2010–2019
Ngôn Ngữ Phúc Âm
Tháng Tư năm 2017


Ngôn Ngữ Phúc Âm

Việc dạy dỗ có tác động mạnh mẽ là điều vô cùng quan trọng để bảo tồn phúc âm trong gia đình của chúng ta, và đòi hỏi sự siêng năng và nỗ lực.

Sau khi được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, gia đình chúng tôi đã di chuyển từ Costa Rica đến Salt Lake City cho lần chỉ định đầu tiên của tôi. Ở đất nước Hoa Kỳ này, tôi đã được phước khi đi thăm những người tuyệt vời thuộc các nền văn hoá và chủng tộc khác nhau. Trong số đó có nhiều người, như tôi, đã được sinh ra ở các nước Châu Mỹ La Tinh.

Tôi đã thấy rằng nhiều người gốc Mỹ La Tinh thuộc thế hệ đầu tiên ở đây nói tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính của họ và chỉ nói tiếng Anh đủ để giao tiếp với người khác mà thôi. Thế hệ thứ hai, những người sinh ra ở Hoa Kỳ hoặc đã đến Hoa Kỳ từ lúc còn nhỏ và đi học ở đây, nói tiếng Anh rất giỏi và có lẽ nói tiếng Tây Ban Nha không trôi chảy lắm. Và thường là đến thế hệ thứ ba, thì tiếng Tây Ban Nha, tiếng bản xứ của tổ tiên của họ, không còn được nói nữa.1

Về mặt ngôn ngữ học, điều này được gọi là “mất ngôn ngữ.” Việc mất ngôn ngữ có thể xảy ra khi các gia đình di chuyển đến một xứ ngoại quốc nơi mà tiếng mẹ đẻ của họ không phải là ngôn ngữ chính. Điều này xảy ra không chỉ giữa người Mỹ La Tinh, mà còn giữa các dân tộc trên khắp thế giới, nơi mà tiếng mẹ đẻ được thay thế bằng một ngôn ngữ mới.2 Ngay cả Nê Phi, một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn, cũng quan tâm đến việc mất ngôn ngữ của các tổ phụ của ông khi ông đang chuẩn bị đi đến vùng đất hứa. Nê Phi viết: “Và này, đó là sự thông sáng của Thượng Đế khi Ngài muốn chúng ta lấy được các biên sử này để chúng ta có thể bảo tồn ngôn ngữ của tổ phụ cho con cháu chúng ta.3

Nhưng Nê Phi cũng quan tâm đến việc mất một loại ngôn ngữ khác. Trong câu kế, ông nói tiếp: “Và cũng nhờ vậy chúng ta mới có thể bảo tồn cho chúng những lời được nói ra từ miệng các thánh tiên tri, là những lời do Thánh Linh và quyền năng của Thượng Đế ban cho họ từ lúc thế gian mới bắt đầu cho đến bây giờ.”4

Tôi đã nhận thấy sự giống nhau giữa việc bảo tồn một tiếng mẹ đẻ với việc bảo tồn phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay, trong khi so sánh, tôi muốn nhấn mạnh đến không phải bất cứ ngôn ngữ cụ thể nào trên thế gian mà là một ngôn ngữ vĩnh cửu phải được bảo tồn trong gia đình chúng ta và không bao giờ để mất. Tôi muốn nói về ngôn ngữ5 phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Bằng “ngôn ngữ phúc âm,” tôi muốn nói đến tất cả những lời giảng dạy của các vị tiên tri của chúng ta, sự vâng lời của chúng ta đối với những lời giảng dạy đó, và việc tuân theo những truyền thống ngay chính sau đây của chúng ta.

Tôi sẽ thảo luận ba cách để ngôn ngữ này có thể được bảo tồn.

Trước hết: Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình

Trong Giáo Lý và Giao Ước, Chúa mời gọi nhiều tín hữu nổi bật của Giáo Hội, kể cả Newel K. Whitney, nên sắp xếp gia đình của họ cho có trật tự. Chúa phán: “Tôi tớ Newel  K. Whitney của ta … cũng cần phải bị sửa phạt, và sắp xếp gia đình mình cho có trật tự, và xem xét chắc chắn rằng họ được siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình, và luôn luôn cầu nguyện, bằng không thì họ sẽ phải bị loại trừ ra khỏi vị thế của họ.”6

Một yếu tố ảnh hưởng đến việc ngôn ngữ bị mất là khi cha mẹ không dành thời gian ra để dạy cho con mình tiếng mẹ đẻ. Việc chỉ nói ngôn ngữ trong nhà mà thôi cũng không đủ. Nếu cha mẹ muốn bảo tồn ngôn ngữ của mình, thì ngôn ngữ này còn phải được dạy nữa. Một cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu cha mẹ có ý thức cố gắng hết sức để bảo tồn tiếng mẹ đẻ của mình thì đều có khuynh hướng thành công trong nỗ lực đó.7 Vậy thì điều gì sẽ là một nỗ lực có ý thức để bảo tồn ngôn ngữ của phúc âm?

