2010–2019
Sự Yêu Thương Trọn Vẹn thì Cắt Bỏ Sự Sợ Hãi
Tháng Tư năm 2017


Sự Yêu Thương Trọn Vẹn thì Cắt Bỏ Sự Sợ Hãi

Chúng ta hãy bỏ sang một bên sự sợ hãi của mình và thay vì thế hãy sống với niềm hân hoan, lòng khiêm nhường, niềm hy vọng, và một sự tin tưởng vững chắc rằng Chúa đang ở với chúng ta.

Các anh chị em yêu quý, các bạn thân mến của tôi, thật là một đặc ân và niềm vui lớn lao khi được nhóm họp với nhau trong một Giáo Hội toàn cầu được gắn kết bởi đức tin và tình yêu thương của chúng ta dành cho Thượng Đế và các con cái Ngài.

Tôi đặc biệt biết ơn sự hiện diện của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Thomas S. Monson. Thưa Chủ Tịch, chúng tôi sẽ khắc tâm những lời chỉ dẫn, lời khuyên bảo, và sự thông sáng của chủ tịch. Chúng tôi yêu mến chủ tịch, Chủ Tịch Monson, và chúng tôi luôn luôn cầu nguyện cho chủ tịch.

Cách đây nhiều năm, khi tôi đang phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu ở Frankfurt, nước Đức, có một chị phụ nữ đáng mến nhưng không vui đến gặp tôi vào cuối một buổi họp giáo khu của chúng tôi.

Chị ấy nói: “Thật là tệ phải không? Chắc có đến bốn hay năm người đã ngủ say sưa trong khi chủ tịch nói chuyện!”

Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Tôi nghĩ rằng giấc ngủ trong nhà thờ là một trong số những giấc ngủ lành mạnh nhất trong mọi giấc ngủ.”

Người vợ tuyệt vời của tôi Harriet tình cờ nghe được cuộc đối thoại này và về sau bà nói rằng đó là một trong những câu trả lời tử tế nhất mà tôi đã từng nói.

Cuộc Đại Tỉnh Thức

Ở nước Mỹ, cách đây vài trăm năm, có một phong trào gọi là “Cuộc Đại Tỉnh Thức” lan tràn khắp các vùng nông thôn. Một trong các mục tiêu chính của phong trào này là nhằm thức tỉnh những người đang ngủ mê đối với những vấn đề thuộc linh.

Thiếu niên Joseph Smith đã bị ảnh hưởng bởi những điều cậu nghe được từ những người thuyết giáo mà là một phần của phong trào thức tỉnh tôn giáo này. Đó là một trong những lý do tại sao cậu đã quyết định khẩn thiết tìm kiếm ý muốn của Chúa trong lời cầu nguyện cá nhân.

Những người thuyết giáo này có phong cách thuyết giảng đầy kịch tính và cảm xúc, với những bài giảng nhấn mạnh vào những hình phạt khủng khiếp của ngục giới đang chờ đợi những kẻ phạm tội.1 Những bài diễn văn của họ không làm cho người ta ngủ gật—nhưng có thể đã gây ra một vài cơn ác mộng. Mục đích và kiểu cách của họ dường như để làm cho người ta sợ hãi nên phải gia nhập giáo hội.

Sự Sợ Hãi như là Một Hình Thức Lôi Kéo

Trong suốt lịch sử, sự sợ hãi thường được sử dụng như là một phương tiện để khiến người ta phải hành động. Các bậc cha mẹ đã sử dụng cách này với con cái của họ, những người chủ với nhân viên, và các chính trị gia với cử tri.

Các chuyên gia thương mại hiểu được sức mạnh của sự sợ hãi và sử dụng nó thường xuyên. Đây là lý do tại sao một số chương mục quảng cáo dường như có kèm theo thông điệp ngầm rằng nếu chúng ta không mua loại ngũ cốc ăn sáng của họ hoặc bỏ lỡ trò chơi video hoặc điện thoại di động tối tân nhất, thì chúng ta sẽ gặp rủi ro sống một cuộc đời khốn khổ, và sẽ chết trong cảnh cô đơn, bất hạnh.

