2010–2019
Ngươi Có Muốn Lành Chăng?
Tháng Mười năm 2018


Ngươi Có Muốn Lành Chăng?

Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nếu chúng ta chọn hối cải và hết lòng hướng tới Đấng Cứu Rỗi, thì Ngài sẽ chữa lành chúng ta về phần thuộc linh.

Sau một vài tháng phục vụ truyền giáo, đứa con trai út của chúng tôi và người bạn đồng hành truyền giáo của nó đang sắp học xong cho ngày hôm đó thì con trai chúng tôi cảm thấy đau đầu âm ỉ. Nó cảm thấy rất lạ; lúc đầu nó không điều khiển được cánh tay trái của nó; rồi lưỡi của nó trở nên tê đi. Phía bên trái của mặt nó bắt đầu xệ xuống. Nó nói chuyện một cách khó khăn. Nó biết có gì đó không ổn. Điều nó không biết là nó đang bị một cơn đột quỵ nghiêm trọng ở ba vùng của não bộ. Nó bắt đầu sợ hãi khi trở nên bị liệt nửa người. Việc một nạn nhân bị đột quỵ nhận được sự chăm sóc nhanh chóng như thế nào có thể có một ảnh hưởng đáng kể đến mức độ chữa lành của mình. Người bạn đồng hành truyền giáo trung tín của nó đã hành động một cách kiên quyết. Sau khi gọi số 911, người này đã ban cho nó một phước lành. Thật kỳ diệu, xe cứu thương chỉ mất năm phút để tới.

Sau khi con trai chúng tôi được khẩn cấp đưa đến bệnh viện, nhân viên y tế nhanh chóng đánh giá tình hình và quyết định nên cho con trai chúng tôi một loại thuốc mà có thể đảo ngược dần dần ảnh hưởng bị liệt của cơn đột quỵ.1 Tuy nhiên, nếu con trai chúng tôi không phải bị đột quỵ, thì loại thuốc đó có thể có hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như chảy máu não. Con trai chúng tôi đã phải chọn. Nó đã chọn chấp nhận loại thuốc đó. Trong khi sự hồi phục hoàn toàn đòi hỏi thêm nhiều cuộc giải phẫu và nhiều tháng nữa, nhưng cuối cùng con trai chúng tôi đã trở lại và hoàn tất công việc truyền giáo của nó sau khi ảnh hưởng của cơn đột quỵ của nó đã được đảo ngược một cách đáng kể.

Cha Thiên Thượng của chúng ta là Đấng toàn năng và toàn trí. Ngài biết những khó khăn về thể chất của chúng ta. Ngài biết những đau đớn về thể xác của chúng ta do bệnh tật, tuổi già, tai nạn hoặc rối loạn sinh nở gây ra. Ngài biết những khó khăn về mặt tình cảm liên quan đến nỗi lo âu, cô đơn, trầm cảm, hoặc bệnh tâm thần. Ngài biết mỗi người đã chịu đựng sự bất công hoặc bị lạm dụng. Ngài biết những yếu kếm của chúng ta và những khuynh hướng và cám dỗ mà chúng ta đang đối phó.

Trên trần thế, chúng ta được thử thách để xem liệu chúng ta sẽ chọn điều tốt hơn điều xấu không. Đối với những người tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, họ sẽ sống với Ngài “trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”2 Để giúp chúng ta tiến triển để trở thành giống như Ngài, Cha Thiên Thượng đã ban tất cả quyền năng và sự hiểu biết cho Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Không có bệnh tật về thể xác, tình cảm, hay tinh thần nào mà Đấng Ky Tô không thể chữa lành được.3

Trong giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi, thánh thư kể lại nhiều sự kiện kỳ ​​diệu nơi mà Chúa Giê Su Ky Tô đã sử dụng quyền năng thiêng liêng của Ngài để chữa lành những người đau đớn về thể xác.

Sách Phúc Âm của Giăng kể lại câu chuyện về một người đàn ông nào đó đã phải chịu đựng sự đau yếu suy nhược trong suốt 38 năm.

“Đức Chúa Giê Su thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày thì phán: Ngươi có muốn lành chăng?”

Người đàn ông suy nhược đáp rằng không có ai ở xung quanh để giúp mình khi cần nhất.

“Đức Chúa Giê Su phán rằng: Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi.

Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi.”4

Xin lưu ý hai điều được thấy trái ngược về việc người đàn ông này bị đau đớn trong bao lâu (38 năm) với sự chữa lành xảy ra nhanh như thế nào khi Đấng Cứu Rỗi can dự vào. Sự chữa lành xảy ra “tức thì.

Trong một trường hợp khác, một người đàn bà bị bệnh về huyết trong 12 năm, là người “đã dành hết tiền bạc [của] mình để đi gặp các thầy thuốc, đã đến phía sau Ngài, và chạm vào gấu áo của Ngài; và ngay lập tức bệnh về huyết của người ấy [chấm dứt]. …

“Đức Chúa Giê Su phán rằng: Có người đã rờ đến ta, vì ta nhận biết có quyền phép từ ta mà ra.

“Người đàn bà thấy mình không thể giấu được nữa, … tỏ thật trước mặt dân chúng vì cớ nào … liền được lành làm sao.”5

Suốt thời gian giáo vụ của Ngài, Đấng Ky Tô đã dạy rằng Ngài có quyền năng đối với thể xác. Chúng ta không thể kiểm soát được thời điểm nào sự chữa lành của Đấng Ky Tô về những bệnh tật của thể xác chúng ta sẽ xảy ra. Sự chữa lành xảy ra theo ý muốn và sự thông sáng của Ngài. Trong thánh thư, một số người chịu đựng đau đớn trong nhiều thập niên; những người khác thì hết cả cuộc đời mình. Những bệnh tật của người trần thế có thể cải thiện chúng ta và củng cố sự trông cậy của chúng ta vào Thượng Đế. Nhưng khi chúng ta để cho Đấng Ky Tô can dự vào thì Ngài sẽ luôn luôn củng cố tinh thần chúng ta để chúng ta có nhiều khả năng hơn đặng chịu đựng được gánh nặng của mình.

Cuối cùng, chúng ta biết rằng mọi bệnh tật hay sự không hoàn hảo của thể xác sẽ được chữa lành trong thời kỳ Phục Sinh. Đó là một ân tứ cho tất cả nhân loại nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.6

Chúa Giê Su Ky Tô có thể chữa lành nhiều hơn chỉ là thể xác của chúng ta. Ngài cũng có thể chữa lành tâm hồn của chúng ta. Trong suốt thánh thư, chúng ta biết được cách Đấng Ky Tô đã giúp đỡ những người có tâm hồn yếu đuối và làm cho họ được chữa lành.7 Khi chúng ta suy ngẫm về những kinh nghiệm này, thì hy vọng và đức tin của chúng ta nơi quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để ban phước cho cuộc sống của chúng ta gia tăng. Chúa Giê Su Ky Tô có thể thay đổi tâm hồn chúng ta, chữa lành chúng ta khỏi những ảnh hưởng bất công hay lạm dụng mà chúng ta có thể trải qua, và củng cố khả năng của chúng ta để chịu đựng được sự mất mát và đau lòng, mang lại sự bình an để giúp chúng ta chịu đựng thử thách trong cuộc sống của mình, cùng chữa lành chúng ta về mặt tình cảm.

Đấng Ky Tô cũng có thể chữa lành chúng ta khi chúng ta phạm tội. Chúng ta phạm tội khi chúng ta cố ý vi phạm một luật pháp của Thượng Đế.8 Khi chúng ta phạm tội, linh hồn chúng ta trở nên ô uế. Không một vật gì ô uế có thể vào được vương quốc của Thượng Đế.9 “Muốn trở nên trong sạch khỏi tội lỗi thì [phải] được chữa lành phần thuộc linh.”10

Thượng Đế Đức Chúa Cha biết là chúng ta sẽ phạm tội, nhưng Ngài đã chuẩn bị một cách để chúng ta sẽ được cứu chuộc. Anh Cả Lynn G. Robbins dạy: “Sự hối cải không phải là kế hoạch dự phòng của [Thượng Đế] trong trường hợp chúng ta có thể thất bại. Sự hối cải kế hoạch của Ngài vì biết rằng chúng ta sẽ mắc phải lỗi lầm.”11 Khi phạm tội, chúng ta có cơ hội để chọn điều tốt từ điều xấu. Chúng ta chọn điều tốt khi chúng ta hối cải sau khi đã phạm tội. Nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, chúng ta có thể được cứu chuộc khỏi tội lỗi của mình và được mang trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha nếu chúng ta hối cải. Sự chữa lành phần thuộc linh không phải là một chiều—mà nó đòi hỏi quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi và sự hối cải chân thành từ phía người phạm tội. Đối với những người chọn không hối cải, họ đang khước từ sự chữa lành của Đấng Ky Tô. Đối với họ, thể như không có sự cứu chuộc nào được thực hiện cả.12

