Đại Hội Trung Ương
Những Cuộc Trò Chuyện Thiết Yếu
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


Những Cuộc Trò Chuyện Thiết Yếu

Chúng ta không thể đợi cho những cuộc trò chuyện vô tình xảy ra với con cái mình. Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên không phải là một nguyên tắc trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh chị em có bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta gọi Hội Thiếu Nhi là “Primary”, trong tiếng Anh có nghĩa là trước nhất không? Trong khi cái tên đó nói về sự học hỏi thuộc linh mà trẻ em tiếp nhận trong những năm đầu đời của chúng, với tôi, nó cũng là một lời nhắc nhở về một lẽ thật mạnh mẽ. Đối với Cha Thiên Thượng của chúng ta, trẻ em chưa bao giờ là thứ yếu cả—chúng luôn luôn là “trước nhất.”1

Ngài tin cậy chúng ta phải trân quý, tôn trọng, và bảo vệ chúng với tư cách là con cái của Thượng Đế. Điều đó có nghĩa là chúng ta không bao giờ làm tổn hại chúng bằng hành động, lời nói, hoặc cảm xúc trong bất kỳ cách thức nào, kể cả khi cảm thấy vô cùng căng thẳng thất vọng. Thay vì vậy, chúng ta trân quý trẻ em và làm mọi việc chúng ta có thể làm để chống lại những hành vi ngược đãi tệ bạc. Việc chăm sóc cho chúng là trước nhất đối với chúng ta—cũng như với Ngài.2

Một cặp cha mẹ trẻ đang ngồi tại bàn ăn nói chuyện vào cuối ngày. Từ hành lang, họ nghe một tiếng huỵch. Người mẹ hỏi: “Cái gì thế?”

Rồi họ nghe tiếng khóc nho nhỏ phát ra từ phòng ngủ của cậu con trai bốn tuổi của họ. Họ vội vã chạy xuống hành lang. Thằng bé đang nằm trên sàn, cạnh giường của nó. Người mẹ bế đứa con trai nhỏ lên và hỏi nó về chuyện đã xảy ra.

Nó bảo: “Con bị ngã khỏi giường.”

Người mẹ nói: “Tại sao con ngã khỏi giường vậy?”

Nó nhún vai và nói: “Con không biết nữa. Chắc là con chưa nằm vào đủ sâu bên trong giường ạ.”

Điều tôi muốn nói đến vào buổi sáng hôm nay chính là về việc giúp trẻ em nằm vào “đủ sâu” này. Đây chính là đặc ân và trách nhiệm của chúng ta để giúp trẻ em tiến vào “đủ sâu” trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Và chưa bao giờ là quá sớm để bắt đầu việc này.

Có một khoảng thời gian vô cùng đặc biệt trong cuộc đời của những đứa trẻ khi chúng được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Sa Tan. Đây là khoảng thời gian khi chúng còn ngây thơ và không có tội lỗi.3 Đây là một thời gian thiêng liêng đối với cha mẹ và đứa trẻ. Trẻ em cần được dạy dỗ, bởi lời nói và sự làm gương, trước và sau khi chúng “đến tuổi hiểu biết trách nhiệm trước Thượng Đế.”4

Chủ Tịch Henry B. Eyring đã dạy: “Chúng ta có cơ hội lớn nhất đối với trẻ em. Thời gian tốt nhất để giảng dạy là bắt đầu sớm, trong khi trẻ em còn chưa bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ của [kẻ thù hữu diệt] và rất lâu trước khi những lời của lẽ thật có thể khó khăn hơn đối với chúng để lắng nghe trong khi chúng đang có những khó khăn riêng của mình.”5 Sự giảng dạy như vậy sẽ giúp chúng nhận ra gốc tích thiêng liêng và mục đích của chúng, cùng những phước lành dồi dào đang chờ đợi khi chúng lập những giao ước thiêng liêng và tiếp nhận các giáo lễ trên con đường giao ước.

Chúng ta không thể đợi cho những cuộc trò chuyện vô tình xảy ra với con cái mình. Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên không phải là một nguyên tắc trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc trở nên giống Đấng Cứu Rỗi của chúng ta sẽ không xảy đến tình cờ. Việc có chủ ý để yêu thương, dạy dỗ, và làm chứng có thể giúp trẻ nhỏ cảm nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là thiết yếu cho chứng ngôn và sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô của con cái chúng ta; chúng ta mong muốn chúng “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, để [chúng] có thể được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng].”6

Hình Ảnh
Cuộc trò chuyện trong gia đình

Hãy cân nhắc giá trị các cuộc trò chuyện trong gia đình về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, những cuộc trò chuyện thiết yếu, mà có thể mời Thánh Linh đến. Khi có những cuộc trò chuyện như vậy với con cái mình, chúng ta giúp chúng tạo ra một nền tảng, “một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu [chúng] xây dựng trên đó [thì] sẽ không thể nào đổ ngã được.”7 Khi chúng ta củng cố một đứa con, chúng ta đang củng cố cả gia đình.

