Viện Giáo Lý
Bài học 14 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúa Mặc Khải Thêm Thánh Thư


“Bài học 14 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúa Mặc Khải Thêm Thánh Thư”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 14 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 14 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Chúa Mặc Khải Thêm Thánh Thư

Hình Ảnh
thiếu nữ học thánh thư

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã lưu ý “Nhờ vào [Tiên Tri Joseph Smith], chúng ta đã nhận được nhiều trang thánh thư hơn bất cứ vị tiên tri nào khác (“Hãy Nắm Lấy Cơ Hội,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 47). Những thánh thư mà Chúa đã cho ra đời thông qua Joseph Smith cung cấp một bằng chứng hùng hồn về sự kêu gọi thiêng liêng của ông với tư cách là một tiên tri. Khi học, anh chị em hãy cân nhắc xem phần thánh thư bổ sung đã củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Các Ngài như thế nào.

Tiết 1

Chúng ta tin điều gì về việc tiếp tục nhận được sự mặc khải và thánh thư bổ sung?

Joseph Smith đã tuyên bố với một biên tập viên báo chí ở Chicago là người hỏi về niềm tin của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô rằng: “Chúng tôi tin tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải, và chúng tôi tin rằng Ngài sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế” (Những Tín Điều 1:9).

Niềm tin này vào việc tiếp tục nhận được sự mặc khải qua các vị tiên tri tại thế là một giáo lý đặc biệt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngoài Kinh Thánh, chúng ta còn học được các lẽ thật thiết yếu từ Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá, tất cả đều được chúng ta xem là thánh thư.

Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith, ngoài việc làm sáng tỏ nhiều đoạn Kinh Thánh, còn phục hồi nhiều lẽ thật minh bạch và quý báu đã bị mất qua các thời đại.

Tiết 2

Việc học Giáo Lý và Giao Ước có thể ban phước cho cuộc sống của tôi như thế nào?

Tiên Tri Joseph Smith đã viết: “Vào thời gian đầu của Giáo Hội, các tín hữu hết sức ước ao nhận được lời của Chúa về mọi vấn đề liên quan đến sự cứu rỗi của chúng ta” (History, năm 1838–1856 [Manuscript History of the Church], tập A-1, trang 146, josephsmithpapers.org). Chúa ân cần và liên tục đáp lại những mong mỏi này qua sự mặc khải.

Hình Ảnh
Revelation Given to Joseph Smith at the Organization of the Church (Sự Mặc Khải được Ban cho Joseph Smith vào lúc Tổ Chức của Giáo Hội), tranh do Judith A. Mehr họa

Giáo Hội đã được tổ chức chỉ mới hơn 18 tháng khi Vị Tiên Tri đề nghị với một nhóm anh cả tại một đại hội ở Hiram, Ohio, rằng họ nên biên soạn và xuất bản những điều mặc khải mà Chúa đã ban cho. Làm được như vậy sẽ giúp tất cả các tín hữu Giáo Hội có thể tiếp cận các điều mặc khải và giúp đỡ trong công việc truyền giáo. Những tín hữu Giáo Hội tại đại hội này tuyên bố rằng các điều mặc khải “có giá trị … hơn của cải của cả Thế Gian” (Minute Book 2, trang 18, josephsmithpapers.org). Một thời gian ngắn sau đó, các điều mặc khải đã được xuất bản trong một tập sách tên là Sách Giáo Lệnh. Về sau, những điều mặc khải này và những điều mặc khải bổ sung đã được xuất bản thành sách Giáo Lý và Giao Ước.

Phần giới thiệu về sách Giáo Lý và Giao Ước giúp chúng ta hiểu rõ lý do tại sao việc biên soạn các điều mặc khải lại có giá trị như vậy: “Những sứ điệp, những lời cảnh cáo và những lời khuyên nhủ là vì lợi ích của tất cả nhân loại và chứa đựng lời mời tất cả mọi người ở khắp mọi nơi hãy lắng tai nghe tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô, phán bảo họ vì sự an sinh thế tục của họ và sự cứu rỗi vĩnh viễn của họ” (phần giới thiệu về sách Giáo Lý và Giao Ước; xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:34–36).

Trong đại hội của các anh cả, Joseph đã nhận được điều mặc khải hiện được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 1. Đó là lời nói đầu của riêng Chúa về các điều mặc khải.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 1:17, 21–23, 37.

