Đại Hội Trung Ương
Chẳng Phải như Thế Gian Cho
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


Chẳng Phải như Thế Gian Cho

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cung cấp dồi dào cho chúng ta những công cụ cần thiết để tạo nên một tương lai tươi sáng hơn và để gia tăng những điều tốt lành thực sự.

Trước Lễ Phục Sinh đầu tiên ấy, khi Chúa Giê Su vừa kết thúc giáo lễ Tiệc Thánh mới mà Ngài ban cho Mười Hai Vị Sứ Đồ, Ngài đã bắt đầu bài diễn văn từ biệt hùng hồn của mình và đi đến Ghết Sê Ma Nê, bị phản bội, và bị đóng đinh trên thập tự giá. Tuy nhiên, cảm nhận được sự lo lắng và có lẽ cả nỗi sợ hãi mà một vài người trong số họ đã thể hiện, Ngài đã phán điều này với họ (và với chúng ta):

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. …

“Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi. …

“Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”1

Những thời kỳ thử thách sẽ đến trên thế gian này, ngay cả với những người trung tín, nhưng sứ điệp đầy an ủi về Đấng Ky Tô chính là mặc dù Ngài, chiên con để hiến tế, sẽ giống như “chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông [nó],”2 nhưng Ngà sẽ trỗi dậy để trở thành, như người viết Thi Thiên đã nói, “nơi nương náu và sức lực của chúng ta, sẵn sàng giúp đỡ [chúng ta] trong [những lúc] gian truân.”3

Sau khi nhận ra những giờ phút khó khăn sắp đến với Đấng Ky Tô khi Ngài tiến đến cây thập tự giá và với các môn đồ của Ngài khi họ phải mang phúc âm của Ngài ra khắp thế gian vào thời trung thế, xin cho phép tôi chia sẻ một sứ điệp liên quan gửi đến các tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi trong những ngày sau. Sứ điệp này nằm trong một số lượng rất lớn những câu thánh thư trong Sách Mặc Môn nhằm diễn tả nhiều loại xung đột khác nhau, từ thái độ luôn luôn phiền nhiễu của La Man và Lê Mu Ên đến những trận chiến cuối cùng với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ. Một trong những lý do rõ ràng cho sự nhấn mạnh này là vì mặc dù Sách Mặc Môn được viết cho những độc giả ngày sau, những tác giả này (những người đã tự mình trải qua nhiều cuộc chiến) đã cảnh báo chúng ta qua lời tiên tri rằng bạo lực và xung đột sẽ là đặc điểm nổi bật của những mối quan hệ trong những ngày sau cùng.

Tất nhiên, tôi không phải người đầu tiên đưa ra giả thuyết về sự xung đột trong những ngày sau. Hai ngàn năm trước, Đấng Cứu Rỗi đã cảnh báo rằng trong những ngày sau cùng sẽ có “chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh,”4 sau đó Ngài phán rằng “hòa bình [sẽ] bị cất khỏi thế gian.”5 Chắc chắn rằng Hoàng Tử Bình An này, Đấng đã dạy dứt khoát rằng sự tranh chấp là từ quỷ dữ,6 đã phải than khóc cùng Đức Chúa Cha của Ngài về những người trong gia đình nhân loại ngày nay mà thánh thư đã viết là “không có tình nghĩa”, và không thể tìm ra cách để chung sống trong tình yêu thương.7

Thưa các anh chị em, chúng ta thực sự thấy xung quanh mình có quá nhiều sự mâu thuẫn, giận dữ, và bất nhã. May mắn thay, thế hệ ngày nay vẫn chưa phải chiến đấu trong một cuộc Thế Chiến Thứ Ba, và chúng ta vẫn chưa phải trải qua cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 1929 mà đã dẫn đến cuộc Đại Suy Thoái. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với một kiểu Thế Chiến Thứ Ba mà không phải là một cuộc chiến nhằm tiêu diệt kẻ thù của mình, mà là một lệnh truyền yêu cầu con cái của Thượng Đế phải quan tâm lẫn nhau hơn, và phải giúp chữa lành những vết thương trong một thế giới đầy mâu thuẫn. Cuộc Đại Suy Thoái mà chúng ta đối mặt ngày nay ít liên quan đến sự mất mát bề ngoài về tiền bạc mà liên quan nhiều hơn đến sự mất tự tin, đến sự thiếu hụt thực sự về đức tin, niềm vy họng, và lòng bác ái xung quanh chúng ta. Nhưng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cung cấp dồi dào cho chúng ta những công cụ cần thiết để tạo nên một tương lai tươi sáng hơn và để gia tăng những điều tốt lành thực sự trong xã hội. Chúng ta không thể—và thế gian này không thể—chấp nhận thất bại trong việc sử dụng trọn vẹn các nguyên tắc phúc âm và các giao ước mang tính củng cố này cả về mặt cá nhân lẫn công khai.

