Viện Giáo Lý
Bài học 3 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh


“Bài học 3 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 3 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 3 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh

Hình Ảnh
thiếu niên đang xem điện thoại

Đôi khi chúng ta có thể khám phá ra các thông tin mới làm chúng ta ngạc nhiên hoặc có thắc mắc về giáo lý, những lối thực hành hoặc lịch sử của Giáo Hội. Cách các em đặt câu hỏi của mình và nơi các em tìm kiếm câu trả lời có thể củng cố hoặc làm suy yếu đức tin của các em. Khi các em học cách đạt được sự hiểu biết thuộc linh, hãy xác định các nguyên tắc có thể giúp ích khi các em tìm kiếm câu trả lời theo cách của Chúa.

Phần 1

Đặt câu hỏi về Giáo Hội có được không?

Thánh thư nhiều lần khuyến khích chúng ta đặt câu hỏi với Thượng Đế (xin xem Gia Cơ 1:5; Giáo Lý và Giao Ước 88:63). Khi phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy:

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta là những người thích đặt câu hỏi. Chúng ta luôn là những người thích đặt câu hỏi, vì chúng ta biết rằng câu hỏi đưa đến lẽ thật. Đó là cách mà Giáo Hội bắt đầu, từ một thiếu niên có những câu hỏi. Thật ra, tôi không chắc một người có thể khám phá ra lẽ thật như thế nào nếu không đặt ra những câu hỏi. … Việc đặt ra câu hỏi là điểm khởi đầu của chứng ngôn. … Việc đặt ra câu hỏi không phải là một dấu hiệu của sự yếu kém. Đó là tiền thân của sự tăng trưởng. (“Hình Ảnh Phản Chiếu trong Nước,” Buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội [ngày 1 tháng Mười Một năm 2009], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô vui thích khi ban cho chúng ta sự hiểu biết và tình yêu thương. Chúng ta tăng trưởng về phần thuộc linh khi đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời với lòng chân thành và đức tin. Hãy nhớ rằng vì Chúa giúp chúng ta học cách có đức tin nơi Ngài, Ngài có thể không cung cấp mọi câu trả lời cho tất cả các câu hỏi chúng ta có trong cuộc sống này. Thật ra, chúng ta không cần phải tìm câu trả lời cho mọi câu hỏi để nhận được một chứng ngôn và đứng lên làm nhân chứng về lẽ thật. Nhưng việc hỏi những câu hỏi chân thành có thể giúp chúng ta tiếp tục học hỏi và tăng trưởng.

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Các Em

Hãy viết một số câu hỏi mà các em đã nghe hoặc các em có về tôn giáo, thuộc linh, phúc âm hoặc Giáo Hội vào chỗ trống.

Học viên: Gửi một hoặc hai trong số những câu hỏi này qua tin nhắn hoặc email cho giảng viên của viện giáo lý của các em. Giảng viên sẽ giữ ẩn danh cho các câu hỏi của các em nhưng có thể sử dụng các câu hỏi đó trong lớp để tập tìm câu trả lời theo cách của Chúa. Những câu hỏi này cũng sẽ giúp giảng viên của các em hiểu rõ hơn về mối quan tâm của các em và cách giải quyết những mối quan tâm đó trong suốt khóa học. Khi các em tiếp tục học, hãy tìm kiếm các nguyên tắc mà có thể dạy cho các em cách tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi hóc búa.

Phần 2

Chúa muốn tôi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi và đạt được sự hiểu biết thuộc linh như thế nào?

Các nguyên tắc sau đây có thể giúp các em tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi và giải quyết các mối quan tâm theo cách của Chúa:

  1. Hành động với đức tin.

  2. Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu.

  3. Tìm cách hiểu biết thêm qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định.

Khi các em nghiên cứu những nguyên tắc đạt được sự hiểu biết thuộc linh dưới đây, hãy xem xét việc đánh dấu các lời phát biểu hoặc các điểm quan trọng nổi bật với các em để các em có thể chia sẻ với lớp và tham khảo sau này.

Hành Động theo Đức Tin

Đức tin bắt đầu với niềm tin rằng Thượng Đế hằng sống, Ngài biết tất cả mọi điều và là nguồn gốc của tất cả mọi lẽ thật. Chúng ta hành động bằng đức tin khi chọn tin cậy Thượng Đế và tìm đến Ngài qua lời cầu nguyện chân thành, học hỏi những lời giảng dạy của Ngài và tuân theo các lệnh truyền của Ngài. Chúa yêu cầu “chúng ta đừng nghi ngờ mà hãy vững tin” (Mặc Môn 9:27). Khi chúng ta thiết lập một mẫu mực hành động với đức tin trong cuộc sống hằng ngày của mình, chúng ta xây đắp một nền tảng vững chắc dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô, đảm bảo rằng chúng ta sẽ luôn vững mạnh, ngay cả khi chúng ta đối mặt với những câu hỏi hoặc thử thách khó khăn (xin xem Hê La Man 5:12).

