2010
Sự Phục Sinh Chắc Chắn
tháng Tư năm 2010


Phúc Âm Kinh Điển

Sự Phục Sinh Chắc Chắn

Hình Ảnh
Elder Lance B. Wickman

Cách đây vài năm, vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng tôi đã đi bộ trên những con đường mà Chúa Giê Su đã đi qua. Chúng tôi dành một vài giờ đồng hồ quý báu ở nơi mà được cho biết là Vườn Ghết Sê Ma Nê và cố gắng hình dung ra những nỗi đau đớn mà Ngài đã gánh chịu trước khi Ngài bị đóng đinh và phục sinh. Chúng tôi ở gần nơi Ngài đã cầu nguyện, nơi Ngài bị bắt giam, nơi Ngài đã bị xét xử và kết án.

Ở bên ngoài bức tường thành, chúng tôi trèo lên một ngọn đồi trầm tích vôi, lỗ chỗ với những hang động nhỏ, làm cho đỉnh đồi tròn giống như cái sọ và chúng tôi được cho biết đó chính là Đồi Sọ, nơi Ngài bị đóng đinh. Chúng tôi đi loanh quanh xuống ở phía sau ngọn đồi đến vách đá thẳng đứng của nó và đi vào một lỗ hỗng nhỏ như một cái cửa sổ đến một cái hang thô kệch mà người ta nói là thi hài của Ngài đã được đặt vào trong đó .

Chúng tôi dành một vài giờ đồng hồ trong khu vườn nhỏ ở bên ngoài ngôi mộ này và say mê câu chuyện phúc âm về sự chôn cất Ngài và Sự Phục Sinh của Ngài mà đã xảy ra ở đây. Chúng tôi thận trọng và thành tâm đọc về việc các phụ nữ đến ngôi mộ cổ, thiên sứ của Chúa đẩy tảng đá ra và nỗi sợ hãi của những người phải canh giữ mộ.

“Ngài Đã Sống Lại”

Chúng tôi hầu như có thể tưởng tượng ra mình đã nhìn thấy hai thiên sứ trong y phục rực rỡ sáng chói đã phán cùng Ma Ri: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết?

“Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.”

Chúa đã tiên đoán: “Con Người phải bị nộp trong tay kẻ có tội, phải đóng đinh trên cây thập tự, và ngày thứ ba phải sống lại” (Lu Ca 24:5–7).

Chúng tôi đã nhớ đến cuộc đối thoại giữa Ma Ri, các thiên sứ và Chúa:

“Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Người thưa rằng: Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu.”

Bà ngoảnh lại và “thấy Đức Chúa Giê Su tại đó nhưng chẳng biết ấy là Đức Chúa Giê Su.

“Đức Chúa Giê Su hỏi người rằng: Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc, Ngươi tìm ai? Người ngỡ rằng đó là kẻ làm vườn, bèn nói rằng: Hỡi chúa, ví thật người là kẻ đã đem Ngài đi, xin nói cho ta biết ngươi để Ngài đâu, thì ta sẽ đến mà lấy.

“Đức Chúa Giê Su phán rằng: Hỡi Ma Ri. Ma Ri bèn xây lại, lấy tiếng Hê Bơ Rơ mà thưa rằng: Ra Bu Ni (nghĩa là thầy)

“Đức Chúa Giê Su phán rằng: Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:13–17). …

Ý Nghĩa của Lễ Phục Sinh

Đôi khi những lễ quan trọng mà chúng ta kỷ niệm dường như bị ảnh hưởng bởi vật chất thế gian, và chúng ta không nhận biết trọn vẹn ý nghĩa của lý do kỷ niệm lễ đó. Điều này đúng với lễ Phục Sinh khi chúng ta quá thường xuyên kỷ niệm ngày lễ thay vì kỷ niệm ý nghĩa sâu xa của Sự Phục Sinh của Chúa. Những người không đếm xỉa đến địa vị thượng đế của Đấng Ky Tô, địa vị làm Con của Đấng Chủ Tể thì chắc hẳn họ rất khổ sở. Quả thật, chúng ta lấy làm buồn cho những người goi phép lạ tột bực của Sự Phục Sinh “chỉ là một kinh nghiệm chủ quan của các môn đồ hơn là một sự kiện lịch sử thật sự.”

