2020
Việc Sử Dụng Tên Đầy Đủ của Giáo Hội Tuy Lúng Túng nhưng Rất Đáng Làm
Tháng Tư năm 2020


Chỉ Dành Cho Phiên Bản Kỹ Thuật Số: Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi

Việc Sử Dụng Tên Đầy Đủ của Giáo Hội Tuy Lúng Túng nhưng Rất Đáng Làm

Việc tuân theo chỉ dẫn của vị tiên tri dường như đơn giản, nhưng việc đó cần nhiều nỗ lực hơn là tôi tưởng.

Khi Chủ Tịch Nelson nói về việc sử dụng tên đúng của Giáo Hội trong đại hội trung ương tháng Mười năm 2018, sứ điệp của ông rất rõ ràng đối với tôi: “Đó lệnh của Chúa. …

“… Việc loại bỏ tên của Chúa ra khỏi Giáo Hội của Chúa là một chiến thắng lớn cho Sa Tan.” (“Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 87, 88).

Tôi nhận ra rằng tôi cần suy nghĩ lại cách bắt chuyện với những người xung quanh mình, bao gồm những khách hàng ở nơi làm việc của tôi mà đã quen gọi tôi là “Người Mặc Môn” và là tín hữu của “Giáo Hội Mặc Môn.”

Khi cam kết sử dụng tên đầy đủ của Giáo Hội, tôi đã trông đợi cơ hội tiếp theo để tuyên bố rằng mình là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Quả thật vậy, cơ hội đó đã đến, một lần nữa cũng ở nơi tôi làm việc. Một khách hàng tiềm năng nói với tôi: “Những người Mặc Môn như chị thật là tử tế”. Tôi trả lời: “Vâng, xin cảm ơn anh. Với tư cách là những tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta điều là anh chị em.” Sau đó, cuộc trò chuyện tiếp tục bằng việc anh ấy và những người khác tiếp tục nói về sự tử tế của “những người Mặc Môn.”

Mặc dù tôi đã làm phần của mình bằng việc nói ra tên đầy đủ của Giáo Hội, tôi vẫn cảm thấy có gì đó không ổn. Những người bạn và cộng sự của tôi vẫn xem tôi như là một phần của “Giáo Hội Mặc Môn” và không nhất thiết là một tín đồ của Đấng Ky Tô, huống chi là một tín hữu trong Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô.

Việc đó có đáng bõ công không?

Trong một vài cuộc đối thoại tiếp theo về tín ngưỡng của tôi, tôi tự cảm thấy nản lòng vì sự lúng túng của việc nói ra tên đầy đủ và dài dòng của Giáo Hội nhiều lần trong cùng một cuộc trò chuyện. Mọi người mà tôi nói chuyện dường như đều tỏ thái độ kỳ lạ. Và cuộc trò chuyện vẫn luôn tập trung vào “những người Mặc Môn.”

Tôi cố gắng làm cho những cuộc đối thoại cảm thấy ít nhiều tự nhiên hơn. Nhưng điều này hóa ra khó khăn hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng, đặc biệt là với những người mà tôi không muốn xúc phạm. Tôi không muốn trở nên xấu hổ hoặc tự mãn về việc sống theo tín ngưỡng của mình, nhưng tôi cũng không muốn tỏ ra khắt khe, vì nhiều người trong số những người này trước đây đã gọi tôi là “người Mặc Môn” và tôi đã từng chấp nhận điều đó. Tôi cũng nghe là nhiều tín hữu của Giáo Hội vẫn còn tự gọi họ và các tín hữu khác của Giáo Hội là “những người Mặc Môn” ở các buổi nhóm họp và trong các bối cảnh khác.

