2010–2019
Hãy Cố Gắng, Cố Gắng, Cố Gắng
Tháng Mười năm 2018


Hãy Cố Gắng, Cố Gắng, Cố Gắng

Đấng Cứu Rỗi đang đặt danh Ngài vào lòng anh chị em. Và anh chị em đang cảm nhận được tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô dành cho người khác và cho mình.

Anh chị em thân mến, tôi vô cùng biết ơn cơ hội được nói chuyện với anh chị em. Đại hội này đã nâng cao tinh thần và gây dựng cho tôi. Đức Thánh Linh đã mang tiếng nhạc lời ca vào lòng chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng điều tôi nói sẽ được truyền đạt cho anh chị em bởi cùng một Thánh Linh đó.

Cách đây nhiều năm, tôi là đệ nhất cố vấn cho một vị chủ tịch giáo hạt ở miền đông Hoa Kỳ. Hơn một lần, trong khi chúng tôi lái xe đến các chi nhánh nhỏ của mình, anh ấy nói với tôi: “Hal này, khi anh gặp một người nào đó, hãy đối xử với họ như thể họ đang gặp nhiều phiền toái, thì phần lớn là anh sẽ đúng.” Anh ấy không những nói đúng, mà tôi còn học được qua nhiều năm rằng anh ấy đã ước tính quá thấp. Hôm nay, tôi muốn khuyến khích anh chị em trong những phiền toái anh chị em gặp phải.

Cuộc sống trên trần thế của chúng ta được một Thượng Đế nhân từ hoạch định phải là một thử thách và là nguồn tăng trưởng cho mỗi chúng ta. Anh chị em còn nhớ những lời của Thượng Đế về con cái của Ngài lúc Sáng Tạo thế gian: “Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”1

Kể từ lúc ban đầu, những thử thách đã không dễ dàng. Chúng ta đối phó với những thử thách đến từ việc có thể xác hữu diệt. Tất cả chúng ta sống trong một thế giới mà cuộc chiến của Sa Tan chống lại lẽ thật và chống lại hạnh phúc cá nhân càng ngày càng trở nên dữ dội hơn. Thế giới và cuộc sống cá nhân của anh chị em có thể dường như trở nên càng ngày càng náo động đối với anh chị em.

Tôi xin cam đoan điều này: Thượng Đế nhân từ là Đấng đã cho phép anh chị em trải qua những thử thách này cũng hoạch định một cách thức chắc chắn để vượt qua chúng. Cha Thiên Thượng yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài đến giúp đỡ chúng ta.2 Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã phó mạng sống của Ngài cho chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô đã mang gánh nặng của tất cả tội lỗi chúng ta trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự. Ngài đã trải qua mọi nỗi buồn phiền, đau đớn, và những hậu quả của tội lỗi chúng ta để Ngài có thể an ủi và củng cố chúng ta qua mọi thử thách trong cuộc sống.3

Anh chị em còn nhớ rằng Chúa đã phán với các tôi tớ của Ngài:

“Ta với Cha là một. Ta ở trong Cha và Cha ở trong ta; và vì các ngươi đã tiếp nhận ta nên các ngươi ở trong ta và ta ở trong các ngươi.

“Vậy nên, ta đang ở giữa các ngươi, và ta là người chăn hiền lành, và là đá của Y Sơ Ra Ên. Kẻ nào xây dựng trên đá này sẽ không bao giờ ngã.”4

Vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, cũng đã đưa ra lời cam đoan tương tự. Hơn nữa, ông đã mô tả một cách mà chúng ta có thể xây dựng trên đá đó và mang danh Chúa trong lòng mình để hướng dẫn chúng ta qua những thử thách của mình.