Chúng ta thật sự biết rằng tất cả điều này là có thật. Đấng Ky Tô đã phán cùng Ni Cô Đem về Ngài:

“Chúng ta nói điều mình biết, làm chứng điều mình đã thấy; còn các ngươi chẳng hề nhận lấy lời chứng của chúng ta” (Giăng 3:11).

Và rồi chúng ta nhớ rằng Phi E Rơ đã làm chứng:

“Vậy, cả nhà Y Sơ Ra Ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê Su này, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá làm Chúa và Đấng Ky Tô” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:36).

“Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Bình …

“Các ngươi đã giết Chúa của sự sống mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, và chúng ta là người làm chứng về điều đó” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:14–15).

Phi E Rơ và Giăng đã mạnh dạn đứng trước đại hội đồng và lặp lại:

“Thì hết thảy các ông, và cả dân Y Sơ Ra Ên đều khá biết, ấy là nhân danh Đức Chúa Giê Su Ky Tô ở Na Xa Rét, Đấng mà các ông đã đóng đinh trên thập tự giá, và Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, ấy là nhờ Ngài mà người này [người bị què trước đó] được lành mạnh hiện đứng trước mặt các ông. …

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:10, 12).

Khi đại hội đồng khiển trách hai Vị Sứ Đồ và truyền lệnh cho họ không được nói hoặc giảng dạy những điều như vậy trong danh của Chúa Giê Su thì họ đáp rằng: “Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Giê Su có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?

“Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:19–20).

“Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Giê Su Ky Tô; và hết thảy đều được phước lớn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:33).

Những Lời Chứng của Phi E Rơ

Chúng ta cũng biết rằng Sự Phục Sinh là có thật. Phi E Rơ tại thế đã nói cùng hội đồng những người bắt bớ ngược đãi:

“Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Đức Chúa Giê Su sống lại, là Đấng mà các ông đã treo lên cây gỗ và giết đi. …

“Còn chúng ta đây là kẻ làm chứng mọi việc đó, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài vậy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:30, 32).

Chúng ta kính sợ trước Phi E Rơ dũng cảm là người đã nhận được hoàn toàn sự bảo đảm và đã ân cần khoác lên vai trò lãnh đạo và thẩm quyền cùng lòng can đảm của một người được soi dẫn và tin chắc. Ông đã có sức mạnh khi hướng dẫn Các Thánh Hữu và đương đầu với thế gian với tất cả những kẻ bắt bớ ngược đãi, những kẻ không tin và những khó khăn của thế gian. Và, khi ông kể đi kể lại sự hiểu biết tuyệt đối của mình, thì chúng ta hãnh diện nơi sức chịu đựng của ông khi ông đương đầu với đám đông hỗn tạp cùng các giáo sĩ cao cấp, các chức sắc mà có thể lấy mạng sống của ông, cũng như khi ông mạnh dạn rao giảng về Chúa phục sinh, Hoàng Tử Bình An, Đấng Chí Thánh và Đấng Công Bình, Chúa của Sự Sống, Hoàng Tử và Đấng Cứu Rỗi. Dứt khoát là Phi E Rơ hiện biết chắc, vững vàng và không bao giờ nao núng. Chúng ta cần phải được vững vàng như vậy qua sự chắc chắn của ông. …

Chứng Ngôn của Phao Lô

Chứng ngôn của Phao Lô dường như có tính cách xác quyết nhất. Ông đã nghe tiếng nói của Đấng Ky Tô phục sinh:

“Hỡi Sau Lơ, Sau Lơ, sao ngươi bắt bớ ta?” Và để biết chắc về Đấng đang phán, Sau Lơ đã thưa: Lạy Chúa, Chúa là ai?” và ông đã nhận được sự trấn an: “Ta là Giê Su mà ngươi bắt bớ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:4–5).

Và giờ đây cũng Phao Lô đó, sau khi đã hồi sức, đã được chức tư tế ban phước cho, đã được sáng mắt lại, đi vào nhà hội và làm dân Do Thái ở thành Đa Mách lúng túng, “mà nói rõ rằng Đức Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:22).

Về sau, Phao Lô đến với Các Sứ Đồ ở Giê Ru Sa Lem, và Ba Na Ba, khi nói thay cho Phao Lô, “thuật lại cho biết thể nào dọc đường Chúa đã hiện ra và phán cùng người, lại thể nào người đã giảng dạy cách bạo dạn về danh Đức Chúa Giê Su tại thành Đa Mách” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:27).