Những cuộc thảo luận quan trọng này có thể dẫn dắt trẻ em để:

  • Hiểu giáo lý về sự hối cải.

  • Có đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.

  • Chọn phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh khi lên tám tuổi.8

  • Và biết cầu nguyện, cũng như “bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa.”9

Đấng Cứu Rỗi đã khẩn nài: “Vậy nên, ta ban cho ngươi một lệnh truyền, phải giảng dạy rộng rãi những điều này cho con cái của ngươi.”10 Và Ngài muốn chúng ta giảng dạy thật rộng rãi những điều gì?

  1. Sự Sa Ngã của A Đam

  2. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

  3. Tầm quan trọng của việc được sinh lại11

Anh Cả D. Todd Christofferson đã nói: “Chắc chắn là kẻ nghịch thù đã hài lòng khi cha mẹ bỏ bê việc dạy dỗ và huấn luyện con cái để có được đức tin nơi Đấng Ky Tô, và được sinh ra một lần nữa về phần thuộc linh.”12

Ngược lại, Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta giúp con cái “đặt sự tin cậy [của chúng] vào Thánh Linh là Đấng dẫn dắt làm điều tốt lành.”13 Để làm như vậy, chúng ta có thể giúp con cái nhận ra khi nào chúng đang cảm thấy Thánh Linh và biết phân biệt những hành động nào khiến cho Thánh Linh rời đi. Từ đó, chúng học cách hối cải và quay trở lại với ánh sáng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này giúp khuyến khích khả năng kiên cường về mặt thuộc linh.

Chúng ta có thể có niềm vui khi giúp con cái mình phát triển khả năng kiên cường về mặt thuộc linh ở mọi lứa tuổi. Việc này không cần phải phức tạp hoặc mất nhiều thời gian. Những cuộc trò chuyện giản dị, đầy quan tâm có thể giúp con cái không chỉ biết điều gì chúng tin tưởng, mà quan trọng nhất là lý do mà chúng tin tưởng điều đó. Những cuộc trò chuyện đầy quan tâm, diễn ra tự nhiên và thường xuyên, có thể đưa đến sự hiểu biết tốt hơn và những lời giải đáp. Chúng ta đừng để cho sự tiện lợi của các thiết bị điện tử khiến chúng ta không giảng dạy và lắng nghe con cái mình, và nhìn vào mắt chúng.

Hình Ảnh
Cuộc trò chuyện giữa mẹ và con gái

Những cơ hội bổ sung cho các cuộc trò chuyện thiết yếu có thể xảy ra qua trò chơi đóng diễn. Mọi người trong gia đình có thể đóng diễn các tình huống bị cám dỗ hoặc bị áp lực để lựa chọn sai lầm. Một sự luyện tập như vậy có thể củng cố con cái để được chuẩn bị cho một môi trường đầy thử thách. Ví dụ, chúng ta có thể đóng diễn và rồi thảo luận khi hỏi con cái điều chúng sẽ làm:

  • Nếu chúng bị cám dỗ để vi phạm Lời Thông Sáng.

  • Nếu chúng tiếp xúc với hình ảnh sách báo khiêu dâm.

  • Nếu chúng bị cám dỗ để nói dối, ăn cắp, hoặc gian lận.

  • Nếu chúng nghe từ bạn bè hoặc thầy cô ở trường nói một điều gì đó nghi ngờ những giá trị hoặc niềm tin của chúng.

Thay vì không được chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những nhóm bạn xấu, khi con cái đóng diễn và rồi thảo luận, chúng có thể được trang bị nhờ “lấy … đức tin làm khiên, nhờ đó [chúng] có thể dập tắt được [mọi] tên lửa của kẻ ác.”14

Một người bạn thân của tôi đã sớm học được bài học quan trọng này ở tuổi 18. Anh ấy đã ghi danh vào quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Anh được chỉ định tham gia huấn luyện bộ binh cơ bản để trở thành lính bộ binh. Anh giải thích rằng chương trình huấn luyện rất hà khắc. Anh mô tả người sĩ quan huấn luyện là tàn bạo và độc ác.

