2010–2019
Chưa Hài Lòng về Nếp Sống Thuộc Linh của Mình
Tháng Mười năm 2018


Chưa Hài Lòng về Nếp Sống Thuộc Linh của Mình

Việc chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh có thể khiến chúng ta hành động theo đức tin, tuân theo lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để làm điều thiện, và khiêm nhường dâng cuộc sống của mình lên Ngài.

Khi tôi còn học tiểu học, chúng tôi đi bộ về nhà trên một con đường lát đá uốn lượn quanh một sườn đồi. Có một con đường mòn khác, không lát đá, được gọi là “con đường mòn của con trai.” Con đường mòn của con trai là một con đường đất đi thẳng lên đồi. Nó ngắn hơn nhưng dốc hơn nhiều. Khi còn nhỏ, tôi đã biết là mình có thể đi bộ lên bất cứ con đường mòn nào mà mấy đứa con trai có thể đi được. Quan trọng hơn, tôi đã biết là mình đang sống trong những ngày sau và mình sẽ cần phải làm những việc khó khăn, giống như những người tiền phong—và tôi muốn được sẵn sàng. Vì vậy, thỉnh thoảng, tôi thường tụt lại phía sau nhóm bạn bè của tôi trên con đường lát đá, cởi giày ra và đi chân không trên con đường mòn của con trai. Tôi cố gắng làm cho đôi chân của mình khỏe khoắn hơn.

Là một bé gái trong Hội Thiếu Nhi, đó là điều tôi đã nghĩ là mình có thể làm để chuẩn bị. Bây giờ thì tôi biết cách khác rồi! Thay vì đi chân không trên những con đường mòn trên núi, tôi biết là mình có thể chuẩn bị đôi chân để đi trên con đường giao ước bằng cách đáp ứng lời mời của Đức Thánh Linh. Vì Chúa, qua vị tiên tri của Ngài, kêu gọi mỗi người chúng ta sống và quan tâm đến người khác trong một “cách thức cao quý hơn và thánh thiện hơn” cùng “cải thiện thêm.”1

Những lời kêu gọi hành động này của vị tiên tri, kèm theo ý thức bẩm sinh của chúng ta rằng mình có thể làm và trở thành người tốt hơn, đôi khi tạo ra bên trong chúng ta điều mà Anh Cả Neal A. Maxwell đã gọi là “chưa hài lòng với nếp sống thuộc linh của mình.”2 Chúng ta chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh khi so sánh “hiện trạng của con người chúng ta bây giờ [với] con người mà chúng ta có khả năng để trở thành.3 Nếu thành thật, thì mỗi người chúng ta cảm thấy có một sự khác biệt giữa hiện trạng của con người chúng ta và trạng thái của con người mà chúng ta muốn trở thành. Chúng ta khao khát năng lực cá nhân lớn lao hơn. Chúng ta có những cảm nghĩ này vì chúng ta là các con gái và con trai của Thượng Đế, sinh ra với Ánh Sáng của Đấng Ky Tô nhưng lại sống trong một thế giới sa ngã. Những cảm nghĩ này được Thượng Đế ban cho và tạo ra một sự khẩn cấp để hành động.

Chúng ta nên khuyến khích những cảm nghĩ chưa hài lòng với nếp sống thuộc linh mà kêu gọi chúng ta tới một cách thức cao quý hơn, trong khi nhận ra và tránh sự ngụy tạo của Sa Tan—nản lòng đến mức không làm gì cả. Đây là cơ hội quý báu cho Sa Tan để mang đến cho chúng ta ý nghĩ nản lòng này. Chúng ta có thể chọn để đi trên con đường cao quý hơn mà dẫn chúng ta đi tìm kiếm Thượng Đế và sự bình an cùng ân điển của Ngài, hoặc chúng ta có thể nghe theo Sa Tan, là kẻ tấn công chúng ta tới tấp bằng những thông điệp rằng chúng ta sẽ không bao giờ có đủ: đủ giàu có, đủ thông minh, đủ đẹp, không đủ tốt về bất cứ phương diện nào. Việc chúng ta chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh có thể củng cố chúng ta—hoặc làm suy yếu chúng ta.