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy suy nghĩ xem Chúa đã phán cho anh chị em như thế nào qua việc học Giáo Lý và Giao Ước của anh chị em. Tìm một đoạn thánh thư từ Giáo Lý và Giao Ước đã củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy chuẩn bị để đến lớp chia sẻ đoạn này.

Tiết 3

Bản Dịch của Joseph Smith và Trân Châu Vô Giá bổ sung điều gì cho sự hiểu biết của tôi về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài?

Hình Ảnh
Joseph Smith Seeks Wisdom from the Bible (Joseph Smith Tìm Kiếm Sự Thông Sáng từ Kinh Thánh), tranh do Dale Kilbourn họa

Tiên Tri Joseph Smith đã thể hiện tình yêu thương lớn lao dành cho Kinh Thánh trong suốt cuộc đời của ông. Tuy nhiên, ông đã nhận thức được rằng có vấn đề với bản văn. Ông nói:

Hình Ảnh
Tiên Tri Joseph Smith

Tôi tin Kinh Thánh khi Kinh Thánh phát xuất từ ngòi bút của các tác giả nguyên thủy. Những người phiên dịch thiếu kinh nghiệm, những người sao chép lại lơ đễnh, hoặc các thầy tế lễ quỷ quyệt và đồi bại đã phạm nhiều lỗi lầm. (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [Năm 2007], trang 223)

Đầu mùa hè năm 1830, Joseph Smith đã bắt đầu một bản dịch đầy soi dẫn của Kinh Thánh. Ông đã không phiên dịch Kinh Thánh từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, và ông cũng không có một bản thảo kinh thánh nguyên thủy để làm vậy. Thay vì thế, Joseph đọc và học các đoạn trong Phiên Bản King James của Kinh Thánh và rồi sửa chỉnh và bổ sung theo sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.

Những phần trong các phiên bản hiệu đính khác được soi dẫn có thể được tìm thấy trong phần cước chú và bản phụ lục của một số ấn bản của Kinh Thánh và trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Trân Châu Vô Giá là một tập hợp các bản văn được soi dẫn làm sáng tỏ và bổ sung cho sự hiểu biết phúc âm của chúng ta. Sách Môi Se là các phần trích từ Bản Dịch Joseph Smith trong sáu chương đầu tiên của sách Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh. Joseph Smith—Ma Thi Ơ là một phần trong Bản Dịch Ma Thi Ơ 23 và 24 của Joseph Smith có trong Kinh Tân Ước. Joseph Smith—Lịch SửNhững Tín Điều là những phần trong chứng ngôn của Joseph và tuyên bố về niềm tin của Giáo Hội.

Sách Trân Châu Vô Giá cũng bao gồm một số phần ghi chép của tộc trưởng Áp Ra Ham. Vào mùa hè năm 1835, một người đàn ông tên Michael Chandler đã đến Kirtland, Ohio, với bốn xác ướp và nhiều cuộn giấy cói cổ xưa được phát hiện tại Thebes, Ai Cập. Tiên Tri Joseph Smith đã xem xét các cuộn giấy cói và sau khi biên dịch “một số ký tự hoặc chữ tượng hình,” ông đã tuyên bố rằng “một trong những cuộn giấy có chứa các ghi chép của Áp Ra Ham, một cuộn giấy khác có phần ghi chép của Giô Sép ở Ai Cập” (History, 1838–1856, tập B-1 [ngày 1 tháng Chín năm 1834–ngày 2 tháng Mười Một năm 1838], trang 596). Với sự giúp đỡ của các tín hữu Giáo Hội, Vị Tiên Tri đã mua các xác ướp, hai cuộn giấy cói và một số mảnh giấy cói. Ông đã biên dịch một phần các ghi chép của Áp Ra Ham nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế và sau đó xuất bản lần đầu tiên trên tờ báo của Giáo Hội, Times and Seasons, thành sách của Áp Ra Ham.

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy tìm một đoạn thánh thư từ Bản Dịch Joseph Smith hoặc Trân Châu Vô Giá mà đã giúp anh chị em hiểu sâu hơn về phúc âm của Đấng Cứu Rỗi. Nếu anh chị em không thể nghĩ ra được một đoạn nào thì anh chị em có thể chọn một đoạn trong bản liệt kê sau đây. Chuẩn bị để đến lớp chia sẻ đoạn của anh chị em và lý do tại sao anh chị em chọn đoạn đó.

Tiết 4

Sách Áp Ra Ham là gì?

