2010
Fiji: Trái của Đức Tin
tháng Tư năm 2010


Fiji Trái của Đức Tin

Việc khám phá ra lẽ thật của một gia đình nọ, vòng yêu thương tăng trưởng trong một gia đình khác, và đức tin tuyệt đối của một thiếu nữ.

Fiji từng được xem là một nơi khá biệt lập đối với những nơi khác trên thế giới—một nơi ẩn dật khỏi những vấn đề của lối sống vội vã, thành thị hơn. Nhưng không còn như vậy nữa. Máy bay, vệ tinh và thương mại toàn cầu hiện mang đến bờ biển Fiji tất cả những thử thách của lối sống hiện đại mà đã được thấy ở khắp nơi trên thế giới. Đối với các tín hữu Giáo Hội ở Fiji, cách đối phó một cách thành công với những thử thách đó thì cũng giống như ở bất cứ vùng đất nào trên thế giới: trung tín tuân theo các nguyên tắc phúc âm.

Ba tấm gương từ Fiji dạy cho biết những nguyên tắc này định hướng cuộc sống như thế nào.

Gia Đình Kumar

George Kumar đang tìm kiếm một cách để chắc chắn rằng đứa con trai đầu lòng của mình là Ryan sẽ sống một cuộc sống đạo đức hữu ích . Gia đình Kumar còn tìm ra nhiều điều hơn nữa: các lẽ thật phúc âm vĩnh cửu mà mang đến cho tất cả họ một lối sống mới mẻ và hạnh phúc hơn.

Anh Kumar nói rằng phúc âm đã đem lại sức sống mới cho gia đình họ. Anh nói: “Chúng tôi dành nhiều thời giờ hơn cho nhau—thời giờ hữu ích hơn, nói chuyện với nhau cởi mở hơn.” Ryan nói rằng họ cầu nguyện chung gia đình hằng ngày và có buổi họp tối gia đình đều đặn là “điều ‘cốt yếu’”.

Chính Ryan là người dẫn đầu việc gia nhập Giáo Hội.

Lúc Ryan đang ở giữa tuổi thiếu niên, George Kumar trở nên quan tâm đến con đường mà đứa con trai của mình có thể đi theo trong cuộc sống. Vì lo lắng rằng Ryan và bạn bè của em không sử dụng thời giờ một cách hữu ích nên George tìm ra cách để cho con trai mình giao tiếp với những người trẻ tuổi hành động khác biệt. George biết được từ việc nói chuyện với người anh em họ của mình đang làm việc tại trường Fiji LDS Church College, ở Suva, rằng Ryan có thể hội đủ điều kiện để được nhận vào học. (Church College là một ngôi trường cấp hai tương đương với trường phổ thông cấp hai và trung học trong các khu vực khác.)

Sau khi em vào học trường Church College thì hành vi của Ryan bắt đầu cải tiến. Em nói: “Đó là vì tấm gương của các học sinh khác.” Trước đây, em dành nhiều thời giờ với bạn bè mình để ăn không ngồi rồi. Nhưng sau khi thấy sự khác biệt trong cuộc sống của các học sinh tại trường của Giáo Hội, em giải thích: “Em không còn muốn làm như thế nữa.”

Ryan đạt được chứng ngôn về phúc âm và cha mẹ em vui mừng trước những thay đổi trong cuộc sống của em đến nỗi khi em xin phép họ để chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận thì họ sẵn sàng ưng thuận. Ryan từ bỏ nhóm bạn cũ của mình. Em đã có bạn bè mới.

Tuy nhiên, khi em yêu cầu cha mẹ mình nghe những người truyền giáo giảng dạy thì George nhớ lại là “chúng tôi không sẵn lòng.” Tuy nhiên, họ đã thấy những thay đổi mà phúc âm mang đến cho cuộc sống của Ryan nên họ biết rằng Giáo Hội chắc tốt. Sự thay đổi nơi hành vi của Ryan rõ ràng đến nỗi trong năm thứ ba và năm cuối cùng tại trường Church College, em đã được mệnh danh là thủ khoa, vinh dự thường dành cho một học sinh theo học toàn bộ các niên học trong trường.

