2020
Tương Lai của Giáo Hội: Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi
Tháng Tư năm 2020


Tương Lai của Giáo Hội: Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang chuẩn bị thế gian cho cái ngày mà “thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết [về Chúa]” (Ê Sai 11:9).

Hình Ảnh
painting of the Savior’s hand

Within Our Grasp (Trong Tầm Tay Chúng Ta), tranh do Jay Bryant Ward họa, cấm sao chụp lại

Anh chị em và tôi được tham gia vào Sự Phục Hồi phúc âm liên tục của Chúa Giê Su Ky Tô. Cơ hội này thật là kỳ diệu! Đây không phải cơ hội do con người tạo ra! Mà đây là cơ hội đến từ Chúa, Đấng đã phán: “Này, ta sẽ gấp rút làm công việc của ta vào đúng kỳ của nó” (Giáo Lý và Giao Ước 88:73). Công việc này được tạo ra từ một lời phán thiêng liêng cách đây 200 năm. Lời phán này chỉ gồm có 12 từ: ″Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!” (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:17).

Lời phán này của Thượng Đế Toàn Năng giới thiệu Chúa Giê Su Ky Tô cho thiếu niên Joseph Smith. Những lời này khai mở Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài. Tại sao? Vì Thượng Đế hằng sống của chúng ta là một Thượng Đế nhân từ! Ngài muốn con cái của Ngài phải có được sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu! Công việc ngày sau vĩ đại mà chúng ta là một phần trong đó đã được thiết lập, vào đúng kỳ định, để ban phước cho một thế giới đang chờ đợi và đang than khóc.

Tôi không thể nói về Sự Phục Hồi mà không cảm thấy phấn khởi. Sự kiện lịch sử này là hoàn toàn tuyệt vời! Thật là khó tin! Thật là ngoạn mục! Việc các sứ giả từ thiên thượng mang đến thẩm quyền và quyền năng cho công việc này có thật là ngạc nhiên không?

Ngày nay, công việc của Chúa trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang tăng tốc tiến về phía trước. Giáo Hội sẽ có một tương lai chưa từng có và không gì sánh bằng. “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, … nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (1 Cô Rinh Tô 2:9; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 76:10).

Xin hãy nhớ rằng sự trọn vẹn của giáo vụ của Đấng Ky Tô là nằm ở tương lai. Những lời tiên tri về Ngày Tái Lâm của Ngài sẽ được ứng nghiệm. Chúng ta chỉ đang xây dựng cho sự kiện tột đỉnh của gian kỳ cuối cùng này—là khi Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi thật sự đến.

Quy Tụ Y Sơ Ra Ên ở Cả Hai Bên Bức Màn Che

Điều cần thiết phải đến trước Ngày Tái Lâm là sự quy tụ đã được chờ đợi từ lâu của dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán (xin xem 1 Nê Phi 15:18; xin xem thêm trang tựa của Sách Mặc Môn). Giáo lý này của sự quy tụ là một trong những điều giảng dạy quan trọng của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa đã tuyên phán: “Ta ban cho các ngươi một điềm triệu … tức là việc ta sẽ quy tụ dân của ta lại, tức là gia tộc Y Sơ Ra Ên, sau một thời gian lâu dài họ bị phân tán, và ta sẽ thiết lập lại Si Ôn của ta ở giữa họ” (3 Nê Phi 21:1).

Chúng ta không những giảng dạy giáo lý này mà còn tham dự vào nữa. Chúng ta làm như vậy khi chúng ta giúp quy tụ những người chọn lọc của Chúa ở cả hai bên bức màn che. Là một phần của số mệnh thiêng liêng đã được định cho trái đất và các cư dân của nó, những người thân quyến đã qua đời của chúng ta sẽ được cứu chuộc (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:15). Một cách đầy nhân từ, lời mời để “đến cùng Đấng Ky Tô” (Gia Cốp 1:7; Mô Rô Ni 10:32; Giáo Lý và Giao Ước 20:59) cũng có thể được đưa ra cho những người đã chết mà không có sự hiểu biết về phúc âm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 137:6–8). Tuy nhiên, một phần trong sự chuẩn bị của họ đòi hỏi những nỗ lực trên trần thế của những người khác. Chúng ta thu thập các phả hệ, tạo bảng nhóm gia đình, và làm công việc đền thờ làm thay để quy tụ các cá nhân đến với Chúa và gia đình của họ (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:29; 1 Phi E Rơ 4:6).

