Đại Hội Trung Ương
Tại Sao Con Đường Giao Ước Là Cần Thiết
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


Tại Sao Con Đường Giao Ước Là Cần Thiết

Sự khác biệt của con đường giao ước là rất đáng kể một cách độc nhất và vĩnh viễn.

Trong suốt giáo vụ của ông, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã học tập và giảng dạy về các giao ước của Thượng Đế với các con cái của Ngài. Bản thân ông là một tấm gương sáng về một người đi trên con đường giao ước. Trong sứ điệp đầu tiên của ông với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, Chủ Tịch Nelson đã tuyên bố:

“Sự cam kết của anh chị em để noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập giao ước với Ngài và rồi việc tuân giữ các giao ước đó sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng dành sẵn cho nam giới, phụ nữ và trẻ em ở khắp mọi nơi.

“… Các giáo lễ của đền thờ và các giao ước mà anh chị em lập ở đó là chìa khóa để củng cố cuộc sống, hôn nhân và gia đình của anh chị em, và khả năng của anh chị em để chống lại những cuộc tấn công của kẻ nghịch thù. Sự thờ phượng của anh chị em trong đền thờ và sự phục vụ của anh chị em ở đó thay cho tổ tiên của mình sẽ ban phước cho anh chị em với nhiều sự mặc khải và sự bình an cá nhân hơn và sẽ củng cố cam kết của anh chị em để đứng vững trên con đường giao ước.”1

Con đường giao ước là gì? Đó là con đường dẫn đến vương quốc thượng thiên của Thượng Đế. Chúng ta bắt đầu con đường tại cổng báp têm và sau đó “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người [là hai giáo lệnh lớn] … đến cùng.”2 Trên suốt con đường giao ước (mà cũng kéo dài sang bên kia cuộc sống trần thế), chúng ta tiếp nhận tất cả các giáo lễ và các giao ước liên quan đến sự cứu rỗi và sự tôn cao.

Cam kết giao ước chính của chúng ta là để làm theo ý muốn của Thượng Đế “và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài trong mọi điều mà Ngài sẽ truyền lệnh cho chúng ta.”3 Việc tuân theo các nguyên tắc và lệnh truyền của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mỗi ngày là đường lối hạnh phúc nhất và thỏa mãn nhất trong cuộc đời. Một trong những lý do cho điều đó là một người sẽ tránh được nhiều vấn đề và những hối tiếc. Để tôi sử dụng một ẩn dụ về thể thao. Trong quần vợt, có một lỗi gọi là lỗi tự đánh hỏng. Đây là những lỗi chẳng hạn như khi đánh bóng vào lưới hoặc lỗi kép khi giao bóng. Lỗi tự đánh hỏng được xem là lỗi do người đánh bóng tự gây ra chứ không phải do đối thủ đánh giỏi.

Phần nhiều những vấn đề hoặc thử thách của chúng ta là do mình tự gây ra, kết quả của những lựa chọn sai lầm, hay chúng ta có thể nói là kết quả của “lỗi tự đánh hỏng.” Khi chúng ta chuyên tâm đi theo con đường giao ước, chúng ta đương nhiên tránh được nhiều “lỗi tự đánh hỏng.” Chúng ta né tránh được nhiều hình thức nghiện ngập. Chúng ta không rơi xuống hố sâu của những hành vi không lương thiện. Chúng ta vượt qua vực thẳm của sự vô đạo đức và không chung thủy. Chúng ta tránh xa những người và những điều, thậm chí là phổ biến, mà sẽ làm nguy hại đến sự an lạc về mặt thể chất và thuộc linh của chúng ta. Chúng ta tránh những lựa chọn mà làm hại hoặc gây bất lợi cho người khác và thay vào đó có được những thói quen kỷ luật tự giác và phục vụ.4

Anh Cả J. Golden Kimball hình như đã nói: “Tôi có thể không [luôn luôn] bước trên con đường chật và hẹp, nhưng tôi [cố gắng] đi xuyên qua đường càng thường xuyên càng tốt mà tôi [có thể].”5 Vào lúc nghiêm túc hơn, tôi chắc Anh Kimball cũng sẽ đồng ý rằng việc tiếp tục ở trên, chứ không chỉ đi xuyên qua con đường giao ước, là niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta trong một khía cạnh là để tránh được nỗi đau đớn có thể tránh được và trong một khía cạnh khác là để thành công đối phó với những tai họa không thể tránh được của cuộc sống.