Vậy nên, trong một thế gian “bị bão lung lay, mất sự yên ủi”, như Đấng Giê Hô Va đã phán, làm thế nào chúng ta tìm được điều mà Ngài gọi là “giao ước … hòa bình”? Chúng ta tìm thấy điều đó bằng cách tìm đến Ngài là Đấng đã phán rằng Ngài sẽ thương xót chúng ta và sẽ “vì lòng nhân từ vô cùng” mà ban sự bình an cho con cái chúng ta.8 Bất chấp những lời tiên tri đáng sợ và những câu thánh thư bất an tuyên bố rằng hòa bình sẽ bị cất đi khắp thế gian, các vị tiên tri, bao gồm vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Russell M. Nelson, đã dạy rằng không nhất thiết là sự bình an đó sẽ bị cất khỏi mỗi người chúng ta!9 Vậy nên, vào Lễ Phục Sinh này, chúng ta hãy theo đuổi sự bình an bằng cách riêng của mình, áp dụng ân điển và sự chữa lành qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho gia đình và bản thân chúng ta và tất cả những người chúng ta có thể tiếp cận xung quanh mình. May mắn thay, và kinh ngạc thay, sự xoa dịu này được ban cho chúng ta “mà không cần tiền [và] không đòi giá.”10

Sự giúp đỡ và niềm hy vọng đó thật sự cần thiết, bởi vì trong giáo đoàn trên khắp thế giới ngày hôm nay có nhiều người đang vật lộn với đủ loại thử thách—về thể chất hoặc tinh thần, xã hội hoặc tài chính, hoặc nhiều vấn đề khác. Nhưng chúng ta không đủ mạnh mẽ để tự mình giải quyết rất nhiều các thử thách này, vì sự giúp đỡ và bình an chúng ta cần không phải “như thế gian cho.”11 Không đâu, đối với các vấn đề thực sự khó khăn, chúng ta cần điều mà thánh thư gọi là “các quyền năng trên trời,” và để tiếp cận được các quyền năng này, chúng ta phải sống theo điều mà những câu thánh thư đó gọi là “các nguyên tắc ngay chính.”12 Để hiểu được mối liên kết đó giữa nguyên tắc và quyền năng là một bài học mà gia đình nhân loại hầu như chưa bao giờ có thể học được, Thượng Đế của trời và đất đã phán như vậy!13

Vậy các nguyên tắc ấy là gì? Thực ra, các nguyên tắc ấy được liệt kê nhiều lần trong thánh thư, và được giảng đi giảng lại trong những đại hội như thế này, và trong gian kỳ chúng ta, Tiên Tri Joseph Smith đã được dạy các nguyên tắc này để đáp lại lời van xin của chính ông: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”14 Trong không gian lạnh lẽo, bạc bẽo của Ngục Thất Liberty, ông đã được dạy rằng các nguyên tắc của sự ngay chính bao gồm những đức tính như kiên nhẫn, nhịn nhục, hiền dịu, và tình thương yêu chân thật.15 Nếu không có những nguyên tắc ấy thì chắc chắn rằng chúng ta cuối cùng sẽ gặp sự bất hòa và thù hận.

Về phương diện này, tôi xin được nói một vài phút về sự thiếu hụt nhiều khía cạnh trong các nguyên tắc về sự ngay chính này trong thời đại chúng ta. Thường thì, tôi là loại người lạc quan, vui vẻ, và thế giới chúng ta có rất nhiều điều tốt đẹp. Chắc chắn là chúng ta có nhiều phước lành vật chất hơn bất kỳ thế hệ nào trong lịch sử, nhưng trong văn hóa thế kỷ 21 nói chung và cũng thường xuyên trong Giáo Hội, chúng ta vẫn thấy nhiều cuộc sống gặp rắc rối, có những tai tiếng dẫn đến quá nhiều những giao ước bị phá vỡ và quá nhiều những tấm lòng đau khổ. Hãy xem xét thứ ngôn ngữ thô thiển đi đôi với sự phạm giới về tình dục, cả hai đều xuất hiện khắp nơi trong phim ảnh hoặc trên truyền hình, hoặc hãy lưu ý đến sự quấy rối tình dục cùng các hành vi không đúng mực nơi công sở mà chúng ta đọc được rất nhiều ngày nay. Trong vấn đề thanh khiết về mặt giao ước, những điều thiêng liêng thường bị cho là bình thường, và những điều thánh thiện thường bị làm cho ô uế. Đối với bất kỳ ai bị cám dỗ để đi đứng, nói năng, hoặc cư xử trong những cách này—hay còn gọi là “như thế gian cho”—thì đừng trông đợi rằng việc đó sẽ dẫn đến trải nghiệm yên bình; tôi hứa với anh chị em trong tôn danh của Chúa rằng điều đó sẽ không xảy ra. Một vị tiên tri thời xưa từng nói: “Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu”16. Khi điệu nhảy kết thúc, người thổi sáo luôn phải được trả công, và tiền công thường là nước mắt và tiếc nuối.17