Khi tư vấn với những người đang cố gắng hối cải, tôi ngạc nhiên thấy những người đang sống trong tội lỗi đã gặp khó khăn trong việc có những quyết định đúng đắn. Đức Thánh Linh rời bỏ họ, và họ thường vất vả để có những lựa chọn mà mang họ đến gần Thượng Đế hơn. Họ vật lộn trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, ngượng ngùng hoặc sợ hãi về hậu quả của tội lỗi của họ. Họ thường cảm thấy rằng họ không bao giờ có thể thay đổi hoặc được tha thứ cả. Tôi thường nghe họ chia sẻ nỗi lo sợ của họ rằng nếu những người thân yêu của họ biết được điều họ đã làm thì sẽ ngừng yêu thương họ hoặc rời bỏ họ. Khi có những ý nghĩ như vậy, họ quyết tâm hoàn toàn giữ im lặng và trì hoãn hối cải. Họ lầm tưởng là thà không hối cải bây giờ để họ không làm tổn thương thêm những người họ yêu thương. Họ nghĩ rằng thà phải chịu đựng sau cuộc sống này hơn là trải qua tiến trình hối cải bây giờ. Thưa anh chị em, không bao giờ là một ý tưởng hay để trì hoãn sự hối cải của mình. Kẻ nghịch thù thường sử dụng nỗi sợ hãi để ngăn cản chúng ta hành động ngay lập tức theo đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi những người thân yêu phải đối mặt với lẽ thật về hành vi tội lỗi, mặc dù có thể cảm thấy bị tổn thương nhiều nhưng họ thường muốn giúp người phạm tội đang muốn hối cải chân thành thay đổi và hòa hiệp với Thượng Đế. Thật vậy, sự chữa lành phần thuộc linh gia tăng nhanh khi người phạm tội thú tội và được bao quanh bởi những người yêu thương họ và giúp họ từ bỏ tội lỗi của họ. Xin hãy nhớ rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng vĩ đại vì Ngài cũng chữa lành các nạn nhân vô tội của tội lỗi mà tìm tới Ngài.13

Anh Cả Boyd K. Packer nói: “Linh hồn của chúng ta bị tổn thương khi chúng ta phạm phải lỗi lầm và phạm tội. Nhưng không giống như trường hợp thể xác của chúng ta, khi tiến trình hối cải đã trọn vẹn thì không còn để lại vết sẹo nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Lời hứa là: ‘Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa’ [Giáo Lý và Giao Ước 58:42].”14

Khi chúng ta hối cải “và không chai đá trong lòng,”15 thì “tức thời kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ được mang lại” trong cuộc sống của chúng ta.16 Đấng Cứu Rỗi sẽ chữa lành chúng ta.

Người bạn đồng hành truyền giáo và các chuyên gia y tế mà đã giúp đỡ con trai bị đột quỵ của chúng tôi trong khi đang đi truyền giáo đã hành động nhanh chóng. Con trai chúng tôi đã chọn tiếp nhận loại thuốc chống đột quỵ. Những ảnh hưởng làm tê liệt của cơn đột quỵ của nó đã có thể theo nó trong suốt quãng đời còn lại của nó giờ đây đã được đảo ngược. Tương tự như vậy, chúng ta càng nhanh chóng hối cải và mang Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô vào cuộc sống của mình thì chúng ta có thể được chữa lành càng sớm khỏi ảnh hưởng của tội lỗi.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra lời mời này: “Nếu anh chị em đã rời xa con đường, … thì tôi xin mời anh chị em … hãy trở lại. Bất kể những lo lắng, thử thách của anh chị em là gì đi nữa thì cũng có một nơi dành cho anh chị em ở trong Giáo Hội này của Chúa. Anh chị em và các thế hệ mai sau sẽ được ban phước nhờ vào hành động của anh chị em bây giờ để trở lại con đường giao ước.”17

