2010–2019
Tiếng Nói Cảnh Cáo
Tháng Tư năm 2017


Tiếng Nói Cảnh Cáo

Mặc dù các vị tiên tri đặc biệt cảm thấy có bổn phận phải cảnh báo, nhưng đó cũng là một bổn phận chung của những người khác.

Tiên tri Ê Xê Chi Ên sinh ra khoảng hai thập niên trước khi Lê Hi và gia đình ông rời khỏi Giê Ru Sa Lem. Năm 597 trước Công Nguyên, lúc 25 tuổi, Ê Xê Chi Ên là một trong số rất nhiều người bị Nê Bu Cát Nết Sa bắt đem đi tù đày ở Ba By Lôn, và chúng ta có thể nói là ông đã dành hết cuộc đời còn lại ở đó.1 Ông thuộc vào dòng dõi chức tư tế A Rôn, và khi 30 tuổi, ông trở thành một vị tiên tri.2

Khi kêu gọi Ê Xê Chi Ên, Đức Giê Hô Va đã sử dụng phép ẩn dụ về một kẻ canh giữ.

“Nếu [kẻ canh giữ] thấy gươm đến trong đất, thì thổi kèn để rao bảo dân sự;

“Bấy giờ, hễ ai nghe tiếng kèn mà không chịu răn bảo, và nếu gươm đến bắt lấy nó, thì máu của người ấy sẽ đổ lại trên đầu nó.”3

Tuy nhiên, “nếu kẻ canh giữ thấy gươm đến mà không thổi kèn, đến nỗi dân sự chẳng được răn bảo, và gươm đến mà cất sự sống của người nầy hoặc người kia đi, … ta sẽ đòi lại máu nó nơi người canh giữ.”4

Sau đó, khi nói chuyện trực tiếp với Ê Xê Chi Ên, Ðức Giê Hô Va phán: “Nầy, hỡi con người, ta đã lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ cho nhà Y Sơ Ra Ên; nên hãy nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo trước cho chúng nó.”5 Lời cảnh cáo là phải từ bỏ tội lỗi.

“Khi ta phán cùng kẻ dữ rằng: Hỡi kẻ dữ, mầy chắc chết! nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; nhưng ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi.

“Nếu, trái lại, ngươi đã răn bảo kẻ dữ đặng xây bỏ đường lối xấu của nó mà nó không xây bỏ, thì nó sẽ chết trong sự gian ác nó, còn ngươi đã giải cứu mạng sống mình. …

“Khi ta nói cùng kẻ dữ rằng: Mầy chắc chết! nếu kẻ dữ ấy xây bỏ tội lỗi mình, theo luật pháp và hiệp với lẽ thật; …

“Chẳng có một tội nào nó đã phạm sẽ được nhớ lại nghịch cùng nó; nó đã làm theo luật pháp và hiệp với lẽ thật, chắc nó sẽ sống.”6

Thú vị thay, lời cảnh cáo này cũng áp dụng cho người ngay chính. “Dầu mà ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm.”7

Khi khẩn nài với con cái của Ngài, Thượng Đế phán bảo Ê Xê Chi Ên: “Hãy nói cùng chúng nó rằng: Chúa Giê Hô Va phán: Thật như ta hằng sống, ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống. Các ngươi khá xây bỏ, xây bỏ đường lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y Sơ Ra Ên?”8

Thay vì mong muốn kết án chúng ta, Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta được hạnh phúc và khẩn nài chúng ta phải hối cải, vì biết rõ rằng “sự tà ác có bao giờ [và sẽ không bao giờ] là hạnh phúc đâu.”9 Vậy Ê Xê Chi Ên và mọi tiên tri trước và sau ông, khi hết lòng nói lời của Thượng Đế, đã cảnh báo tất cả những người nào muốn tránh xa Sa Tan, kẻ thù của linh hồn họ, và “lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người.”10

