy, nhưng bạn ấy cảm thấy đỡ hơn vì có thể trông cậy vào chúng tôi.

“Tôi chọn điều ngay bằng cách giúp đỡ một người bạn đang cần giúp đỡ.”8

Hình Ảnh
Hình của Minchan Kim

Đây có phải là một tấm gương tốt cho các em để trở nên giống Chúa Giê Su không?

Giờ đây, các em thiếu niên và thiếu nữ, khi các em lớn lên, việc chọc ghẹo người khác có thể chuyển biến một cách nguy hiểm hơn. Sự lo lắng, trầm cảm, và điều tệ hại hơn thường là những hậu quả của việc bắt nạt. “Mặc dù bắt nạt không phải là một khái niệm mới mẻ gì, nhưng truyền thông xã hội và công nghệ đã làm cho việc bắt nạt trở nên nghiêm trọng hơn. Nó trở thành một mối hiểm họa thường xuyên, liên tục—bắt nạt qua mạng.”9

Rõ ràng, kẻ nghịch thù đang sử dụng cách này để làm tổn thương thế hệ của các em. Điều này không thích hợp trong không gian mạng, hàng xóm, trường học, nhóm túc số, hay lớp học của các em. Xin các em hãy làm hết sức mình để biến những nơi này trở nên tử tế và an toàn hơn. Nếu các em quan sát hay tham gia một cách thụ động vào bất cứ điều nào trên đây, tôi không biết có lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên đã được đưa ra từ Anh Cả Dieter F. Uchtdorf:

“Khi có lòng căm thù, ngồi lê đôi mách, làm ngơ, nhạo báng, oán giận, hay muốn hại người khác—thì xin hãy áp dụng điều sau đây:

“Hãy ngừng lại!”10

Các em đã nghe điều đó chưa? Hãy ngừng lại! Khi các em giao thiệp với người khác với sự tử tế, quan tâm, và lòng trắc ẩn, ngay cả ở trên mạng, tôi hứa rằng các em sẽ nâng đỡ những bàn tay rũ rượi và chữa lành những tấm lòng.

Sau khi đã nói chuyện với các em Thiếu Nhi và giới trẻ, giờ đây tôi muốn chuyển lời đến những người lớn trong Giáo Hội. Chúng ta có một trách nhiệm chính yếu để làm gương và là mẫu mực về sự tử tế, sự hòa nhập, và lịch sự—để giảng dạy cách cư xử giống như Đấng Ky Tô cho thế hệ đang vươn lên qua điều chúng ta nói và cách chúng ta hành động. Điều đó đặc biệt quan trọng khi chúng ta quan sát sự chuyển đổi mạnh mẽ trong xã hội hướng đến sự chia rẽ trong chính trị, tầng lớp xã hội, và trong hầu hết những sự phân biệt khác do con người tạo nên.

Chủ Tịch M. Russell Ballard cũng đã giảng dạy rằng các Thánh Hữu Ngày Sau không những phải tử tế với nhau mà còn với mọi người xung quanh chúng ta nữa. Ông nhận xét: “Tôi thỉnh thoảng nghe các tín hữu làm phật lòng những người thuộc các tín ngưỡng khác bằng cách làm ngơ và tách biệt họ. Điều này đặc biệt có thể xảy ra trong cộng đồng nơi các tín hữu của chúng ta chiếm đại đa số. Tôi đã từng nghe về bậc cha mẹ thiển cận bảo con cái của họ rằng chúng không thể chơi với một đứa trẻ hàng xóm cụ thể nào đó chỉ đơn giản vì gia đình của đứa bé đó không phải là tín hữu trong Giáo Hội. Cách cư xử như thế này không phù hợp với những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao bất kỳ tín hữu nào của Giáo Hội chúng ta lại có thể cho phép những cách cư xử như thế này xảy ra. … Tôi chưa bao giờ nghe tín hữu của Giáo Hội này khuyến khích điều gì ngoài tình yêu thương, tử tế, khoan dung, và từ thiện đối với bạn bè và hàng xóm chúng ta mà thuộc các tín ngưỡng khác.”11

Chúa kỳ vọng chúng ta giảng dạy rằng sự hòa nhập là một cách tích cực dẫn đến sự đoàn kết và rằng sự loại trừ dẫn đến sự chia rẽ.

