2010–2019
Chớ Bối Rối
Tháng Mười năm 2018


Chớ Bối Rối

Hãy lạc quan lên, anh chị em nhé. Vâng, chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, nhưng khi đang ở trên con đường giao ước thì chúng ta không cần phải sợ hãi.

Tôi thêm lời chứng của tôi vào các sứ điệp mà Chủ Tịch Russell M. Nelson và Anh Cả Quentin L. Cook mới đưa ra cách đây mấy phút về sự hòa hợp và nhất trí của Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Tôi biết những thông báo mang tính mặc khải này là thể theo ý muốn và ý định của Chúa và sẽ ban phước và củng cố các cá nhân, gia đình, và Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô cho các thế hệ mai sau.

Cách đây vài năm, một trong số các con gái mới vừa kết hôn của chúng tôi và chồng của nó đã hỏi Chị Rasband và tôi một câu hỏi rất quan trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống: “Có còn an toàn và khôn ngoan để mang con cái vào thế giới dường như tà ác và đáng sợ này mà chúng ta đang sống trong đó không?”

Vâng, đó là một câu hỏi quan trọng cho cha mẹ để suy xét với những đứa con thân yêu đã lập gia đình của họ. Chúng ta có thể nghe thấy nỗi sợ hãi trong giọng nói của chúng và cảm nhận nỗi sợ hãi trong lòng chúng. Câu trả lời của chúng tôi cho chúng là một câu trả lời rất chắc chắn: “Được chứ,” trong khi chúng tôi chia sẻ những lời dạy về phúc âm cơ bản và những ấn tượng chân thành và kinh nghiệm sống của chúng tôi.

Sợ hãi không phải là điều mới mẻ. Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, trên Biển Ga Li Lê, đã sợ “sóng gió” trong đêm đen.1 Là môn đồ của Ngài thời nay, chúng ta cũng có những nỗi sợ hãi. Những người thành niên độc thân của chúng ta sợ lập cam kết chẳng hạn như kết hôn. Các cặp vợ chồng trẻ, giống như con cái chúng tôi, có thể sợ mang con cái vào một thế giới càng ngày càng xấu xa. Những người truyền giáo sợ nhiều điều, nhất là tiếp cận với người lạ. Các góa phụ sợ sống một mình. Các thanh thiếu niên sợ không được chấp nhận; học sinh tiểu học sợ ngày đầu tiên đi học; sinh viên đại học sợ nhận được kết quả của một bài kiểm tra. Chúng ta sợ thất bại, bị từ chối, thất vọng và điều mình không biết. Chúng ta sợ những cơn bão, động đất và hỏa hoạn tàn phá đất đai và cuộc sống của mình. Chúng ta sợ không được chọn, và đồng thời, cũng sợ được chọn. Chúng ta sợ không đủ tốt; chúng ta sợ rằng Chúa không ban phước lành cho chúng ta. Chúng ta sợ thay đổi, và những nỗi sợ hãi của chúng ta có thể gia tăng thành nỗi kinh hoàng. Tôi đã kể ra hầu hết những điều mà con người sợ rồi phải không?

Từ thời xa xưa, nỗi sợ hãi đã hạn chế quan điểm của con cái của Thượng Đế. Tôi luôn ưa thích câu chuyện về Ê Li Sê trong sách 2 Các Vua. Vua Sy Ri đã gửi một đạo binh “tới nơi lúc ban đêm, và vây thành.”2 Họ có ý định sẽ bắt giữ và giết chết tiên tri Ê Li Sê. Chúng ta đọc:

“Tôi tớ của người Đức Chúa Trời chổi dậy sáng sớm đi ra, thấy một đạo binh cùng ngựa và xe đương vây thành. Người nói với Ê Li Sê rằng: Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao?”3

Câu hỏi này cho thấy là người tôi tớ đang sợ.

“[Ê Li Sê] đáp rằng: Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.”4

Nhưng ông không ngừng ở đó.