Tôi tự hỏi liệu việc sử dụng tên đầy đủ của Giáo Hội có thật sự quan trọng đến thế hay không khi suy xét về mọi thứ khác. Cái nhãn “người Mặc Môn”, suy cho cùng, cũng khá tích cực trong tâm trí nhiều người—và việc là một “người Mặc Môn” đã thường là một lợi thế cho tôi. Nhưng khi đọc lại bài nói chuyện của Chủ Tịch Nelson, tôi đã có ấn tượng rằng điều này thực sự rất quan trọng, thậm chí nếu điều đó dẫn đến sự lúng túng trong cuộc trò chuyện. Nên tôi đã tự cam kết một lần nữa.

Một Cơ Hội để Làm Chứng về Đấng Ky Tô

Lần tiếp theo khi tôi có cơ hội sử dụng tên đầy đủ của Giáo Hội là trong khi đang đến thăm một người bạn ở một nhà thờ thuộc một tín ngưỡng khác. Một người đến gặp tôi và hỏi tôi với một nụ cười rạng rỡ rằng tôi có phải là người Mặc Môn không. Tôi nói: “Đúng vậy, tôi là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô,”. Anh ấy bắt đầu hỏi tôi một vài câu hỏi, mỗi câu hỏi đều bắt đầu bằng: “Giáo Hội Mặc Môn có tin rằng …?” Và mỗi lần, tôi đều bắt đầu câu trả lời bằng cụm từ: “Trong Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô, chúng tôi tin rằng …”

Cuộc trò chuyện tiếp tục như vậy khoảng bốn hoặc năm lần. Khi anh ấy để ý rằng tôi không chấp nhận danh hiệu “người Mặc Môn,” thì anh ấy hỏi thẳng: “Chị không phải là người Mặc Môn à?”

Vậy nên tôi đã hỏi xem anh ấy có biết Mặc Môn là ai không—anh ấy không biết. Tôi nói với anh ấy rằng Mặc Môn là một vị tiên tri, một sử gia, một vị tướng nguyên soái, và là một nhân vật chính trị ở Châu Mỹ thời xưa. Tôi rất vinh dự được liên kết với một người vô cùng tận tụy trong việc phục vụ Thượng Đế và những người khác.

“Nhưng,” tôi nói tiếp, “Mặc Môn đã không chết cho tội lỗi của tôi. Mặc Môn đã không bị đổ máu cho tôi hoặc chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê hoặc chết trên thập tự giá. Mặc Môn không phải là Thượng Đế của tôi. Chúa Giê Su Ky Tô là Thượng Đế và là Đấng Cứu Rỗi của tôi. Ngài là Đấng Cứu Chuộc của tôi. Và tôi muốn được biết đến theo danh Ngài vào ngày sau cùng, và tôi hy vọng được biết đến theo danh Ngài ngày hôm nay.”

Tôi đã cảm nhận được sự bảo đảm của Thánh Linh hỗ trợ cho mình trong chứng ngôn ngắn ngủi này gửi đến người mà tôi mới quen. Sau một vài giây phút im lặng, anh ấy nói: “Vậy, chị là một Ky Tô Hữu à?”

Tôi trả lời: “Đúng vậy, tôi là một Ky Tô Hữu, và là một tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô.”

Việc cố gắng tuân theo chỉ dẫn của vị tiên tri dường như đơn giản, nhưng điều này hóa ra cần nhiều nỗ lực hơn tôi tưởng. Tôi vẫn không hoàn hảo trong việc tuân theo tất cả mọi thứ tôi được yêu cầu để làm. Nhưng trong mọi tình huống, bây giờ tôi chắc chắn sẽ sử dụng tên đầy đủ của Giáo Hội.

Tôi biết ơn cho Thánh Linh mà tôi cảm thấy khi được làm chứng với người khác về Đấng Cứu Rỗi của tôi và về tư cách là tín hữu trong Giáo Hội của Ngài. Và bây giờ tôi có một cách thức tuyệt vời để làm chứng một cách tự nhiên về Ngài và Giáo Hội phục hồi của Ngài bất cứ khi nào tôi được hỏi về việc là “người Mặc Môn.”