Đại Hội Trung Ương
Bảo Vệ Hiến Pháp Được Soi Dẫn từ Thiên Thượng của Chúng Ta
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


Bảo Vệ Hiến Pháp Được Soi Dẫn từ Thiên Thượng của Chúng Ta

Niềm tin của chúng ta vào sự soi dẫn thiêng liêng khiến cho Các Thánh Hữu Ngày Sau có trách nhiệm đặc biệt để duy trì và bênh vực Hiến Pháp Hoa Kỳ và các nguyên tắc của chủ nghĩa lập hiến.

Trong thời kỳ hỗn loạn này, tôi cảm thấy cần phải nói về bản Hiến Pháp được soi dẫn của Hoa Kỳ. Hiến Pháp này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tín hữu chúng ta tại Hoa Kỳ, nhưng nó cũng là một di sản chung của các bản hiến pháp trên thế giới.

I.

Hiến pháp là nền tảng của chính quyền. Nó cung cấp cơ cấu và các giới hạn để chính phủ thực thi quyền lực. Hiến Pháp Hoa Kỳ là văn bản hiến pháp lâu đời nhất vẫn còn có hiệu lực ngày nay. Mặc dù ban đầu chỉ được chấp thuận bởi một số ít thuộc địa, nó nhanh chóng trở thành hình mẫu toàn cầu. Ngày nay, mọi quốc gia, ngoại trừ ba quốc gia, đều đã chấp thuận các văn bản hiến pháp.1

Trong bài nói chuyện này, tôi không nói thay cho bất kỳ đảng phái chính trị nào hoặc nhóm nào cả. Tôi nói thay cho Hiến Pháp Hoa Kỳ, tài liệu mà tôi đã nghiên cứu trong hơn 60 năm. Tôi nói từ kinh nghiệm của tôi với tư cách là thư ký luật cho chánh án Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ. Tôi nói từ 15 năm làm giáo sư dạy luật và ba năm rưỡi làm thẩm phán tại Tòa Án Tối Cao Utah. Quan trọng hơn hết, tôi nói từ 37 năm kinh nghiệm với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chịu trách nhiệm nghiên cứu ý nghĩa của Hiến Pháp Hoa Kỳ được soi dẫn từ thiên thượng đối với công việc của Giáo Hội phục hồi của Ngài.

Hiến Pháp Hoa Kỳ rất độc đáo bởi vì Thượng Đế đã mặc khải rằng Ngài “đã lập lên” nó “vì quyền lợi và sự bảo vệ mọi loài xác thịt” (Giáo Lý và Giao Ước 101:77; xin xem thêm câu 80). Đó là lý do tại sao bản hiến pháp này là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế giới. Dù cho các nguyên tắc của hiến pháp này có nên được áp dụng trong các quốc gia khác trên thế giới hay không hoặc cách áp dụng là gì thì điều đó tùy vào họ quyết định.

Mục đích của Thượng Đế khi thiết lập Hiến Pháp Hoa Kỳ là gì? Chúng ta thấy được mục đích đó trong giáo lý của quyền tự quyết về đạo đức. Trong thập kỷ đầu tiên của Giáo Hội phục hồi, các tín hữu Giáo Hội ở biên giới phía tây Hoa Kỳ phải chịu đựng sự ngược đãi bởi các cá nhân lẫn tập thể. Một phần lý do của việc này là vì họ phản đối chế độ nô lệ mà vẫn còn tồn tại ở Hoa Kỳ khi đó. Trong những hoàn cảnh bất lợi này, Thượng Đế đã mặc khải qua Tiên Tri Joseph Smith các lẽ thật vĩnh cửu về giáo lý của Ngài.

