Đại Hội Trung Ương
Thưa Chúa, Chúng Tôi Muốn Ra Mắt Đức Chúa Giê Su
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


Thưa Chúa, Chúng Tôi Muốn Ra Mắt Đức Chúa Giê Su

Chúng ta muốn được nhìn thấy Chúa Giê Su và cảm nhận được tình yêu thương của Ngài.

Mất Nhận Thức Khuôn Mặt

Một ngày mùa xuân năm 1945, một chàng trai trẻ tỉnh dậy trong một bệnh viện quân y. Anh ấy thật may mắn khi còn sống—anh ấy đã bị bắn trúng ngay sau tai, nhưng các bác sĩ đã phẫu thuật và giờ anh ấy đã có thể đi lại và nói chuyện bình thường.

Bi kịch thay, viên đạn đã làm tổn thương phần não nhận diện khuôn mặt của anh. Bây giờ anh nhìn vợ mình mà không có một chút nhận biết nào; anh ấy không nhận ra chính mẹ của mình. Ngay cả khuôn mặt trong gương cũng xa lạ với anh—anh không thể biết đó là nam hay nữ.1

Anh ấy bị mất nhận thức khuôn mặt—một hội chứng ảnh hưởng đến hàng triệu người.2

Những người bị mất nhận thức khuôn mặt trầm trọng cố gắng nhận dạng người khác bằng cách ghi nhớ các quy tắc—một quy tắc để nhận ra một người con gái là qua các vết tàn nhang hoặc một người bạn qua dáng đi lê bước của người ấy.

Lớn Lên

Đây là câu chuyện thứ hai, liên quan đến tôi: Khi còn nhỏ, tôi thường cảm thấy rằng mẹ tôi luôn là người đặt ra quy tắc. Mẹ quyết định khi nào tôi có thể chơi và khi nào tôi phải đi ngủ hoặc tệ hơn là nhổ cỏ dại ngoài sân.

Hiển nhiên là mẹ yêu thương tôi. Nhưng quá thường xuyên và thật xấu hổ thay, vì khi ấy tôi chỉ thấy mẹ là “Người Tôi Phải Vâng Lời.”

Chỉ nhiều năm sau, tôi mới thực sự hiểu mẹ. Tôi hổ thẹn vì tôi chưa bao giờ thực sự chú ý đến sự hy sinh của mẹ hoặc tự hỏi tại sao trong nhiều năm mẹ chỉ mặc hai chiếc váy cũ (trong khi tôi luôn có đồng phục mới) hoặc tại sao, vào cuối ngày, mẹ lại rất mệt mỏi và muốn tôi đi ngủ sớm như vậy.

Chúng Ta Có Thể Bị Mất Nhận Thức Khuôn Mặt

Có lẽ anh chị em đã nhận thấy rằng hai câu chuyện này thực ra là một câu chuyện—trong nhiều năm, thực tế là tôi đã bị mất nhận thức khuôn mặt. Tôi đã không thực sự hiểu mẹ tôi. Tôi thấy những quy tắc của mẹ nhưng không thấy được tình yêu của mẹ trong đó.

Tôi kể cho anh chị em hai câu chuyện này để đưa ra một quan điểm: Tôi nghĩ anh chị em biết ai đó (hoặc có lẽ anh chị em người đó) mắc chứng mất nhận thức khuôn mặt về phần thuộc linh.

Anh chị em có thể gặp khó khăn trong việc nhìn nhận Thượng Đế là Đức Chúa Cha nhân từ. Anh chị em có thể nhìn lên trời và thấy không phải là khuôn mặt của tình yêu thương và lòng thương xót, mà là một loạt các luật lệ dày đặc mà anh chị em phải làm theo. Có lẽ anh chị em tin rằng Thượng Đế cai trị trên các tầng trời của Ngài, phán bảo qua các vị tiên tri của Ngài, và yêu thương những người xung quanh anh chị em, nhưng lại thầm hỏi liệu Ngài có yêu thương anh chị em không.3 Có lẽ anh chị em cảm nhận được thanh sắt trong tay mình nhưng vẫn chưa thực sự cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi mà thanh sắt đó dẫn đến.4

Tôi nghĩ anh chị em biết những người như vậy bởi vì trong một thời gian dài, tôi đã từng là người như vậy—tôi bị mất nhận thức khuôn mặt về phần thuộc linh.