“Ê Li Sê cầu nguyện mà rằng: Đức Giê Hô Va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê Hô Va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê Li Sê.”5

Chúng ta có thể không có những xe bằng lửa được gửi đến để xua tan nỗi sợ hãi của chúng ta và chiến thắng kẻ độc ác, nhưng bài học thật là rõ ràng. Chúa ở với chúng ta, lưu tâm đến chúng ta và ban phước cho chúng ta theo những cách mà chỉ có Ngài mới có thể làm được. Lời cầu nguyện có thể mời gọi sức mạnh và sự mặc khải rằng chúng ta cần tập trung ý nghĩ của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Chúa đã biết rằng đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi. Tôi cũng như anh chị em đã từng sợ hãi, chính vì vậy thánh thư tràn đầy lời khuyên dạy của Chúa:

“Hãy vui lên, và chớ sợ hãi.”6

“Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”7

“Chớ sợ hãi, hỡi đàn chiên nhỏ bé.”8 Tôi ưa thích lời âu yếm nói về “đàn chiên nhỏ bé.” Trong Giáo Hội này, chúng ta có thể có ít người so với quan niệm của thế gian về mức độ ảnh hưởng, nhưng khi chúng ta mở mắt thuộc linh của mình ra, thì “những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.”9 Sau đó, Đấng Chăn hiền lành của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, phán tiếp: “Hãy để mặc cho thế gian và ngục giới cấu kết với nhau chống lại mình, vì một khi các ngươi đã xây dựng trên đá của ta thì chúng không thể nào thắng thế được.”10

Nỗi sợ hãi được xua tan bằng cách nào? Đối với chàng trai trẻ, anh ta đứng ngay cạnh Ê Li Sa, một vị tiên tri của Thượng Đế. Chúng ta có cùng một lời hứa đó. Khi lắng nghe Chủ Tịch Russell M. Nelson, khi lưu tâm đến lời khuyên dạy của ông, thì chúng ta đang đứng với một vị tiên tri của Thượng Đế. Hãy ghi nhớ những lời của Joseph Smith: “Và giờ đây, sau bao nhiêu lời làm chứng về Ngài, thì đây là lời làm chứng sau cùng của chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!”11 Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Tình yêu mến của chúng ta dành cho Ngài và phúc âm của Ngài xua tan nỗi sợ hãi.

Ước muốn của chúng ta để “luôn được Thánh Linh của Ngài”12 ở cùng chúng ta sẽ đẩy nỗi sợ hãi sang một bên để chúng ta có được một cái nhìn vĩnh cửu hơn về cuộc sống trần thế của mình. Chủ Tịch Nelson đã cảnh báo: “Trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh.”13

Chúa phán về những tai họa mà sẽ bao phủ mặt đất và sẽ làm nhiều người cứng lòng: “Các môn đồ của ta sẽ đứng vững tại những nơi thánh thiện, và sẽ không bị lay chuyển.”14

Và rồi lời dạy thiêng liêng này: “Chớ bối rối, vì khi nào tất cả những điều này xảy ra, thì các ngươi có thể biết rằng những lời đã hứa với các ngươi sẽ được ứng nghiệm.”15

Hãy đứng vững tại những nơi thánh thiện—chớ bối rối—và những lời hứa sẽ được ứng nghiệm. Chúng ta hãy xem xét mỗi một lời dạy này liên quan đến nỗi sợ hãi của chúng ta như thế nào.

Trước hết, hãy đứng vững tại những nơi thánh thiện. Khi chúng ta đứng vững tại những nơi thánh thiện–mái gia đình ngay chính, giáo đường đã được làm lễ cung hiến và đền thờ đã được thánh hóa của chúng ta—thì chúng ta cảm nhận được Thánh Linh của Chúa ở với chúng ta. Chúng ta tìm thấy giải đáp cho các câu hỏi mà làm cho mình bối rối hoặc làm mất sự bình an là chỉ gạt chúng sang một bên. Đó là Thánh Linh đang hành động. Những nơi thiêng liêng này trong vương quốc của Thượng Đế trên thế gian đòi hỏi sự nghiêm trang của chúng ta, sự kính trọng của chúng ta đối với người khác, bản thân chúng ta trong việc cố gắng hết sức để sống theo phúc âm, và hy vọng của chúng ta để làm ngơ nỗi sợ hãi và tìm kiếm quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài.