Rồi Phao Lô nói tiếp:

“Họ đã làm cho ứng nghiệm mọi điều chép về Ngài rồi, thì hạ Ngài xuống khỏi thập tự giá mà chôn trong mả.

“Song Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài từ kẻ chết sống lại.

“Những kẻ theo Ngài từ xứ Ga Li Lê lên thành Giê Ru Sa Lem đã được thấy Ngài lâu ngày, và hiện nay đều làm chứng về Ngài giữa dân chúng. … …

“Đức Chúa Trời bởi khiến Đức Chúa Giê Su sống lại thì đã làm ứng nghiệm lời hứa đó cho chúng ta là con cháu của tổ phụ. …

“Ngài đã làm cho Đức Chúa Giê Su sống lại, đặng nay khỏi trở về sự hư nát nữa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:29–31, 33–34). …

Lời chứng của Joseph Smith

Chúng ta được soi dẫn bởi chứng ngôn của vị tiên tri hiện đại, Joseph Smith, khi ông đoan chắc một lần nữa với các tín hữu về Sự Phục Sinh. Anh Cả George A. Smith trích dẫn bài nói chuyện cuối cùng của Joseph Smith trước công chúng vào tháng Sáu năm 1844, chỉ vài ngày trước khi ông bị ám sát dã man:

“Tôi sẵn sàng hy sinh cho dân này; vì những kẻ thù của chúng ta có thể làm được gì? Chỉ có thể giết chết thể xác, và rồi khả năng của họ cũng kết thúc. Các bạn tôi ơi, hãy đứng vững. Đừng sợ hãi. Đừng tìm cách cứu mạng mình, vì người nào sợ chết vì lẽ thật thì sẽ đánh mất cuộc sống vĩnh cửu. Hãy trung thành cho đến cùng; và chúng ta sẽ được phục sinh và trở thành giống như Các Thượng Đế, và trị vì trong các vương quốc thượng thiên, chấp chính và quyền thống trị vĩnh cửu.”1

Câu Hỏi và Đáp của Gióp

Câu hỏi do Gióp đặt ra đã được hỏi bởi hằng triệu người mà đã đứng tại quan tài đang mở nắp của người thân: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” (Gióp 14:14).

Và vô số họ đã chấp nhận câu hỏi đã được trả lời là một sự bình an lớn lao và tuyệt vời phủ xuống họ giống như hạt sương của thiên thượng. Và có vô số lần những người đầy mệt mỏi chịu đựng đau khổ đã cảm nhận được cảm giác bình an mà chỉ có thể cảm nhận chứ không thể giải thích được.

Và khi sự yên tĩnh của tâm hồn đã lắng sâu và mang đến một sự bảo đảm mới mẻ và nồng nàn cho tâm trí bồn chồn lo lắng và tấm lòng đau khổ thì vô số những người đó có thể lặp lại với Gióp yêu quý:

“Tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất.

“Sau khi da tôi, tức xác thịt này, đã bị tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời;

“Chánh tôi sẽ thấy Ngài, mắt tôi sẽ nhìn xem Ngài” (Gióp 19:25–27).

Gióp đã bày tỏ ước muốn rằng chứng ngôn của ông có thể được in ra thành sách và cắt ra thành đá cho các thế hệ đi sau ông đọc. Ước muốn của ông được chấp nhận vì sự bình an đã đến với nhiều người khi họ đọc chứng ngôn vững mạnh của ông.

Khải Tượng của Giăng

Và để kết thúc, tôi xin đọc khải tượng của Giăng Đấng Mặc Khải:

“Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy.

“Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm” (Khải Huyền 20:12–13).

Và khi mùa xuân sống động, xanh tươi tiếp theo mùa đông ảm đạm như cái chết thì tất cả thiên nhiên tuyên xưng thiên tính của Chúa phục sinh, rằng Ngài là Đấng Sáng Tạo, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, Ngài chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Ghi Chú

  1. Joseph Smith, trong History of the Church, 6:500.

Chúa Giê Su Phán cùng Bà: “Ma Ri,” tranh do William Whittaker họa, © IRI; Này Là Tay Chân Ta, tranh do Harry Anderson họa, © IRI

Hãy Chăn Chiên Ta, do Kamille Corry họa, © 1998 IRI