Thoạt tiên, một vài thay đổi trong hành vi của Ryan dường như lạ lùng đối với cha mẹ của em. Ví dụ như tại sao họ không thể thuyết phục em ăn vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng? Nhưng khi Ryan giải thích mục đích của sự nhịn ăn thì cha mẹ em hiểu rằng những thay đổi trong cuộc sống của em thì sâu xa hơn là họ nhận thức được.

Michael, em trai của Ryan, cũng nhận thấy những thay đổi nơi anh của mình và Michael lắng nghe phúc âm. Michael nói: “Ryan bắt đầu đi dự các buổi sinh hoạt Giáo Hội và điều mà làm cho em chú ý là mỗi lần mà anh ấy về nhà, anh đều vui vẻ. Em đã tự tìm đến những người truyền giáo. Em muốn nhận các bài học. Em muốn chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận.”

Khi những người truyền giáo dạy cho Michael các bài học dành cho người tín hữu mới sau khi em chịu phép báp têm thì mẹ của em là Alitiana bắt đầu lắng nghe. Điều này tác động chồng của chị và chẳng bao lâu George lẫn vợ của anh đã có chứng ngôn riêng của họ.

Ryan có đặc ân để làm phép báp têm cho cha mẹ em vào Giáo Hội năm 2006, ngay trước khi em đi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo New Zealand Wellington. Về sau, trước khi Michael đi truyền giáo, em đã có được đặc ân đi theo cha mẹ mình khi họ vào đền thờ. Anh Cả Michael Kumar phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Utah Salt Lake City South vào tháng Tám năm 2008, ngay trước khi Ryan trở về nhà từ New Zealand.

Việc đóng tiền thập phân và rồi hỗ trợ tài chính cho một đứa con trai đang đi truyền giáo cho thấy là rất khó đối với gia đình Kumar. Thu nhập của Anh Kumar được dành để trang trải trọn vẹn cho nợ nhà của họ và những món nợ khác. Nhưng họ đã có những hy sinh cần thiết; toàn thể gia đình hiểu được nhu cầu đó. Ví dụ, bất cứ lúc nào Anh Kumar vui vẻ nói rằng họ sẽ thưởng thức thực đơn “thường ngày” vào buổi chiều đó thì cả gia đình hiểu rằng sẽ không có thịt trong bữa ăn tối. Michael nhớ lại: “Có những ngày mà chúng tôi chỉ có bánh mì và nước cacao.”

Ryan nói rằng em rất biết ơn sự hy sinh của cha mẹ em. “Em biết rằng họ đã thực sự cam kết với giao ước mà họ đã lập.”

Người em của Ryan nói rằng kể từ khi họ cải đạo, “chúng tôi cùng nhau vượt qua những thử thách dễ dàng hơn. Cha Thiên Thượng đã giúp đỡ chúng tôi.”

Sự cải đạo của gia đình họ cũng đã nhanh chóng ảnh hưởng đến những người khác. Hai trong số các anh em họ của Ryan và Michael đã phải đến sống với gia đình Kumar cũng chọn nghe các bài học của người truyền giáo và gia nhập Giáo Hội.

Anh Kumar nói rằng các phước lành về những hy sinh của gia đình Kumar là về phần vật chất lẫn thuộc linh. Họ đã có thể kiếm đủ tiền để sống. Và sau khi Michael đi truyền giáo, Anh Kumar đã có thể kiếm được một việc làm mới mà anh hy vọng sẽ giúp anh có thể trả hết nợ nhà nhanh hơn.

Nhưng các phước lành thuộc linh mà gia đình Kumar đã nhận được thì quan trọng hơn trong cuộc sống của họ. George và Alitiana tìm thấy sự phát triển trong những sự kêu gọi của họ—anh là chủ tịch nhóm túc số các anh cả trong Tiểu Giáo Khu Lami Second, Giáo Khu Suva Fiji North và chị là đệ nhị cố vấn trong Hội Thiếu Nhi của tiểu giáo khu.