Thượng Đế đã ban cho con cái Ngài quyền tự quyết về đạo đức—quyền năng để quyết định và hành động. Điều kiện tốt nhất cho việc sử dụng quyền tự quyết đó là người nam và người nữ có sự tự do tối đa để quyết định và hành động theo những lựa chọn cá nhân của họ. Và rồi, điều mặc khải giải thích rằng “mọi người có thể chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình vào ngày phán xét” (Giáo Lý và Giao Ước 101:78). “Vậy nên,” Chúa đã mặc khải, “việc bất cứ một người nào phải làm nô lệ cho một người khác là điều không đúng” (Giáo Lý và Giao Ước 101:79). Điều này rõ ràng có nghĩa rằng chế độ nô lệ của con người là sai trái. Và theo cùng nguyên tắc này, cũng là điều sai trái khi các công dân không có tiếng nói trong việc bầu chọn người cai trị họ hoặc trong việc lập ra luật pháp của họ.

II.

Niềm tin của chúng ta rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ được soi dẫn từ thiên thượng thì không có nghĩa rằng sự mặc khải thiêng liêng phải tuyên bố từng lời, từng chữ, như là những điều khoản quy định số lượng người đại diện của mỗi bang hoặc độ tuổi tối thiểu của họ.2 Chủ Tịch J. Reuben Clark đã nói Hiến Pháp không phải là “một tài liệu được phát triển đầy đủ trọn vẹn.” Ông giải thích: “Ngược lại, chúng ta tin rằng nó cần phải được phát triển và cải thiện để đáp ứng những nhu cầu thay đổi của một thế giới tiến bộ.”3 Ví dụ, các tu chính án được soi dẫn đã bãi bỏ chế độ nô lệ và trao cho phụ nữ quyền bầu cử. Tuy nhiên, chúng ta không thấy được sự soi dẫn trong mọi quyết định của Tòa Án Tối Cao khi giải thích Hiến Pháp.

Tôi tin Hiến Pháp Hoa Kỳ bao gồm ít nhất năm nguyên tắc được soi dẫn từ thiên thượng.4

Đầu tiên là nguyên tắc rằng nguồn gốc quyền lực của chính phủ chính là nhân dân. Trong thời kỳ khi mà khắp nơi cho rằng thẩm quyền cai trị đến từ quyền hạn thần thánh của các vua hoặc từ sức mạnh quân sự, việc trao chủ quyền cho nhân dân là điều mang tính cách mạng. Các nhà triết học ủng hộ nguyên tắc này, nhưng Hiến Pháp Hoa Kỳ là hiến pháp đầu tiên áp dụng nó. Thẩm quyền cai trị trong tay nhân dân không có nghĩa rằng những đám đông hỗn tạp hoặc các nhóm người khác có thể xen vào để dọa dẫm hoặc ép buộc hành động của chính phủ. Hiến Pháp này đã thiết lập một nền cộng hòa dân chủ lập hiến, nơi người dân thực thi quyền lực của họ qua những người đại diện mà họ chọn lựa.

Nguyên tắc được soi dẫn thứ hai là sự phân chia quyền lực được giao phó giữa quốc gia và các tiểu bang thành viên của nó. Trong hệ thống liên bang của chúng ta, nguyên tắc chưa từng có tiền lệ này đôi khi bị thay đổi bởi các tu chính án đầy soi dẫn, như là những tu chính án bãi bỏ chế độ nô lệ và trao quyền bầu cử cho phụ nữ, như vừa được đề cập. Đáng chú ý là việc Hiến Pháp Hoa Kỳ giới hạn một cách rõ ràng hoặc ngụ ý việc chính phủ quốc gia sử dụng quyền lực được trao, và bảo toàn mọi quyền lực khác của chính phủ “cho các Tiểu Bang tương ứng, hoặc cho người dân.”5

Một nguyên tắc được soi dẫn khác là sự phân lập quyền lực. Hơn một thế kỷ trước khi diễn ra Hội Nghị Lập Hiến của chúng ta vào năm 1787, Nghị Viện Anh đã tiên phong trong việc phân lập thẩm quyền lập pháp và hành pháp sau khi giành được một số quyền hạn từ nhà vua. Sự soi dẫn trong hội nghị Hoa Kỳ là hãy ủy thác các quyền độc lập về hành pháp, lập pháp, và tư pháp để cho ba cơ quan tam quyền này có thể giới hạn quyền lực của nhau.