Mặc dù các vị tiên tri đặc biệt cảm thấy có bổn phận phải cảnh báo, nhưng đó cũng là một bổn phận chung của những người khác. Thật vậy, “Điều cần thiết cho mỗi người nào đã từng được cảnh cáo thì phải cảnh cáo người lân cận của mình.”11 Chúng ta là những người đã nhận được sự hiểu biết về kế hoạch hạnh phúc vĩ đại—và các lệnh truyền đi kèm theo kế hoạch đó—nên cảm thấy có ước muốn để chia sẻ sự hiểu biết đó vì điều đó tạo ra mọi sự khác biệt ở trên trần thế này và trong thời vĩnh cửu. Và nếu chúng ta hỏi: “Ai là người lân cận mà tôi phải cảnh báo?” thì chắc chắn câu trả lời sẽ được tìm thấy trong một câu chuyện ngụ ngôn mà bắt đầu như sau: “Có một người từ thành Giê Ru Sa Lem xuống thành Giê Cô, lâm vào kẻ cướp”12 và vân vân.

Việc xem xét câu chuyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành trong bối cảnh này nhắc nhở chúng ta rằng câu hỏi “Ai là người lân cận của tôi?” được gắn liền với hai giáo lệnh lớn: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình.”13 Động cơ để cất lên tiếng nói cảnh báo là tình yêu mến, tình yêu mến Thượng Đế và tình yêu mến đồng loại. Cảnh báo tức là quan tâm. Chúa chỉ dạy rằng lời cảnh báo phải được đưa ra “bằng sự êm ái và nhu mì.”14 và “nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu … , và nhờ tình thương yêu chân thật.”15 Lời cảnh báo đó có thể là khẩn cấp như khi chúng ta cảnh báo một đứa trẻ đừng thò tay vào lửa. Lời cảnh báo đó phải rõ ràng và đôi khi chắc chắn. Thỉnh thoảng, lời cảnh báo có thể đưa ra dưới hình thức khiển trách “khi được Đức Thánh Linh tác động,”16 nhưng luôn luôn bắt nguồn từ tình yêu thương. Ví dụ, hãy xem xét tình yêu thương mà thúc đẩy sự phục vụ và hy sinh của những người truyền giáo của chúng ta.

Chắc chắn là tình yêu thương sẽ bắt buộc cha mẹ phải cảnh báo “người lân cận” gần gũi nhất của họ, tức là con cái của họ. Điều này có nghĩa là giảng dạy và làm chứng về các lẽ thật phúc âm. Điều này có nghĩa là giảng dạy cho con cái giáo lý của Đấng Ky Tô: đức tin, sự hối cải, phép báp têm, và ân tứ Đức Thánh Linh.17 Chúa nhắc nhở các bậc cha mẹ: “Ta đã truyền lệnh cho các ngươi phải nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật.”18

Một yếu tố cốt yếu trong bổn phận của cha mẹ để cảnh báo là không phải chỉ mô tả về những hậu quả đau lòng của tội lỗi mà còn về niềm vui khi tuân theo các giáo lệnh. Hãy nhớ lại những lời của Ê Nót về điều đã dẫn dắt ông đến việc tìm kiếm Thượng Đế, nhận được sự xá miễn các tội lỗi, và được cải đạo:

“ Này, khi tôi vào rừng săn thú, thì những lời mà tôi thường nghe cha tôi nói về cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ in sâu vào tim tôi.

“Và tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát; tôi bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo tôi, và tôi kêu cầu Ngài với lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt cho tâm hồn tôi.”19

Vì tình yêu thương trọn vẹn và mối quan tâm của Ngài dành cho người khác và hạnh phúc của họ, nên Chúa Giê Su đã không ngần ngại cảnh cáo. Ngay từ đầu giáo vụ của Ngài, “Đức Chúa Giê Su khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.”20 Vì Ngài biết rằng không phải con đường nào cũng dẫn đến thiên thượng nên Ngài đã truyền lệnh:

“Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều.

“Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.”21

Ngài dành thời gian cho những kẻ phạm tội và phán: “Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội.”22

Còn đối với các thầy thông giáo, và những người Pha Ri Si và người Sa Đu Sê, Chúa Giê Su thẳng thừng kết án tính đạo đức giả của họ. Những lời cảnh cáo và lệnh truyền của Ngài rất rõ ràng: “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha Ri Si, là kẻ giả hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là sự công bình, thương xót và trung tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia.”23 Chắc chắn là không một ai buộc tội Đấng Cứu Rỗi là không yêu thương các thầy thông giáo và những người Pha Ri Si này—xét cho cùng, Ngài chịu đau khổ và chết cũng để cứu họ. Nhưng vì yêu thương họ, nên Ngài không thể để cho họ sống trong tội lỗi mà không sửa chỉnh họ một cách rõ ràng. Một tác giả đã viết: “Chúa Giê Su dạy các tín đồ của Ngài phải làm theo Ngài: chào đón tất cả mọi người nhưng cũng giảng dạy về tội lỗi, vì tình yêu thương đòi hỏi phải cảnh báo mọi người về điều có thể làm tổn thương họ.”24

Đôi khi những người cất lên tiếng nói cảnh báo lại bị bác bỏ là có óc phê phán. Tuy nhiên, thật là nghịch lý khi những người cho rằng lẽ thật chỉ là các tiêu chuẩn đạo đức tương đối và là vấn đề sở thích cá nhân lại cũng thường là những người chỉ trích gay gắt nhất những ai không chấp nhận quy tắc của xã hội hiện tại là “lối suy nghĩ đúng.” Một nhà văn gọi điều này là “văn hóa sợ xấu hổ”:

“Trong một nền văn hoá đặt trên sự sợ phạm tội, bạn biết mình là người tốt hay xấu theo những gì mà bạn cảm thấy trong lương tâm. Trong văn hóa sợ xấu hổ, bạn biết mình là người tốt hay xấu theo những gì mà cộng đồng của bạn nói về bạn, tùy theo việc nó có tôn trọng hay loại trừ bạn không. ... [Trong văn hoá sợ xấu hổ,] cuộc sống đạo đức không dựa trên nguyên tắc về điều gì là đúng và điều gì là sai, mà dựa trên sự tham gia và loại trừ. …

“… Mọi người đều vĩnh viễn không được an toàn trong một hệ thống đạo đức dựa trên sự tham gia và loại trừ. Không có những tiêu chuẩn vĩnh viễn nào cả, mà chỉ là sự chuyển đổi trong óc phê phán của đám đông. Đó là văn hóa về sự nhạy cảm thái quá, phản ứng thái quá và thường xuyên hoảng loạn về tinh thần, mà trong đó mọi người đều cảm thấy bị bắt buộc phải đồng ý với quan điểm chung. … 

“Văn hoá đặt trên sự sợ phạm tội có thể là khắc nghiệt, nhưng ít nhất bạn có thể ghét tội lỗi và vẫn thương yêu người phạm tội. Văn hoá hiện đại đặt trên sự sợ phạm tội được cho là quý trọng sự mời người khác tham gia vào và khoan dung, nhưng nó có thể không khoan dung một cách lạ kỳ đối với những ai không đồng ý và những ai khác biệt với đa số đám đông.”25

Ngược lại với điều này là “đá của Đấng Cứu Chuộc,”26 một nền tảng kiên định và bền vững của công lý và đức hạnh. Tốt hơn biết bao để có được luật pháp không thay đổi của Thượng Đế mà qua đó chúng ta có thể hành động để chọn vận mệnh của mình thay vì chịu đựng các quy tắc không thể đoán trước được và cơn thịnh nộ của đám đông trên truyền thông xã hội. Tốt hơn biết bao để biết được lẽ thật hơn là bị “day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.”27 Tốt hơn biết bao để hối cải và sống đúng theo tiêu chuẩn phúc âm hơn là giả vờ cho rằng không có điều đúng hay điều sai và mòn mỏi trong tội lỗi và hối tiếc.

Chúa đã phán: “Tiếng nói cảnh cáo sẽ đến với tất cả mọi người, từ miệng các môn đồ của ta, là những người ta đã lựa chọn trong những ngày sau cùng này.”28 Là những người canh giữ và môn đồ, chúng ta không thể đứng trung lập đối với “con đường tốt lành hơn” này.29 Như Ê Xê Chi Ên, chúng ta không thể nhìn thấy gươm đến trong đất mà “không thổi kèn.”30 Điều này không có nghĩa là chúng ta nên đập cửa nhà hàng xóm của mình hoặc đứng ở nơi công cộng mà hét lên: “Hãy hối cải!” Thật vậy, khi suy nghĩ về việc này, chúng ta có trong phúc âm phục hồi điều mà mọi người thực sự mong muốn trong lòng. Vì vậy, tiếng nói cảnh báo nói chung không phải chỉ là tiếng nói hòa nhã, mà theo lời của tác giả Thi Thiên, còn là “tiếng reo mừng”31 nữa.