Ryan thấy rằng cách nhìn của mình về cuộc sống thì khác hẳn với nhiều người bạn của em: “Em luôn luôn có một điều gì đó để làm—một điều gì đó để xây đắp vương quốc.” Em nói rằng trong khi hoạch định tương lai, phúc âm làm cho những người tin “nhìn những sự việc từ một viễn ảnh vĩnh cửu.”

George và Alitiana Kumar đều được giảng dạy các giáo lý của Ky Tô giáo trước khi nghe phúc âm. Nhưng họ đã không tìm ra được sự an ủi nơi điều mà họ đã được giảng dạy. Anh Kumar nói: “Trong các tôn giáo khác, ta được dạy phải sợ cơn thịnh nộ của Thượng Đế—phải hoảng sợ. Nhưng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô ban cho ta một cơ hội khác.”

Gia đình Kumar đang cố gắng tận dụng cơ hội thứ nhì đó.

Gia Đình Naivaluvou

Peni và Jieni Naivaluvou gia tăng số người trong gia đình họ khi nhận nuôi thêm bốn em gái từ Vanuatu đang theo học trường Fiji LDS Church College. Nhưng gia đình Naivaluvou không thấy đây là một sự hy sinh. Họ cảm thấy rằng họ đã được ban phước dư dả để làm điều này. Họ tin rằng một trong các phước lành đó là có thêm bé Hagoth sinh ra trong gia đình vào tháng Giêng năm 2009.

Đầu năm 2008, Giám Trợ và Chị Naivaluvou thuộc Tiểu Giáo Khu Tamavua, Giáo Khu Suva Fiji North, nghe về hai học sinh nhỏ từ Vanuatu cần một chỗ trọ nên gia đình Naivaluvou xem xét hoàn cảnh của họ. Hai con trai của họ, Soane, 18 tuổi và Ross, 16 tuổi đi học xa ở trường của Giáo Hội ở Tonga, vùng đất của tổ tiên họ. Hai em gái từ Vanuatu đang ở trọ với một gia đình không phải là Thánh Hữu Ngày Sau ở Suva mà cha mẹ các em phải trả rất nhiều tiền. Hai em gái đó sẽ là bạn tốt với Andrea Naivaluvou lúc ấy được 13 tuổi; Andrea cũng đi học trường Church College và về nhà vào buổi trưa trước khi cha mẹ em đi làm về. Vậy nên Anh Chị Naivaluvou quyết định sẽ mời hai em gái từ Vanuatu đến sống trong nhà họ miễn phí.

Hai em gái đó cố nài xin giúp trả chi phí tiền trọ, nhưng phí tổn của hai em đó không đến nửa phí tổn mà hai em đã phải trả trước đó—một phước lành cho gia đình của hai em.

Vào tháng Tư, hai em gái khác từ Vanuatu đến thăm và rất thích bầu không khí trong nhà của gia đình Naivaluvou. Một thời gian ngắn sau, hai em gái này hỏi xin đến đó ở trọ được không. Gia đình Naivaluvou vui vẻ nhận các em vào ở.

Làm thế nào giải quyết việc có thêm bốn em nhỏ trong nhà? Giám Trợ Naivaluvou nói: “Chúng tôi xây đắp một mối quan hệ chặt chẽ đến nỗi các em thể như chính là các con gái của chúng tôi vậy.” Gia đình Naivaluvou nói rõ ràng từ đầu là các em gái được xem như người trong gia đình. Bốn em gái từ Vanuatu thật sự có liên hệ với nhau nhưng trong nhà Naivaluvou các em đối xử với nhau như chị em ruột. Andrea Naivaluvou cũng dần dần chấp nhận các em gái đó “giống như là những người chị của em,” em nói thế; các em gái lớn tuổi hơn trông chừng em và còn giúp em làm bài ở nhà khi cần. Bốn em gái đó bắt đầu gọi Giám Trợ và Chị Naivaluvou bằng TaNa—“Cha” và “Mẹ” bằng tiếng Fiji.

