Viện Giáo Lý
Bài học 11 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên


“Bài học 11 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 11 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 11 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên

Chúa Giê Su Ky Tô đã hứa sẽ quy tụ dân Ngài trong những ngày sau cùng (xin xem 3 Nê Phi 21:22–29). Bài học này được thiết kế để giúp học viên hiểu rõ hơn vai trò của họ trong việc giúp Chúa quy tụ Y Sơ Ra Ên. Bài học này cũng sẽ giúp học viên lên kế hoạch về cách thức họ sẽ tham gia trọn vẹn hơn vào việc quy tụ này.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa đã truyền lệnh cho Các Thánh Hữu của Ngài quy tụ.

Trưng bày bức hình sau đây và mời một học viên đọc to Giáo Lý và Giao Ước 29:1–2.

Hình Ảnh
How Many Times (Bao Nhiêu Lần), tranh do Liz Lemon họa
  • Hình ảnh trong các câu này có thể dạy cho chúng ta điều gì về Đấng Cứu Rỗi? Chúa Giê Su Ky Tô muốn làm gì cho dân Ngài?

Nêu lên từ “đã chuộc tội” trong câu 1. Giải thích rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng “trong tiếng Hê Bơ Rơ, từ cơ bản cho sự chuộc tội là kaphar, là một động từ có nghĩa là ‘bao phủ’” (“The Atonement,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 34).

  • Theo như câu 2, dân nào của Chúa mà Ngài muốn quy tụ và bao phủ bằng vòng tay thương xót của Ngài?

Giải thích rằng Kinh Thánh, Sách Mặc Môn và một số điều mặc khải được ban cho Joseph Smith đều dạy rằng Chúa sẽ quy tụ dân Ngài, dân Y Sơ Ra Ên đã bị phân tán, trong những ngày sau cùng (xin xem Ê Xê Chi Ên 28:25; 2 Nê Phi 10:8; Giáo Lý và Giao Ước 33:6).

Mời học viên giải thích những điều họ hiểu được về sự quy tụ của dân Y Sơ Ra Ên. (Khuyến khích học viên tham khảo phần 1 của tài liệu chuẩn bị.) Anh chị em có thể hỏi những câu hỏi như sau đây để giúp làm sâu sắc thêm bài thảo luận:

  • Tại sao học viên nghĩ Chủ Tịch Nelson gọi sự quy tụ là “thử thách gay go nhất, chính nghĩa lớn nhất và công việc vĩ đại nhất trên thế gian ngày nay”? (“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], phụ bản của tạp chí EnsignNew Era, trang 8, ChurchofJesusChrist.org; chữ in nghiêng trong bản gốc).

  • Chúng ta có thể học được gì về Chúa và thiên tính của Ngài qua sự phân tán và sự quy tụ những người lập giao ước với Ngài?

  • Vì một số lý do nào mà Chúa muốn Các Thánh Hữu quy tụ lại với nhau?

Giải thích rằng vào tháng Mười Hai năm 1830, Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải truyền lệnh cho Các Thánh Hữu di chuyển đến Ohio (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 37:1–3). Trong một đại hội của Giáo Hội vào tháng Một năm 1831, Joseph đã nhận thêm một điều mặc khải giải thích lý do tại sao Chúa truyền lệnh cho Các Thánh Hữu quy tụ và và giải thích về các phước lành đã được hứa khi làm như vậy.

Mời cả lớp đọc Giáo Lý và Giao Ước 38:28, 31–33, tìm kiếm những cách thức mà Các Thánh Hữu sẽ được ban phước nếu họ tuân theo các lệnh truyền để quy tụ đến Ohio. Mời học viên chia sẻ điều họ khám phá được.

Anh chị em có thể nhấn mạnh lẽ thật sau đây: Chúa quy tụ dân của Ngài để bảo vệ họ và để củng cố họ về mặt thuộc linh.

  • Làm thế nào mà việc quy tụ lại với nhau ngày nay trong các tiểu giáo khu, giáo khu và đền thờ giúp chúng ta có thể nhận được sự bảo vệ và sức mạnh thuộc linh từ Chúa?

  • Học viên đã kinh nghiệm được những loại bảo vệ nào khi quy tụ với Các Thánh Hữu khác?