Một số người có thể nói: “Tôi có thể lựa chọn đúng đắn dù có hay không có phép báp têm; tôi không cần các giao ước để trở thành một người đáng kính và thành đạt.” Đúng vậy, có nhiều người, mặc dù bản thân họ không ở trên con đường giao ước, nhưng hành động theo cách mà phản ảnh những lựa chọn và đóng góp của những người ở trên con đường giao ước. Anh chị em có thể nói là họ gặt hái được nhiều phước lành của việc bước đi trên con đường “làm điều tốt nhưng không lập giao ước”. Vậy thì như thế có khác gì với con đường giao ước?

Thật ra, sự khác biệt rất đáng kể một cách độc nhất và vĩnh viễn. Nó bao gồm bản chất của sự vâng lời của chúng ta, tính chất của cam kết của Thượng Đế với chúng ta, sự giúp đỡ thiêng liêng chúng ta nhận được, các phước lành gắn liền với sự quy tụ với tư cách là dân giao ước, và quan trọng hơn hết là di sản vĩnh cửu của chúng ta.

Sự Cam Kết Vâng Lời

Thứ nhất là bản chất của sự vâng lời của chúng ta đối với Thượng Đế. Không chỉ đơn thuần là phải có thiện ý, mà chúng ta còn long trọng cam kết sống theo từng lời nói phán ra từ miệng của Thượng Đế. Khi làm như vậy, chúng ta noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà bằng cách chịu phép báp têm, đã “chứng tỏ cho con cái loài người biết rằng, theo thể cách xác thịt, Ngài cũng phải hạ mình trước mặt Đức Chúa Cha, và chứng tỏ cho Đức Chúa Cha thấy rằng, Ngài vâng lời và tuân giữ những lệnh truyền của Đức Chúa Cha.”6

Với các giao ước, chúng ta kiên quyết làm nhiều hơn là chỉ tránh những lỗi lầm hay trở nên thận trọng trong những quyết định của mình. Chúng ta cảm thấy có trách nhiệm đối với Thượng Đế cho những lựa chọn của mình và cuộc sống của mình. Chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta tập trung vào Đấng Ky Tô—vào việc quả cảm làm chứng về Chúa Giê Su và phát triển đặc tính của Đấng Ky Tô.

Với các giao ước, việc vâng theo các nguyên tắc phúc âm trở thành một phần thiết yếu trong tâm hồn chúng ta. Tôi biết một cặp vợ chồng, mà vào lúc họ kết hôn, người vợ không tích cực trong Giáo Hội và người chồng chưa bao giờ là tín hữu của Giáo Hội. Tôi sẽ gọi họ là Mary và John, không phải là tên thật của họ. Khi bắt đầu có con cái, Mary thực sự cảm thấy cần phải nuôi dạy chúng, “theo sự dưỡng dục cùng sự khuyên răn của Chúa,” như có chép trong thánh thư.7 John đã ủng hộ. Mary đã hy sinh một số điều thật sự quan trọng để ở nhà và thường xuyên dạy dỗ con cái phúc âm. Chị đảm bảo rằng gia đình mình tận dụng tối đa sự thờ phượng và sinh hoạt trong Giáo Hội. Mary và John trở thành cha mẹ gương mẫu, và con cái họ (toàn là những cậu bé hiếu động) đã phát triển trong đức tin và tận tụy đối với các nguyên tắc và các tiêu chuẩn của phúc âm.

Cha mẹ của John, ông bà nội của mấy cậu bé, rất hài lòng với cuộc sống lành mạnh và thành tích của các cháu nội của họ, nhưng vì một số định kiến đối với Giáo Hội, nên họ nghĩ thành công này chỉ là nhờ kỹ năng nuôi dạy con cái của John và Mary. John, dù không phải là tín hữu Giáo Hội, nhưng đã phủ nhận đánh giá của cha mẹ anh. Anh nhất định là họ đang chứng kiến thành quả của những lời giảng dạy của phúc âm—những điều các con trai anh đang trải nghiệm được ở nhà thờ cũng như những gì đang diễn ra ở nhà.