Với tư cách là những người theo Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mất tinh thần khi nghe cách mà con cái của Thượng Đế bị ngược đãi chỉ vì chủng tộc của họ. Chúng tôi đã rất đau khổ khi nghe những vụ tấn công gần đây nhắm vào những người gốc Châu Phi, Châu Á, La Tinh, hoặc bất kỳ nhóm người nào khác. Thành kiến, sự căng thẳng về chủng tộc, hoặc bạo lực không nên tồn tại trong hàng xóm, cộng đồng của chúng ta, hoặc trong Giáo Hội.

Mỗi chúng ta, dù ở bất cứ độ tuổi nào, hãy nỗ lực để trở nên tốt nhất.

Hãy Yêu Kẻ Thù Mình

Khi anh chị em nỗ lực để giao thiệp với tình yêu thương, sự tôn trọng, và sự tử tế, anh chị em sẽ chắc chắn bị tổn thương hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những lựa chọn sai của người khác. Vậy thì chúng ta sẽ làm gì đây? Chúng ta tuân theo lời khuyên nhủ của Chúa để “yêu kẻ thù mình … cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.”12

Chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể để vượt qua nghịch cảnh được đặt trên con đường của chúng ta. Chúng ta nỗ lực để kiên trì đến cùng, luôn luôn cầu nguyện rằng bàn tay của Chúa sẽ thay đổi hoàn cảnh của chúng ta. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến những ai mà Ngài đặt trên con đường của chúng ta để hỗ trợ chúng ta.

Hình Ảnh
Điều kỳ diệu ở Quincy, Illinois

Tôi cảm động trước tấm gương này trong lịch sử Giáo Hội thời kỳ đầu của chúng ta. Vào mùa đông năm 1838, Joseph Smith và những người lãnh đạo khác của Giáo Hội bị cầm tù trong Ngục Thất Liberty khi các Thánh Hữu Ngày Sau bị cưỡng bức đuổi ra khỏi nhà họ ở tiểu bang Missouri. Các Thánh Hữu rất khốn cùng, không bạn bè, và khổ sở tột cùng vì rét và thiếu thốn lương thực. Những cư dân của Quincy, Illinois, thấy cảnh ngộ tuyệt vọng của họ đã vươn tay ra với lòng trắc ẩn và tình bằng hữu.

Wandle Mace, một cư dân của Quincy, sau này nhớ lại khi ông lần đầu nhìn thấy các Thánh Hữu dọc bờ sông Mississippi River trong những chiếc lều tạm bợ: “Một vài người lấy khăn trải giường căng lên để che gió, … những đứa trẻ run lập cập quây quần bên đống lửa bị gió thổi tứ phía nên chẳng giúp ích được gì cho chúng cả. Những người Thánh Hữu bần cùng đã phải chịu đau khổ vô cùng.”13

Chứng kiến cảnh ngộ của những Thánh Hữu, người dân ở Quincy đã cùng nhau hiệp lực để hỗ trợ, một trong số họ thậm chí giúp đưa những người bạn mới của mình qua sông. Mace tiếp tục kể: “[Họ] quyên góp một cách rộng rãi, các thương gia tranh đua nhau để xem ai có thể đóng góp rộng rãi nhất … với …thịt heo, … đường, … giày dép và quần áo, tất cả mọi thứ mà những kẻ bần cùng này rất cần.”14 Không lâu sau, con số những người tị nạn vượt hơn cả số cư dân ở Quincy, những người đã mở nhà cửa họ ra và chia sẻ nguồn lương thực ít ỏi với sự hy sinh cá nhân lớn lao.15

Nhiều Thánh Hữu đã sống sót qua khỏi mùa đông khắc nghiệt đó hoàn toàn nhờ vào lòng trắc ẩn và sự rộng lượng của những cư dân ở Quincy. Những thiên sứ trần gian này đã mở lòng và nhà cửa mình, mang lại sự nuôi dưỡng cứu sinh, sự ấm áp, và—có lẽ quan trọng hơn hết—một bàn tay của tình bằng hữu cho những Thánh Hữu đau khổ. Mặc dù họ lưu lại ở Quincy không lâu lắm, nhưng các Thánh Hữu không bao giờ quên được món nợ của lòng biết ơn dành cho những người hàng xóm đáng yêu của họ, và Quincy được biết đến như là “thành phố dung thân.”16