Sự chữa lành phần thuộc linh của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải tự tuân phục theo những điều kiện mà Đấng Cứu Rỗi đã giải thích. Chúng ta không được trì hoãn! Chúng ta phải hành động ngay hôm nay! Hãy hành động ngay bây giờ để sự tê liệt phần thuộc linh sẽ không ngăn cản sự tiến triển vĩnh cửu của anh chị em. Trong khi tôi đang nói đây, nếu anh chị em cảm thấy cần phải xin tha thứ từ một người nào đó mà anh chị em đã làm điều sai trái với họ, thì tôi mời anh chị em hãy hành động ngay. Hãy nói cho họ biết anh chị em đã làm gì. Hãy xin họ tha thứ. Nếu anh chị em đã phạm một tội lỗi ảnh hưởng đến sự xứng đáng của anh chị em đối với đền thờ, thì tôi mời anh chị em hãy đi nói chuyện với giám trợ của anh chị em—ngày hôm nay. Chớ trì hoãn.

Thưa anh chị em, Thượng Đế là Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta. Ngài đã ban tất cả quyền năng và sự hiểu biết cho Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Nhờ vào Ngài, một ngày nào đó tất cả nhân loại sẽ được chữa lành mọi bệnh tật về thể xác mãi mãi. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nếu chúng ta chọn hối cải và hết lòng hướng tới Đấng Cứu Rỗi, thì Ngài sẽ chữa lành chúng ta về phần thuộc linh. Sự chữa lành đó có thể bắt đầu ngay lập tức. Sự lựa chọn là của chúng ta. Chúng ta có muốn được chữa lành chăng?

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã trả cái giá để chúng ta có thể được chữa lành. Nhưng chúng ta phải tiếp nhận thuốc chữa bệnh mà Ngài ban cho. Hãy tiếp nhận thuốc ấy ngày hôm nay. Chớ trì hoãn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Loại thuốc được gọi là tPA (chất hoạt hóa plasminogen mô).

  2. Mô Si A 2:41.

  3. Xin xem Ma Thi Ơ 4:24. Đấng Ky Tô đi khắp nơi chữa lành tất cả những người bị bệnh, ngay cả những người mắc “nhiều thứ bệnh khác nhau”, “đau khổ”, “bị quỷ ám” và “những người bị điên loạn.”

  4. Xin xem Giăng 5:5–9; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. Xin xem Lu Ca 8:43–47; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. Xin xem An Ma 40:23.

  7. Xin xem Lu Ca 5:20, 23–25; xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 5:23 (trong Lu Ca 5:23, cước chú a): “Cần nhiều quyền năng để tha thứ tội lỗi hơn là làm cho người bệnh đứng dậy mà đi, thì bên nào dễ hơn?”

  8. Xin xem 1 Giăng 3:4.

  9. Xin xem 3 Nê Phi 27:19.

  10. Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo, ấn bản hiệu đính (năm 2018), lds.org/manual/missionary.

  11. Lynn G. Robbins, “Đến Bảy Mươi Lần Bảy,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 22.

  12. Xin xem Mô Si A 16:5.

  13. Có nhiều dịp tôi đã chứng kiến ​​sự chữa lành nhanh chóng các cá nhân khi những người trong gia đình đã giúp đỡ và hỗ trợ một người đã vi phạm lời thề nguyện trung thành và tin cậy, giúp họ tìm đến Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn cho quyền năng chữa lành của Ngài trong cuộc sống của họ. Nếu người đó thực sự hối cải và chân thành cố gắng thay đổi, thì những người trong gia đình giúp đỡ họ trong việc học tập phúc âm, cầu nguyện chân thành, và phục vụ giống như Đấng Ky Tô không những giúp người phạm tội thay đổi mà còn thấy được sự chữa lành từ Đấng Cứu Rỗi cho chính họ đang gia tăng trong cuộc sống của họ. Các nạn nhân vô tội là những người vẫn còn xứng đáng với đền thờ đều có thể giúp đỡ người phạm tội bằng cách tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng về những gì phải cùng học chung với nhau, cách phục vụ, và cách mời những người trong gia đình tham gia hỗ trợ và củng cố người hối cải chịu thay đổi và hưởng lợi ích từ quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô.

  14. Boyd K. Packer, “Kế Hoạch Hạnh Phúc,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 28.

  15. 3 Nê Phi 18:32.

  16. An Ma 34:31; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  17. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Tiếp Tục Cùng Nhau Tiến Bước,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7.