Không có chỗ cho nỗi sợ hãi tại những nơi thánh thiện này của Thượng Đế hay trong lòng con cái của Ngài. Tại sao? Nhờ vào tình yêu thương. Thượng Đế yêu thương chúng ta—luôn luôn—và chúng ta yêu mến Ngài. Tình yêu mến của chúng ta đối với Thượng Đế làm mất tác dụng của mọi nỗi sợ hãi, và tình yêu thương của Ngài tràn ngập tại những nơi thánh thiện. Hãy nghĩ về điều đó. Khi chúng ta không chắc chắn trong những cam kết của mình với Chúa, khi chúng ta xa rời con đường của Ngài dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, khi chúng ta thắc mắc hoặc nghi ngờ tầm quan trọng của mình trong kế hoạch thiêng liêng của Ngài, khi chúng ta cho phép nỗi sợ hãi làm cho mình cảm thấy—chán nản, tức giận, thất vọng, phẫn chí—thì Thánh Linh sẽ rời bỏ chúng ta, và chúng ta sẽ không có Chúa ở bên mình. Nếu anh chị em biết điều đó là như thế nào thì anh chị em biết đấy không phải là cảm nghĩ tốt. Ngược lại, khi đứng tại những nơi thánh thiện, thì chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế và “tình thương trọn vẹn sẽ đánh đuổi được tất cả mọi sợ hãi.”16

Lời hứa kế tiếp là “Chớ bối rối.”17 Cho dù có bao nhiêu sự tà ác và hỗn loạn tràn ngập thế gian, nhưng chúng ta được hứa bởi sự trung tín hằng ngày của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết.”18 Và khi Đấng Ky Tô đến trong mọi quyền năng và vinh quang, thì sự tà ác, nổi loạn, và bất công sẽ chấm dứt.

Cách đây đã lâu, Sứ Đồ Phao Lô tiên tri về thời kỳ chúng ta, khi nói với chàng thanh niên Ti Mô Thê:

“Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn.

“Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bó buộc, không tin kính, …

“… ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.”19

Hãy nhớ rằng, “những người ở với chúng ta” ở cả hai bên phía tấm màn che, những người yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh, “đông hơn những người ở với chúng nó.”20 Nếu tích cực tin cậy nơi Chúa và những đường lối của Ngài, nếu chịu tham gia vào công việc của Ngài, thì chúng ta sẽ không sợ những xu hướng của thế gian hoặc bị các xu hướng này làm cho bối rối. Tôi khẩn nài anh chị em hãy làm ngơ đối với những ảnh hưởng và áp lực của thế gian và tìm kiếm những sự việc thuộc linh trong cuộc sống hằng ngày của anh chị em. Hãy yêu mến điều Chúa yêu mến—tức là gồm có các lệnh truyền của Ngài, các ngôi nhà thánh của Ngài, các giao ước thiêng liêng của chúng ta với Ngài, Tiệc Thánh vào mỗi ngày Sa Bát, sự giao tiếp của chúng ta qua lời cầu nguyện—và anh chị em sẽ không gặp rắc rối.

Lời khuyên cuối cùng: hãy tin cậy Chúa và những lời hứa của Ngài. Tôi biết rằng tất cả những lời hứa của Ngài sẽ được ứng nghiệm. Tôi biết điều đó một cách chắc chắn như khi tôi đứng đây trước mặt anh chị em tại buổi họp thiêng liêng này.