Chúng ta mỉm cười trước điều này và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ bị chi phối bởi những điều này, nhưng đôi khi chúng ta cũng bị lôi kéo. Tệ hơn nữa, đôi khi chúng ta sử dụng những phương pháp tương tự để chi phối người khác làm theo ý mình.

Sứ điệp tôi chia sẻ hôm nay có hai mục đích: Thứ nhất là để thúc đẩy chúng ta suy ngẫm và cân nhắc mức độ mà chúng ta sử dụng sự sợ hãi để thuyết phục người khác—kể cả bản thân mình. Thứ hai là để đề nghị một cách thức tốt hơn.

Vấn Đề Với Sự Sợ Hãi

Trước tiên, chúng ta hãy đề cập đến vấn đề với sự sợ hãi. Xét cho cùng, có ai trong chúng ta chưa bao giờ bị thúc đẩy bằng sự sợ hãi để ăn uống lành mạnh hơn, cài dây an toàn, tập thể dục nhiều hơn, tiết kiệm tiền, hoặc thậm chí hối cải tội lỗi không?

Đúng là sự sợ hãi có thể có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến những hành động và hành vi của chúng ta. Nhưng ảnh hưởng đó chỉ có tác động nhất thời và hời hợt. Sự sợ hãi rất hiếm khi có quyền năng thay đổi tấm lòng chúng ta, và điều đó sẽ không bao giờ biến chúng ta trở thành những người ưa chuộng điều ngay chính và muốn vâng theo Cha Thiên Thượng.

Những người sợ hãi có thể nói và làm những điều ngay chính, nhưng họ không cảm nhận thấy những điều ngay chính. Họ thường cảm thấy bất lực và phẫn uất, thậm chí bực tức. Cuối cùng, những cảm giác này dẫn đến nỗi nghi ngờ, thách thức, thậm chí chống đối.

Đáng tiếc thay, cách tiếp cận sai lầm này đối với cuộc sống và việc lãnh đạo không chỉ giới hạn trong cuộc sống trần thế. Tôi cảm thấy buồn khi nghe thấy các tín hữu Giáo Hội thống trị một cách bất công—dù ở nhà, trong các chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội, ở nơi làm việc, hoặc trong những mối giao tiếp hằng ngày của họ với người khác.

Thường thường, người ta có thể phê phán người khác về việc bắt nạt, nhưng họ không thể thấy được điều đó nơi bản thân mình. Họ đòi hỏi người khác phải tuân theo các quy tắc độc đoán của riêng họ, nhưng khi những người khác không tuân theo các quy tắc độc đoán đó, thì họ quở trách bằng lời nói, tinh thần, và đôi khi thậm chí bằng cách đánh đập.

Chúa đã phán rằng “khi chúng ta … muốn kiểm soát, hay thống trị, hoặc xúi giục tâm hồn con cái loài người, với bất cứ mức độ bất chính nào, … thiên thượng sẽ tự rút lui, [và] Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền.”2

Sẽ có những lúc chúng ta bị cám dỗ để bào chữa cho những hành động của mình bằng cách tin rằng mục đích biện minh cho phương tiện. Chúng ta có lẽ thậm chí còn nghĩ rằng việc điều khiển, lôi kéo, và khe khắt sẽ là vì sự tốt lành của những người khác. Không phải như vậy, Chúa đã phán rõ rằng “trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, [và] tiết độ.”3

Một Cách Thức Tốt Hơn

Tôi càng biết về Cha Thiên Thượng của tôi nhiều hơn, tôi càng thấy rõ hơn cách Ngài soi dẫn và dẫn dắt con cái của Ngài. Ngài không giận dữ, căm thù, hay trả đũa.4 Mục đích của Ngài—công việc và sự vinh quang của Ngài—là hướng dẫn chúng ta, tôn cao chúng ta, và dẫn dắt chúng ta đến sự trọn vẹn của Ngài.5

Thượng Đế mô tả Thiên Tính của Ngài với Môi Se là “nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực.”6

Tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta, các con cái của Ngài, vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.7

Điều này có nghĩa rằng Thượng Đế sẽ tha thứ hoặc bỏ qua những hành vi trái ngược với các giáo lệnh của Ngài chăng? Không, chắc chắn là không!