Ông nói: “Anh chị em nào có thể bị chán nản trong giây lát, thì hãy nhớ, cuộc sống không có nghĩa là dễ dàng đâu. Chúng ta phải trải qua những thử thách và chịu đựng nỗi đau buồn trong cuộc sống. Khi anh chị em nhớ rằng ‘không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được’ (Lu Ca 1:37), thì hãy biết rằng Ngài là Cha của anh chị em. Anh chị em là con trai hay con gái của Ngài được tạo theo hình ảnh của Ngài, được quyền nhận được sự mặc khải nhờ vào sự xứng đáng của anh chị em để giúp đỡ những nỗ lực ngay chính của mình. Anh chị em có thể mang danh thánh của Chúa. Anh chị em có thể hội đủ điều kiện để nói trong thánh danh của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 1:20).”5

Những lời của Chủ Tịch Nelson nhắc nhở chúng ta về lời hứa được lập trong lời cầu nguyện Tiệc Thánh, một lời hứa mà Cha Thiên Thượng của chúng ta làm tròn khi chúng ta làm điều chúng ta đã hứa.

Hãy lắng nghe những lời này: “Hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong tôn danh Con của Cha là Chúa Giê Su Ky Tô, chúng con cầu xin Cha ban phước và thánh hóa bánh này cho linh hồn của tất cả những ai cùng chia xẻ bánh này, để họ được phép ăn trong sự tưởng nhớ đến thể xác Con của Cha, và được làm chứng cùng Cha, hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, rằng họ tình nguyện mang danh Con của Cha, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho họ, để họ có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ. A Men.”6

Mỗi lần nói A Men khi lời cầu nguyện đó được dâng lên thay cho mình, chúng ta hứa rằng qua việc dự phần bánh, chúng ta sẵn lòng mang thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Đổi lại, chúng ta được hứa rằng chúng ta có thể luôn luôn có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Nhờ vào những lời hứa này, Đấng Cứu Rỗi là đá mà trên đó chúng ta có thể đứng một cách an toàn và không sợ hãi trong mọi cơn bão mà chúng ta gặp.

Khi suy ngẫm về những lời giao ước và những phước lành tương ứng đã được hứa, tôi đã tự hỏi về ý nghĩa của việc sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks giải thích: “Điều quan trọng là khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta không làm chứng rằng chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta làm chứng rằng chúng ta sẵn lòng làm như vậy. (Xin xem GLGƯ 20:77.) Thực tế là chúng ta chỉ làm chứng cho sự sẵn lòng của mình, cho thấy rằng một điều gì khác phải xảy ra trước khi chúng ta thực sự mang thánh danh đó theo ý nghĩa quan trọng nhất.”7

Lời phát biểu rằng chúng ta “sẵn lòng mang” danh Ngài cho chúng ta biết rằng mặc dù trước hết chúng ta mang lấy danh Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta chịu phép báp têm, thì việc mang danh Ngài không kết thúc tại lễ báp têm. Chúng ta phải liên tục cố gắng để mang danh Ngài trong suốt cuộc đời của chúng ta, kể cả khi chúng ta tái lập các giao ước lúc dự phần Tiệc Thánh và lập các giao ước trong các đền thờ thánh của Chúa.

Vậy thì có hai câu hỏi quan trọng cho mỗi chúng ta: “Tôi phải làm gì để mang danh Ngài?” và “Làm sao tôi biết được khi nào tôi tiến bộ?”

Lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson cho thấy một câu trả lời hữu ích. Ông nói rằng chúng ta có thể mang danh của Đấng Cứu Rỗi và rằng chúng ta có thể nói trong danh Ngài. Khi chúng ta nói trong danh Ngài là chúng ta phục vụ Ngài. “Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ mà mình chưa bao giờ phục vụ, và là một người xa lạ đối với mình, xa lạ cả trong ý tưởng lẫn ý muốn trong tâm hồn mình?”8

Việc nói trong danh Ngài đòi hỏi một lời cầu nguyện với đức tin. Cần phải có một lời cầu nguyện khẩn thiết lên Cha Thiên Thượng để học những lời nào mà chúng ta có thể nói để giúp đỡ Đấng Cứu Rỗi trong công việc của Ngài. Chúng ta phải hội đủ điều kiện cho lời hứa: “Dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của tôi tớ ta thì cũng như nhau.”9

Tuy nhiên, để mang danh Ngài, chúng ta còn phải cần nhiều điều hơn là nói trong danh Ngài. Có những cảm nghĩ trong lòng mà chúng ta phải có để hội đủ điều kiện là các tôi tớ của Ngài.

