2010–2019
Vững Chắc và Kiên Trì trong Đức Tin Nơi Đấng Ky Tô
Tháng Mười năm 2018


Vững Chắc và Kiên Trì trong Đức Tin Nơi Đấng Ky Tô

Việc kiên trì một cách vững chắc và bền bỉ trong đức tin nơi Đấng Ky Tô đòi hỏi rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô phải thấu suốt tấm lòng và tâm hồn của một người.

Trong lịch sử Kinh Cựu Ước, chúng ta đọc về những khoảng thời gian liên tiếp khi con cái Y Sơ Ra Ên tuân giữ giao ước của họ với Đức Giê Hô Va và thờ phượng Ngài và những lúc khác khi họ chối bỏ giao ước đó và thờ phượng hình tượng hay Ba Anh.1

Triều đại của A Háp là một trong những thời kỳ bội giáo ở vương quốc Y Sơ Ra Ên ở miền bắc. Tiên tri Ê Li có một lần đã bảo Vua A Háp quy tụ dân chúng Y Sơ Ra Ên cũng như các tiên tri hay thầy tế lễ của Ba Anh tại núi Cạt Mên. Khi dân chúng đã tề tựu, Ê Li nói với họ rằng: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? [hay nói cách khác: “Đến khi nào các ngươi mới quyết định một lần cho dứt khoát?”] Nếu Giê Hô Va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba Anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn. Song dân sự không đáp một lời.”2 Vì thế, Ê Li ra lệnh rằng cả ông và các tiên tri của Ba Anh sẽ sả một con bò đực ra từng miếng và sắp để trên củi trên bàn thờ của riêng mỗi bên, nhưng “không châm lửa.”3 Sau đó, “Hãy kêu cầu danh của thần các ngươi, còn ta, ta sẽ kêu cầu danh của Đức Giê Hô Va. Thần đáp lời bằng lửa, ấy quả là Đức Chúa Trời. Cả dân sự đều đáp rằng: Lời nói rất phải.”4

Anh chị em sẽ nhớ rằng các thầy tế lễ kêu thét ầm ĩ lên vị thần không tồn tại của họ trong hàng giờ liền xin giáng lửa xuống, nhưng “vẫn không có tiếng gì, chẳng ai đáp lời, cũng không cố ý đến.”5 Khi đến lượt Ê Li, ông sửa lại bàn thờ bị phá hủy của Chúa, đặt gỗ và của lễ hy sinh lên đó, và sau đó truyền lệnh đổ nước lên mọi thứ không chỉ một lần, mà ba lần. Chắc chắn rằng ông hoặc một quyền lực nào khác của loài người không thể châm lửa được.

“Đến giờ dâng của lễ chay ban chiều, tiên tri đến gần và nguyện rằng: Lạy Giê Hô Va Đức Chúa Trời của Áp Ra Ham, của Y Sác, và của Y Sơ Ra Ên, ngày nay xin hãy tỏ cho người ta biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời trong Y Sơ Ra Ên, rằng tôi là kẻ tôi tớ Ngài, và tôi vâng lời Ngài mà làm mọi sự này. …

“Lửa của Đức Giê Hô Va bèn giáng xuống, thiêu đốt của lễ thiêu, củi, đá, bụi, và rút nước trong mương.

“Thấy vậy, cả dân sự sấp mình xuống đất, và la rằng: Giê Hô Va là Đức Chúa Trời! Giê Hô Va là Đức Chúa Trời!”6

Ngày nay, Ê Li có lẽ sẽ nói rằng:

  • Hoặc là Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, hằng hữu, hoặc là Ngài không phải vậy, nhưng nếu Ngài quả thật là hằng hữu, thì hãy thờ phượng Ngài.

  • Hoặc là Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, là Đấng Cứu Chuộc phục sinh của nhân loại, hoặc là Ngài không phải vậy, nhưng nếu Ngài quả thật là Vị Nam Tử của Thượng Đế, là Đấng Cứu Chuộc phục sinh của nhân loại, thì hãy noi theo Ngài.