Nhưng Ngài không chỉ muốn thay đổi những hành vi của chúng ta. Ngài muốn thay đổi bản chất thực sự của chúng ta. Ngài muốn thay đổi tấm lòng chúng ta.

Ngài muốn chúng ta dang tay ra và bám chặt vào thanh sắt, đối mặt với sự sợ hãi của mình, và can đảm tiến lên phía trước và lên cao hơn dọc trên con đường chật và hẹp. Ngài muốn điều này cho chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta và bởi vì đây là con đường dẫn đến hạnh phúc.

Vậy thì, trong thời của chúng ta, Thượng Đế thúc đẩy con cái Ngài noi theo Ngài bằng cách nào?

Ngài đã gửi đến Vị Nam Tử của Ngài!

Thượng Đế gửi Con Trai Độc Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến để chỉ cho chúng ta thấy cách thức đúng đắn.

Thượng Đế thúc đẩy chúng ta qua sự thuyết phục, qua sự nhịn nhục, qua sự hiền dịu và nhu mì, và qua tình thương yêu chân thật.8 Thượng Đế ở bên phía chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta, và khi chúng ta vấp ngã, Ngài muốn chúng ta đứng dậy, cố gắng một lần nữa, và trở nên vững mạnh hơn.

Ngài là Đấng dạy dỗ của chúng ta.

Ngài là niềm hy vọng lớn lao và trân quý của chúng ta.

Ngài mong muốn khuyến khích chúng ta với đức tin.

Ngài tin cậy chúng ta sẽ học hỏi từ lỗi lầm của mình và đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn.

Đây là cách thức tốt hơn!9

Còn Những Điều Xấu Xa của Thế Gian thì sao?

Một trong những cách Sa Tan muốn chúng ta chi phối những người khác là bằng cách tập trung vào và thậm chí thổi phồng những điều xấu xa trên thế gian.

Thế gian của chúng ta tất nhiên luôn không hoàn hảo, và sẽ tiếp tục như thế. Có quá nhiều người vô tội phải chịu đau khổ vì những hoàn cảnh tự nhiên cũng như sự tàn nhẫn của con người. Sự thối nát và tà ác trong thời kỳ chúng ta thật là độc nhất và đáng lo ngại.

Nhưng bất chấp tất cả những điều này, tôi thà được sống trong thời kỳ này còn hơn bất cứ thời kỳ nào khác trong lịch sử của thế gian. Chúng ta được phước vô cùng khi được sống trong một thời kỳ thịnh vượng, khai sáng, và lợi thế chưa từng có. Tuyệt vời nhất là chúng ta được phước có được phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, mà cho chúng ta một quan điểm độc nhất vô nhị về những mối hiểm nguy của thế gian và chỉ cho chúng ta cách tránh xa những mối hiểm nguy này hoặc đối phó với chúng.

Khi tôi nghĩ về các phước lành này, thì tôi muốn quỳ xuống và dâng lên những lời ngợi ca Cha Thiên Thượng của chúng ta về tình yêu thương vô bờ bến của Ngài dành cho tất cả con cái của Ngài.