Chị Naivaluvou nói rằng đây có thể là lần đầu tiên các em gái từ Vanuatu đang theo học trường Church College có thể ở trọ với gia đình tín hữu. Cha của một trong số các em gái đó, khi đến thăm đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với gia đình Naivaluvou về tình yêu thương mà họ đã cho con gái của ông thấy.

Chị Naivaluvou nêu ra rằng một trong số các em gái đó, con gái của một chủ tịch giáo hạt ở Vanuatu, là một tấm gương sáng cho gia đình của họ qua đức tin của em ấy; Giám Trợ Naivaluvou nói rằng tấm gương của em ấy đã giúp gia đình ông kiên định hơn trong việc học thánh thư và cầu nguyện chung gia đình.

Cả hai vợ chồng Naivaluvou nói rằng họ đã được ban phước về mặt vật chất vì họ đã chia sẻ với những người khác. Họ có nhiều phương tiện hơn. Và Chị Naivaluvou tin rằng phước lành về việc có thể có thai một lần nữa sau 13 năm gắn liền với sự sẵn lòng của họ để chia sẻ tình yêu thương với những người khác.

Khi hai đứa con trai của gia đình Naivaluvou trở về nhà vào cuối niên học của họ ở Tonga, thì họ chấp nhận các em thiếu nữ là người trong gia đình. Nhưng có lẽ Soane có thể được miễn không xem các em thiếu nữ đó giống y như chị em của mình. Em tự thấy mình hẹn hò đi khiêu vũ trong trường với một trong số các thiếu nữ đó. Em đóng vai trò giống như một người lịch lãm.

Khi bốn thiếu nữ hoàn tất niên học của họ và trở về nhà ở Vanuatu vào cuối năm 2008, Giám Trợ Naivaluvou nhớ lại, những lời tạm biệt thật đau lòng. Thể như vợ chồng ông đang nói lời tạm biệt với bốn đứa con gái của mình. Và khi niên học mới bắt đầu năm 2009, gia đình Naivaluvou vui mừng chào đón bốn “đứa con gái” của họ trở lại—cộng thêm hai đứa nữa.

Chỉ với bốn phòng ngủ trong nhà họ, một số người sẽ tự hỏi làm thế nào họ có thể có đủ chỗ cho sáu thiếu nữ cộng thêm đứa con gái của họ và một bé sơ sinh. Nhưng gia đình Naivaluvou nhanh chóng giải quyết vấn đề không chút khó khăn gì.

Xét cho cùng, đó không phải là vấn đề chỗ ở cá nhân. Đó hoàn toàn là vấn đề của việc nới rộng tình yêu thương của họ.

Asenaca Ramasima

Năm 2008, Asenaca Ramasima thắng được hai phần thưởng xuất sắc nhất dành cho các học sinh ở trường Fiji LDS Church College. Trước hết, em được chọn là học sinh xuất sắc trong trường. Phần thưởng đó kèm theo tiền học bổng. Nhưng em cũng nhận được phần thưởng Sư Tử của Chúa, được trao cho một học sinh gương mẫu trong lớp giáo lý. Em quý trọng phần thưởng thứ nhì nhiều hơn phần thưởng thứ nhất vì đó là điều nhắc nhở về cách mà em đã cố gắng áp dụng đức tin nơi Cha Thiên Thượng trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Cuộc sống đã mang đến cho Asenaca nhiều gian khổ rồi mặc dù em chỉ mới 19 tuổi. Tuy thế, dường như em vẫn rạng ngời niềm vui—niềm vui vì hiểu biết rằng em có được một gia đình vĩnh cửu vì họ đã được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Suva Fiji vào năm 2001 cũng như niềm vui vì hiểu biết rằng Cha Thiên Thượng biết và yêu thương em.