Tôi nghĩ cuộc sống của tôi là tuân theo các quy tắc và đạt đến các tiêu chuẩn trừu tượng. Tôi biết Thượng Đế yêu thương tôi một cách hoàn hảo nhưng tôi không cảm nhận được điều đó. Tôi e rằng tôi nghĩ đến việc lên thiên thượng nhiều hơn là ở bên Cha Thiên Thượng.

Nếu anh chị em cũng như tôi, đôi khi chỉ hát nhép chứ không “hát lên được … bài ca về tình yêu cứu chuộc,”5 thì chúng ta có thể làm gì?

Câu trả lời, như Chủ Tịch Russell M. Nelson nhắc nhở chúng ta, luôn luôn là Chúa Giê Su.6 Và đó là một tin rất vui.

Thưa Chúa, Chúng Tôi Muốn Ra Mắt Đức Chúa Giê Su

Có một câu ngắn trong sách Giăng mà tôi yêu thích. Câu đó kể về một nhóm người nước ngoài tìm đến một môn đồ với một lời yêu cầu quan trọng. Họ nói: “Thưa chúa, chúng tôi muốn ra mắt Đức Chúa Giê Su.”7

Đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn—chúng ta muốn được nhìn thấy Chúa Giê Su và cảm nhận được tình yêu thương của Ngài. Đó phải là lý do cho hầu hết những gì chúng ta làm trong Giáo Hội—và chắc chắn là trong mỗi buổi lễ Tiệc Thánh. Nếu anh chị em từng tự hỏi phải giảng dạy bài học nào, hoạch định buổi họp nào, và liệu có nên bỏ luôn việc thực hiện sinh hoạt thuộc linh và chỉ chơi bóng đá với các thầy trợ tế chăng, thì anh chị em có thể lấy câu này làm hướng dẫn cho mình: điều này có giúp mọi người thấy và yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô không? Nếu không, có lẽ hãy thử cách khác.

Khi tôi nhận ra rằng tôi bị mất nhận thức khuôn mặt về phần thuộc linh, rằng tôi nhìn thấy các quy tắc nhưng không nhìn thấy khuôn mặt đầy thương xót của Đức Chúa Cha, tôi biết đó không phải lỗi của Giáo Hội. Đó không phải là lỗi của Thượng Đế, và không có nghĩa là mọi thứ đều bị mất hết; đó là điều mà tất cả chúng ta đều phải học. Ngay cả các nhân chứng đầu tiên về Sự Phục Sinh thường trực tiếp gặp Chúa phục sinh mà không nhận ra Ngài; từ Ngôi Mộ Vườn đến bờ biển Ga Li Lê, những môn đồ đầu tiên của Ngài “thấy Đức Chúa Giê Su tại đó; nhưng chẳng biết ấy là Đức Chúa Giê Su.”8 Họ phải học cách nhận ra Ngài, và chúng ta cũng vậy.9

Lòng Bác Ái

Khi tôi nhận ra mình bị mất nhận thức khuôn mặt về phần thuộc linh, tôi bắt đầu tuân theo lời khuyên dạy của Mặc Môn để cầu nguyện “với tất cả mãnh lực của lòng mình,” xin được tràn đầy tình yêu thương đã được hứa với các môn đồ của Ngài—tình yêu thương của tôi dành cho Ngài và tình yêu thương của Ngài dành cho tôi—và để “nhìn thấy Ngài như Ngài hiện hữu … và có niềm hy vọng này.”10 Tôi đã cầu nguyện nhiều năm để có thể tuân theo lệnh truyền lớn nhất và trước nhất là phải yêu mến Thượng Đế và cảm thấy rằng “lẽ thật quan trọng đầu tiên … là Thượng Đế yêu thương chúng ta với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của Ngài.”11

Phúc Âm

Tôi cũng đọc đi đọc lại bốn quyển sách Phúc Âm— không phải để rút ra các luật lệ mà là để thấy được Ngài là ai và Ngài yêu mến điều gì. Và theo thời gian, tôi đã có thể cảm nhận và hiểu được tình yêu thương vĩ đại của Ngài.

Chúa Giê Su đã loan báo ngay từ đầu rằng Ngài đến “để chữa lành những tấm lòng đau khổ, rao cho kẻ bị cầm được tha, làm cho kẻ mù được sáng.”12

Đây không phải chỉ là một danh sách việc cần làm hay để tạo một danh tiếng tốt; đó chính là cách Ngài thể hiện tình yêu thương.

