2010–2019
Chức Vụ Giảng Hòa
Tháng Mười năm 2018


Chức Vụ Giảng Hòa

Tôi làm chứng về sự thanh bình cho tâm hồn mà sự giảng hòa với Thượng Đế và với nhau sẽ mang đến nếu chúng ta đủ nhu mì và dũng cảm để theo đuổi điều đó.

Tháng Tư vừa qua, khi Chủ Tịch Russell M. Nelson giới thiệu khái niệm phục sự, ông đã nhấn mạnh rằng nó là một cách để tuân giữ các giáo lệnh lớn là yêu thương Thượng Đế và yêu thương lẫn nhau.1 Chúng tôi, với tư cách là các chức sắc trong Giáo Hội, công khai hoan nghênh và khen ngợi anh chị em về sự đáp ứng to lớn anh chị em đã bắt đầu thực hiện trong việc này. Chúng tôi cám ơn anh chị em đã nghe theo vị tiên tri yêu quý của chúng ta trong công việc tuyệt vời này và đề nghị rằng anh chị em đừng chờ đợi thêm nhiều sự hướng dẫn khác. Hãy cứ nhảy xuống nước và bơi. Hãy bơi đến chỗ những người cần sự giúp đỡ. Đừng bị động, đắn đo xem anh chị em có thể cung cấp sự phục vụ nào. Nếu chúng ta tuân theo các nguyên tắc đã được giảng dạy, theo sát các chìa khóa chức tư tế, và tìm kiếm Thánh Linh để được hướng dẫn, thì chúng ta không thể thất bại.

Buổi sáng hôm nay, tôi muốn nói chuyện về một khía cạnh còn riêng tư hơn của việc phục sự mà không phải theo chỉ định, không liên quan đến một cuộc phỏng vấn theo lịch nào cả, và không phải báo cáo cho ai ngoại trừ thiên thượng. Cho phép tôi chia sẻ chỉ một ví dụ đơn giản về loại công việc phục sự này.

Grant Morrell Bowen là một người chồng và người cha chăm chỉ, tận tụy, và như nhiều người khác kiếm sống bằng nghề nông, đã vật lộn về mặt tài chính khi vụ mùa khoai tây địa phương thất bát. Anh và vợ, Norma, nhận thêm công việc làm khác, rồi cuối cùng dọn đến một thành phố khác, và bắt đầu lại để ổn định về mặt tài chính. Tuy nhiên, trong một vụ việc vô cùng đáng tiếc, Anh Bowen cảm thấy bị tổn thương nặng nề khi, trong một cuộc phỏng vấn giấy giới thiệu đi đền thờ, vị giám trợ đã hơi nghi ngờ việc Anh Bowen tuyên bố rằng anh đóng tiền thập phân đầy đủ.

Tôi không biết ai trong số những người đàn ông này có thông tin chính xác hơn ngày hôm đó, nhưng tôi biết rằng Chị Bowen bước ra khỏi cuộc phỏng vấn với giấy giới thiệu được gia hạn, trong khi Anh Bowen bước ra với một sự giận dữ mà đã làm anh rời xa Giáo Hội trong suốt 15 năm.

Bất kể ai đã đúng về việc đóng tiền thập phân, hiển nhiên rằng cả Anh Bowen lẫn vị giám trợ đã quên mất huấn thị của Đấng Cứu Rỗi “với kẻ nghịch mình, phải lập tức hòa với họ”2 và lời khuyên dạy của Phao Lô “chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn.”3 Thực tế là họ đã không hòa với nhau và mặt trời đã lặn mà Anh Bowen vẫn còn căm giận trong nhiều ngày liền, rồi nhiều tuần liền, rồi nhiều năm liền, chứng minh cho luận điểm được một trong những người La Mã cổ thông thái nhất đưa ra: “Sự giận dữ, nếu không được kiềm chế, thường [phá hủy] nhiều hơn là vết thương gây ra nó.”4 Nhưng phép lạ của việc giảng hòa luôn có sẵn cho chúng ta, và vì tình yêu thương dành cho gia đình anh và Giáo Hội mà anh biết là chân chính, Anh Bowen đã trở lại hoàn toàn tích cực trong Giáo Hội. Cho phép tôi vắn tắt thuật lại cho anh chị em nghe điều đó đã xảy ra như thế nào.

Con trai của Anh Bowen, Brad, là một người bạn tốt của chúng tôi và là một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng tận tụy phục vụ ở miền nam tiểu bang Idaho. Khi vụ việc này xảy ra, Brad mới 11 tuổi, và trong suốt 15 năm, anh đã chứng kiến sự tận tâm tôn giáo của cha mình suy giảm, một bằng chứng cho vụ mùa khủng khiếp khi sự giận dữ và hiểu lầm được gieo trồng. Một điều gì đó cần phải được thực hiện. Vì thế, khi lễ Tạ Ơn năm 1977 đến gần, Brad, sinh viên 26 tuổi trường Đại Học Brigham Young; vợ anh, Valerie; và đứa bé trai mới chào đời, Mic, chất đồ lên chiếc xe sinh viên cũ kỹ và, bất chấp thời tiết xấu, lái đi Billings, Montana. Ngay cả cú đụng xe vào một ổ tuyết gần West Yellowstone cũng không thể cản bước gia đình nhỏ này đi liên lạc phục sự với Anh Bowen Cha.