Hành Động trong Đức Tin

Một cách để biết được mình chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh từ sự ngụy tạo của Sa Tan là cảm giác chưa hài lòng đó sẽ dẫn chúng ta đến hành động trung tín. Việc chưa hài lòng với nếp sống thuộc linh không phải là lời mời gọi làm điều chúng ta cảm thấy thoải mái cũng như sẽ không dẫn chúng ta đến chỗ tuyệt vọng. Tôi đã biết được rằng khi tôi luẩn quẩn với ý nghĩ về mọi thứ mà mình không thành công thì tôi không tiến triển, và tôi cảm thấy khó khăn hơn nhiều để cảm nhận và tuân theo Thánh Linh4

Khi còn trẻ, Joseph Smith đã trở nên nhận thức rõ về những thiếu sót của mình và lo lắng về “sự an lạc của linh hồn bất diệt của [ông].” Theo lời ông: “Tâm trí tôi trở nên buồn bã vô cùng vì tôi đã thấy rõ tội lỗi của mình, và … cảm thấy phiền muộn vì tội lỗi của mình và tội lỗi của thế gian.”5 Điều này dẫn ông tới “tâm trí băn khoăn và bất ổn trầm trọng.”6 Điều này nghe có quen thuộc không? Các chị em có cảm thấy bất ổn hay buồn bã vì những thiếu sót của mình không?

Thế là Joseph đã làm một điều gì đó. Ông chia sẻ: “Tôi thường tự hỏi: Bây giờ mình làm gì đây?”7 Joseph đã hành động theo đức tin. Ông đã giở đến thánh thư, đọc lời mời trong Gia Cơ 1:5, và tìm đến Thượng Đế để xin giúp đỡ. Do đó, khải tượng đã khai mở Sự Phục Hồi. Tôi biết ơn vô cùng rằng việc Joseph chưa hài lòng với nếp sống thuộc linh, cảm nghĩ bất ổn và hoang mang của ông đã thúc đẩy ông có được hành động trung tín.

Tuân Theo Những Thúc Giục để Làm Điều Tốt

Thế gian thường sử dụng cảm nghĩ chưa hài lòng như là một cái cớ để tự tập trung vào mình, để biến những ý nghĩ của chúng ta hướng vào bên trong và về quá khứ cùng suy nghĩ cho cá nhân quá nhiều về tôi là ai, tôi không phải là ai, và điều tôi muốn. Việc chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh thúc đẩy chúng ta noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi, là Đấng “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”8 Khi bước đi trên con đường của môn đồ, chúng ta nhận được những thúc giục của Thánh Linh để tìm đến giúp đỡ người khác.

Một câu chuyện tôi đã nghe được cách đây nhiều năm đã giúp tôi nhận ra và sau đó hành động theo những thúc giục của Đức Thánh Linh. Chị Bonnie D. Parkin, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã chia sẻ những điều sau đây:

“Susan … là một người thợ may tuyệt vời. Chủ Tịch [Spencer W.] Kimball sống trong tiểu giáo khu [của chị ấy]. Một ngày Chủ Nhật nọ, Susan nhận thấy chủ tịch có một bộ com lê mới. Cha của chị mới … mang cho chị một tấm lụa tuyệt đẹp. Susan nghĩ rằng tấm lụa đó sẽ may thành một chiếc cà vạt lịch sự hợp với bộ com lê mới của Chủ Tịch Kimball. Vì vậy, vào ngày thứ Hai, chị đã may chiếc cà vạt. Chị gói nó bằng giấy lụa và đi đến khu nhà của Chủ Tịch Kimball.

“Đang đi đến cửa trước, đột nhiên chị dừng lại và nghĩ: ‘Tôi là ai mà may cà vạt cho vị tiên tri? Có lẽ ông ấy đã có rất nhiều cà vạt rồi.’ Vì nghĩ là mình đã phạm sai lầm, nên chị quay đi.

“Vừa lúc đó Chị Kimball mở cửa trước ra và nói: ‘Ồ, Susan!’

“Susan lúng túng nói: ‘Tôi thấy Chủ Tịch Kimball mặc bộ com lê mới của ông vào ngày Chủ Nhật. Cha tôi mới mang cho tôi một tấm lụa từ New York … và vì thế tôi đã may cho chủ tịch một chiếc cà vạt.’

“Trước khi Susan có thể nói tiếp, Chị Kimball đã ngăn chị lại, đặt tay lên vai chị, và nói: ‘Susan ơi, đừng bao giờ bỏ qua một ý nghĩ rộng lượng cả.’”9

Tôi thích câu nói đó! “Đừng bao giờ bỏ qua một ý nghĩ rộng lượng cả.” Đôi khi tôi có ấn tượng để làm một việc gì đó cho một người nào đó, nhưng tôi tự hỏi liệu đó có phải là một sự thúc giục hay chỉ là suy nghĩ của tôi thôi. Nhưng tôi nhớ lại rằng “những điều gì thuộc về Thượng Đế đều luôn luôn thuyết phục và mời mọc loài người làm điều thiện; vậy nên, tất cả những gì để mời mọc và thuyết phục loài người làm điều thiện, cùng yêu mến Thượng Đế và phục vụ Ngài đều do Thượng Đế soi dẫn cả.”10

Cho dù đó là những thúc giục trực tiếp hay chỉ là những thôi thúc để giúp đỡ, thì một hành vi tốt không bao giờ là vô ích cả; vì “lòng bác ái không bao giờ hư mất”11—và không bao giờ là sự đáp ứng sai cả.