Hãy mở các Sách Phúc Âm một cách ngẫu nhiên; trên hầu hết mọi trang chúng ta đều thấy Ngài quan tâm đến những người đau khổ—về mặt xã hội, tinh thần và thể chất. Ngài chạm vào những người bị xem là ô uế13 và cho người đói ăn.14

Câu chuyện yêu thích của anh chị em về Chúa Giê Su là gì? Tôi nghĩ là câu chuyện đó kể về Vị Nam Tử của Thượng Đế đang dang tay ra để ôm lấy hoặc mang đến hy vọng cho một người nào đó ở bên lề xã hội—người phung15 người Sa Ma Ri bị căm ghét,16 người phạm tội tai tiếng bị cáo buộc,17 hoặc kẻ thù quốc gia.18 Loại ân điển đó thật tuyệt vời.

Hãy thử viết xuống mỗi lần Ngài khen ngợi hoặc chữa lành hoặc ăn chung với người ngoại đạo, và bút của anh chị em sẽ bị hết mực trước khi xong sách Lu Ca.

Khi tôi nhìn thấy điều này, lòng tôi rộn ràng trong sự nhận biết đầy yêu thương, và tôi bắt đầu cảm thấy rằng có thể Ngài yêu thương tôi. Như Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Anh chị em càng tìm hiểu về Đấng Cứu Rỗi thì sẽ càng dễ dàng hơn để tin cậy vào lòng thương xót, tình yêu thương vô hạn … của Ngài.”19 Và anh chị em sẽ càng tin cậy và yêu mến Cha Thiên Thượng của mình.

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy chúng ta rằng Chúa Giê Su đến để “cho chúng ta thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu là ai và là Đấng như thế nào, rằng Cha Thiên Thượng hoàn toàn tận tâm với con cái của Ngài ở mọi thời đại và mọi quốc gia.”20

Phao Lô nói Thượng Đế là “Cha [của mọi sự] thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi.”21

Nếu anh chị em có cái nhìn khác về Ngài, xin hãy tiếp tục cố gắng.

Các Giao Ước và Vòng Tay của Thượng Đế

Các vị tiên tri muốn chúng ta tìm kiếm khuôn mặt của Ngài.22 Tôi coi đây là một lời nhắc nhở rằng chúng ta thờ phượng Đức Chúa Cha, không phải theo công thức, và chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta nhìn thấy Chúa Giê Su cũng như gương mặt yêu thương của Cha chúng ta;23 và noi theo Ngài, không chỉ các luật lệ của Ngài.24

Khi các vị tiên tri và sứ đồ của chúng ta nói về các giao ước, họ không giống như những huấn luyện viên hét lên từ hàng ghế đệm êm ấm, nói với chúng ta phải “cố gắng nhiều hơn!” Họ muốn chúng ta thấy rằng các giao ước của chúng ta cơ bản là về các mối quan hệ25 và có thể là phương pháp chữa trị chứng mất nhận thức khuôn mặt về phần thuộc linh.26 Chúng không phải là những quy tắc để giành được tình yêu của Ngài; Ngài đã yêu thương anh chị em một cách hoàn hảo rồi. Thử thách của chúng ta là thấu hiểu và hướng cuộc sống của mình theo tình yêu thương đó.27

Chúng ta cố gắng nhìn thấu các giao ước của mình, như thể qua một cửa sổ, để thấy lòng thương xót của Đức Chúa Cha đằng sau đó.

Các giao ước là biểu hiện của vòng tay của Chúa.

Dòng Sông Tình Yêu của Thượng Đế

Cuối cùng, chúng ta có thể học cách nhìn thấy Ngài bằng cách phục vụ Ngài. “Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ mà mình chưa bao giờ phục vụ?”28

Cách đây vài năm, tôi nhận được một chức vụ kêu gọi mà tôi cảm thấy mình không đáp ứng đủ điều kiện. Tôi thức dậy sớm, lo lắng—nhưng có một câu xuất hiện trong tâm trí mà tôi chưa từng nghe trước đây: phục vụ trong Giáo Hội này là đứng trong dòng sông tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Giáo Hội này là một nhóm những người làm việc với cuốc xẻng, cố gắng làm thông thoáng con mương để cho dòng sông tình yêu của Thượng Đế chảy đến với con cái của Ngài ở cuối mỗi luống đất.

