Viện Giáo Lý
Bài học 5 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn


“Bài học 5 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 5 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 5 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn

Hình Ảnh
Joseph và Oliver đang phiên dịch Sách Mặc Môn

Trước khi Mô Rô Ni giấu biên sử của Nê Phi, ông đã tiên tri về sự xuất hiện của biên sử này vào những ngày sau: “Không ai đem được nó ra ánh sáng ngoại trừ người được Thượng Đế cho phép” (Mặc Môn 8:15). Hãy cân nhắc lý do tại sao Cha Thiên Thượng chọn một em thiếu niên nông dân ít học thức để phiên dịch và xuất bản một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhiều nhất trong thời đại của chúng ta.

Phần 1

Joseph Smith đã cho ra đời Sách Mặc Môn như thế nào qua quyền năng của Thượng Đế?

Một số sự kiện kỳ diệu đã xảy ra là một phần của sự ra đời của Sách Mặc Môn, cung cấp bằng chứng cho thấy sách được phiên dịch nhờ quyền năng của Thượng Đế (xin xem Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội Của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau, tập 1, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 [năm 2018], trang 21–30, trang 39–64).

Một thiên sứ đã phục sự cho Joseph Smith và nói cho ông biết về biên sử cổ xưa.

Vào tối ngày 21 tháng Chín năm 1823, thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith và nói cho ông biết rằng Thượng Đế có công việc giao cho ông thực hiện (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:33).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:34–35.

Hình Ảnh
Thiên sứ Mô Rô Ni Hiện Đến cùng Joseph Smith, tranh do Tom Lovell họa

Joseph Smith đã phiên dịch cuốn sách mặc dù còn trẻ và ít được học.

Joseph Smith được 17 tuổi khi thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng ông lần đầu tiên và khi ông nhìn thấy các bảng khắc bằng vàng lần đầu tiên. Từ năm 18 đến 21 tuổi, Mô Rô Ni đến thăm ông mỗi năm một lần và đưa cho ông “những lời chỉ dẫn và những tin tức liên quan tới những gì Chúa sắp làm” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:54). Vào năm 21 tuổi, Joseph được phép lấy các bảng khắc để phiên dịch. Vào năm 22 tuổi, ông đã phiên dịch được một phần các bảng khắc với người ghi chép là Martin Harris. (Bản thảo này gồm 116 trang, sau đó đã bị mất và không được phiên dịch lại.) Vào năm 23 tuổi, Joseph đã hoàn tất phần phiên dịch còn lại với người ghi chép là Oliver Cowdery và những người khác.

Emma Smith, vợ của Tiên Tri Joseph Smith, giải thích rằng: “[Vào thời điểm đó] Joseph Smith … không thể viết hay đọc cho chép một lá thư mạch lạc và trau chuốt; chứ chưa nói đến việc đọc cho chép một cuốn sách như Sách Mặc Môn. Dù vậy, tôi là người tham gia tích cực vào các cảnh tượng đã diễn ra, và có mặt trong quá trình phiên dịch các bảng khắc … điều đó thật tuyệt vời đối với tôi, “một điều kỳ diệu và một việc lạ lùng”, đối với bất kỳ ai khác. … Sách Mặc Môn có tính xác thật thiêng liêng—tôi chẳng có chút nghi ngờ nào về điều đó. (“Last Testimony of Sister Emma,” The Saints’ Herald, ngày 1 tháng Mười, năm 1879, trang 290).

Joseph Smith đã hoàn thành bản phiên dịch trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn.

Người ta ước tính rằng Joseph Smith đã hoàn tất bản phiên dịch trong “sáu mươi lăm ngày làm việc hoặc ít hơn”, phiên dịch một cuốn sách “có 531 trang trong ấn bản hiện tại. Tính trung bình là 8 trang mỗi ngày. Hãy suy ngẫm điều này khi các em phiên dịch một quyển sách, hay khi các em lên lịch cho bản thân để đọc Sách Mặc Môn” (Russell M. Nelson, “A Treasured Testament,” Ensign, tháng Bảy năm 1993, trang 61–62).

Joseph Smith đã phiên dịch mà không có ghi chú và không xem lại bản thảo.