Một ngày nọ, tiểu đội của anh mặc đầy đủ quân phục chiến đấu, đang đi trong cái nóng oi bức. Người sĩ quan huấn luyện đột nhiên hô to những mệnh lệnh phải nằm xuống đất và không cử động. Người sĩ quan để ý ngay cả những cử động nhỏ nhất. Bất kỳ cử động nào cũng sẽ chịu hình phạt nặng nề sau đó. Cả tiểu đội chịu đựng hơn hai giờ đồng hồ dưới nắng nóng với cảm giác tức giận và chống đối gia tăng dành cho người chỉ huy của họ.

Nhiều tháng sau, người bạn của chúng tôi thấy bản thân anh đang chỉ huy tiểu đội của mình băng qua những khu rừng rậm tại Việt Nam. Đây là sự thật, không còn là huấn luyện. Súng bắt đầu nổ xuống từ phía trên những cái cây xung quanh. Toàn bộ tiểu đội ngay lập tức rạp mình xuống đất.

Kẻ thù đang tìm kiếm điều gì? Cử động. Bất kỳ cử động nào đi nữa cũng sẽ khiến cho họ xả súng. Người bạn của tôi nói rằng khi đó anh nằm ướt đẫm mồ hôi và bất động trên thảm rừng, chờ đợi đêm tối trong vài giờ đồng hồ, những ý nghĩ của anh trở về với buổi huấn luyện cơ bản. Anh nhớ nỗi căm ghét tột độ của mình dành cho người sĩ quan huấn luyện. Giờ đây, anh cảm thấy vô cùng biết ơn—vì những gì người ấy đã dạy anh và cách mà ông chuẩn bị anh cho tình huống nguy kịch này. Người sĩ quan huấn luyện đã khôn ngoan khi trang bị cho người bạn của chúng tôi cùng tiểu đội của anh khả năng để biết phải làm gì giữa chiến tranh ác liệt. Thật ra, ông ấy đã cứu mạng người bạn của chúng tôi.

Làm thế nào chúng ta có thể làm giống như vậy cho con cái của mình về mặt thuộc linh? Ngay từ sớm trước khi chúng bước vào trận chiến của cuộc đời, làm thế nào chúng ta có thể nỗ lực hơn để dạy dỗ, củng cố, và chuẩn bị chúng?15 Làm thế nào chúng ta có thể mời chúng tiến vào “đủ sâu”? Chẳng phải chúng ta thà để cho chúng “đổ mồ hôi” trong môi trường học hỏi an toàn ở nhà thay vì đổ máu trong trận chiến của cuộc đời đó sao?

Khi nhìn lại, có đôi lúc vợ chồng tôi cảm thấy mình giống như những sĩ quan huấn luyện sốt sắng muốn giúp con cái sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tiên tri Gia Cốp dường như đã bày tỏ những cảm nghĩ tương tự khi nói: “Tôi muốn có được sự an lạc của tâm hồn các người. Phải, tôi rất lo âu cho các người; và chính các người cũng hiểu rằng điều ấy luôn có thật như vậy.”16

Khi con cái học hỏi và tiến triển, những niềm tin của chúng sẽ bị thử thách. Nhưng khi được trang bị đầy đủ, chúng có thể phát triển đức tin, lòng dũng cảm, và sự tự tin, kể cả khi ở giữa sự chống đối hung hãn.

An Ma đã dạy chúng ta phải “chuẩn bị tinh thần của [con trẻ].”17 Chúng ta đang chuẩn bị cho thế hệ đang vươn lên trở thành những người bảo vệ đức tin trong tương lai, để hiểu rằng “[chúng] là những người được tự do hành động cho chính mình—được tự do chọn lựa lấy con đường của sự chết vĩnh viễn hay là con đường của cuộc sống vĩnh cửu.”18 Trẻ em xứng đáng hiểu được lẽ thật lớn lao này: sự vĩnh cửu là một điều không bao giờ sai lầm.

Cầu xin cho những cuộc trò chuyện đơn giản nhưng thiết yếu của chúng ta cùng với con cái mình sẽ giúp chúng “hưởng những lời về cuộc sống vĩnh cửu” bây giờ để cho chúng có thể tận hưởng được “cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau, đó là vinh quang bất diệt.”19

Khi nuôi dưỡng và chuẩn bị con cái mình, chúng ta cho phép chúng có quyền tự quyết, chúng ta yêu thương chúng với hết lòng mình, chúng ta dạy chúng những giáo lệnh của Thượng Đế và ân tứ của Ngài về sự hối cải, và chúng ta không bao giờ từ bỏ chúng. Suy cho cùng, đây chẳng phải là cách thức của Chúa với mỗi người chúng ta đó sao?

Chúng ta hãy tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, biết rằng mình có thể có “một niềm hy vọng hết sức xán lạn”20 qua Đấng Cứu Rỗi nhân từ của chúng ta.

Tôi làm chứng rằng Ngài luôn luôn là câu trả lời. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 3 Nê Phi 17:23–24.