Tiên tri Mặc Môn mô tả những cảm nghĩ mà làm cho chúng ta đủ điều kiện và cho phép chúng ta mang danh Ngài. Những cảm nghĩ này gồm có đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái tức là tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô.

Mặc Môn giải thích:

“Tôi xét đoán những điều tốt đẹp hơn về các người, vì tôi cho rằng, nhờ sự nhu mì của các người mà các người đã có đức tin nơi Đấng Ky Tô; vì nếu không có đức tin nơi Ngài thì các người đã không xứng đáng được kể là những tín đồ trong giáo hội của Ngài.

“Và lại nữa, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, tôi muốn nói với các người về hy vọng. Làm sao có được đức tin nếu các người không có hy vọng?

“Và các người sẽ hy vọng điều gì? Này, tôi nói cho các người hay rằng, qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô cùng quyền năng phục sinh của Ngài, các người sẽ có hy vọng được sống lại vĩnh cửu, và sở dĩ được vậy là nhờ các người có đức tin nơi Ngài theo như lời hứa.

“Vậy nên, nếu một người có đức tin thì người đó cần phải có hy vọng; vì nếu không có đức tin thì không thể có bất cứ hy vọng gì.

“Và lại nữa, này, tôi nói cho các người hay rằng, một người không thể có đức tin và hy vọng nếu người đó không nhu mì và không khiêm tốn trong lòng.

“Vì nếu không được như vậy thì đức tin và hy vọng của người đó đều trở nên vô bổ, vì không ai được chấp nhận trước mặt Thượng Đế ngoài những người nhu mì và khiêm tốn trong lòng; và nếu một người nhu mì và khiêm tốn trong lòng, và thú nhận, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, thì người đó cần phải có lòng bác ái; vì nếu không có lòng bác ái thì người đó chẳng ra gì cả, vậy nên người đó cần phải có lòng bác ái.”

Sau khi mô tả lòng bác ái, Mặc Môn nói tiếp:

“Nhưng lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô, và nó bền bỉ mãi mãi; và vào ngày sau cùng ai được tìm thấy rằng có được nó thì sẽ được mọi điều tốt lành.

“Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy. A Men.”10

Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi đang đặt danh Ngài vào trong lòng của anh chị em. Đối với nhiều anh chị em, đức tin của anh chị em nơi Ngài đang gia tăng. Anh chị em đang cảm thấy hy vọng và lạc quan hơn. Và anh chị em đang cảm nhận được tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô dành cho người khác và cho mình.

Tôi thấy tình yêu thương đó nơi những người truyền giáo đang phục vụ trên khắp thế giới. Tôi thấy tình yêu thương đó nơi các tín hữu đang nói chuyện với bạn bè và những người trong gia đình của họ về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người nam, người nữ, những người trẻ tuổi, và thậm chí cả trẻ em đều đang phục sự vì tình yêu mến dành cho Đấng Cứu Rỗi và cho những người lân cận của họ.

Ngay sau tin tức đầu tiên về thảm họa trên toàn thế giới, các tín hữu đã lập kế hoạch để đi giải cứu, đôi khi băng qua đại dương, mà không hề được yêu cầu. Đôi khi họ thấy khó lòng để đợi chờ đến khi khu vực bị tàn phá có thể tiếp nhận họ.

Tôi nhận biết rằng một số anh chị em đang lắng nghe ngày hôm nay có thể cảm thấy rằng đức tin và hy vọng của anh chị em đã bị những phiền toái của mình đè bẹp. Và anh chị em có thể khao khát để cảm thấy được yêu thương.