Hoặc có lẽ chúng ta thấy các hình thức lạm dụng hoặc xúc phạm khác nữa. Với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải cẩn thận gấp đôi để không tham gia vào các hành vi như vậy. Chúng ta không được phạm vào bất kỳ hình thức ngược đãi hoặc sự thống trị bất chính hay sự cưỡng ép vô luân nào—về mặt thể chất, tinh thần, tôn giáo, hoặc bất kỳ hình thức nào khác. Tôi nhớ đã từng cảm nhận được lòng nhiệt thành của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley cách đây nhiều năm khi ông nói chuyện từ bục giảng này với những người đàn ông trong Giáo Hội về những người ông gọi là “bạo chúa trong chính ngôi nhà của họ”:18

Ông nói: “Hiện tượng bạc đãi vợ thật là bi thảm và hoàn toàn ghê tởm.” “Bất cứ người nào trong Giáo Hội này mà bạc đãi, nhục mạ, sỉ nhục vợ mình, dùng quyền thống trị bất chính đối với vợ mình thì không xứng đáng để nắm giữ chức tư tế. … [Người ấy] không xứng đáng để nắm giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ.”19 Cũng ti tiện như vậy, ông nói, là bất cứ hình thức nào nhằm xâm hại trẻ em—hoặc bất kỳ hình thức ngược đãi nào khác.20

Trong rất nhiều trường hợp, những đàn ông, phụ nữ, và thậm chí là trẻ em trung tín vẫn có thể phạm lỗi nói lời không tử tế, thậm chí mang tính hủy hoại, đối với những người có thể đã được gắn bó với họ bằng giáo lễ thánh trong đền thờ của Chúa. Tất cả mọi người đều có quyền được yêu thương, cảm thấy bình an, và an toàn ở nhà. Cầu xin cho chúng ta hãy cố gắng gìn giữ bầu không khí đó. Lời hứa của việc làm người hòa giải là anh chị em sẽ có được Đức Thánh Linh luôn đồng hành với mình và các phước lành sẽ đến với anh chị em mà mãi mãi “không có cách gì cưỡng chế được”.21 Chẳng ai có thể sử dụng miệng lưỡi sắc bén hoặc lời nói không tử tế mà vẫn có thể “hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc.”22

Tôi xin kết thúc bài nói chuyện của mình theo cách mà tôi đã bắt đầu. Ngày mai là Lễ Phục Sinh, là lúc để các nguyên tắc ngay chính trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài “vượt qua”—vượt qua xung đột và tranh chấp, vượt qua sự tuyệt vọng và sự phạm giới, và cuối cùng là vượt qua cả cái chết. Đây là lúc để cam kết trọn vẹn bằng lời nói lẫn hành động để trung thành với Chiên Con của Thượng Đế, là Đấng “[đã] mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta”, nhưng “chẳng hề mở miệng”23 vì Ngài quyết tâm hoàn thành công việc cứu rỗi thay cho chúng ta.

Mặc cho sự phản bội và đau đớn, mặc cho sự ngược đãi và độc ác, khi gánh lấy tội lỗi chồng chất của tất cả gia đình nhân loại, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống đã nhìn vào tương lai của thế gian, nhìn thấy chúng ta vào cuối tuần này và phán rằng: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”24 Mong anh chị em có được một Lễ Phục Sinh đầy ơn phước, niềm vui, và bình an. Những phước lành vô hạn đến từ Lễ Phục Sinh này đã được chuộc trả bởi Hoàng Tử Bình An, là Đấng mà tôi yêu thương hết lòng, Đấng mà Giáo Hội này thuộc về, và là Đấng mà tôi dứt khoát làm chứng, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.