Chúa đã mặc khải: “Vì những ai khôn ngoan và đã nhận được lẽ thật, và đã chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của mình, và không bị lừa gạt—thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, những người ấy sẽ không bị đốn đi và ném vào lửa, nhưng sẽ đương nổi ngày ấy.”21

Đó là lý do tại sao chúng ta không nên bị bối rối bởi sự hỗn loạn của thời nay, bởi những người trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại, bởi những người chế giễu nỗ lực chân thành và sự tận tâm phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô. Tính lạc quan, can đảm, cũng như lòng bác ái là kết quả của một tâm hồn không bị đè nặng bởi những rắc rối hay sự hỗn loạn. Chủ Tịch Nelson, là người “lạc quan về tương lai,” đã nhắc nhở chúng ta: “Nếu chúng ta muốn có hy vọng để sàng lọc được vô số tiếng nói và triết lý của loài người mà đả kích lẽ thật, thì chúng ta phải học cách tiếp nhận sự mặc khải.”22

Để nhận được sự mặc khải cá nhân, chúng ta phải đặt ưu tiên cho việc sống theo phúc âm và khuyến khích lòng trung tín và nếp sống thuộc linh nơi người khác cũng như nơi chính bản thân mình.

Spencer W. Kimball là một trong những vị tiên tri lúc tôi còn trẻ. Một vài năm qua, sau khi được kêu gọi với tư cách là Sứ Đồ, tôi đã tìm thấy sự bình an trong sứ điệp đầu tiên của ông tại đại hội trung ương vào tháng Mười năm 1943. Ông bị choáng ngợp bởi chức vụ kêu gọi của ông; tôi biết cảm giác đó là như thế nào. Anh Cả Kimball nói: “Tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện, rồi nhịn ăn và cầu nguyện rất nhiều. Có những ý nghĩ mâu thuẫn tràn ngập trong tâm trí tôi— dường như có tiếng nói rằng: ‘Ngươi không thể làm được công việc này đâu. Ngươi không xứng đáng. Ngươi không có khả năng’—và cuối cùng tôi luôn luôn có một ý nghĩ đắc thắng: ‘Ngươi phải làm công việc đã được giao cho—ngươi phải làm cho mình có khả năng, xứng đáng và hội đủ điều kiện.’ Và trận chiến tiếp diễn ác liệt.”23

Tôi được khuyến khích từ chứng ngôn chân thành thanh khiết của Vị Sứ Đồ này, là người đã trở thành Chủ Tịch thứ 12 của Giáo Hội hùng mạnh này. Ông thừa nhận đã làm ngơ đối với những nỗi sợ của ông để “làm công việc được giao cho” và ông đã phải trông cậy vào Chúa để có được sức mạnh để làm cho ông “có khả năng, xứng đáng và hội đủ điều kiện.” Chúng ta cũng có thể làm như vậy được. Những trận chiến sẽ tiếp diễn mãnh liệt, nhưng chúng ta sẽ đối phó chúng với Thánh Linh của Chúa. Chúng ta sẽ “không bị bối rối” vì khi chúng ta ủng hộ Chúa và bênh vực các nguyên tắc và kế hoạch vĩnh cửu của Ngài, thì chúng ta đang đứng trên đất thánh.

Giờ đây, còn đứa con gái và con rể mà đã hỏi câu hỏi rất chân thành, riêng tư và dựa trên nỗi sợ hãi cách đây nhiều năm thì sao? Chúng đã nghiêm túc suy nghĩ về cuộc trò chuyện của chúng tôi đêm hôm đó; chúng cầu nguyện và nhịn ăn và đi đến quyết định của chúng. Chúng tôi, với tư cách là ông bà, và chúng rất vui mừng, vì bây giờ chúng đã được ban phước với bảy đứa con xinh đẹp trong khi chúng tiến bước trong đức tin và tình yêu thương.

Hình Ảnh
Bảy đứa cháu của Anh Cả và Chị Rasband

Hãy lạc quan lên, anh chị em nhé. Vâng, chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, nhưng khi đang ở trên con đường giao ước thì chúng ta không cần phải sợ hãi. Tôi ban phước cho anh chị em để khi anh chị em ở trên con đường giao ước thì sẽ không bị bối rối bởi những hoàn cảnh đang xảy ra xung quanh chúng ta hoặc những rắc rối sẽ xảy ra cho anh chị em. Tôi ban phước cho anh chị em để chọn đứng tại những nơi thánh thiện và không bị lay chuyển. Tôi ban phước cho anh chị em để tin vào những lời hứa của Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài hằng sống, Ngài đang trông nom, chăm sóc chúng ta và đứng bên cạnh chúng ta. Trong tôn danh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.