Các Tài Liệu và Giờ Chia Sẻ dành cho Hội Thiếu Nhi
Tháng Ba: Chúa Giê Su Ky Tô Là Đấng Cứu Rỗi của Chúng Ta


Tháng Ba

Chúa Giê Su Ky Tô Là Đấng Cứu Rỗi của Chúng Ta

“Các ngươi hãy lắng nghe những lời này. Này, ta là Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của thế gian” (GLGƯ 43:34).

Hãy bổ sung những ý kiến đã được đưa ra ở đây với một số ý kiến riêng của các anh chị em. Mỗi tuần, hãy hoạch định những cách để (1) nhận ra giáo lý, (2) giúp các em hiểu giáo lý đó, và (3) giúp chúng áp dụng giáo lý đó vào cuộc sống của chúng. Hãy tự hỏi: “Các em trong lớp học của mình sẽ làm gì để học hỏi và làm thế nào tôi có thể giúp chúng cảm nhận được Thánh Linh?”

Tuần Lễ thứ nhất: Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy phúc âm và nêu gương cho chúng ta.

Nhận ra giáo lý: Mời nhiều em khác nhau chọn một động tác để làm. Bảo các em khác làm theo động tác của chúng. Giải thích rằng khi làm theo động tác của một người khác, thì chúng ta đang noi theo gương của người ấy. Hỏi ai đang nêu một tấm gương hoàn hảo để chúng ta noi theo (Chúa Giê Su Ky Tô). Mời các em cùng nói: “Chúa Giê Su Ky Tô nêu gương cho chúng ta.”

Khuyến khích sự hiểu biết (đọc thánh thư): Đặt các tấm hình về những sự kiện sau đây lên trên bảng: Đấng Ky Tô chịu phép báp têm, Đấng Ky Tô với các trẻ em, Đấng Ky Tô cầu nguyện, và Đấng Ky Tô giảng dạy. Cùng đọc chung với nhau một trong số các câu thánh thư sau đây, và yêu cầu các em giải thích điều mà Đấng Ky Tô đang giảng dạy trong câu thánh thư đó: Mác 16:15; Giăng 13:34–35; 3 Nê Phi 11:37; 3 Nê Phi 18:19. Từ từ chỉ vào mỗi tấm hình và mời các em đứng lên khi các anh chị em chỉ tới tấm hình nào mô tả đúng nhất việc Đấng Ky Tô đang làm điều mà Ngài đã dạy chúng ta phải làm trong câu thánh thư các anh chị em đã đọc. Lặp lại với các câu thánh thư còn lại.

Hình Ảnh
giảng viên đang chỉ vào các tấm hình

Trẻ em thường tỏ ra tôn kính hơn khi chúng tham gia học hỏi. Trong sinh hoạt này, việc bảo các em đứng lên và ngồi xuống một cách nghiêm trang sẽ giúp chúng tập trung chú ý.

Khuyến khích sự áp dụng (vẽ hình): Đưa cho mỗi em một tờ giấy, và mời chúng vẽ hình chúng đang noi theo gương của Đấng Ky Tô. Ví dụ, một đứa trẻ có thể vẽ hình mình đang chịu phép báp têm, giảng dạy phúc âm cho một người bạn, hoặc giúp đỡ một người khác. Mời một vài em chia sẻ hình của chúng với các em khác, và khuyến khích chúng chia sẻ hình vẽ của chúng với gia đình chúng.

Tuần Lễ thứ 2: Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô nên tôi có thể hối cải và sống với Thượng Đế một lần nữa.

Nhận ra giáo lý (điền vào khoảng trống): Trước giờ học của Hội Thiếu Nhi, hãy viết lên trên bảng, “Nhờ vào _____________________ của Đấng Ky Tô, nên tôi có thể ________________ và sống với ________________ một lần nữa.” Hãy viết những từ Sự Chuộc Tội, hối cải,Thượng Đế lên trên các mảnh giấy rời có ghi chữ và dán chúng ở bên dưới ba cái ghế trong phòng. Mời các em tìm ra những mảnh giấy có ghi chữ và đặt chúng lên trên bảng theo đúng chỗ. Cùng đọc câu đó với nhau.

Khuyến khích sự hiểu biết (đọc thánh thư và trả lời các câu hỏi): Đặt hình của Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và Chúa Bị Đóng Đinh lên trên bảng. Che các tấm hình lại với một vài mảnh giấy nhỏ hơn. Hãy viết lên trên mỗi tờ giấy một câu hỏi về sự kiện trong các tấm hình và một câu thánh thư tham khảo từ Ma Thi Ơ 26–27 hoặc Lu Ca 22–23 là những chỗ có thể tìm ra câu trả lời. (Ví dụ: Nơi Chúa Giê Su đi cầu nguyện có tên là gì? Ma Thi Ơ 26:36). Chia các em ra thành các nhóm và yêu cầu mỗi nhóm tra tìm một câu thánh thư và tìm ra câu trả lời cho câu hỏi. Bảo các nhóm chia sẻ các câu trả lời cho câu hỏi của mình và gỡ bỏ các tờ giấy tương ứng để cho thấy các tấm hình.