  • Hoặc là Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, hoặc là không phải vậy, nhưng nếu sách quả thật là lời của Thượng Đế, thì hãy “đến gần Thượng Đế hơn nhờ [học tập và] tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó.”7

  • Hoặc là Joseph Smith đã trông thấy và giao tiếp với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con vào ngày mùa xuân đó năm 1820, hoặc là không phải vậy, nhưng nếu ông quả thật đã trông thấy và giao tiếp với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, thì hãy tuân theo thẩm quyền tiên tri, kể cả các chìa khóa gắn bó mà ta, Ê Li, đã giao cho ông.

Trong đại hội trung ương gần đây nhất, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố: “Anh chị em không phải tự hỏi về điều gì là thật [xin xem Mô Rô Ni 10:5]. Anh chị em không phải tự hỏi ai là người mình có thể tin cậy chắc chắn. Qua sự mặc khải cá nhân, anh chị em có thể nhận được lời chứng cho chính mình rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, rằng Joseph Smith là một vị tiên tri, và rằng đây là Giáo Hội của Chúa. Bất kể điều những người khác có thể nói hoặc làm, không ai có thể lấy đi một chứng ngôn đến trong tâm và trong trí anh chị em về điều gì là thật.”8

Khi Gia Cơ hứa rằng Thượng Đế “ban cho mọi người cách rộng rãi” những ai tìm kiếm sự thông sáng của Ngài,9 ông cũng đã cẩn trọng:

“Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ. Vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.

“Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa.

Ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định.”10

Mặt khác, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là tấm gương hoàn hảo về sự vững chắc. Ngài phán: “Đấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta, chẳng để ta ở một mình, vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài.”11 Hãy cân nhắc những lời mô tả này từ thánh thư về những người nam và nữ, như Đấng Cứu Rỗi, vững chắc và kiên trì:

Họ “được cải đạo theo tín ngưỡng chân thật; và họ không từ bỏ nó, vì họ vững chắc, bền bỉ, bất di bất dịch và hết lòng chuyên tâm tuân giữ những lệnh truyền của Chúa.”12

“Trí óc [họ] cương quyết, và luôn luôn đặt sự tin cậy của mình vào nơi Thượng Đế.”13

“Và này, chính các người cũng biết như vậy, vì các người đã được chứng kiến rằng, những người nào trong số bọn họ được đưa tới sự hiểu biết lẽ thật … đều là những người rất vững chắc và kiên trì trong đức tin và trong những điều mà nhờ đó họ đã được làm cho tự do.”14

“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.”15

Việc kiên trì một cách vững chắc và bền bỉ trong đức tin nơi Đấng Ky Tô đòi hỏi rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô phải thấu suốt tấm lòng và tâm hồn của một người, tức là phúc âm không chỉ trở thành một trong nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống của một người mà còn là ưu tiên hàng đầu của cuộc đời và nhân cách của người đó. Chúa phán:

“Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt.

“Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo.

“… Các ngươi sẽ làm dân ta, ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi.”16

Đây là giao ước chúng ta lập bằng phép báp têm của mình và trong các giáo lễ đền thờ. Nhưng một số người đã không hoàn toàn tiếp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào cuộc sống của mình. Mặc dù, như Phao Lô đã nói, họ được “chôn với [Đấng Ky Tô] bởi phép báp têm,” nhưng họ vẫn thiếu phần mà như “[Đấng Ky Tô] … được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta … sống trong đời mới thể ấy.”17 Phúc âm chưa phải là ưu tiên hàng đầu của họ. Trọng tâm của cuộc đời họ chưa phải là Đấng Ky Tô. Họ chọn các giáo lý và lệnh truyền mà họ sẽ tuân theo và nơi nào và khi nào họ sẽ phục vụ trong Giáo Hội. Trái lại, chính bởi việc tuân giữ các giao ước một cách rất chính xác mà những người “chọn lọc theo giao ước”18 tránh được bị lừa gạt và đứng vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô.

Chúng ta theo phúc âm hoặc là vì ảnh hưởng của xã hội, làm những điều liên quan đến phúc âm một cách không thành thật, hoặc là vì sự cam kết đã hoàn toàn phát triển, giống như Đấng Ky Tô, để làm theo ý muốn của Thượng Đế. Cuối cùng thì, tin lành phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cần phải thấu suốt tấm lòng của chúng ta và trở thành động lực chính của chúng ta. Việc đó có thể không xảy ra chỉ trong giây lát, nhưng tất cả chúng ta đều nên hướng về trạng thái thiêng liêng đó.