Bản thân John cũng đang bị ảnh hưởng bởi Thánh Linh, bởi tình yêu và tấm gương của vợ anh, và bởi sự thúc giục của mấy đứa con trai anh. Sau một thời gian, anh đã chịu phép báp têm, khiến cho các tín hữu trong tiểu giáo khu và bạn bè rất mừng.

Mặc dù cuộc sống không phải là không có thử thách đối với họ và các con trai của họ, nhưng Mary và John hết lòng khẳng định rằng giao ước phúc âm thực sự chính là nguồn gốc của các phước lành của họ. Họ đã thấy lời của Chúa phán cùng Giê Rê Mi được ứng nghiệm trong cuộc sống của con cái họ cũng như của riêng mình: “Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta.”8

Ràng Buộc với Thượng Đế

Khía cạnh độc đáo thứ hai của con đường giao ước là mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế. Các giao ước Thượng Đế ban cho con cái Ngài có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ hướng dẫn chúng ta. Chúng ràng buộc chúng ta với Ngài, và khi ràng buộc với Ngài, chúng ta có thể khắc phục được mọi điều.9

Có lần tôi đọc một bài báo được viết bởi một phóng viên thiếu thông tin mà đã giải thích rằng cách chúng ta thực hiện phép báp têm cho người chết là bằng cách ngâm những cuộn vi phim trong nước. Sau đó tất cả tên của những người nào hiện ra trên vi phim thì người đó được coi là đã được báp têm. Phương pháp đó sẽ rất hữu hiệu, nhưng lại bỏ qua giá trị vô hạn của mỗi linh hồn và tầm quan trọng cốt lõi của một giao ước riêng với Thượng Đế.

“[Chúa Giê Su] phán … : Các ngươi hãy đi vào bằng cổng hẹp, vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ tìm được thì ít.”10 Nói theo nghĩa bóng, cổng này hẹp đến mức nó chỉ cho phép một người vào một lúc. Mỗi người lập một cam kết riêng với Thượng Đế, và bù lại nhận được từ Ngài một giao ước cá nhân, với chính tên mình, mà người đó có thể tuyệt đối trông cậy trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu. Với các giáo lễ và các giao ước, “quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt” trong cuộc sống của chúng ta.11

Sự Giúp Đỡ Thiêng Liêng

Điều này dẫn chúng ta đến việc xem xét phước lành đặc biệt thứ ba của con đường giao ước. Thượng Đế ban cho một ân tứ hầu như không thể hiểu nổi để giúp người lập giao ước trở thành người tuân giữ giao ước: ân tứ Đức Thánh Linh. Ân tứ này là quyền để luôn luôn có được sự đồng hành, sự bảo vệ, và hướng dẫn của Thánh Linh.12 Còn được biết đến là Đấng An Ủi, Thánh Linh “đem lại niềm hy vọng và tình thương yêu trọn vẹn tràn đầy.”13 Ngài “hiểu hết mọi sự việc và làm chứng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con,”14 mà chúng ta cam kết đứng lên làm nhân chứng cho Hai Ngài.15

Trên con đường giao ước, chúng ta cũng tìm thấy các phước lành thiết yếu của sự tha thứ và sự thanh tẩy khỏi tội lỗi. Đây là sự giúp đỡ mà chỉ có thể đến thông qua ân điển thiêng liêng, được ban cho bởi Đức Thánh Linh. Chúa phán: “Này, đây là lệnh truyền: Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng.”16

Quy Tụ cùng Dân Giao Ước

Thứ tư, những người đi theo con đường giao ước cũng tìm thấy những phước lành đặc biệt trong nhiều cuộc quy tụ mà đã được Thượng Đế quy định. Lời tiên tri về sự quy tụ thực sự các chi phái đã bị phân tán từ rất lâu của dân Y Sơ Ra Ên đến các vùng đất thừa hưởng của họ được tìm thấy trong khắp thánh thư.17 Việc làm tròn những lời tiên tri và lời hứa này hiện đang diễn ra với sự quy tụ dân giao ước vào Giáo Hội, vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Chủ Tịch Nelson giải thích: “Khi nói về sự quy tụ, chúng ta đang nói một cách đơn giản về lẽ thật quan trọng này: mỗi một người con của Cha Thiên Thượng đều xứng đáng được nghe về sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.”18