Asenaca là con út trong số năm đứa con, sau bốn anh trai. Khi cha họ chết, em nhớ lại, người anh cả, lúc bấy giờ đang phục vụ truyền giáo, đã khuyến khích tất cả các em ghi nhớ rằng họ không mất cha của họ; ông sẽ luôn luôn gần gũi họ.

Những người anh của em trở thành người trụ cột nuôi gia đình trong khi mẹ của họ trở thành mối ràng buộc thuộc linh giữ cho họ bên nhau. Con cái đã hưởng lợi ích khi noi theo gương của cha mẹ chúng.

Asenaca nhỏ nhẹ nói: “Cha em là một sự soi dẫn đối với em. Ông luôn luôn dạy cho tụi em ‘Làm việc siêng năng, làm việc siêng năng.’” Siêng học trong trường là cách vinh danh cha của em và giúp đỡ mẹ của em. Học bổng đi kèm với phần thưởng học sinh xuất sắc là một sự đóng góp quý báu mà Asenaca đã có đối với học phí của em.

Tấm gương của cha mẹ cũng cho em một nền tảng cho việc học hỏi thuộc linh của em. Asenaca nói: “Tụi em được dạy mỗi ngày ở nhà qua việc đọc thánh thư chung gia đình và những lời giảng dạy từ cha mẹ tụi em.” Em nói thêm rằng mẹ của em tiếp tục xây đắp nền tảng này cho gia đình em.

Việc Asenaca học thánh thư đều đặn giúp em duy trì và củng cố đức tin của em nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Em dành thời giờ ra để học thánh thư bất luận thời khóa biểu của em như thế nào.

Đáp lại, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp em gần gũi với Cha Thiên Thượng để em có thể cầu xin sự hướng dẫn của Ngài. Em nói: “Em biết rằng Ngài luôn luôn ở đó. Nếu em làm điều Ngài muốn em làm thì Ngài sẽ ở bên em và Thánh Linh của Ngài sẽ xác nhận điều nào đúng.”

Sự hướng dẫn đó rất quan trọng khi một số thiếu nữ bằng tuổi em cố gắng thuyết phục em “có được vui thú” theo cách của họ—uống rượu, hút thuốc, bỏ qua một bên sự trinh khiết. Nhưng Asenaca nói: “những điều đó trái ngược với lương tâm của em,” và nhờ vào đức tin của em và sự an toàn mà em cảm nhận được nơi sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, nên “em có thể từ chối.”

Em nói rằng sự phục vụ trong Giáo Hội đã giúp em xây đắp một sự tin tưởng nào đó mà em sẽ không có nếu không làm như vậy. Điều đó sẽ rất quan trọng khi em hoàn tất việc học của mình tại trường Church College vì lúc bấy giờ em hy vọng có thể theo học trường Brigham Young University ở Provo, Utah, hoặc trường BYU–Hawaii để học ngành kế toán.

Những nơi đó ở rất xa nhà của gia đình em trong vùng thôn dã ở ngoại ô Suva. Phải xa nhà quá như vậy có sợ lắm không? Asenaca suy nghĩ về câu hỏi này trong một lát rồi nở nụ cười thật tươi. Em trả lời đúng vậy—nhưng em sẽ làm điều đó nhằm thực hiện các mục tiêu của mình.

Rất dễ dàng để tin rằng Asenaca sẽ làm điều mà em nói. Cho đến bây giờ em đã làm rất giỏi trong việc thực hiện các mục tiêu của mình. Và giống như các tín hữu trung tín khác ở Fiji, em đã tìm thấy sự phát triển về phần thuộc linh lẫn sự tiến triển về phần vật chất qua việc sử dụng đức tin cùng tuân giữ các lệnh truyền.

Hình do Don L. Searle chụp

George, Alitiana, và Ryan Kumar.

Anh Cả Michael Kumar trong khi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Utah Salt Lake City.

Trước: Peni, Jieni, và Andrea Naivaluvou. Sau: Soane và Ross Naivaluvou.

Đền Thờ Suva Fiji.