Nguyên tắc được soi dẫn thứ tư nằm trong số những đảm bảo thiết yếu về các quyền lợi cá nhân và các giới hạn cụ thể đối với quyền lực của chính phủ trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền, được thông qua thành tu chính án chỉ ba năm sau khi Hiến Pháp có hiệu lực. Tuyên Ngôn Nhân Quyền thì không mới mẻ. Ở đây, sự soi dẫn nằm trong việc ứng dụng thực tế các nguyên tắc tiên phong ở Anh Quốc, bắt đầu với Đại Hiến Chương Magna Carta. Những người viết ra Hiến Pháp đã quen thuộc với những nguyên tắc này bởi vì một số hiến chương thuộc địa có ghi những bảo đảm đó.

Nếu không có Tuyên Ngôn Nhân Quyền, thì Hoa Kỳ không thể đóng vai trò là quốc gia nơi phát xuất Sự Phục Hồi phúc âm, khi sự kiện này bắt đầu chỉ ba thập kỷ sau đó. Có sự soi dẫn thiêng liêng trong điều khoản ban đầu rằng không nên có yêu cầu tôn giáo đối với những viên chức chính phủ,6 nhưng sự bổ sung về quyền tự do tôn giáo và những đảm bảo không cho phép một tôn giáo nào trở thành tôn giáo chính thức của quốc gia trong Tu Chính Án thứ Nhất rất quan trọng. Chúng ta cũng thấy sự soi dẫn thiêng liêng trong các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của Tu Chính Án thứ Nhất và trong những biện pháp bảo vệ cá nhân có trong các tu chính án khác, như là truy tố hình sự.

Hình Ảnh
Chúng ta là nhân dân

Thứ năm và cũng là cuối cùng, tôi thấy sự soi dẫn thiêng liêng trong mục đích thiết yếu của toàn bộ Hiến Pháp. Chúng ta cần phải được chi phối bởi luật pháp mà không phải bởi các cá nhân, và lòng trung thành của chúng ta là dành cho Hiến Pháp và những nguyên tắc cùng quy trình của nó, chứ không phải dành cho bất kỳ viên chức chính phủ nào. Theo cách này, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Các nguyên tắc này ngăn chặn những tham vọng chuyên quyền mà đã hủy hoại nền dân chủ ở một số quốc gia. Chúng cũng mang ý nghĩa rằng không có cơ quan nào trong ba cơ quan tam quyền của chính phủ được phép thống trị hoặc ngăn cản các cơ quan kia thực hiện chức năng đúng đắn của mình theo hiến pháp để giới hạn quyền lực của mỗi cơ quan.

III.

Mặc cho những nguyên tắc được soi dẫn từ thiên thượng trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, khi được thực hiện bởi những con người trần thế không hoàn hảo, thì họ không phải lúc nào cũng đạt được những hiệu quả dự kiến của các nguyên tắc này. Những chủ đề quan trọng trong lập pháp, như là một số luật chi phối các mối quan hệ gia đình, nay lại được quyết định bởi chính quyền liên bang chứ không bởi các tiểu bang. Tu Chính Án thứ Nhất đảm bảo quyền tự do ngôn luận đôi khi bị suy yếu bởi sự đàn áp những tiếng nói không theo số đông. Nguyên tắc phân lập quyền lực đã luôn luôn chịu áp lực trước tình trạng thất thường khi một cơ quan chính phủ thực hiện hoặc ngăn cấm các quyền hạn được ủy thác cho hai cơ quan kia.