Tôi không tin rằng Thượng Đế muốn con cái Ngài phải sợ hãi hay bỏ quá nhiều thời gian suy nghĩ về những điều xấu xa trên thế gian. “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.”10

Ngài đã ban cho chúng ta vô số lý do để hân hoan. Chúng ta chỉ cần tìm kiếm và nhận ra những lý do đó. Chúa thường nhắc nhở chúng ta hãy “chớ sợ hãi,” “hãy cứ vững lòng,”11 và “đừng sợ chi, hỡi bầy nhỏ.”12

Chúa Sẽ Đánh Trận cho Chúng Ta

Thưa các anh chị em, chúng ta là “bầy nhỏ” của Chúa. Chúng ta là Các Thánh Hữu của những ngày sau. Tên gọi của chúng ta gắn liền với sự cam kết trông chờ sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi và chuẩn bị bản thân mình và thế gian để tiếp nhận Ngài. Vậy chúng ta hãy phục vụ Thượng Đế và yêu mến đồng loại mình. Chúng ta hãy làm việc này với sự tự tin tự nhiên, với sự khiêm nhường, đừng bao giờ coi thường bất cứ tôn giáo hoặc nhóm người nào khác. Thưa các anh chị em, chúng ta được giao cho nhiệm vụ nghiên cứu lời của Thượng Đế và lưu ý đến tiếng nói của Thánh Linh, để chúng ta có thể “biết được những điềm triệu về những thời kỳ, và những điềm triệu về sự hiện đến của Con của Người.”13

Vì thế chúng ta không làm ngơ trước những thử thách trên thế gian, hay chúng ta không nhận biết về những khó khăn trong thời kỳ của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đè nặng bản thân hoặc người khác với những sự sợ hãi triền miên. Thay vì tập trung vào sự khó khăn của những thử thách chúng ta gặp phải, thì chẳng phải tốt hơn nếu chúng ta tập trung vào sự vĩ đại vô hạn, lòng nhân từ, và quyền năng tuyệt đối của Thượng Đế, tin cậy vào Ngài, và chuẩn bị trở về với Chúa Giê Su Ky Tô với một tấm lòng hân hoan hay sao?

Là dân giao ước của Ngài, chúng ta không cần phải tê liệt trước sự sợ hãi bởi vì những điều xấu xa có thể xảy ra. Thay vì thế, chúng ta có thể tiến lên phía trước với đức tin, lòng can đảm, quyết tâm, và tin cậy nơi Thượng Đế khi chúng ta tiếp cận với những thử thách và cơ hội trước mắt.14

Chúng ta không bước đi một mình trên con đường làm môn đồ. “Đức Chúa Trời ngươi đi cùng ngươi; Ngài chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ bỏ ngươi đâu.”15

“Đức Giê Hô Va sẽ chiến cự cho, còn các ngươi cứ yên lặng.”16

Khi đối phó với sự sợ hãi, chúng ta hãy tìm kiếm lòng can đảm của mình, tập trung đức tin của mình, và có sự tin tưởng trong lời hứa rằng “phàm binh khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh lợi.”17

Chúng ta có sống trong thời kỳ đầy nguy hiểm và lộn xộn không? Tất nhiên rồi.

Chính Thượng Đế đã phán: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”18

Chúng ta có thể vận dụng đức tin để tin tưởng và hành động sao cho phù hợp không? Chúng ta có thể sống theo những cam kết và các giao ước thiêng liêng của mình không? Chúng ta có thể tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế thậm chí trong những hoàn cảnh đầy thử thách không? Tất nhiên chúng ta có thể làm được!

Chúng ta có thể, vì Thượng Đế đã hứa rằng: “Mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho [anh chị em], nếu [anh chị em] biết bước đi ngay thẳng.”19 Vì thế, chúng ta hãy bỏ sang một bên sự sợ hãi của mình và thay vì thế hãy sống với niềm hân hoan, lòng khiêm nhường, niềm hy vọng, và một sự tin tưởng vững chắc rằng Chúa đang ở với chúng ta.