Tuy đầy thử thách nhưng điều quan trọng là chúng ta đứng vững chắc và kiên trì khi thấy mình đang được tôi luyện “trong lò gian khổ,”19 một điều sớm muộn rồi sẽ đến với tất cả chúng ta trong cuộc sống trần thế. Nếu không có Thượng Đế, thì những kinh nghiệm đen tối này thường dẫn đến sự nản lòng, tuyệt vọng, và thậm chí cay đắng. Với Thượng Đế, sự an ủi thay thế nỗi đau đớn, sự bình an thay thế sự rối loạn, và hy vọng thay thế nỗi đau buồn. Việc đứng vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô sẽ mang ân điển trợ sức và sự hỗ trợ của Ngài.20 Ngài sẽ biến thử thách thành phước lành và, theo lời của Ê Sai, “ban mão hoa … thay vì tro bụi.”21

Tôi xin đề cập đến ba ví dụ về điều tôi đã đích thân biết được:

Có một người phụ nữ mắc một căn bệnh kinh niên gây suy nhược kéo dài bất chấp sự chăm sóc y tế, các phước lành chức tư tế, và sự nhịn ăn và cầu nguyện. Thế nhưng, đức tin của chị nơi quyền năng của sự cầu nguyện và lẽ trung thực về tình yêu thương Thượng Đế dành cho chị không hề suy giảm. Chị tiến bước ngày qua ngày (và đôi khi giờ qua giờ), phục vụ như đã được kêu gọi trong Giáo Hội và, cùng với chồng chị, chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình, tươi cười hết sức chị có thể. Lòng trắc ẩn của chị dành cho người khác là một phần quan trọng trong cuộc đời chị, nó được tôi luyện bởi sự chịu đựng của chính chị, và chị thường quên mình phục sự người khác. Chị tiếp tục kiên trì, và mọi người cảm thấy vui khi ở gần chị.

Một người sinh trưởng trong Giáo Hội, phục vụ truyền giáo toàn thời gian, và kết hôn với một phụ nữ duyên dáng đã cảm thấy ngạc nhiên khi một số anh chị em ruột của mình bắt đầu phê bình một cách tiêu cực về Giáo Hội và Tiên Tri Joseph Smith. Sau một thời gian, họ rời bỏ Giáo Hội và cố gắng thuyết phục anh theo họ. Như thường xảy ra trong những trường hợp như vậy, họ dồn dập tấn công anh với những bài viết, những bài nói chuyện, và những đoạn video do những người chống đối sản xuất, đại đa số những người này là tín hữu cũ bất bình với Giáo Hội. Các anh chị em của anh chế giễu đức tin của anh, nói với anh rằng anh cả tin và lạc hướng. Anh không có câu trả lời cho tất cả những quả quyết của họ, và đức tin của anh bắt đầu lung lay dưới sự đối nghịch không thương xót. Anh tự hỏi anh có nên ngừng đi đến nhà thờ không. Anh nói chuyện với vợ. Anh nói chuyện với những người anh tin tưởng. Anh cầu nguyện. Khi trầm tư trong tình trạng tinh thần hỗn loạn này, anh nhớ về những lần khi anh đã cảm thấy Thánh Linh và đã nhận được một sự làm chứng về lẽ thật từ Thánh Linh. Anh kết luận: “Nếu mình chân thật với bản thân, thì mình phải thừa nhận rằng Thánh Linh đã tác động đến mình không chỉ một lần và chứng ngôn về Thánh Linh là chân chính.” Anh có được một cảm giác hạnh phúc và bình an mới mà anh chia sẻ cùng với vợ và các con anh.