Tuy thường là bất tiện về thời gian, và chúng ta hiếm khi biết được ảnh hưởng của các hành vi phục vụ nhỏ nhặt của mình. Nhưng thỉnh thoảng, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình là công cụ trong tay Thượng Đế và chúng ta sẽ biết ơn để biết rằng việc Đức Thánh Linh đang tác động qua chúng ta là một biểu hiện của sự chấp thuận của Thượng Đế.

Thưa các chị em, các chị em và tôi có thể khẩn nài Đức Thánh Linh cho chúng ta thấy “tất cả mọi việc chúng ta phải nên làm,”12 cho dù bản liệt kê những việc cần làm của chúng ta trông đã kín rồi. Khi được thúc giục, chúng ta có thể để lại chén dĩa trong bồn rửa chén hoặc hoãn lại những việc đòi hỏi chúng ta phải hoàn tất để có thể đọc truyện cho một đứa con, đi thăm một người bạn, trông trẻ con hàng xóm, hoặc phục vụ trong đền thờ. Xin đừng hiểu lầm—tôi là một người thích lập bản liệt kê những việc cần làm, kiểm lại những việc cần làm đã hoàn tất. Nhưng sự bình an đến khi biết rằng việc làm một người tốt không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc làm nhiều hơn nữa. Việc đáp ứng với cảm giác chưa hài lòng bằng cách quyết tâm tuân theo những thúc giục đã thay đổi cách tôi suy nghĩ về “thời gian của tôi,” và tôi thấy rằng sự phục vụ không phải là những điều làm gián đoạn sinh hoạt của tôi mà là mục đích của cuộc đời tôi.

Việc Chưa Hài Lòng về Nếp Sống Thuộc Linh của Mình Dẫn Chúng Ta tới Đấng Ky Tô

Việc chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh của mình dẫn đến sự khiêm nhường, chứ không phải là tự thương hại mình hay cảm giác nản lòng đến từ việc so sánh mà trong đó chúng ta luôn luôn không đủ. Có đủ loại khác biệt giữa các phụ nữ tuân giữ giao ước; gia đình của họ, kinh nghiệm sống của họ, và hoàn cảnh của họ đều khác nhau.

Dĩ nhiên, tất cả chúng ta sẽ thiếu tiềm năng thiêng liêng của mình, và có một số lẽ thật trong việc nhận biết rằng một mình chúng ta thì không có đủ. Nhưng điều đáng mừng của phúc âm là với ân điển của Thượng Đế, chúng ta đủ. Với sự giúp đỡ của Đấng Ky Tô, chúng ta có thể làm được tất cả mọi điều.13 Thánh thư hứa rằng chúng ta sẽ “tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.”14

Sự thật đáng ngạc nhiên là những yếu kém của chúng ta có thể là một phước lành khi chúng làm chúng ta hạ mình và làm cho chúng ta tìm đến cùng Đấng Ky Tô.15 Sự chưa hài lòng như vậy trở nên thiêng liêng khi chúng ta khiêm nhường đến gần Chúa Giê Su Ky Tô với sự thiếu sót của mình, thay vì ngần ngại vì tự thương hại mình.

Thật ra, các phép lạ của Chúa Giê Su thường bắt đầu với sự thừa nhận về mong muốn, nhu cầu, thất bại, hoặc không thích đáng. Các chị em còn nhớ các ổ bánh và cá chứ? Mỗi người trong số các tác giả sách Phúc Âm đều kể về cách kỳ diệu mà Chúa Giê Su đã cho hàng ngàn người theo Ngài ăn.16 Nhưng câu chuyện bắt đầu với việc các môn đồ nhận ra sự thiếu thốn của họ; họ nhận biết rằng họ chỉ có “năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngần ấy có thấm vào đâu?”17 Các môn đồ đã đúng: họ không có đủ thức ăn, nhưng họ đã dâng lên Chúa Giê Su những gì họ có và rồi Ngài đã làm phép lạ.