Sự Yêu Thương Trọn Vẹn thì Cắt Bỏ Sự Sợ Hãi

Các bạn thân mến, các anh chị em yêu quý của tôi trong Đấng Ky Tô, nếu chúng ta có bao giờ thấy mình đang sống trong sự sợ hãi hay lo âu, hoặc nếu chúng ta có bao giờ thấy rằng những lời nói, thái độ, hoặc hành động của chính mình làm cho những người khác sợ hãi, thì tôi cầu nguyện với tất cả sức mạnh của tâm hồn tôi rằng chúng ta có thể được giải thoát khỏi sự sợ hãi này bằng liều thuốc chữa sợ hãi do Chúa chỉ định: tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, vì “sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi.”20

Tình yêu thương trọn vẹn của Đấng Ky Tô khắc phục những cám dỗ để làm hại, ép buộc, bắt nạt, hoặc áp bức.

Tình yêu thương trọn vẹn của Đấng Ky Tô cho phép chúng ta bước đi với lòng khiêm nhường, lòng tự trọng, và một sự tin tưởng vững chắc với tư cách là những người tuân theo của Đấng Cứu Rỗi yêu quý của chúng ta. Tình yêu thương trọn vẹn của Đấng Ky Tô ban cho chúng ta sự tin tưởng để dấn bước vượt qua sự sợ hãi của mình và đặt sự tin cậy hoàn toàn của mình vào quyền năng và lòng nhân từ của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong nhà, ở nơi làm việc, trong những chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội của chúng ta, trong lòng của mình, chúng ta hãy thay thế sự sợ hãi với tình yêu thương trọn vẹn của Đấng Ky Tô. Tình yêu thương của Đấng Ky Tô sẽ thay thế cho sự sợ hãi bằng đức tin!

Tình yêu thương của Ngài sẽ làm cho chúng ta có khả năng nhận ra, tin cậy, và có đức tin nơi lòng nhân từ của Cha Thiên Thượng của chúng ta, nơi kế hoạch thiêng liêng của Ngài, phúc âm của Ngài, và các giáo lệnh của Ngài.21 Việc yêu thương Thượng Đế và đồng loại của chúng ta sẽ biến việc vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế thành phước lành thay vì gánh nặng. Tình yêu thương của Đấng Ky Tô sẽ giúp chúng ta trở nên tử tế hơn, vị tha hơn, ân cần hơn, và tận tụy hơn một chút với công việc của Ngài.

Khi chúng ta làm cho tấm lòng mình ngập tràn tình yêu thương của Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ thức tỉnh với một phần thuộc linh sảng khoái được đổi mới và chúng ta sẽ bước đi đầy hân hoan, tự tin, thức tỉnh và sống trong ánh sáng và vinh quang của Đấng Cứu Rỗi yêu quý của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng, cùng với Sứ Đồ Giăng, “Chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương [của Đấng Ky Tô].”22 Thưa các anh chị em, các bạn thân mến, Thượng Đế biết rõ các anh chị em. Ngài yêu thương các anh chị em trọn vẹn. Ngài biết tương lai của chúng ta sẽ ra sao. Ngài muốn các anh chị em “đừng sợ, chỉ tin mà thôi”23 và “cứ ở trong sự yêu thương [trọn vẹn của] Ngài.”24 Đây là lời cầu nguyện và phước lành của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

Ghi Chú

  1. George Whitefield và Jonathan Edwards là hai ví dụ nổi tiếng về kiểu người thuyết giáo này.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 121:37.

  3. Ga La Ti 5:22–23.

  4. Vào một dịp nọ, Đấng Cứu Rỗi muốn vào một ngôi làng của người Sa Ma Ri, nhưng dân làng chối bỏ Chúa Giê Su và nhất quyết không cho Ngài vào làng của họ. Hai trong số các môn đồ của Ngài hết sức phật lòng về điều này nên đã hỏi “Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng? Chúa Giê Su đáp lại với lời quở trách sau đây: “Các ngươi không biết tâm thần nào xui giục mình. Vì Con của Người không đến để phá hủy cuộc sống loài người mà để cứu rỗi họ” (xin xem Lu Ca 9:51–56, Phiên Bản New King James [1982]).