Cho dù anh chị em là ai, dù quá khứ của anh chị em là gì đi nữa, thì cũng có chỗ cho anh chị em trong Giáo Hội này.29

Hãy lấy một cái cuốc hoặc xẻng và tham gia vào đội. Hãy giúp mang tình yêu thương của Ngài đến với con cái Ngài và anh chị em sẽ cảm thấy tình yêu thương đó.30

Chúng ta hãy tìm kiếm khuôn mặt yêu thương của Ngài, vòng tay giao ước của Ngài, và rồi sát cánh với con cái Ngài và cùng nhau hát bài “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên”:

Lần nữa cho con thấy,

Ánh thái dương trên nhan Ngài;

Hồn con khẩn xin Ngài luôn xoa dịu;

Niềm khao khát ngọt ngào

Về bên Chúa muôn muôn đời

Bừng ánh hy vọng, xóa tan u sầu.31

Cầu xin cho chúng ta tìm kiếm vẻ mặt yêu thương của Ngài và rồi là những bình chứa lòng thương xót của Ngài dành cho các con cái Ngài.32 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Hadyn D. Ellis và Melanie Florence, “Bodamer’s (năm 1947) Paper on Prosopagnosia,” Cognitive Neuropsychology, tập 7, số 2 (năm 1990); Joshua Davis, “Face Blind,” Wired, ngày 1 tháng Mười Một năm 2006, wired.com.

  2. Xin xem Dennis Nealon, “How Common Is Face Blindness?,” Harvard Medical School, ngày 24 tháng Hai năm 2023, hms.harvard.edu; Oliver Sacks, “Face-Blind,” New Yorker, ngày 23 tháng Tám năm 2010, newyorker.com.

  3. “Một số tín hữu Giáo Hội chấp nhận giáo lý, các nguyên tắc và chứng ngôn được tuyên bố nhiều lần từ bục giảng này ở Trung Tâm Đại Hội và trong các giáo đoàn địa phương trên khắp thế giới là đúng—nhưng vẫn có thể gặp khó khăn để tin rằng các lẽ thật vĩnh cửu này được áp dụng cụ thể vào cuộc sống và hoàn cảnh của họ” (David A. Bednar, “Ngươi Sẽ Ở trong Ta, và Ta Sẽ Ở trong Ngươi; Vậy Nên Hãy Đi Cùng với Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2023, trang 125).

  4. Xin xem 1 Nê Phi 8:19; 15:23. “Thật là khó để tuân giữ các lệnh truyền của Chúa nếu không có đức tin và sự tin cậy nơi Ngài” (Henry B. Eyring, “Đức Tin để Cầu Xin và Rồi để Hành Động,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 75).

  5. An Ma 5:26.

  6. Russell M. Nelson, “Sự Giải Đáp Luôn Luôn Là Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2023, trang 127–128.

  7. Giăng 12:21.

  8. Giăng 20:14. Họ đã trông thấy Ngài nhưng không nhận ra Ngài trên đường đến Em Ma Út (xin xem Lu Ca 24:16), trong một phòng đang đóng cửa (xin xem Lu Ca 24:37), trên bờ biển Ga Li Lê (xin xem Giăng 21:4), và tại Ngôi Mộ Vườn (xin xem Giăng 20:14).

  9. Nếu chúng ta hết lòng tìm kiếm Ngài và tiếp tục bước đi với đức tin thì sẽ tìm thấy Ngài.

    “Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa. …

    “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng” (Giê Rê Mi 29:11, 13).

    “Sẽ đến ngày mà các ngươi sẽ hiểu ngay cả Thượng Đế, vì được làm sống lại trong Ngài và bởi Ngài.

    “Lúc đó các ngươi sẽ biết rằng các ngươi đã trông thấy ta, rằng ta hiện hữu” (Giáo Lý và Giao Ước 88:49–50).

    “Người nào biết từ bỏ tội lỗi của mình và đến cùng ta và kêu cầu danh ta, và vâng theo tiếng nói của ta cùng tuân giữ các giáo lệnh của ta, thì sẽ trông thấy mặt ta và biết rằng ta hằng sống”(Giáo Lý và Giao Ước 93:1).