Hình Ảnh
painting of Salt Lake Temple

Holiness to The Lord (Thánh cho Chúa), tranh do Jay Bryant Ward họa, cấm sao chụp lại

Gia đình được làm lễ gắn bó cùng nhau cho cả thời vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 2:2–3; 49:17; 138:48; Joseph Smith—Lịch Sử 1:39). Một mối liên hệ mạnh mẽ hình thành giữa tổ tiên và các hậu tự. Trong thời đại của chúng ta, sự hiệp nhất trọn vẹn và toàn hảo tất cả mọi gian kỳ, mọi chìa khóa, và mọi quyền năng sẽ được kết hợp lại với nhau (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:18). Vì những mục đích thiêng liêng này mà ngày nay các đền thờ thánh xuất hiện trên khắp thế giới. Tôi nhấn mạnh lần nữa rằng sự xây cất các đền thờ này có thể không thay đổi cuộc sống anh chị em, nhưng sự phục vụ của anh chị em trong đền thờ chắc chắn sẽ làm được điều đó.

Sắp đến lúc mà những người không tuân phục Chúa sẽ bị chia cách khỏi những người tuân phục Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 86:1–7). Sự đảm bảo an toàn nhất cho chúng ta là tiếp tục xứng đáng để được phép bước vào ngôi nhà thánh của Ngài. Món quà lớn nhất mà anh chị em có thể dâng lên Chúa là giữ cho mình thanh sạch khỏi thế gian, và xứng đáng để tham dự trong ngôi nhà thánh của Ngài. Ân tứ Ngài ban cho anh chị em sẽ là sự bình an và sự bảo đảm khi biết rằng anh chị em xứng đáng để gặp Ngài, bất kể đó là lúc nào.

Ngoài công việc đền thờ, sự ra đời của Sách Mặc Môn là một dấu hiệu cho toàn thể thế gian biết rằng Chúa đã bắt đầu quy tụ dân Y Sơ Ra Ên và làm tròn các giao ước mà Ngài đã lập với Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp (xin xem Sáng Thế Ký 12:2–3; 3 Nê Phi 21; 29). Sách Mặc Môn tuyên bố giáo lý của sự quy tụ (ví dụ, xin xem 1 Nê Phi 10:14). Sách giúp cho mọi người học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô, tin phúc âm của Ngài, và gia nhập Giáo Hội của Ngài. Thật vậy, nếu không có Sách Mặc Môn thì sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên đã được hứa sẽ không xảy ra.

Công việc truyền giáo là thiết yếu cho sự quy tụ đó. Các tôi tớ của Chúa đi ra rao truyền Sự Phục Hồi. Trên nhiều quốc gia, các tín hữu và người truyền giáo của chúng ta đã tìm kiếm những người thuộc dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán; họ đã săn tìm những người đó ở “các kẽ vầng đá” (Giê Rê Mi 16:16); và họ đã giăng lưới tìm những người đó, như trong thời xưa.

Công việc truyền giáo kết nối mọi người với giao ước mà Chúa đã lập với Áp Ra Ham từ xưa:

“Ngươi sẽ là một phước lành cho dòng dõi của ngươi sau ngươi, ngõ hầu qua bàn tay của mình, họ sẽ đem giáo vụ và Chức Tư Tế này đến với tất cả các quốc gia;

“Và ta sẽ ban phước cho họ qua danh của ngươi; vì tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ được gọi theo tên của ngươi, và sẽ được xem như dòng dõi của ngươi, và sẽ đứng lên chúc phước cho ngươi là tổ phụ của họ” (Áp Ra Ham 2:9–10).

Công việc truyền giáo mới chỉ là sự bắt đầu của phước lành đó. Sự ứng nghiệm, sự hoàn tất, của các phước lành đó đến khi những người đã bước vào các dòng nước báp têm làm toàn hảo cuộc sống của họ đến mức họ có thể bước vào đền thờ thánh. Việc nhận được lễ thiên ân trong đền thờ giúp gắn kết các tín hữu Giáo Hội với giao ước của Áp Ra Ham.

Sự lựa chọn để đến cùng Đấng Ky Tô không phải là một vấn đề về vị trí địa lý; mà là một vấn đề về sự cam kết của cá nhân. Tất cả các tín hữu của Giáo Hội đều có thể có được giáo lý, giáo lễ, các chìa khóa chức tư tế, và những phước lành của phúc âm, bất kể nơi họ sinh sống. Mọi người có thể “được đưa tới sự hiểu biết Chúa” (3 Nê Phi 20:13) mà không phải rời bỏ quê hương của họ.