Chúa kêu gọi và giúp các tôi tớ của Ngài quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Hãy nhắc lại bức hình gà mái quy tụ gà con dưới đôi cánh của mình. Cho học viên xem lẽ thật sau đây: Chúa đã kêu gọi chúng ta và sẽ giúp chúng ta quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 29:4–784:86–88, tìm kiếm các cách Chúa sẽ giúp chúng ta khi chúng ta phụ giúp trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên. Yêu cầu học viên chia sẻ điều họ tìm thấy.

Để lấy ví dụ về cách Chúa sẽ giúp chúng ta quy tụ Y Sơ Ra Ên, mời học viên thuật lại hoặc cùng đọc câu chuyện về công việc truyền giáo của Heber C. Kimball đến nước Anh được tìm thấy trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Việc này có thể thực hiện trong những nhóm nhỏ. Mời từng nhóm (hoặc cả lớp) cùng thảo luận các câu hỏi sau đây khi ôn lại câu chuyện của Anh Cả Kimball:

  • Tôi có thể học được gì từ kinh nghiệm của Heber C. Kimball để tôi có thể tin tưởng hơn khi giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên qua việc chia sẻ phúc âm với những người khác?

  • Tôi đã cảm thấy sự giúp đỡ của Chúa vào lúc nào trong việc rao giảng phúc âm?

  • Tôi có thể làm gì để thực hành đức tin và chia sẻ phúc âm nhiều hơn với những người khác?

Trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời học viên đọc lời phát biểu và sau đó chia sẻ cách thức họ đã chia sẻ sứ điệp phúc âm với những người khác bằng những cách thức hiệu quả nhưng tự nhiên.

Dù anh chị em ở đâu trên thế giới này, thì đều có rất nhiều cơ hội để chia sẻ tin lành về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người mình gặp, học cùng và sống cùng, hoặc làm việc và giao du cùng. … Có nhiều cách thức bình thường và tự nhiên để làm điều này. (Dieter F. Uchtdorf, “Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 15, 17)

Chúng ta có thể tham gia vào công việc kỳ diệu là quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Cho xem lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Nelson và mời một học viên đọc to đoạn đó:

Bất cứ lúc nào các em làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là các em đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. (Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên”, trang 15; chữ in nghiêng trong bản gốc)

  • Dựa trên những lời giảng dạy của Chủ Tịch Nelson, chúng ta có thể làm gì khác để giúp Chúa quy tụ Y Sơ Ra Ên? (Giúp học viên nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: Chúng ta quy tụ Y Sơ Ra Ên khi chúng ta giúp con cái của Thượng Đế tiến gần hơn đến việc lập và tuân giữ giao ước với Ngài.)

Xin lưu ý: Học viên sẽ có thể thảo luận thêm về việc quy tụ Y Sơ Ra Ên qua công việc lịch sử gia đình và sự phục vụ trong đền thờ trong bài học 19, “Sự Cứu Chuộc Người Chết.”

Mời học viên nhận ra một vài cách thức cụ thể họ có thể giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Liệt kê lên trên bảng những câu trả lời của họ. Anh chị em có thể yêu cầu học viên chia sẻ các kinh nghiệm họ đã có liên quan đến các mục trong bản liệt kê.

Cho học viên thời gian để suy ngẫm câu hỏi sau đây trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị và viết một mục tiêu mà họ cảm thấy có thể hoàn thành. Họ có thể muốn lập kế hoạch để hành động theo các mục tiêu của mình với một người bạn hoặc một nhóm trong lớp. Anh chị em cũng có thể hỏi một số học viên xem họ có sẵn lòng báo cáo lại kinh nghiệm của họ trong một cuộc thảo luận trong tương lai không.

  • Học viên sẽ làm gì trong những ngày và tuần tới để tham gia tích cực hơn vào việc quy tụ Y Sơ Ra Ên?

Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Chúa đang quy tụ Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau. Hãy cam đoan với học viên về sự bảo vệ và sức mạnh Thượng Đế sẽ ban cho họ khi họ quy tụ với Các Thánh Hữu khác và khi họ giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Cho Buổi Học Lần Sau

Giải thích rằng việc quy tụ Y Sơ Ra Ên có liên quan chặt chẽ đến công việc của Chúa trong việc thiết lập Si Ôn trên thế gian để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Mời học viên học các tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau và sẵn sàng thảo luận Si Ôn là gì và những phước lành đến từ việc giúp thiết lập Si Ôn trong nhà và giáo khu của họ.