Hình Ảnh
trẻ em đang đọc thánh thư

Để thích nghi với các sinh hoạt đọc thánh thư cho các em nhỏ hơn, hãy yêu cầu chúng lắng nghe trong khi các anh chị em đọc và rồi đứng lên khi chúng nghe một từ hay cụm từ cụ thể.

Khuyến khích sự áp dụng (thấy một bài học với đồ vật): Thảo luận với các em về ý nghĩa của các từ Sự Chuộc Tộisự hối cải, và giải thích cách mà Sự Chuộc Tội có thể ban phước cho chúng ta (xin xem Trung Thành cùng Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 36–43, 96–101). Cho các em thấy một món quà. Yêu cầu một đứa trẻ cố gắng tặng món quà cho một đứa khác, và bảo đứa trẻ thứ hai từ chối không nhận món quà đó. Giải thích rằng khi không nhận một món quà tặng cho mình thì chúng ta không thể vui hưởng các phước lành của món quà đó. Bảo các em lắng nghe điều chúng cần phải làm để nhận được ân tứ của Sự Chuộc Tôi trong khi các anh chị em cùng với chúng đọc Giáo Lý và Giao Ước 19:16.

Tuần Lễ thứ 3: Vì Chúa Giê Su được phục sinh nên tôi cũng sẽ được phục sinh.

Nhận ra giáo lý (nghe một câu chuyện): Sử dụng hình minh họa từ trang 123 trong sách học của lớp ấu nhi (xin những chỉ dẫn ở trang 121) để kể câu chuyện về Sự Phục Sinh (xin xem Giăng 19:41–42; 20:1, 11–18). Giải thích rằng khi Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, thể xác và linh hồn của Ngài được tái hợp; điều này có thể làm cho mọi người đều có thể được phục sinh. Bảo các em nói: “Vì Chúa Giê Su Ky Tô được phục sinh nên tôi cũng sẽ được phục sinh.”

Khuyến khích sự hiểu biết (thảo luận về những cảm nghĩ): Liệt kê trên bảng những từ mô tả cảm nghĩ của các môn đồ có thể đã có vào cái ngày Chúa Giê Su chết (chẳng hạn như đau khổ, buồn bã, buồn rầu,thất vọng). Bảo các em đề nghị những từ trái ngược với những từ đó (chẳng hạn như hạnh phúc, niềm vui, hy vọng,đức tin), và viết những từ này lên trên bảng. Giải thích rằng các môn đồ đã có những cảm nghĩ này khi Chúa Giê Su phục sinh. Thảo luận một số phước lành có được từ việc biết được rằng chúng ta sẽ được phục sinh (xin xem Ê Sai 25:8; An Ma 22:14).

Khuyến khích sự áp dụng (chia sẻ những cảm nghĩ): Viết lên trên bảng: “Tôi biết ơn Chúa Giê Su đã phục sinh vì …” Mời một tín hữu tiểu giáo khu đã có một người thân qua đời đến Hội Thiếu Nhi và vắn tắt chia sẻ lý do tại sao người ấy biết ơn về Sự Phục Sinh. Hỏi các em có biết người nào đã chết không và mời chúng nhắm mắt lại và nghĩ tới người đó. Mời một số em đứng lên và hoàn tất câu viết trên bảng và chia sẻ ý nghĩa của Sự Phục Sinh là gì đối với chúng.

Tuần Lễ thứ 4: Chúa Giê Su Ky Tô Là Đấng Cứu Rỗi của Chúng Ta.

Nhận ra giáo lý (thảo luận từ “Đấng Cứu Rỗi”): Cho thấy một số đồ vật hay hình ảnh tượng trưng cho những người có thể cứu mạng sống chúng ta (chẳng hạn như bác sĩ, cảnh sát, hay một người cứu đắm), và thảo luận cách họ có thể cứu chúng ta. Cho thấy hình của Chúa Giê Su và giải thích rằng Ngài là Đấng duy nhất có quyền năng để cứu chúng ta khỏi những hậu quả vĩnh cửu của cái chết và tội lỗi. Viết lên trên bảng: “Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta,” và đọc câu này với các em, nhấn mạnh đến từ “Đấng Cứu Rỗi.”

Khuyến khích sự hiểu biết và áp dụng (nghe các câu chuyện trong thánh thư): Kể cho các em nghe một số câu chuyện trong thánh thư về những người được Đấng Cứu Rỗi cứu khỏi tội lỗi (ví dụ, An Ma Con [xin xem An Ma 36:6–24], Ê Nót [xin xem Ê Nót 1:1–8], Giê Rôm [xin xem An Ma 15:3-12], cha của La Mô Ni [xin xem An Ma 22:1–26], hoặc người đàn ông được mang đến cho Chúa Giê Su chữa lành bệnh [xin xem Lu Ca 5:17–26]). Giải thích rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả chúng ta đều có thể được cứu khỏi tội lỗi. Làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, và mời một vài em chia sẻ chứng ngôn về Ngài.