  10. Mô Rô Ni 7:48. Phao Lô cũng liên hệ lòng bác ái với khả năng của chúng ta để thấy rõ. Vào lúc kết thúc bài giảng hùng hồn này về lòng bác ái, ông viết rằng mặc dù “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ,” chúng ta sẽ thấy về sau “hai mặt đối nhau… đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” (1 Cô Rinh Tô 13:12).

  11. Jeffrey R. Holland, “Ngày Mai Đức Giê Hô Va Sẽ Làm Những Việc Lạ Lùng Giữa Các Ngươi,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 127. “Định nghĩa lớn hơn về ‘tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô’ … không phải là điều mà chúng ta với tư cách là các Ky Tô hữu cố gắng nhưng phần lớn đã không thể cho người khác thấy, mà đúng ra là điều Đấng Ky Tô hoàn toàn thành công trong việc cho chúng ta thấy. Đúng vậy lòng bác ái đã được biết đến chỉ một lần. Điều đó được thể hiện một cách hoàn hảo và thuần khiết trong tình yêu thương chuộc tội bền bỉ, tột bậc, và chuộc tội của Đấng Ky Tô dành cho chúng ta” (Jeffrey R. Holland, Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [năm 1997], trang 336).

  12. Lu Ca 4:18, Phiên Bản King James Mới.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 8:3; 9:25.

  14. Xin xem Ma Thi Ơ 14:13–21.

  15. Xin xem Ma Thi Ơ 8:1–3.

  16. Xin xem Giăng 4:7–10; Ngài ca ngợi người Sa Ma Ri (xin xem Lu Ca 10:25–37).

  17. Xin xem Ma Thi Ơ 21:31; Lu Ca 7:27–50; 15:1–10; Giăng 8:2–12.

  18. Xin xem Ma Thi Ơ 8:5–13.

  19. Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 103.

  20. Jeffrey R. Holland, “The Grandeur of God”, Ensign, tháng Mười Một năm 2003, trang 70. “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9).

  21. 2 Cô Rinh Tô 1:3.

  22. Xin xem Thi Thiên 27:8; Giáo Lý và Giao Ước 88:68.

  23. Xin xem 2 Cô Rinh Tô 4:6; Giáo Hoàng Francis, “Misericordiae Vultus: Bull of Indiction of the Extraordinary Jubilee of Mercy,” Apostolic Letters, vatican.va.

  24. Đây là một chủ đề quan trọng. Không phải chỉ công việc cứu rỗi và tôn cao mà là công việc cứu rỗi và tôn cao của Ngài (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 1.2, Thư Viện Phúc Âm). Tôi không chỉ đi đến đền thờ mà là đi đến nhà của Chúa; đó không phải là Giáo Hội Mặc Môn mà là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 87–89). Các vị lãnh đạo của chúng ta hướng chúng ta đến với Ngài và thậm chí nhắc nhở chúng ta rằng “không có một thực thể không có hình dạng nhất định nào tên là ‘Sự Chuộc Tội’ mà chúng ta có thể kêu gọi để có được sự giúp đỡ, chữa lành, tha thứ, hoặc quyền lực cả. Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc” (Russell M. Nelson, “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 40).

  25. “Con đường giao ước là về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế”; đó là “con đường của tình yêu thương— … sự quan tâm chăm sóc tận tụy và giúp đỡ lẫn nhau” (Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, tháng Mười năm 2022, trang 11).

    Xin xem David A. Bednar, “The Blessed and Happy State” (bài phát biểu tại hội thảo dành cho những người lãnh đạo phái bộ truyền giáo mới, ngày 24 tháng Sáu năm 2022); Scott Taylor, “Elder Bednar Shares 7 Lessons on ‘the Blessed and Happy State’ of Obedience,” Church News, ngày 27 tháng Sáu năm 2022, thechurchnews.com.