Chúa truyền lệnh cho các tín hữu Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô hãy “đứng dậy và chiếu sáng, để ánh sáng của các ngươi có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia; … để cho sự quy tụ lại trên đất Si Ôn, và trên các giáo khu của nó có thể để phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian.”19

Còn có sự quy tụ hàng tuần của dân giao ước ở nhà nguyện vào ngày của Chúa, để chúng ta có thể “giữ cho [bản thân] mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn.”20 Đó là sự quy tụ để dự phần bánh và nước Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và là một thời gian để “nhịn ăn và cầu nguyện, và để nói với nhau về sự an lạc của tâm hồn [chúng ta].”21 Là thanh thiếu niên, tôi là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong trường trung học của tôi. Tôi thích kết giao với nhiều người bạn tốt trong trường, nhưng tôi thấy rằng tôi phải trông cậy rất nhiều vào buổi họp ngày Sa Bát này mỗi tuần để đổi mới và tái lập bản thân mình về mặt thuộc linh, và thậm chí cả thể chất. Chúng ta đã thực sự cảm thấy mất mát biết bao về sự quy tụ thường xuyên này để lập giao ước trong đại dịch hiện nay, và chúng ta mong mỏi biết bao thời gian mà chúng ta có thể lại cùng nhau tụ họp như trước đây.

Dân giao ước cũng quy tụ ở đền thờ, nhà của Chúa, để tiếp nhận các giáo lễ, các phước lành, và những điều mặc khải mà đặc biệt có sẵn ở đó. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Mục tiêu quy tụ … dân của Thượng Đế trong bất cứ thời đại nào của thế gian là gì? … Mục tiêu chính là xây cất một ngôi nhà cho Chúa mà nhờ đó Ngài có thể mặc khải cho dân Ngài các giáo lễ của ngôi nhà Ngài và những vinh quang của vương quốc Ngài, và dạy mọi người con đường của sự cứu rỗi; vì có một số giáo lễ và nguyên tắc mà khi được giảng dạy và thực hành, cần phải được thực hiện trong một nơi hoặc một ngôi nhà được xây cất vì mục đích đó.”22

Thừa Hưởng Các Lời Hứa Giao Ước

Cuối cùng, chỉ có đi theo con đường giao ước thì chúng ta mới thừa hưởng được các phước lành của Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp, các phước lành tột bậc của sự cứu rỗi và sự tôn cao mà chỉ có Thượng Đế mới có thể ban cho.23

Những câu trong thánh thư đề cập đến dân giao ước thường có nghĩa là các con cháu thực sự của Áp Ra Ham hoặc “gia tộc Y Sơ Ra Ên.” Nhưng dân giao ước cũng bao gồm tất cả những người tiếp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.24 Phao Lô đã giải thích:

“Vả, anh em thảy đều chịu phép báp têm trong Đấng [Ky Tô], đều mặc lấy Đấng [Ky Tô] vậy. …

“Lại nếu anh em thuộc về Đấng [Ky Tô], thì anh em là dòng dõi của Áp Ra Ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa.”25

Những người trung thành với các giao ước của họ “sẽ sống lại trong lần phục sinh của những người công minh.”26 Họ “được vẹn lành nhờ Giê Su là Đấng trung gian của giao ước mới. … Đây là những người mà thể xác của họ thuộc thượng thiên giới, vinh quang của họ là vinh quang của mặt trời, là vinh quang của Thượng Đế, cao hơn tất cả.”27 “Vậy nên, mọi sự là của họ, dù sự sống hay sự chết, hoặc những sự hiện tại, hay những sự sắp đến, tất cả đều là của họ và họ là của Đấng Ky Tô, và Đấng Ky Tô là của Thượng Đế.”28

Chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi của vị tiên tri để tiếp tục ở trên con đường giao ước. Nê Phi đã trông thấy thời kỳ của chúng ta và ghi lại: “Tôi, Nê Phi, thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con, và trên dân giao ước của Chúa đã bị phân tán khắp mặt đất; và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.”29

Cùng với Nê Phi, “tâm hồn tôi rất vui thích những công việc của Chúa.”30 Vào Chủ Nhật Lễ Phục Sinh này, tôi chia sẻ chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà Sự Phục Sinh của Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và sự bảo đảm về tất cả những điều đã được hứa ở trên và ở cuối con đường giao ước. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.