Khi đến nơi, Brad và em gái Pam đã xin được gặp riêng với cha mình một lát. Brad xúc động bắt đầu cuộc hội thoại: “Cha là một người cha tuyệt vời, và chúng con luôn biết cha yêu thương chúng con đến dường nào. Nhưng có một điều gì đó không đúng, và nó đã không đúng từ rất lâu rồi. Bởi vì cha từng bị tổn thương trong quá khứ, nên cả gia đình này đã bị tổn thương suốt nhiều năm liền. Chúng ta đang tan nát, và cha là người duy nhất có thể hàn gắn chúng ta lại. Chúng con xin cha, nhiều năm đã trôi qua rồi, cha có thể tìm trong mình khả năng để bỏ qua một bên vụ việc đáng tiếc đó với vị giám trợ đó và một lần nữa dẫn dắt gia đình này trong phúc âm như cha đã từng làm không?”

Có một sự yên lặng hoàn toàn bao trùm. Sau đó, Anh Bowen nhìn vào hai đứa con này của anh, là xương bởi xương ông, thịt bởi thịt ông,5 và lặng lẽ nói: “Cha sẽ. Cha sẽ làm vậy.”

Vui mừng nhưng kinh ngạc trước câu trả lời bất ngờ, Brad Bowen và gia đình anh chứng kiến người chồng và người cha của mình đi đến vị giám trợ hiện tại trong một tinh thần giảng hòa để chỉnh đốn lại cuộc đời mình. Trong một phản ứng hoàn hảo trước cuộc viếng thăm đầy can đảm nhưng hoàn toàn bất ngờ này, vị giám trợ, người đã nhiều lần đưa ra lời mời Anh Bowen trở lại, đã ôm chầm lấy anh và chỉ ôm anh—trong một cái ôm thật lâu.

Chỉ trong một vài tuần—phải, một khoảng thời gian rất ngắn—Anh Bowen đã hoàn toàn tích cực trở lại trong Giáo Hội và đã tự mình trở nên xứng đáng để trở lại tham dự đền thờ. Không lâu sau, anh đã chấp nhận sự kêu gọi để chủ tọa một chi nhánh nhỏ đang gặp khó khăn chỉ có 25 người và đã phát triển chi nhánh đó thành một giáo đoàn đang lớn mạnh với hơn 100 người. Tất cả những điều này xảy ra gần một nửa thế kỷ trước, nhưng kết quả của lời khẩn cầu phục sự của một người con trai và một người con gái đến cha họ và sự sẵn lòng của người cha đó để tha thứ và tiến bước bất chấp sự thiếu hoàn hảo của người khác đã mang đến những phước lành mà vẫn còn đang đến—và sẽ mãi mãi đến—với gia đình Bowen.

Thưa anh chị em, Chúa Giê Su đã yêu cầu rằng chúng ta “phải sống với nhau trong tình thương”6 và “không còn có sự tranh luận nào xảy ra giữa các ngươi nữa.”7 Ngài đã cảnh báo dân Nê Phi: “Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta.”8 Quả thật vậy, ở một mức độ rộng lớn, mối quan hệ của chúng ta với Đấng Ky Tô sẽ được xác định—hoặc ít nhất là bị ảnh hưởng—bởi mối quan hệ của chúng ta với nhau.

Ngài đã phán: “Nếu ngươi … muốn đến cùng ta, và nhớ lại anh em mình có điều gì nghịch cùng mình—

“Thì hãy trở về làm hòa với [người đó] trước đã, rồi sau đó đến cùng ta với một tấm lòng cương quyết, lúc đó ta sẽ đón nhận ngươi.9

Chắc chắn rằng, mỗi người trong chúng ta đều có thể kể ra một loạt những vết thương và nỗi đau và ký ức đau buồn trước đây mà chính những giây phút này vẫn còn ăn mòn sự bình an trong lòng của một ai đó hoặc gia đình hoặc xóm giềng. Dù chúng ta có gây ra hoặc chịu sự đau đớn đó hay không, thì những vết thương đó cần phải được chữa lành để cuộc sống có thể được đáng sống như Thượng Đế đã kỳ định. Giống như thức ăn để lâu ngày, quá hạn sử dụng, và không còn ăn được nữa, thì đã đến lúc để bỏ qua những món giận hờn từ xưa đó rồi. Xin đừng dành không gian quý báu trong tâm hồn anh chị em cho chúng nữa. Như Prospero đã nói với Alonso đang cảm thấy hối tiếc trong vở kịch Giông Tố (The Tempest): “Chúng ta không nên buồn bã về quá khứ nữa vì chẳng còn lý do gì để buồn cả.”10