Khi các em gặp phải thông tin hoặc những lời khẳng định mà các em không hiểu hoặc thách thức niềm tin của các em, các em không cần phải nghi ngờ về chứng ngôn hoặc kinh nghiệm thuộc linh trong quá khứ của mình. Trong những lúc như vậy, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã khuyên bảo: “Đừng hoảng loạn và rút lui. Đừng đánh mất lòng tin của các anh chị em. Đừng quên điều các anh chị em đã từng cảm thấy. Đừng mất lòng tin vào [những] kinh nghiệm [thuộc linh] mà các anh chị em [từng] có” (“Remember How You Felt,” New Era, tháng Tám năm 2004, trang 6). Thay vào đó, “hãy bám chặt vào điều mà các anh chị em đã biết và đứng vững cho đến khi hiểu biết thêm” (Jeffrey R. Holland, “Thưa Chúa, Tôi Tin”, Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 94).

Khi các em “bám chặt vào điều mà các [anh chị] em đã biết”, hãy nhớ thái độ và ý định khi đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời mà sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng của các em để học hỏi từ Đức Thánh Linh. Quá trình này đòi hỏi sự khiêm nhường, chân thành và ý định thực sự để hành động theo lẽ thật mà chúng ta nhận được từ Chúa.

Hình Ảnh
Let Him Ask of God (Hãy Cầu Xin Đức Chúa Trời), tranh của John McNaughton

Khi Joseph Smith phải đối mặt với một tình trạng tôn giáo đầy dẫy “sự tranh chấp và sự hỗn loạn giữa các giáo phái” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:8), ông đã có thể dễ dàng nản lòng, lòng đầy nghi ngờ và “ở mãi trong tình trạng tối tăm và hoang mang” (câu 13). Thay vào đó, ông tìm kiếm các thánh thư và có ấn tượng sâu sắc với thông điệp có trong Gia Cơ 1:5 để “cầu xin Đức Chúa Trời.” Hành động theo đức tin, ông đã đi vào khu rừng và “[quỳ] xuống và bắt đầu dâng lên Thượng Đế những ước muốn của lòng [ông]” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:15). Lời cầu nguyện chân thành của ông đã được trả lời bằng một khải tượng thiêng liêng. Ông rời khỏi khu rừng “vừa khám phá ra” câu trả lời cho câu hỏi của mình (câu 20).

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về một trong những câu hỏi mà các em đã ghi lại trước đó. Làm thế nào các em hoặc người khác có câu hỏi này hành động với đức tin trong khi tìm kiếm những câu trả lời và hướng dẫn thêm?

Xem Xét Các Khái Niệm và Câu Hỏi bằng một Quan Điểm Vĩnh Cửu

Để xem xét các khái niệm, những câu hỏi về giáo lý, và các vấn đề xã hội bằng một quan điểm vĩnh cửu, chúng ta cân nhắc chúng theo bối cảnh của kế hoạch cứu rỗi và những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để nhìn những sự việc giống như Chúa nhìn chúng (xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:5, 9-11). Cách tiếp cận này giúp chúng ta nhìn mọi thứ từ quan điểm của Chúa chứ không phải từ quan điểm của thế gian. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách đặt những câu hỏi như “Tôi đã biết gì về Cha Thiên Thượng, kế hoạch của Ngài, và cách Ngài ứng xử với con cái của Ngài?” và “Những điều giảng dạy nào về phúc âm liên quan đến hoặc làm sáng tỏ khái niệm hay vấn đề này?”

Những câu hỏi liên quan đến các sự kiện lịch sử nên được xem xét với một quan điểm vĩnh cửu. Điều đó cũng có thể giúp xem xét các câu hỏi lịch sử trong bối cảnh lịch sử thích hợp bằng cách suy xét nền văn hóa và các tiêu chuẩn của thời kỳ đó thay vì áp đặt các quan điểm và thái độ hiện nay. Ví dụ, nếu các em phát hiện ra một tổ tiên từ những năm 1800 kết hôn ở tuổi 14 hoặc 15, các em có thể xem đó là một cuộc hôn nhân cực kỳ sớm trừ khi các em hiểu rằng trong thời kỳ đó, điều đó không phải là bất thường.

Điều quan trọng là phải nhớ rằng các chi tiết lịch sử không mang quyền năng cứu rỗi của các giáo lễ, các giao ước, và giáo lý. Việc bị xao lãng bởi các chi tiết ít quan trọng hơn vì thiếu phép lạ đang xảy ra của Sự Phục Hồi thì cũng giống như việc mất thời giờ để phân tích một hộp quà tặng mà bỏ qua vẻ tuyệt vời của chính món quà đó.