Thật vậy, trong những ngày đầu của Giáo Hội, việc cải đạo thường cũng có nghĩa là phải di cư. Nhưng giờ đây sự quy tụ xảy ra ở mỗi quốc gia. Chúa đã ra lệnh thiết lập Si Ôn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:6; 11:6) trong mỗi quốc gia nơi Ngài cho Các Thánh Hữu của Ngài được sinh ra và cư ngụ. Nơi quy tụ cho Các Thánh Hữu người Brazil là ở Brazil; nơi quy tụ cho Các Thánh Hữu người Nigeria là ở Nigeria; nơi quy tụ cho Các Thánh Hữu người Hàn Quốc là ở Hàn Quốc. Si Ôn là “những kẻ có tấm lòng thanh khiết” (Giáo Lý và Giao Ước 97:21). Si Ôn là bất cứ nơi nào có Các Thánh Hữu ngay chính.

Sự bảo đảm về mặt thuộc linh luôn luôn tùy thuộc vào cách sống của một người, chứ không phải nơi người đó sống. Tôi hứa rằng nếu chúng ta đem hết khả năng của mình để thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sử dụng quyền năng từ Sự Chuộc Tội của Ngài qua việc hối cải, thì chúng ta sẽ có sự hiểu biết và quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta mang các phước lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đến cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc và chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa.

Ngày Tái Lâm

Chúa sẽ trở lại vùng đất mà Ngài đã thánh hoá bởi giáo vụ trần thế của Ngài tại đó. Trong sự khải hoàn, Ngài sẽ trở lại Giê Ru Sa Lem. Với áo choàng đỏ hoàng gia để tượng trưng cho máu của Ngài, mà đã rỉ ra từ mọi lỗ chân lông, Ngài sẽ trở về Thành Phố Thánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:46–48). Tại đó và những nơi khác, “sự vinh hiển của Đức Giê Hô Va sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy” (Ê Sai 40:5; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 101:23). “Danh Ngài sẽ được gọi là Đấng Kỳ Diệu, Đấng Mưu Luận, Thượng Đế Toàn Năng, Cha Vĩnh Viễn, Hoàng Tử Bình An” (Ê Sai 9:6).

Ngài sẽ trị vì từ hai thủ phủ của thế gian: một tại Giê Ru Sa Lem cũ (xin xem Xa Cha Ri 14) và nơi kia tại Tân Giê Ru Sa Lem “được thiết lập trên lục địa Mỹ Châu” (Những Tín Điều 1:10). Từ những trung tâm đó Ngài sẽ chỉ dẫn các công việc của Giáo Hội và vương quốc Ngài. Một đền thờ khác sẽ được xây cất tại Giê Ru Sa Lem. Từ đền thờ đó Ngài sẽ cai trị mãi mãi với tư cách là Chúa của Các Chúa. Nước sẽ chảy ra từ bên dưới đền thờ. Dòng nước của Biển Chết sẽ trở nên ngọt. (Xin xem Ê Xê Chi Ên 47:1–8.)

Trong ngày đó Ngài sẽ mang các danh xưng mới và được bao quanh bởi Các Thánh Hữu đặc biệt. Ngài sẽ được biết đến là “Chúa của các gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung tín đều ở với [Ngài]” (Khải Huyền 17:14), họ là những người đã biết tin cậy trong cuộc sống trần thế. Rồi Ngài “trị vì đời đời” (Khải Huyền 11:15).

Thế gian sẽ trở về trạng thái thiên đường của nó và được đổi mới. Sẽ có một trời mới và một đất mới (xin xem Khải Huyền 21:1; Ê The 13:9; Giáo Lý và Giao Ước 29:23–24).

Đây chính là nhiệm vụ của chúng ta—đặc ân của chúng ta—để giúp chuẩn bị thế gian cho ngày đó.

Hình Ảnh
Jesus with little boy

Feed My Sheep (Hãy Chăn Chiên Ta), tranh do Jay Bryant Ward họa, cấm sao chụp lại

Đối Phó với Tương Lai bằng Đức Tin

Trong khi đó, hiện tại ở đây, chúng ta sống trong một thời kỳ hỗn loạn. Các trận động đất và sóng thần đầy sức tàn phá, chính quyền sụp đổ, tình trạng kinh tế căng thẳng trầm trọng, gia đình bị đe dọa, và tỷ lệ ly dị gia tăng. Chúng ta có nhiều lý do để lo lắng. Nhưng chúng ta không cần phải để cho nỗi sợ hãi thay thế đức tin của mình. Chúng ta có thể chống lại những nỗi sợ hãi đó bằng cách củng cố đức tin của mình.