Đấng Ky Tô đã giảng dạy trong thời Kinh Tân Ước: “Hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình.”11 Và Ngài đã giảng dạy trong thời kỳ của chúng ta: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.”12 Tuy nhiên, điều quan trọng đối với một số người trong số anh chị em đang sống trong đau khổ là hãy để ý điều Ngài không nói. Ngài không nói rằng: “Các ngươi không được cảm thấy nỗi đau hoặc sự đau khổ thật sự từ những kinh nghiệm đầy tổn thương do người khác gây ra.” Ngài cũng không nói rằng: “Để được tha thứ, các ngươi phải tiếp tục một mối quan hệ không lành mạnh hoặc quay trở về tình trạng bị ngược đãi, bị tổn thương.” Nhưng bất chấp ngay cả những hành vi xúc phạm nặng nề nhất có thể xảy đến với chúng ta, chúng ta có thể vượt lên khỏi nỗi đau của mình chỉ khi nào chúng ta đặt chân lên trên con đường của sự chữa lành thật sự. Con đường đó là con đường đầy vị tha mà Chúa Giê Su của Na Xa Rết đã đi. Ngài là Đấng mời gọi mỗi người trong chúng ta: “Hãy đến mà theo Ta.”13

Với lời mời làm môn đồ của Ngài và cố gắng làm như Ngài đã làm, Chúa Giê Su đang yêu cầu chúng ta làm những công cụ ân điển của Ngài—làm “khâm sai của Đấng [Ky Tô]” trong “chức vụ giảng hòa,” như Phao Lô đã mô tả điều đó cho dân thành Cô Rinh Tô.14 Đấng Chữa Lành cho mọi vết thương, Đấng sửa chữa mọi điều sai trái, yêu cầu chúng ta hãy lao nhọc với Ngài trong nhiệm vụ khó khăn để mang sự bình an đến một thế giới không thể tìm thấy điều đó bằng bất cứ cách thức nào khác.

Vì thế, như Phillip Brooks đã viết: “Hỡi các bạn là những người để những sự hiểu lầm tai hại diễn ra năm này qua năm khác, định rằng một ngày nào đó sẽ giải quyết chúng; hỡi các bạn là những người vẫn còn tranh cãi bởi vì các bạn không thể quyết định rằng bây giờ là lúc để hy sinh lòng kiêu hãnh của mình và [dàn xếp] những mối bất hòa này; hỡi các bạn là những người đi ngang qua những người khác trên đường với cái nhìn không thiện cảm, không nói chuyện với họ để cố tình gây tổn thương cho họ … ; hỡi các bạn là những người để … [một ai đó] đau khổ mà không có được một lời cảm kích hoặc cảm thông, định rằng sẽ nói với họ … vào một ngày nào đó, … hãy ngay lập tức đi và làm điều các bạn có thể sẽ không bao giờ có một cơ hội khác để làm.”15

Các anh chị em thân mến của tôi, tôi làm chứng rằng việc tha thứ và từ bỏ những hành vi xúc phạm, lâu năm hay mới gần đây, là một phần quan trọng của vinh quang của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng cuối cùng thì sự sửa chữa thuộc linh như vậy chỉ có thể đến từ Đấng Cứu Chuộc thiêng liêng của chúng ta, là Đấng nhanh chóng đến bên chúng ta, “trong cánh [Ngài] có sự [chữa lành].”16 Chúng ta tạ ơn Ngài, và Cha Thiên Thượng của chúng ta là Đấng đã gửi Ngài, để sự phục hồi và sự tái sinh, một tương lai không còn những sự đau khổ lâu năm và những lỗi lầm trong quá khứ, không những có thể đạt được mà chúng đã còn được mua lại, trả cho, với một cái giá đau đớn được tượng trưng bằng máu của Chiên Con đã đổ ra.

Với thẩm quyền sứ đồ được trao cho tôi bởi Đấng Cứu Rỗi của thế gian, tôi làm chứng về sự thanh bình cho tâm hồn mà sự giảng hòa với Thượng Đế và với nhau sẽ mang đến nếu chúng ta đủ nhu mì và dũng cảm để theo đuổi điều đó. Đấng Cứu Rỗi nài nỉ: “Hãy chấm dứt tranh chấp nhau.”17 Nếu anh chị em biết về một vết thương cũ, hãy chữa lành nó. Hãy quan tâm lẫn nhau với tình yêu thương.

Các bạn thân mến của tôi, trong chức vụ giảng hòa chung của chúng ta, tôi yêu cầu chúng ta hãy làm những người giải hòa—yêu thích sự bình an, tìm kiếm sự bình an, tạo ra sự bình an, trân quý sự bình an. Tôi đưa ra lời thỉnh cầu này trong tôn danh của Hoàng Tử Bình An, là Đấng biết mọi điều về việc “bị thương trong nhà bạn [Ngài],”18 nhưng vẫn có thể tha thứ và quên đi—và chữa lành—và vui vẻ. Tôi cầu nguyện cho điều này, cho anh chị em và cho tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.