Một cặp vợ chồng đã luôn kiên định và vui vẻ nghe theo lời khuyên dạy của Các Anh Em Thẩm Quyền trong cuộc sống của họ đã từng đau buồn vì hiếm muộn con cái. Họ đã bỏ ra rất nhiều tiền và làm việc với nhiều chuyên gia y tế có năng lực, và sau một thời gian, họ đã được ban phước với một đứa con trai. Tuy nhiên, bi thảm thay, chỉ sau khoảng một năm, đứa bé lại là nạn nhân của một vụ tai nạn mà lỗi không phải của ai cả và đã rơi vào tình trạng bán hôn mê, với thương tích đáng kể lên não bộ. Bé được chăm sóc một cách tốt nhất, nhưng bác sĩ không thể đoán trước được tình hình sẽ đi đến đâu. Đứa bé mà cặp vợ chồng đã cố gắng hết sức và cầu nguyện hết mình để mang đến thế gian về một phương diện nào đó đã bị lấy đi, và họ không biết liệu đứa bé sẽ được trả về cho họ. Bây giờ, họ vật lộn để chăm lo cho những nhu cầu thiết yếu của bé trong khi làm tròn các trách nhiệm khác của mình. Trong giây phút vô cùng khó khăn này, họ đã quay về với Chúa. Họ trông cậy vào “bánh hằng ngày” họ nhận được từ Ngài. Họ được trợ giúp bởi bạn bè và gia đình đầy lòng trắc ẩn và củng cố bởi các phước lành chức tư tế. Họ đã tiến đến gần với nhau hơn, sự hòa hợp của họ bây giờ có lẽ đã trở nên sâu đậm hơn và trọn vẹn hơn có thể nếu theo cách khác.

Vào ngày 23 tháng Bảy năm 1837, Chúa đã ban một điều mặc khải cho Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ lúc bấy giờ là Thomas B. Marsh. Điều mặc khải này bao gồm những điều sau đây:

“Và hãy cầu nguyện cho các anh em của ngươi trong Hội Đồng Mười Hai Vị. Hãy khiển trách họ nặng nề vì danh ta, và hãy để họ bị khiển trách về tất cả những tội lỗi của họ, và ngươi hãy trung thành với danh ta trước mắt ta.

“Và sau những cám dỗ, và nhiều khốn khó của họ, này, ta, là Chúa, sẽ tìm kiếm họ, và nếu họ không chai đá trong lòng, và không cứng cổ chống lại ta, thì họ sẽ được cải hóa, và ta sẽ chữa lành cho họ.”22

Tôi tin những nguyên tắc được bày tỏ trong các câu này cũng áp dụng cho tất cả chúng ta. Những cám dỗ và khổ cực chúng ta trải qua, cộng thêm những thử thách nào Chúa cảm thấy thích hợp để đặt lên chúng ta, có thể dẫn đến sự cải đạo hoàn chỉnh và sự chữa lành của chúng ta. Nhưng điều này xảy ra nếu, và chỉ nếu, chúng ta không chai đá trong lòng và cứng cổ chống lại Ngài. Nếu chúng ta đứng vững chắc và kiên trì, bất chấp điều gì sẽ đến, thì chúng ta sẽ đạt được sự cải đạo Đấng Cứu Rỗi đã định khi Ngài phán cùng Phi Ê Rơ: “Đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình,”23 một sự cải đạo hoàn chỉnh đến nỗi nó không thể bị phá vỡ. Sự chữa lành được hứa là sự thanh tẩy và thánh hóa của tâm hồn đầy thương tích của tội lỗi của chúng ta, làm cho chúng ta thánh thiện.

Tôi được nhắc nhở về lời khuyên dạy của các người mẹ của chúng ta: “Ăn rau đi, nó sẽ tốt cho con.” Mẹ của chúng ta đúng đấy, và trong văn cảnh của sự kiên trì trong đức tin, việc” ăn rau” chính là cầu nguyện luôn luôn, nuôi dưỡng thánh thư mỗi ngày, phục vụ và thờ phượng trong Giáo Hội, dự phần lễ Tiệc Thánh một cách xứng đáng mỗi tuần, yêu thương người lân cận của mình, và vác lên thánh giá của mình trong sự vâng lời Thượng Đế mỗi ngày.24

Hãy luôn nhớ lời hứa về những sự tốt lành sau này, cả bây giờ và về sau, dành cho những người vững chắc và kiên trì trong đức tin nơi Đấng Ky Tô. Hãy nhớ về “cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ.”25 “Hỡi tất cả những ai có tấm lòng thanh khiết, hãy ngẩng đầu lên nhận những lời êm ái của Thượng Đế và thụ hưởng tình thương của Ngài, vì nếu các anh em có tinh thần vững chắc thì các anh em sẽ hưởng được điều đó mãi mãi.”26 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.