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyến cáo rằng “sự yếu kém trong việc giảng dạy phúc âm và nêu gương sống theo phúc âm trong nhà” là một nguyên nhân chính cho việc có thể chấm dứt truyền thống gia đình đa thế hệ đều là tín hữu của Giáo Hội.8

Do đó chúng ta có thể kết luận rằng việc dạy dỗ có tác động mạnh mẽ là điều vô cùng quan trọng để bảo tồn phúc âm trong gia đình của chúng ta, và đòi hỏi sự siêng năng và nỗ lực.

Chúng ta đã được mời gọi nhiều lần để tạo ra thói quen học tập thánh thư riêng cá nhân và chung gia đình hàng ngày.9 Nhiều gia đình đang làm điều này đều được ban phước mỗi ngày với tình đoàn kết chặt chẽ và mối quan hệ gần gũi với Chúa hơn.

Hình Ảnh
Người cha đang học thánh thư cùng với con gái

Việc học tập thánh thư hàng ngày sẽ diễn ra khi nào? Việc này sẽ diễn ra khi cha mẹ đặt ưu tiên cho nỗ lực học tập thánh thư hàng ngày và mời gia đình quy tụ lại với nhau để học tập với tình yêu thương. Thật là khó để thấy việc học tập này diễn ra bằng cách nào khác.

Hình Ảnh
Gia đình đang học thánh thư

Thưa các bậc cha mẹ, đừng bỏ lỡ cơ hội nhận được những phước lành lớn lao này. Đừng đợi đến khi quá muộn!

Thứ Hai: Nêu Gương Sáng trong Gia Đình

Một chuyên gia về ngôn ngữ học đã viết rằng để bảo tồn tiếng mẹ đẻ “ta cần làm cho ngôn ngữ sống động và thú vị cho con cái của mình.”10 Chúng ta “làm cho ngôn ngữ sống động và thú vị” khi chúng ta cùng nhau giảng dạy và nêu gương sáng.

Khi còn nhỏ, tôi làm việc trong nhà máy của cha tôi trong lúc nghỉ hè. Câu hỏi đầu tiên mà cha tôi luôn luôn hỏi sau khi tôi nhận được tiền lương là “Con sẽ làm gì với tiền của con?”

Tôi biết câu trả lời vì thế tôi đáp: “Dạ, đóng tiền thập phân và để dành cho công việc truyền giáo của con.”

Sau khi làm việc với ông được khoảng tám năm, và liên tục trả lời cùng câu hỏi đó của ông, cha tôi cho rằng ông đã dạy tôi về việc đóng tiền thập phân của tôi. Ông không biết là tôi đã học được nguyên tắc quan trọng này chỉ trong một ngày cuối tuần. Tôi sẽ kể cho các anh chị em biết tôi đã học được nguyên tắc này như thế nào.

Sau một số sự kiện liên quan đến cuộc nội chiến ở Trung Mỹ, cơ sở kinh doanh của cha tôi bị phá sản. Từ việc ông có khoảng 200 nhân viên toàn thời gian giảm xuống còn ít hơn năm người thợ may chỉ làm việc khi cần trong nhà để xe của chúng tôi. Một ngày nọ, trong những thời gian khó khăn đó, tôi đã nghe cha mẹ tôi bàn thảo xem họ nên đóng tiền thập phân hay mua thức ăn cho con cái.

Vào ngày Chủ Nhật, tôi đi theo cha tôi để xem ông sẽ làm gì. Sau các buổi họp nhà thờ của chúng tôi, tôi thấy ông lấy một cái phong bì và để tiền thập phân vào trong đó. Đó chỉ là một phần của bài học. Câu hỏi còn lại cho tôi để giải đáp là chúng tôi sẽ ăn gì.