Các chị em có bao giờ cảm thấy tài năng và ân tứ của mình không đủ cho nhiệm vụ trước mắt không? Vâng, tôi có đấy. Nhưng các chị em và tôi có thể dâng lên Đấng Ky Tô những gì chúng ta có, và Ngài sẽ làm cho những nỗ lực của chúng ta được hữu hiệu hơn. Những gì các chị em phải dâng lên là quá đủ rồi—cho dù với những nhược điểm và yếu kém của con người—nếu các chị em dựa vào ân điển của Thượng Đế.

Sự thật là mỗi chúng ta thuộc vào thế hệ sau Thượng Đế—là con cái của Thượng Đế.18 Và giống như Ngài đã làm với các vị tiên tri lẫn những người nam và người nữ bình thường qua nhiều thời đại, Cha Thiên Thượng cũng có ý định biến đổi chúng ta.

C. S. Lewis giải thích quyền năng biến đổi của Thượng Đế theo cách này: “Hãy tưởng tượng mình là một ngôi nhà ở. Thượng Đế đến để xây cất lại căn nhà đó. Thoạt tiên, có lẽ, anh chị em có thể hiểu Ngài đang làm gì. Ngài đang làm cho cống rãnh chảy thông và ngăn những chỗ rò rỉ trên mái nhà và vân vân; anh chị em biết rằng những việc đó cần phải làm và do đó anh chị em không ngạc nhiên. Nhưng cuối cùng Ngài bắt đầu thay đổi căn nhà bằng một cách mà gây đau đớn khủng khiếp. … [Anh chị em thấy đó,] Ngài đang xây dựng một ngôi nhà hoàn toàn khác với ngôi nhà anh chị em nghĩ . … Anh chị em nghĩ rằng mình [đang được] biến thành một căn nhà nhỏ tươm tất: nhưng Ngài đang xây lên một cung điện. Ngài có ý định là chính Ngài sẽ đến sống ở đó.”19

Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta mới có thể được làm cho có khả năng để làm các nhiệm vụ trước mắt. Các vị tiên tri đã dạy rằng, khi leo lên con đường của môn đồ, chúng ta có thể được thánh hóa nhờ vào ân điển của Đấng Ky Tô. Việc chưa hài lòng về nếp sống thuộc linh có thể khiến chúng ta hành động theo đức tin, tuân theo lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để làm điều thiện, và khiêm nhường dâng cuộc sống của mình lên Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, trong Tad Walch, “‘The Lord’s Message Is for Everyone’: President Nelson Talks about Global Tour,” Deseret News, ngày 12 tháng Tư năm 2018, deseretnews.com.

  2. Neal A. Maxwell, “Becoming a Disciple,” Ensign, tháng Sáu năm 1996, trang 18.

  3. Neal A. Maxwell, “Becoming a Disciple,” trang 16; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. “Sự chán nản sẽ làm suy yếu đức tin của các anh chị em. Nếu các anh chị em hạ thấp sự kỳ vọng của mình, thì hiệu quả của các anh chị em sẽ giảm bớt, ước muốn của các anh chị em sẽ suy yếu đi, và các anh chị em sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để noi theo Thánh Linh” (“Mục Đích của Tôi với tư cách là một Người Truyền Giáo Là Gì?Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo, duyệt sửa [năm 2018], lds.org/manual/missionary).

  5. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 28.

  6. Joseph Smith—Lịch Sử 1:8.

  7. Joseph Smith—Lịch Sử 1:10; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  8. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38.

  9. Bonnie D. Parkin, “Personal Ministry: Sacred and Precious” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 13 tháng Hai năm 2007), trang 1, speeches.byu.edu.

  10. Mô Rô Ni 7:13.

  11. 1 Cô Rinh Tô 13:8.

  12. 2 Nê Phi 32:5.

  13. “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng Ky Tô ban thêm sức cho tôi” (Phi Líp 4:13).

  14. Hê Bơ Rơ 4:16.

  15. “Và nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27; sự nhấn mạnh được thêm vào).

  16. Xin xem Ma Thi Ơ 14:13–21; Mác 6:31–44; Lu Ca 9:10–17; Giăng 6:1–14.

  17. Giăng 6:9.

  18. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã dạy: “Bất kể có bao nhiêu thế hệ trong dòng họ của anh chị em, bất kể anh chị em tiêu biểu cho chủng tộc hay dân tộc nào, thì gia phả của linh hồn của anh chị em cũng có thể được tóm gọn trong một hàng duy nhất. Anh chị em là con của Thượng Đế!“ (To Young Women and Men Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 54).

  19. C. S. Lewis, Mere Christianity (năm 1960), trang 160.