Hình Ảnh
những mảnh giấy cói

Sách Áp Ra Ham là sách thánh thư thuật lại những phần trong cuộc đời thời còn trẻ của vị tiên tri này bằng lời của chính ông. Sách nói về ước muốn của ông để trở thành “một người theo đuổi sự ngay chính một cách nhiệt thành hơn” (Áp Ra Ham 1:2) và về lòng tin mà ông đặt nơi Chúa, người đã cứu ông một cách kỳ diệu sau khi “các tổ phụ” của ông đem ông làm lễ vật hy sinh cho thầy tế lễ của Pha Ra Ôn (xin xem Áp Ra Ham 1:5–7, 30). Sách này cũng dạy về các lẽ thật sâu sắc liên quan đến giao ước của Áp Ra Ham, cuộc sống tiền dương thế, bản chất vĩnh cửu của các linh hồn, sự tiền sắc phong, Hội Đồng trên Thiên Thượng và mục đích của cuộc sống, và việc lập kế hoạch và sáng tạo ra thế gian. Điều quan trọng nhất là sách làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô—sự vĩ đại của Ngài trong tiền dương thế, lòng thương xót của Ngài và quyền năng của Ngài để giải thoát con cái của Thượng Đế, và vai trò chính yếu của Ngài trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Hình Ảnh
Áp Ra Ham nhìn về thiên thượng

Các đề tài sau đây đề cập đến những điều chúng ta biết và không biết về sự ra đời của sách Áp Ra Ham.

Sách Áp Ra Ham và Thế Giới Cổ Đại

Sách Áp Ra Ham phù hợp một cách lạ thường với những điều các học giả đã biết về thế giới cổ đại. Một số những hiểu biết này chưa được khám phá hoặc chưa được biết đến rộng rãi trong thời kỳ của Joseph Smith. Ví dụ: người ta đã từng nghĩ rằng người Ai Cập đã không thực hiện lễ hiến tế con người như được mô tả trong sách Áp Ra Ham (xin xem Áp Ra Ham 1:8–15; “Hình Mô Phỏng từ Sách Áp Ra Ham,” Số 1). Những phát hiện lịch sử gần đây giờ đây chứng thực rằng họ có thực hiện việc đó và nó được chỉ thị để chống lại những người thách thức /không chấp nhận các tục lệ tôn giáo của Ai Cập, giống như điều các con gái của Ô Ni Ta được đề cập trong Áp Ra Ham 1:11 đã làm.

Các học giả cũng nhận thấy rằng lễ hiến tế đã diễn ra không chỉ ở Ai Cập mà còn ở các khu vực chịu ảnh hưởng của Ai Cập (xin xem Áp Ra Ham 1:1, 5–11). Sách Áp Ra Ham đề cập đến “đồng bằng Ô Li Sem” gần xứ U Rơ và Ha Ran (xin xem Áp Ra Ham 1:10). Không ai biết đến tên của nơi này trong thời kỳ của Joseph Smith. Tuy nhiên, các bản văn cổ xưa được phát hiện kể từ khi đó đề cập đến một địa điểm tên là Ô Li Sem (Ulishem) gần Ha Ran có thể phù hợp với thành phố được đề cập trong sách của Áp Ra Ham. Một số bản văn cổ xưa cũng đề cập đến việc Áp Ra Ham dạy người Ai Cập sử dụng thiên văn học (xin xem Áp Ra Ham 3:1–15; “Hình Mô Phỏng,” Số 3). Các tài liệu cổ xưa khác thuật lại khải tượng của Áp Ra Ham về Sự Sáng Tạo và mô tả một hội đồng thiên thượng nơi mà việc sáng tạo ra loài người đã được thảo luận và lên kế hoạch (xin xem Áp Ra Ham 3:23–25; 4:26–27). Những sự nhất quán này là dấu hiệu cho thấy tính xác thật của sách Áp Ra Ham.

Để biết thêm thông tin, xin xem thêm “Translation and Historicity of the Book of Abraham,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org; Daniel C. Peterson, “News from Antiquity,” Ensign, tháng Một năm 1994, trang 16–21; và Kerry Muhlestein, “Egyptian Papyri and the Book of Abraham: A Faithful, Egyptological Point of View,” trong Robert L. Millet, biên soạn, No Weapon Shall Prosper: New Light on Sensitive Issues (Năm 2011), rsc.byu.edu.