Khi nghịch cảnh và sự thống khổ giáng xuống bởi những hành động chỉ trích, tiêu cực, và thậm chí có ý muốn gây hại hoặc tổn thương, chúng ta có thể chọn để hy vọng nơi Đấng Ky Tô. Niềm hy vọng này đến từ lời mời và lời hứa của Ngài để “vui lên, vì ta sẽ hướng dẫn các ngươi đi”17 và rằng Ngài sẽ biệt riêng sự đau khổ của anh chị em thành lợi ích cho anh chị em.18 \

Đấng Chăn Hiền Lành

Chúng ta hãy kết thúc với câu chuyện mở đầu: một người chăm sóc đầy lòng trắc ẩn, hành động tử tế với một tinh thần nuôi nấng, và một kết quả không ngờ đến—đã chữa lành trái tim của những con vật mà cô ấy có trách nhiệm chăm nom. Tại sao cô ấy lại làm thế? Bởi vì đó là tính cách của cô ấy!

Khi chúng ta nhìn với quan điểm phúc âm, chúng ta nhận ra rằng chúng ta cũng đang ở trong sự chăm sóc cẩn thận của một Đấng chăm sóc đầy trắc ẩn, là Đấng đã mở lòng Ngài với sự tử tế và tinh thần nuôi dưỡng. Đấng Chăn Hiền Lành biết tên của mỗi người chúng ta và quan tâm đến mỗi cá nhân chúng ta.19 Chính Chúa Giê Su Ky Tôi từng phán: “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta. … [Và] ta vì chiên ta [sẽ] phó sự sống mình.”20

Hình Ảnh
Tìm Kiếm Chiên Con Thất Lạc

Vào hai ngày cuối tuần trong lễ Phục Sinh này, tôi tìm thấy sự bình an vĩnh cửu trong việc biết rằng “Đức Giê Hô Va là Đấng chăn giữ tôi”21 và rằng Ngài biết và chăm sóc mỗi người chúng ta một cách nhân từ. Khi chúng ta đối mặt với phong ba bão táp, bệnh tật và tổn thương của cuộc đời, Chúa—Đấng Chăn Hiền Lành, Người Chăm Nom chúng ta—sẽ nuôi nấng chúng ta với tình yêu thương và lòng nhân từ. Ngài sẽ chữa lành trái tim của chúng ta và khôi phục linh hồn của chúng ta.

Tôi làm chứng về điều này—và rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta—trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Kelli Harding, The Rabbit Effect (năm 2019), các trang xxiii–xxiv.

  2. Xin xem Robert M. Nerem, Murina J. Levesque, và J. Frederick Cornhill, “Social Environment as a Factor in Diet-Induced Atherosclerosis,” Science, tập 208, số 4451 (ngày 27 tháng Sáu năm 1980), các trang 1475–1476.

  3. Harding, The Rabbit Effect, các trang xxiv, xxv.

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 10:36–39.

  5. Mô Si A 18:21; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 121:41–42.

  7. “Tôi Cố Gắng Được giống như Chúa Giê Su,” Liahona,, tháng Tư năm 2012, các trang 64–67.

  8. Phỏng theo Minchan K., “The Apology,” Friend, tháng Một năm 2020, trang 35.

  9. Frances Dalomba, “Social Media: The Good, The Bad, and the Ugly,” Lifespan, lifespan.org.

  10. Dieter F. Uchtdorf, “Những Kẻ Có Lòng Thương Xót Sẽ Được Thương Xót,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 75.

  11. M. Russell Ballard, “Doctrine of Inclusion,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, trang 41.

  12. Lu Ca 6:27–28.

  13. Wandle Mace, tiểu sử tự thuật, xuất bản năm 1890, bản thảo, các trang 32–33, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  14. Tiểu sử tự thuật của Wandle Mace, trang 33, cách đánh vần và viết hoa đã được tiêu chuẩn hóa.

  15. Xin xem Richard E. Bennett, “‘Quincy—The Home of Our Adoption’: A Study of the Mormons in Quincy, Illinois, 1838-40,” Mormon Historical Studies, tập 2, quyển 1 (Mùa Xuân năm 2001), các trang 110–111.

  16. Xin xem Susan Easton Black, “Quincy–A City of Refuge,” Mormon Historical Studies, tập 2, số 1 (Mùa Xuân năm 2001), các trang 83–94.

  17. Giáo Lý và Giao Ước 78:18.

  18. Xin xem 2 Nê Phi 2:2.

  19. Xin xem James E. Talmage, Jesus the Christ (năm 1916), trang 417.

  20. Giăng 10:14, 15.

  21. Thi Thiên 23:1.