    “Việc lập các giao ước thiêng liêng và tiếp nhận các giáo lễ của chức tư tế một cách xứng đáng ràng buộc và gắn bó chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng. Điều này chỉ có nghĩa là chúng ta tin cậy nơi Đấng Cứu Rỗi với tư cách là Đấng Biện Hộ và Đấng Trung Gian của chúng ta và trông cậy vào công lao, lòng thương xót và ân điển của Ngài trong suốt hành trình của cuộc sống. …

    Việc sống theo và yêu chuộng các cam kết về giao ước tạo ra một mối liên kết với Chúa rất riêng tư và mạnh mẽ về mặt tinh thần. … Sau đó, Chúa Giê Su trở thành không chỉ là nhân vật chính trong các câu chuyện thánh thư; tấm gương và những lời dạy của Ngài ảnh hưởng đến mọi ước muốn, suy nghĩ và hành động của chúng ta” (David A. Bednar, “Nhưng Chúng Tôi Không Lưu Ý Đến Họ,” Liahona, tháng Năm năm 2022).

    Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Mối Quan Hệ của Chúng Ta với Thượng Đế”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 78–80.

  26. “Và nếu không có những giáo lễ thuộc chức tư tế này cùng thẩm quyền của chức tư tế, thì quyền năng của sự tin kính không được biểu hiện cho loài người trong thể xác biết được;

    “Vì nếu không có điều này thì chẳng ai có thể thấy mặt Thượng Đế, tức là Đức Chúa Cha, mà còn sống” (Giáo Lý và Giao Ước 84:21–22).

  27. Patricia Holland, “Một Tương Lai Tràn Đầy Hy Vọng” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 8 tháng Một năm 2023), Thư Viện Phúc Âm:

    “Các em không cần phải chạy lòng vòng đuổi theo [niềm hy vọng rằng Ngài sẽ giúp đỡ các em]; các em không và không thể sản xuất ra nó. Giống như rất nhiều thứ khác trong lĩnh vực ân điển, các em sẽ không đạt được nó bằng cách dựa vào sức mạnh của chính mình hoặc sức mạnh của một người khác. Không có công thức bí mật hoặc bất cứ câu thần chú kỳ ảo nào cả. …

    “Thật ra, vai trò của chúng ta là quan trọng nhưng thực sự rất nhỏ; Thượng Đế có phần vụ lớn hơn. Phần vụ của chúng ta là đến cùng Ngài với lòng khiêm tốn và sự đơn giản, và rồi chúng ta đừng lo lắng và đừng sợ hãi.”

  28. Ma Thi Ơ 5:13; xin xem thêm Giăng 17:3.

  29. Chủ Tịch Nelson đã nhiều lần kêu gọi chúng ta hãy “mở rộng tình yêu thương đến với tất cả gia đình nhân loại” (“Cần Người Giải Hòa,” Liahona, Tháng Mười Một năm 2002). Vào tháng Năm năm 2022, ông đã nói với các thành niên trẻ tuổi rằng “biệt danh có thể dẫn đến việc xét đoán và thù hận. Bất kỳ hình thức lạm dụng hoặc thành kiến nào đối với người khác vì quốc tịch, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, giới tính, bằng cấp giáo dục, truyền thống văn hóa, hoặc những danh hiệu quan trọng khác đều xúc phạm đến Đấng Sáng Tạo của chúng ta!” (“Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], Thư Viện Phúc Âm). Và quan trọng hơn, ông nói: “Tôi rất buồn vì các anh chị em Da Đen của chúng ta trên khắp thế giới đã phải chịu đựng sự phân biệt và thành kiến tàn khốc về chủng tộc. Hôm nay tôi kêu gọi các tín hữu của chúng ta ở khắp mọi nơi phải dẫn đầu trong việc từ bỏ thái độ và hành động thành kiến. Tôi khẩn nài với anh chị em hãy khuyến khích sự tôn trọng đối với tất cả con cái của Thượng Đế” (“Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 94).

    “Thành kiến không phù hợp với lời mặc khải của Thượng Đế. Việc làm Thượng Đế đẹp lòng hoặc không hài lòng tùy thuộc vào lòng tận tụy của anh chị em đối với Thượng Đế và các giáo lệnh của Ngài, chứ không phải vào màu da của một người hoặc các thuộc tính khác.

    “… Điều này gồm có thành kiến dựa trên chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, bộ lạc, giới tính, tuổi tác, khuyết tật, tình trạng kinh tế xã hội, niềm tin tôn giáo hoặc sự không tin tưởng và khuynh hướng tình dục” (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đoạn 38.6.14, Thư Viện Phúc Âm).

  30. Xin xem 1 Nê Phi 11:25.

  31. Redeemer of Israel,” Hymns, số 5.

  32. Xin xem Rô Ma 9:23.