Hình Ảnh
Emma Phụ Giúp Phiên Dịch

Emma đã mô tả quá trình phiên dịch cho con trai bà, Joseph Smith III, ngay trước khi bà qua đời vào năm 1879:

[Mẹ] tin rằng Giáo Hội đã được thành lập theo sự hướng dẫn thiêng liêng. Mẹ hoàn toàn tin vào điều đó. …

[Joseph] đã không hề có bản thảo hay sách để đọc [trong khi phiên dịch]. …

Nếu cha con có bất cứ thứ gì như thế, thì ông ấy cũng không thể giấu kín nó với mẹ được. …

Các bảng khắc thường được đặt lên trên bàn mà ông không hề cố gắng che giấu, chúng được bọc trong một tấm khăn trải bàn bằng vải lanh nhỏ do mẹ đưa cho ông. Có một lần mẹ đã chạm vào các bảng khắc, trong khi chúng nằm trên bàn, mẹ lần theo đường nét và hình dạng của chúng. Chúng dễ uốn như tờ giấy dày, và phát tiếng sột soạt của kim loại [sic] khi dùng ngón cái nâng phần rìa của các trang sách, giống như người ta hay dùng ngón cái miết lên rìa của một quyển sách. …

Mẹ hài lòng khi không có một người nào có thể đọc được cho người khác viết ra các bản thảo trừ phi người ấy được soi dẫn; vì, khi mẹ làm người ghi chép cho ông, cha của con thường đọc cho mẹ chép hết giờ này qua giờ khác; và lúc trở lại sau khi ăn, hay sau khi bị gián đoạn, ông thường bắt đầu ngay nơi ông đã ngừng lại, mà không xem lại bản thảo hoặc yêu cầu đọc lại cho ông bất cứ phần nào. Đây là việc làm bình thường đối với ông. Một người có học thức có lẽ không thể nào làm được việc đó; và đối với một người ít học và thiếu hiểu biết như ông, thì việc đó đơn giản là bất khả thi. (Emma Smith, trong “Last Testimony of Sister Emma,” The Saints’ Herald, ngày 1 tháng Mười, năm 1879, trang 289-90)

Joseph Smith đã được cung cấp các công cụ để giúp ông phiên dịch.

Joseph không phiên dịch Sách Mặc Môn theo cách truyền thống. Ông đã không biết ngôn ngữ gốc của các bảng khắc, và rồi dịch ngôn ngữ đó sang tiếng Anh. Thay vào đó, ông đưa văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác qua sự mặc khải—“nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 135:3).

Joseph và những người ghi chép của ông viết về hai công cụ được sử dụng trong quá trình phiên dịch Sách Mặc Môn. Một công cụ, được gọi trong Sách Mặc Môn là “dụng cụ phiên dịch” (Mô Si A 8:13), được Các Thánh Hữu Ngày Sau biết đến nhiều hơn ngày nay với cái tên là “U Rim và Thu Mim” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:35). Oliver Cowdery tuyên bố rằng bằng cách “nhìn qua” U Rim và Thu Mim, Joseph “có thể đọc bằng tiếng Anh, những chữ Ai Cập cải cách được khắc lên trên các bảng khắc” (“Book of Mormon Translation,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).

Một số bài tường thuật sau đó cho thấy đôi khi Joseph sử dụng một công cụ khác để phiên dịch Sách Mặc Môn. Dụng cụ này là một viên đá nhỏ hình bầu dục, được gọi là hòn đá tiên kiến, mà Joseph đã khám phá ra vài năm trước khi ông nhận được các bảng khắc bằng vàng. Theo những bài tường thuật này, Joseph đã để dụng cụ phiên dịch hay hòn đá tiên kiến trong một cái mũ để ngăn ánh sáng ra vào, cho phép ông nhìn thấy rõ hơn các từ hiện trên dụng cụ. (Xin xem “Book of Mormon Translation,” topics.ChurchofJesusChrist.org; xin xem thêm Richard E. Turley Jr., Robin S. Jensen, và Mark Ashurst-McGee, “Joseph Vị Tiên Kiến,” Liahona, tháng Mười năm 2015, trang 51.)

Hơn một năm sau khi Sách Mặc Môn được xuất bản, Joseph được mời chia sẻ một số chi tiết cụ thể về sự ra đời của Sách Mặc Môn trong một cuộc họp. Biên bản cuộc họp cho biết rằng ông “nói rằng ông không có ý định cho thế gian biết tất cả những chi tiết về sự ra đời của Sách Mặc Môn” và rằng “không thích hợp đối với ông để chia sẻ những điều này” (“Biên Bản, tháng Mười, trang 25–26, năm 1831,” trong Sổ Biên Bản số 2, 13, josephsmithpapers.org).

Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:

Nhiều người đọc Sách Mặc Môn hiển nhiên đã mong muốn biết thêm về sự ra đời của sách này, kể cả tiến trình phiên dịch thật sự. … Điều chúng ta biết được về sự ra đời thật sự của Sách Mặc Môn là đầy đủ nhưng không bao quát. …

… Có lẽ các chi tiết của công việc phiên dịch được giữ lại … cũng vì có ý định để cho chúng ta đắm mình vào trong nội dung của cuốn sách thay vì trở nên quan tâm quá nhiều đến tiến trình mà chúng ta nhận được sách đó. (Neal A. Maxwell, “By the Gift and Power of God,” Ensign, tháng Một năm 1997, trang 39, 41)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tại sao các em nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến “nội dung của cuốn sách” hơn là “tiến trình mà chúng ta nhận được sách đó”?

Phần 2

Làm thế nào chứng ngôn của các nhân chứng Sách Mặc Môn cung cấp thêm bằng chứng về lẽ trung thực của sách?

Hình Ảnh
Joseph và Ba Nhân Chứng đang cầu nguyện

Trong khi phiên dịch Sách Mặc Môn, Joseph Smith và Oliver Cowdery đã học được rằng Chúa sẽ cho ba nhân chứng đặc biệt thấy các bảng khắc (xin xem Ê The 5:2–4). Oliver Cowdery, David Whitmer và Martin Harris được “thúc đẩy bởi một ước muốn đầy soi dẫn là muốn làm ba nhân chứng đặc biệt” (Giáo Lý và Giao Ước 17, đầu đề của phần).

Vào tháng Sáu năm 1829, Oliver, David và Martin đã được cho xem những tấm bảng khắc trong một cách kỳ diệu. Họ làm chứng rằng “một vị thiên sứ của Thượng Đế đã từ trên trời hiện xuống và trải ra trước mắt chúng tôi, khiến chúng tôi trông thấy những bảng khắc, và những hình chạm trổ trên đó” (“Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng”, Sách Mặc Môn).

Ngay sau khi Ba Nhân Chứng có kinh nghiệm với thiên sứ, Joseph Smith trở về nhà Whitmer và thốt lên với cha mẹ của mình: “Cha, mẹ ơi; cha mẹ không biết con hạnh phúc [như thế nào]; Chúa đã cho thêm ba người nữa ngoài bản thân con xem các bảng khắc—họ đã nhìn thấy một thiên sứ, người đã làm chứng cho họ; và họ sẽ phải làm chứng cho lẽ thật của những gì con đã nói; và bây giờ họ tự biết rằng con không lừa gạt mọi người. Và con cảm thấy như mình đã trút được một gánh nặng, gần như là [quá] nặng đối với con; và lòng con vui sướng vì con không còn cô đơn một mình trên thế gian nữa.” (“Lucy Mack Smith, Lịch Sử, năm 1845,” trang 153–54, josephsmithpapers.org)

Sau đó, Joseph đã cho thêm tám nhân chứng khác xem các bảng khắc. Họ tuyên bố rằng “chúng tôi đã sờ tận tay vào [các bảng khắc] và chúng tôi cũng đã thấy những hình chạm trổ trên các bảng khắc ấy, … và biết chắc chắn rằng [Joseph Smith] đã nhận được những bảng khắc nói trên” (“Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng”, Sách Mặc Môn).

Mặc dù sự khác biệt với Joseph Smith mà đã khiến riêng mỗi người trong Ba Nhân Chứng chia tay với Giáo Hội ([Oliver] Cowdery và [Martin] Harris sau đó trở lại), họ vẫn tiếp tục khẳng định chứng ngôn của họ với tư cách là nhân chứng trong suốt cuộc đời họ. Mỗi người trong số Tám Nhân Chứng cũng xác nhận lại lời chứng của mình về việc xem xét các bảng khắc, mặc dù một số người cuối cùng đã bị khai trừ khỏi Giáo hội. Trọng lượng kết hợp của nhiều lời tuyên bố có trong nhiều năm và bất chấp thái độ thay đổi của họ đối với Joseph Smith và Giáo Hội, là một lời chứng mạnh mẽ về mức độ tin cậy của các lời tuyên bố mà họ đã xuất bản trong Sách Mặc Môn. (“Witnesses of the Book of Mormon,” Church History Topics, ChurchofJesusChrist.org)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Các Em

Ghi lại những kinh nghiệm nào của các em đã giúp các em tiến đến việc biết về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn. Nếu các em chọn, các em sẽ có cơ hội chia sẻ lời chứng của riêng các em trong khi học trên lớp.