  5. Xin xem Môi Se 1:39; xin xem thêm Ê Phê Sô 3:19.

  6. Xuất Ê Díp Tô Ký 34:6.

  7. Xin xem Ê Phê Sô 3:19.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:41. Nếu Thượng Đế trông mong chúng ta, con cái trần thế của Ngài, phải cư xử với nhau theo cách này, thì Ngài—một Đấng hoàn hảo trong mọi mặt về đạo đức—chắc chắn sẽ là mẫu mực về cách cư xử như thế.

  9. Hội Đồng tiền dương thế trên Thiên Thượng là một ví dụ điển hình cho thấy đặc tính của Thượng Đế. Ở đó, Cha Thiên Thượng đã trình bày kế hoạch của Ngài cho sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Các yếu tố chính yếu của kế hoạch đó gồm có quyền tự quyết, sự vâng lời, sự cứu rỗi nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Tuy nhiên, Lu Xi Phe đã chống lại bằng một phương cách khác. Nó bảo đảm rằng tất cả mọi người đều sẽ vâng lời—không ai sẽ bị lạc lối cả. Cách duy nhất để đạt được điều này là bằng uy quyền và bạo lực. Nhưng Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta không cho phép một kế hoạch như vậy. Ngài coi trọng quyền tự quyết của con cái, Ngài biết rằng chúng ta sẽ mắc phải lỗi lầm dọc trên con đường của mình nếu chúng ta thực sự học hỏi. Và đó là lý do tại sao Ngài ban cho một Đấng Cứu Rỗi, mà sự hy sinh vĩnh cửu Ngài có thể thanh tẩy tội lỗi của chúng ta và cho phép chúng ta trở về vương quốc của Thượng Đế.

    Khi Cha Thiên Thượng thấy rằng nhiều con cái yêu dấu của Ngài bị Lu Xi Phe cám dỗ, thì Ngài có ép buộc họ tuân theo kế hoạch của Ngài không? Ngài có hăm dọa những người đang đưa ra những lựa chọn tồi tệ không? Không. Thượng Đế toàn năng của chúng ta chắn chắn có thể chấm dứt sự chống đối này. Ngài có thể đã ép buộc ý muốn của Ngài vào những người ngoại đạo và bắt họ phải tuân thủ. Nhưng thay vì thế, Ngài cho phép con cái của Ngài tự mình chọn lựa.

  10. 2 Ti Mô Thê 1:7.

  11. Xin xem, ví dụ, Giô Suê 1:9; Ê Sai 41:13; Lu Ca 12:32; Giăng 16:33; 1 Phi Ê Rơ 3:14; Giáo Lý và Giao Ước 6:36; 50:41; 61:36; 78:18.

  12. Lu Ca 12:32.

  13. Giáo Lý và Giao Ước 68:11.

  14. Lời khuyên bảo của Môi Se dành cho dân chúng trong thời ông vẫn còn áp dụng ngày nay: “Chớ sợ chi. … rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi” (Xuất Ê Díp Tô Ký 14:13, Phiên Bản New King James).

  15. Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:6.

  16. Xuất Ê Díp Tô Ký 14:14, Phiên Bản New King James.

  17. Ê Sai 54:17.

  18. Giăng 16:33.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 90:24; xin xem thêm 2 Cô Rinh Tô 2:14; Giáo Lý và Giao Ước 105:14.

  20. 1 Giăng 4:18.

  21. Chúng ta hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi không “xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu” (Giăng 3:17). Thực ra, “Ngài không làm việc gì trừ phi có lợi ích cho thế gian; vì Ngài rất yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình để lôi kéo tất cả loài người đến với Ngài. Vậy nên, Ngài không truyền lệnh cho một ai không được hưởng sự cứu rỗi của Ngài.” (2 Nê Phi 26:24).

  22. 1 Giăng 4:18; xin xem thêm 1 Giăng 4:16.

  23. Mác 5:36.

  24. Giăng 15:10.