Sáng sớm thứ Hai, một số người gõ cửa nhà chúng tôi. Khi tôi mở cửa ra, họ yêu cầu được gặp cha tôi. Tôi đi gọi ông, và khi ông đến, những người khách đó nói với ông về một đơn đặt hàng may gấp mà họ cần càng nhanh càng tốt. Họ nói với ông rằng đơn đặt hàng này gấp đến mức họ sẽ trả tiền trước. Ngày hôm đó, tôi đã học được các nguyên tắc của việc đóng tiền thập phân và các phước lành theo sau.

Trong Kinh Tân Ước, Chúa nói về việc nêu gương sáng, Ngài phán: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy.”11

Hình Ảnh
Tham dự đền thờ

Chỉ nói chuyệnvới con cái về tầm quan trọng của việc kết hôn trong đền thờ, nhịn ăn, và giữ ngày Sa Bát được thánh là không đủ. Chúng cần phải nhìn thấy chúng ta dành ra thời gian từ lịch trình của mình để tham dự đền thờ thường xuyên nếu có thể. Chúng cần phải thấy sự cam kết của chúng ta để nhịn ăn thường xuyên12 và giữ cho cả ngày Sa Bát được thánh. Nếu giới trẻ của chúng ta không thể nhịn ăn hai bữa, không thể học tập thánh thư thường xuyên, và không thể tắt truyền hình trong lúc có một trận đấu thể thao quan trọng vào ngày Chủ Nhật, thì liệu chúng có kỷ luật tự giác về phần thuộc linh để chống lại những cám dỗ mạnh mẽ của thế gian đầy thử thách hiện nay, kể cả sự cám dỗ của hình ảnh sách báo khiêu dâm không?

Thứ ba: Truyền thống

Một cách khác mà ngôn ngữ có thể bị thay đổi hoặc mất đi là khi các ngôn ngữ và truyền thống khác được trộn lẫn với tiếng mẹ đẻ.13

Trong những thời kỳ đầu của Giáo Hội phục hồi, Chúa mời gọi nhiều tín hữu nổi bật của Giáo Hội nên sắp xếp gia đình của họ cho có trật tự. Ngài bắt đầu lời mời gọi bằng cách đề cập đến hai cách mà chúng ta có thể mất đi ánh sáng và lẽ thật khỏi gia đình của mình: “Và kẻ tà ác đó đến và lấy đi sự sáng cùng lẽ thật khỏi con cái loài người, qua sự bất tuân,vì truyền thống của tổ phụ họ.14

Gia đình chúng ta cần phải tránh bất cứ truyền thống nào mà sẽ ngăn cản chúng ta giữ ngày Sa Bát được thánh hoặc học tập thánh thư hàng ngày và cầu nguyện ở nhà. Chúng ta cần phải ngăn chặn hình ảnh sách báo khiêu dâm và tất cả các ảnh hưởng xấu xa trực tuyến khác đến với các thiết bị điện tử của mình. Để chống lại các truyền thống của thế gian trong thời kỳ của mình, chúng ta cần phải sử dụng thánh thư và tiếng nói của các vị tiên tri hiện đại của chúng ta để dạy cho con cái biết về nguồn gốc thiêng liêng của chúng, mục đích của chúng trong cuộc sống và sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô.

Kết Luận

Chúng ta tìm thấy một số ví dụ trong thánh thư về việc “mất ngôn ngữ.”15 Ví dụ:

“Giờ đây chuyện rằng, có nhiều người trong thế hệ đang vươn lên không hiểu được những lời của vua Bên Gia Min nói, vì khi vua nói với dân ông thì họ đang còn nhỏ bé; và họ không tin vào truyền thống của tổ phụ họ. …

“Và giờ đây vì sự vô tín ngưỡng của họ nên họ không thể hiểu được lời của Thượng Đế; và lòng họ đã chai đá.”16

Đối với thế hệ đang vươn lên thì phúc âm trở thành một ngôn ngữ kỳ lạ. Và mặc dù những lợi ích của việc duy trì tiếng mẹ đẻ đôi khi được bàn cãi, trong bối cảnh của kế hoạch cứu rỗi, thì lại không có sự bàn cãi nào về những hậu quả vĩnh cửu của việc mất ngôn ngữ phúc âm trong gia đình của chúng ta.