Có những mối đe dọa khác đang ngầm phá hoại các nguyên tắc được soi dẫn trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Vị thế của Hiến Pháp bị hạ thấp bởi những nỗ lực lấy các xu hướng xã hội hiện tại làm lý do để thay đổi nền tảng của Hiến Pháp, thay vì dựa trên sự tự do và tự quản. Thẩm quyền của Hiến Pháp bị tầm thường hóa khi các ứng cử viên hoặc viên chức chính phủ phớt lờ những nguyên tắc của nó. Giá trị và hiệu lực của Hiến Pháp bị giảm sút bởi những người xem nó như một bài kiểm tra lòng trung thành hoặc một câu khẩu hiệu chính trị, thay vì vị thế cao cả của nó với tư cách là nguồn gốc trao quyền và vạch ra giới hạn cho thẩm quyền của chính phủ.

IV.

Niềm tin của chúng ta vào sự soi dẫn thiêng liêng khiến cho Các Thánh Hữu Ngày Sau có trách nhiệm đặc biệt để duy trì và bênh vực Hiến Pháp Hoa Kỳ và các nguyên tắc của chủ nghĩa lập hiến cho dù chúng ta sống ở đâu. Chúng ta cần tin cậy Chúa và lạc quan về tương lai của quốc gia này.

Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín cần làm điều gì khác nữa? Chúng ta phải cầu xin Chúa hướng dẫn và ban phước cho toàn thể các quốc gia và các lãnh đạo của họ. Đây là một phần trong các tín điều của chúng ta. Việc tin vào sự phục tùng các nhà cai trị7 dĩ nhiên không gây trở ngại cho việc chúng ta phản đối các đạo luật hoặc chính sách riêng lẻ nào đó. Nó đòi hỏi chúng ta sử dụng ảnh hưởng của mình một cách lịch sự và ôn hòa trong phạm vi của hiến pháp và luật pháp hiện hành. Với những vấn đề tranh cãi, chúng ta nên tìm cách để hòa giải và đoàn kết.

Có hai bổn phận khác trong việc duy trì Hiến Pháp được soi dẫn. Chúng ta cần tìm hiểu và ủng hộ các nguyên tắc được soi dẫn trong Hiến Pháp. Chúng ta nên tìm kiếm và hỗ trợ những người tốt và khôn ngoan là những người ủng hộ các nguyên tắc đó qua các hành động công khai của họ.8 Chúng ta nên trở thành những công dân có hiểu biết và tích cực mang lại ảnh hưởng của mình trong các vấn đề dân sự.

Tại Hoa Kỳ và trong các chế độ dân chủ khác, ảnh hưởng chính trị được thực hiện qua việc tranh cử (là điều chúng tôi khuyến khích), bầu cử, hỗ trợ về tài chính, gia nhập và phục vụ trong các đảng phái chính trị, và qua những sự giao tiếp thường xuyên với các viên chức, đảng phái, và ứng cử viên. Để vận hành tốt, một nền dân chủ cần tất cả những điều này, nhưng một công dân sốt sắng không cần phải làm tất cả những điều này.

Có nhiều vấn đề chính trị, và không có đảng phái nào, cương lĩnh nào, hay riêng một ứng cử viên nào có thể làm thỏa mãn mọi sở thích cá nhân. Do đó, mỗi công dân phải quyết định những vấn đề nào là quan trọng nhất đối với mình vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào. Rồi, các tín hữu cần tìm kiếm sự soi dẫn về cách nào để sử dụng ảnh hưởng của họ theo các ưu tiên cá nhân của họ. Tiến trình này sẽ không dễ đâu. Nó có thể đòi hỏi phải thay đổi đảng phái hoặc thay đổi các lựa chọn ứng cử viên mà họ ủng hộ, thậm chí trong mỗi lần bầu cử.