Giấy Cói Ai Cập

Sau khi Joseph Smith chết, cuối cùng gia đình ông đã bán các xác ướp và giấy cói. Hầu hết các bản giấy cói có lẽ đã bị phá hủy trong trận Đại Hỏa Hoạn ở Chicago vào năm 1871. Tuy nhiên, vào năm 1967, Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York đã tặng cho Giáo Hội những mảnh giấy cói từng thuộc về Tiên Tri Joseph Smith. Những mảnh được phục hồi này có niên đại từ vài thế kỷ trước Đấng Ky Tô, rất lâu sau thời Áp Ra Ham đã sống.

Những người chỉ trích đã cố gắng sử dụng việc định niên đại của các mảnh giấy cói để gieo sự nghi ngờ về tính xác thật của sách Áp Ra Ham. Tuy nhiên, các mảnh giấy cói không cần phải có từ thời của Áp Ra Ham để sách Áp Ra Ham mới có được tính xác thật. Các bản văn cổ xưa thường được chép thành nhiều bản sao hoặc bản sao của bản sao. Ví dụ: các bản thảo sách lâu đời nhất còn sót lại của sách Kinh Thánh có niên đại hàng thế kỷ sau khi các bản gốc được viết ra (xin xem John Gee, A Guide to the Joseph Smith Papyri [Năm 2000], trang 23–25, scholarsarchive.byu.edu; Kerry Muhlestein, “Egyptian Papyri and the Book of Abraham: Some Questions and Answers,” Religious Educator, tập 11, số 1 [Năm 2010], trang 91–108).

Một số cá nhân cũng chỉ trích sách Áp Ra Ham vì các bản dịch hiện đại của các mảnh giấy cói, trong đó có các bản văn về tang lễ Ai Cập cổ xưa, không khớp với bản văn của sách Áp Ra Ham. Có thể có một vài lý do khả thi cho vấn đề này.

Một trong những mảnh giấy cói chứa một phần của hình ảnh hiện là Hình Mô Phỏng 1 trong sách Áp Ra Ham. Một số người đã cho rằng bản văn liền kề với hình ảnh này phải là nguồn mà từ đó Joseph Smith đã phiên dịch sách Áp Ra Ham. Tuy nhiên, người ta thường tìm thấy các hình ảnh trong giấy cói của Ai Cập nằm cách xa bản văn mô tả chúng. Những người tận mắt chứng kiến đã mô tả về “một số lượng các biên sử, được viết trên giấy cói,” trong đó có “một cuộn dài” hoặc nhiều “cuộn” giấy cói (xin xem John Gee, An Introduction to the Book of Abraham [Năm 2017], trang 5). Trong khi phiên dịch, Tiên Tri Joseph Smith có thể đã phiên dịch các phần giấy cói mà sau đó đã bị phá hủy. Do đó, chúng ta không biết Joseph đã sử dụng phần nào của giấy cói trong quá trình phiên dịch.

Những người khác cho rằng có lẽ sách Áp Ra Ham, hoặc một phần của sách, không phải từ một bản dịch thật sự của giấy cói. Theo quan điểm này, việc nghiên cứu các chữ tượng hình Ai Cập của Joseph có thể đã đưa đến một điều mặc khải về các sự kiện và những lời giảng dạy chính trong cuộc đời của Áp Ra Ham, tương tự như cách Vị Tiên Tri nhận được sách Môi Se khi nghiên cứu Kinh Thánh. Cả Chúa và Joseph Smith đều không giải thích quá trình sách Áp Ra Ham được phiên dịch như thế nào.

Một Nhân Chứng từ Thượng Đế

Sách Áp Ra Ham là một ân tứ từ Thượng Đế. Như tất cả các thánh thư khác, niềm tin vào tính trung thực của nội dung của sách Áp Ra Ham chủ yếu là một vấn đề về đức tin. Sự làm chứng thiêng liêng về những lời giảng dạy trong sách qua việc nghiên cứu thành tâm và sự mặc khải từ Đức Thánh Linh là bằng chứng lớn nhất cho thấy đó là sự thật. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã làm chứng: “Có một nguồn lẽ thật đầy đủ, chính xác, và vĩnh viễn. Nguồn đó chính là Cha Thiên Thượng vô cùng thông sáng và toàn tri” (“Lẽ Thật Là Gì?” [Buổi họp đặc biệt tại trường Brigham Young University, ngày 13 tháng Một năm 2013], trang 5, speeches.byu.edu).