  2. Xin xem Michaelene P. Grassli, “Behold Your Little Ones,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, trang 93: “Đối với tôi, từ nhìn xem có ý nghĩa lớn lao. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là ‘nhìn và xem.’ Khi Chúa chỉ dạy dân Nê Phi hãy nhìn xem các con trẻ của họ, tôi tin rằng Ngài phán bảo họ hãy chú ý đến con cái, chiêm ngưỡng chúng, tìm xa hơn hiện tại và thấy được các khả năng vĩnh cửu của chúng.”

    Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Listen to Learn,” Ensign, tháng Năm năm 1991, trang 22: “Áp đặt trẻ em bằng vũ lực là phương pháp của Sa Tan, không phải của Đấng Cứu Rỗi. Không, chúng ta không sở hữu con cái mình. Đặc ân làm cha mẹ của chúng ta là yêu thương chúng, dẫn dắt chúng, và để cho chúng trưởng thành.”

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:46–47.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 20:71.

  5. Henry B. Eyring, “The Power of Teaching Doctrine,” Liahona, tháng Năm năm 1999, trang 87.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 20:79.

  7. Hê La Man 5:12.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:25; xin xem thêm Những Tín Điều 1:4.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 68:28.

  10. Môi Se 6:58; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  11. Xin xem Giăng 6:59; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 20:29–31.

  12. D. Todd Christofferson, “Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình?,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 52.

  13. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 11:12–13; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 93.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 27:17; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Marion G. Romney, “Home Teaching and Family Home Evening,” Improvement Era, tháng Sáu năm 1969, trang 97: “Sa Tan, kẻ thù của chúng ta, đang tấn công toàn lực vào sự ngay chính. Các binh đoàn của hắn vô cùng đông đảo. Các trẻ em và giới trẻ của chúng ta là mục tiêu tấn công chính của hắn. Ở khắp nơi, bọn trẻ là đối tượng của những chiêu trò lôi kéo xấu xa và tà ác. Ở mỗi nơi bọn trẻ đi vào, chúng bị cái xấu xô đẩy, bị mắc phải mưu kế xảo quyệt dối lừa và hủy hoại mọi điều thiêng liêng và mọi nguyên tắc ngay chính. … Nếu con cái của chúng ta đủ mạnh mẽ để đứng lên chống lại cuộc tấn công dữ dội này của Sa Tan, thì chúng cần phải được dạy dỗ và huấn luyện ở nhà, theo như Chúa đã chỉ thị.”

  15. Xin xem Russell M. Nelson, “Children of the Covenant,” Ensign, tháng Năm năm 1995, trang 32:

    “Nhiều năm về trước, khi còn là một sinh viên y khoa trẻ tuổi, tôi đã thấy nhiều bệnh nhân mắc các căn bệnh mà ngày nay có thể phòng ngừa được. Ngày nay, việc chủng ngừa cho các cá nhân chống lại các tình trạng từng gây tàn tật—thậm chí chết người—là điều khả thi. Một phương pháp y học nhờ đó tạo ra khả năng miễn dịch cần có chính là tiêm chủng. Từ tiêm chủng inoculate thật thú vị. Nó xuất phát từ hai từ gốc La-tinh: in có nghĩa là ‘trong’; và oculus có nghĩa là ‘con mắt.’ Do đó, động từ inoculate thực ra có nghĩa là ‘đặt con mắt vào bên trong’—để theo dõi phòng ngừa hiểm nguy.

    “Nỗi đau đớn của bệnh bại liệt có thể làm tê liệt hoặc phá hủy cơ thể. Nỗi đau đớn của tội lỗi có thể làm tê liệt hoặc phá hủy linh hồn. Những tác hại của bệnh bại liệt giờ đây có thể được ngăn ngừa nhờ tiêm chủng, nhưng những tác hại của tội lỗi đòi hỏi những biện pháp ngăn chặn khác. Các bác sĩ không thể tiêm phòng để ngừa sự bất chính. Sự bảo vệ thuộc linh chỉ đến từ Chúa—và theo cách thức riêng của Ngài. Chúa Giê Su chọn để không chỉ tiêm chủng, mà còn giúp thấm nhuần giáo lý. Phương pháp của Ngài không cần vắc-xin; nó sử dụng việc giảng dạy giáo lý thiêng liêng—một ‘con mắt’ trông nom ở ‘bên trong’—để bảo vệ linh hồn vĩnh cửu của con cái Ngài.”

  16. 2 Nê Phi 6:3.

  17. An Ma 39:16.

  18. 2 Nê Phi 10:23.

  19. Môi Se 6:59; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  20. 2 Nê Phi 31:20.