Hal Boyd, biên tập viên xã luận của nhật báo Deseret News, trích dẫn một ví dụ về sự tai hại của việc làm thinh. Ông viết rằng mặc dù ý kiến về hôn nhân vẫn là một vấn đề “tranh luận của trí tuệ” giữa các thành phần ưu tú trong xã hội Mỹ, nhưng hôn nhân tự nó không phải là một vấn đề tranh luận đối với họ trong thực tế. “‘Các thành phần ưu tú đã và vẫn đang kết hôn và chắc chắn là con cái của họ hưởng lợi ích từ cuộc hôn nhân ổn định.’ …Tuy nhiên, vấn đề là [họ] thường không chủ trương điều họ thực hành.” Họ không muốn “áp đặt” vào những người có thể thực sự cần tài lãnh đạo tinh thần của họ, nhưng “có lẽ là lúc để cho những người có trình độ học vấn và gia đình vững mạnh phải ngừng giả cớ là đứng ở vị trí trung lập và bắt đầu rao giảng những gì họ thực hành mà liên quan đến hôn nhân và nuôi dạy con cái …[cùng] giúp đồng bào Mỹ của họ chấp nhận điều đó.”32

Chúng tôi tin rằng, nhất là các em thuộc thế hệ đang vươn lên, giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi là những người mà Chúa phải trông cậy vào để công việc của Ngài được thành công trong những năm sau này, sẽ hỗ trợ những lời dạy của phúc âm và các tiêu chuẩn của Giáo Hội ở những nơi công cộng cũng như ở những chỗ riêng tư. Đừng bỏ rơi những người sẽ chào đón lẽ thật nhưng thất bại vì thiếu hiểu biết lẽ thật. Đừng chịu thua những quan niệm sai lạc về lòng khoan dung hoặc nỗi sợ hãi—sợ sự bất tiện, không tán thành, hoặc thậm chí nỗi đau khổ. Hãy nhớ tới lời hứa của Đấng Cứu Rỗi:

“Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước.

“Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.”33

Cuối cùng, chúng ta đều chịu trách nhiệm trước Thượng Đế về những lựa chọn và về cuộc sống của mình. Đấng Cứu Rỗi phán: “Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, ngõ hầu cho một khi ta đã bị loài người nhấc lên như thể nào thì loài người cũng sẽ được Đức Chúa Cha nhấc lên thể ấy, để họ đứng trước mặt ta và chịu sự phán xét qua những việc làm của mình, dù đó là việc thiện hay việc ác.”34

Vì nhận ra điều này về uy quyền tối cao của Chúa, tôi khẩn nài bằng những lời của An Ma:

“Và giờ đây, hỡi đồng bào, từ trong thâm tâm tôi mong mỏi, phải, tôi mong mỏi với một nỗi lo lắng lớn lao gần như đau đớn, rằng đồng bào nên … từ bỏ các tội lỗi của mình, và chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình;

“Song phải biết hạ mình trước mặt Chúa, cầu gọi đến thánh danh của Ngài, cảnh tỉnh và cầu nguyện luôn luôn để khỏi bị cám dỗ ngoài sức chịu đựng của mình, ngõ hầu được Đức Thánh Linh dẫn dắt … ;

“Có đức tin nơi Chúa, hy vọng rằng mình sẽ nhận được một cuộc sống vĩnh cửu và luôn luôn có sự mến yêu Thượng Đế trong lòng, để các người có thể được nâng cao vào ngày sau cùng và được bước vào chốn an nghỉ của Ngài.”35

Cầu xin cho mỗi người chúng ta có thể thưa với Chúa cùng với Đa Vít: “Tôi chẳng giấu sự công bình Chúa ở nơi lòng tôi; tôi đã truyền ra sự thành tính và sự cứu rỗi của Chúa; tôi nào có giấu hội lớn sự nhân từ và sự chân thật của Chúa. Đức Giê Hô Va ôi! Đối với tôi chớ khép lòng thương xót của Ngài.”36 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.