Những hành động độc lập như vậy đôi khi đòi hỏi người bầu cử ủng hộ các ứng cử viên hoặc đảng phái chính trị hoặc các cương lĩnh có những quan điểm khác mà họ không thể chấp nhận.9 Đó là một lý do chúng ta khuyến khích các tín hữu của mình kiềm chế không phán xét nhau về các vấn đề chính trị. Chúng ta đừng nên bao giờ khẳng định rằng một Thánh Hữu Ngày Sau trung tín thì không thể thuộc về một đảng phái cụ thể hoặc phải bầu cho một ứng cử viên cụ thể. Chúng ta giảng dạy những nguyên tắc đúng và để cho các tín hữu của mình lựa chọn cách ưu tiên và áp dụng những nguyên tắc đó vào các vấn đề xuất hiện theo thời gian. Chúng tôi cũng khẳng định, và chúng tôi yêu cầu các lãnh đạo địa phương của chúng ta khẳng định rằng các lựa chọn chính trị và đảng phái không phải là chủ đề để giảng dạy hoặc ủng hộ trong bất kỳ cuộc họp nào của Giáo Hội chúng ta.

Dĩ nhiên, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ sử dụng quyền của mình để tán thành hoặc phản đối các đề xuất lập pháp cụ thể mà chúng tôi tin là sẽ ảnh hưởng đến sự tự do tôn giáo hoặc các lợi ích thiết yếu khác của các tổ chức trong Giáo Hội.

Tôi làm chứng rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ được soi dẫn từ thiên thượng và cầu xin cho chúng ta, những người nhận ra Đấng Thánh đã soi dẫn ra hiến pháp này, sẽ luôn luôn duy trì và bảo vệ các nguyên tắc tuyệt vời của nó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Mark Tushnet, “Constitution,” trong tài liệu do Michel Rosenfeld và András Sajó biên soạn, The Oxford Handbook of Comparative Constitutional Law (năm 2012), trang 222. Ba quốc gia có các hiến pháp bất thành văn là Vương Quốc Anh, New Zealand, và Israel. Mỗi quốc gia này có các truyền thống vững chắc theo chủ nghĩa hợp hiến, mặc dù các điều khoản của chính phủ không được hợp thành một tài liệu riêng.

  2. Xin xem United States Constitution (Hiến Pháp Hoa Kỳ), điều 1, khoản 2.

  3. J. Reuben Clark Jr., “Constitutional Government: Our Birthright Threatened,” Vital Speeches of the Day, ngày 1 tháng Một, năm 1939, trang 177, được trích dẫn trong Martin B. Hickman, “J. Reuben Clark, Jr.: The Constitution and the Great Fundamentals,” do Ray C. Hillam biên soạn, By the Hands of Wise Men: Essays on the U.S. Constitution (năm 1979), trang 53. Brigham Young có quan điểm phát triển tương tự về Hiến Pháp, khi giảng dạy rằng những người viết Hiến Pháp “đặt nền móng, và chính các thế hệ sau cần xây dựng công trình bên trên nó” (Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe tuyển chọn [năm 1954], trang 359).

  4. Năm nguyên tắc này tương tự nhưng không hoàn toàn giống với những nguyên tắc được đề xuất trong J. Reuben Clark Jr., Stand Fast by Our Constitution (năm 1973), trang 7; Ezra Taft Benson, “Our Divine Constitution,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, trang 4–7; và Ezra Taft Benson “The Constitution—A Glorious Standard,” Ensign, tháng Chín năm 1987, trang 6–11. Nhìn chung, xin xem Noel B. Reynolds, “The Doctrine of an Inspired Constitution,” trong By the Hands of Wise Men, trang 1–28.

  5. United States Constitution (Hiến Pháp Hoa Kỳ), tu chính án 10.

  6. Xin xem United States Constitution (Hiến Pháp Hoa Kỳ), điều 6.

  7. Xin xem Những Tín Điều 1:12.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 98:10.

  9. Xin xem David B. Magleby, “The Necessity of Political Parties and the Importance of Compromise,” BYU Studies, quyển 54, số 4 (năm 2015), trang 7–23.