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Các Em

Tìm Kiếm Thêm Sự Hiểu Biết qua Các Nguồn Phương Tiện Thiêng Liêng Đã Được Thượng Đế Quy Định

Hãy tưởng tượng rằng một người lạ đã buộc tội một trong những người thân yêu của các em là đã làm điều gì đó sai trái. Làm thế nào các em nhận ra được là liệu họ có nói sự thật hay không hay họ có bị lừa gạt không? Điều nguy hiểm sẽ là gì khi tin người lạ mà không điều tra thêm về vấn đề?

Hình Ảnh
màn hình điện thoại hiển thị Google

Qua mạng Internet, chúng ta có quyền truy cập vào thông tin bổ ích, là điều chưa từng xảy ra trước đây. Đồng thời, chúng ta đứng trước sự tấn công của thông tin không đáng tin cậy từ Internet. Vì Internet không tự động lọc ra thông tin sai lệch, lừa đảo hoặc thông tin sai cho chúng ta, chúng ta phải tự lọc thông tin. Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cảnh báo: “Chúng ta cần phải thận trọng khi tìm kiếm lẽ thật và chọn nguồn thông tin” (“Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 25).

Là một phần của tiến trình quy định của Chúa để nhận được sự hiểu biết thuộc linh, Ngài đã thiết lập các nguồn phương tiện mà qua đó Ngài mặc khải lẽ thật và sự hướng dẫn cho con cái của Ngài. Những nguồn phương tiện thiêng liêng đã được quy định này gồm có ánh sáng của Đấng Ky Tô, Đức Thánh Linh, thánh thư, các vị lãnh đạo Giáo Hội và những người đáng tin cậy trong gia đình. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ—các vị tiên tri của Chúa trên thế gian ngày nay—là một nguồn lẽ thật quan trọng. Chúa đã chọn và sắc phong những người này để nói thay cho Ngài.

Chúng ta cũng có thể học được lẽ thật qua các nguồn phương tiện đáng tin cậy khác. Tuy nhiên, những người chân thành tìm kiếm lẽ thật nên thận trọng với các nguồn thông tin không đáng tin cậy. Việc học cách nhận ra và tránh các nguồn thông tin không đáng tin cậy có thể bảo vệ chúng ta khỏi thông tin sai lạc và khỏi những người tìm cách hủy diệt đức tin. Các câu hỏi và những hướng dẫn sau đây có thể giúp ích khi các em xác định mức độ tin cậy của nguồn tài liệu:

Câu Hỏi để Đánh Giá Các Nguồn Tài Liệu

  1. Trình độ, ý định và thành kiến có thể có của tác giả là gì?

    Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy rằng chúng ta cần phải “thận trọng về động cơ của người cung cấp thông tin. … Quyết định cá nhân của chúng ta cần phải dựa trên thông tin từ những nguồn gốc thích hợp với lĩnh vực đó và không có động cơ ích kỷ. (Dallin H. Oaks, “Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 25).

  2. Mối liên kết chặt chẽ giữa tác giả với các sự kiện được mô tả như thế nào?

    Khi một nguồn tài liệu đề cập đến một điều gì đó từ lịch sử Giáo Hội, hãy tự hỏi nguồn tài liệu đó bị loại bỏ cách sự kiện đang thảo luận bao xa. Những câu chuyện dựa trên lời tường thuật gián tiếp qua người thứ hai hoặc thứ ba thường ít đáng tin cậy hơn.

  3. Tác giả có cố tình bỏ qua bằng chứng có sẵn để đánh lừa không?

    Một số tác giả cố tình bỏ các sự kiện quan trọng và bỏ qua bằng chứng quan trọng để hỗ trợ quan điểm cụ thể của họ.

  4. Những điều giảng dạy và sự kiện được đề cập trong nguồn tài liệu này có được trình bày trong ngữ cảnh thích hợp về thời gian, địa điểm và hoàn cảnh không?

    Một số lời giảng dạy và sự kiện lịch sử có thể trở nên khó hiểu khi bị đưa ra khỏi bối cảnh về thời gian và địa điểm. Bối cảnh lịch sử cũng bao gồm các sự kiện khác xảy ra vào những thời điểm (như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và các phong trào chính trị xã hội), văn hóa và dân số của một thời điểm và bối cảnh nhất định.

  5. Những lời giảng dạy và sự kiện đó có được hỗ trợ bởi các nguồn tài liệu bổ sung đáng tin cậy không?

    Sự hỗ trợ từ các nguồn tài liệu đáng tin cậy khác giúp thiết lập tính chính xác của giáo lý và các sự kiện lịch sử.

Câu Hỏi để Đánh Giá Các Nguồn Tài Liệu

Hình Ảnh
Giấy phát tay Câu Hỏi để Đánh Giá Các Nguồn Tài Liệu
Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Dành vài phút để tìm kiếm trang mạng của Giáo Hội, Thư Viện Phúc Âm hoặc thánh thư cho các nguồn tài liệu có thể giúp các em hoặc ai đó mà các em biết để tìm hiểu thêm về các câu hỏi mà các em đã ghi lại trước đó. Suy ngẫm về vai trò của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của chính các em khi các em đánh giá các nguồn tài liệu và tìm kiếm lẽ thật.