Thưa anh chị em, Chúa có các cơ hội gần bên anh chị em để cảm nhận và chia sẻ tình yêu thương của Ngài. Anh chị em có thể cầu nguyện với sự tin tưởng để Chúa dẫn dắt anh chị em yêu thương một người nào đó trong danh Ngài. Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện của những người tình nguyện hiền lành như anh chị em. Anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho anh chị em và cho người mà anh chị em phục vụ trong danh Ngài. Khi anh chị em giúp đỡ con cái của Thượng Đế khi họ gặp phiền toái thì những điều phiền toái của chính anh chị em có thể dường như trở nên nhẹ nhàng hơn. Đức tin và niềm hy vọng của anh chị em sẽ được củng cố.

Tôi đã đích thân chứng kiến lẽ thật đó. Trong suốt cuộc đời mình, vợ tôi đã nói lên trong danh Chúa và phục vụ mọi người trong danh Ngài. Như tôi đã đề cập trước đây, một trong các giám trợ của chúng tôi đã có lần nói với tôi: “Tôi rất ngạc nhiên. Mỗi khi tôi nghe có một người trong tiểu giáo khu đang gặp phiền toái, tôi đều chạy nhanh đến giúp đỡ. Tuy nhiên vào lúc tôi đến nơi thì dường như vợ anh luôn luôn đã ở đó rồi.” Điều đó đã đúng như vậy trong tất cả những nơi mà chúng tôi đã sống trong 56 năm.

Giờ đây bà chỉ có thể nói một vài lời mỗi ngày. Bà được những người mà bà đã yêu thương trong danh Chúa đến thăm. Mỗi sáng và mỗi tối, tôi hát các bài thánh ca với bà và chúng tôi cầu nguyện. Tôi luôn phải là người cầu nguyện và hát. Đôi khi tôi có thể thấy bà nhép miệng hát theo những lời trong các bài thánh ca. Bà thích các bài ca thiếu nhi hơn. Cảm tình mà bà dường như thích nhất được tóm tắt trong bài hát “Tôi Đang Cố Gắng để Giống như Chúa Giê Su.”11

Hôm kia, sau khi hát những lời của điệp khúc: “Yêu thương nhau như Chúa Giê Su yêu thương ta. Hãy cố gắng cho thấy lòng nhân trong mọi việc ta làm,” bà đã nói nhỏ nhưng rõ ràng: “Hãy cố gắng, cố gắng, cố gắng.” Tôi nghĩ khi bà nhìn thấy Ngài, bà sẽ thấy rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã đặt danh Ngài vào lòng bà và bà đã trở thành giống như Ngài. Ngài đang giúp bà vượt qua những phiền toái của bà bây giờ, giống như Ngài sẽ giúp anh chị em vượt qua những phiền toái của anh chị em.

Tôi chia sẻ chứng ngôn cùng anh chị em rằng Đấng Cứu Rỗi biết và yêu thương anh chị em. Ngài biết tên của anh chị em giống như anh chị em biết danh Ngài. Ngài biết những phiền toái của anh chị em. Ngài đã trải qua những phiền toái đó. Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Ngài đã thắng thế gian. Bằng việc sẵn lòng mang danh Ngài, anh chị em sẽ nâng đỡ gánh nặng của vô số người khác. Và cuối cùng anh chị em sẽ thấy rằng mình biết rõ Đấng Cứu Rỗi hơn và mình yêu thương Ngài nhiều hơn. Danh Ngài sẽ ở trong lòng anh chị em và được gắn chặt trong ký ức của anh chị em. Đó là cái tên mà anh chị em sẽ được gọi. Tôi làm chứng như vậy, với lòng biết ơn về lòng nhân từ tử tế của Ngài đối với tôi, với những người thân yêu của tôi, và với anh chị em, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.