Tại sao chúng ta cần đức tin vững mạnh như vậy? Bởi vì những ngày khó khăn đang chờ đợi trước mắt. Việc làm một Thánh Hữu Ngày Sau trung tín sẽ hiếm khi dễ dàng hay khó mà được mọi người ưa thích trong tương lai. Mỗi người chúng ta sẽ bị thử thách. Sứ Đồ Phao Lô đã báo trước rằng trong những ngày sau, những người siêng năng noi theo Chúa “thì sẽ bị bắt bớ” (2 Ti Mô Thê 3:12). Chính sự bắt bớ ngược đãi đó có thể nghiền nát và đẩy anh chị em vào tình trạng yếu đuối âm thầm, hoặc có thể thúc đẩy anh chị em trở thành một tấm gương sáng và quả cảm hơn trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Cách anh chị em đối phó với những thử thách của cuộc đời là một phần để phát triển đức tin của mình. Sức mạnh có được khi anh chị em nhớ rằng mình có một thiên tính và thừa hưởng một giá trị vô hạn. Chúa đã nhắc nhở anh chị em, con cháu của anh chị em, rằng anh chị em là những người thừa kế hợp pháp, đã được gìn giữ trên thiên thượng cho thời điểm và nơi chốn riêng biệt của mình để được sinh ra, tăng trưởng cùng trở thành người đại diện và dân giao ước của Ngài. Khi bước đi trong đường lối ngay chính của Chúa, anh chị em sẽ được ban phước để tiếp tục trong lòng nhân từ của Ngài và làm một ánh sáng và cứu tinh cho dân Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 86:8–11).

Hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách gia tăng sự hiểu biết của anh chị em về giáo lý đã được giảng dạy trong Giáo Hội phục hồi của Ngài, và bằng cách không ngừng tìm kiếm lẽ thật. Hãy đặt nền tảng thuộc linh trong giáo lý thuần túy, anh chị em sẽ có thể tiến bước với đức tin, luôn luôn kiên định và vui vẻ làm tất cả những gì trong khả năng của anh chị em để làm tròn các mục đích của Chúa.

Sẽ có những ngày mà anh chị em sẽ cảm thấy nản lòng. Vì vậy, hãy cầu nguyện để có can đảm và không bỏ cuộc! Đáng buồn thay, một số người mà anh chị em nghĩ là bạn của mình lại sẽ phản bội anh chị em. Và một số điều sẽ hoàn toàn dường như không công bằng.

Tuy nhiên, tôi hứa với anh chị em rằng khi anh chị em noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em sẽ tìm thấy sự bình an bền vững và niềm vui thật sự. Khi anh chị em tuân giữ các giao ước của mình càng ngày càng chính xác hơn, và khi anh chị em bênh vực Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế trên thế gian ngày nay, thì Chúa sẽ ban cho anh chị em với sức mạnh và sự khôn ngoan để đạt được những gì mà chỉ các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể đạt được.

Chúng ta cần phải là những người xây đắp cho đức tin của một cá nhân nơi Thượng Đế, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và đức tin nơi Giáo Hội của Ngài. Chúng ta cần phải xây dựng gia đình và được làm lễ gắn bó trong đền thờ thánh. Chúng ta cần phải xây dựng Giáo Hội và vương quốc của Ngài trên thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 6:33). Chúng ta cần phải chuẩn bị cho vận mệnh thiêng liêng của chính mình: vinh quang, sự bất diệt, và cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Rô Ma 2:7; Giáo Lý và Giao Ước 75:5).

Tôi khiêm nhường làm chứng với anh chị em rằng—như Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố—phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ “thẳng tiến một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập, cho đến khi nó thâm nhập vào mỗi lục địa, đến với mọi xứ sở, lan tràn trong mỗi quốc gia, và thấu đến tai của mỗi người, cho đến khi các mục đích của Thượng Đế đã được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán công việc đã hoàn tất” (History of the Church, 4:540).

Chúng ta được tham gia vào công việc đó của Thượng Đế Toàn Năng. Tôi cầu xin các phước lành của Ngài ở cùng mỗi anh chị em.