Hình Ảnh
Người mẹ đang cầu nguyện với con trai nhỏ của mình

Là con cái của Thượng Đế, chúng ta là những người không hoàn hảo đang cố gắng học một ngôn ngữ hoàn hảo.17 Giống như một người mẹ động lòng trắc ẩn với con cái nhỏ của mình, Cha Thiên Thượng của chúng ta cũng kiên nhẫn với những điều không hoàn hảo và lỗi lầm của chúng ta. Ngài trân quý và hiểu được những cố gắng nhỏ nhất của chúng ta để cầu nguyện, thủ thỉ một cách chân thành, như thể những lời này là bài thơ hay. Ngài hân hoan trước tiếng nói của chúng ta thốt lên những từ ngữ phúc âm đầu tiên. Ngài dạy chúng ta với tình yêu thương trọn vẹn.

Hình Ảnh
Gia đình cùng cầu nguyện với nhau

Không có thành tích nào trong cuộc sống này, dù có thể là quan trọng thế nào đi nữa, sẽ thích đáng nếu chúng ta đánh mất ngôn ngữ phúc âm trong gia đình của mình.18 Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho chúng ta trong các nỗ lực của mình khi chúng ta cố gắng tiếp nhận ngôn ngữ của Ngài, thậm chí cho đến khi chúng ta trở nên thông thạo trong mức độ truyền đạt cao hơn này, là ngôn ngữ mà luôn luôn là tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Trong số những người gốc Mỹ La Tinh, đến thế hệ thứ ba thì “mức độ những người chỉ nói tiếng Anh không thôi là … 72 phần trăm” (Richard Alba, “Bilingualism Persists, but English Still Dominates,” Migration Policy Institute, ngày 1 tháng Hai năm 2005, migrationpolicy.org/article/bilingualism-persists-english-still-dominates).

  2. “Đến thế hệ thứ ba thì hầu hết chỉ nói tiếng Anh không thôi” (Alba, “Bilingualism Persists, but English Still Dominates”).

  3. 1 Nê Phi 3:19; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. 1 Nê Phi 3:20; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. Một ngôn ngữ có thể được định nghĩa là “một hệ thống giao tiếp được một quốc gia hoặc một cộng đồng sử dụng” (Oxford Living Dictionaries, “language,” oxforddictionaries.com).

  6. Giáo Lý và Giao Ước 93:50; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. “[Bảo tồn tiếng mẹ đẻ] là điều có thể thực hiện được, nhưng điều đó đòi hỏi phải tận tụy và có hoạch định” (Eowyn Crisfield, “Heritage Languages: Fighting a Losing Battle?” onraisingbilingualchildren.com/2013/03/25/heritage-languages-fighting-a-losing-battle). “Chẳng hạn như những người nói tiếng Đức ở vùng Trung Tây của Hoa Kỳ đã có thể giữ gìn được tiếng mẹ đẻ của họ qua nhiều thế hệ” (Alba, “Bilingualism Persists, but English Still Dominates”).

  8. David A. Bednar, “Multigenerational Families,” trong General Conference Leadership Meetings, tháng Tư năm 2015, broadcasts.lds.org.

  9. Một ví dụ hiện đại là sự chỉ dẫn từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn: “Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ và con cái nên đặt ưu tiên quan trọng nhất vào việc cầu nguyện chung gia đình, buổi họp tối gia đình, học tập và hướng dẫn phúc âm, và các sinh hoạt gia đình lành mạnh” (từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 11 tháng Hai năm 1999).

  10. “Ta cần phải làm cho ngôn ngữ sống động cho con cái mình, để chúng có thể hiểu và giao tiếp cùng cảm thấy thuộc vào trong số những người nói ngôn ngữ đó” (Crisfield, “Heritage Languages: Fighting a Losing Battle?” sự nhấn mạnh được thêm vào).

  11. Giăng 5:19.

  12. “Một ngày nhịn ăn đúng cách thường gồm có nhịn không ăn không uống trong hai bữa ăn liên tục trong một khoảng thời gian là 24 giờ đồng hồ, tham dự buổi họp nhịn ăn và chứng ngôn, và hiến tặng số tiền nhịn ăn một cách rộng rãi nhằm giúp đỡ những người túng thiếu” (Handbook 2: Administering the Church [2010], 21.1.17).

  13. Xin xem Ôm Ni 1:17.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 93:39; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  15. Trong văn cảnh của bài nói chuyện này, “mất ngôn ngữ” ám chỉ cách phúc âm có thể bị mất như thế nào. (xin xem Các Quan Xét 2:10; Ôm Ni 1:17; 3 Nê Phi 1:30).

  16. Mô Si A 26:1, 3; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  17. Xin xem Ma Thi Ơ 5:48; 3 Nê Phi 12:48.

  18. Xin xem Ma Thi Ơ 16:24–26.