Đại Hội Trung Ương
Bước Đi trong Mối Quan Hệ Giao Ước với Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


Bước Đi trong Mối Quan Hệ Giao Ước với Đấng Ky Tô

Đấng đã bị bầm dập và đau đớn vì chúng ta sẽ cho phép cái chết xảy ra cho chúng ta, nhưng Ngài không đòi hỏi chúng ta phải một mình đối mặt với những thử thách đó.

Tôi được người bạn hiền Ilan của tôi giới thiệu một con đường mòn ở Do Thái. Anh ấy nói: “Nó được gọi là Con Đường Mòn Chúa Giê Su vì đó là con đường từ Nazareth đến Capernaum mà nhiều người tin rằng Chúa Giê Su đã đi qua.” Tôi quyết định ngay lúc đó rằng tôi muốn đi trên con đường mòn đó, nên tôi bắt đầu hoạch định một chuyến đi đến Do Thái.

Sáu tuần trước khi đi, tôi bị gãy mắt cá chân. Chồng tôi lo lắng về thương tích; mối quan tâm lớn nhất của tôi là làm thế nào tôi có thể bước đi trên con đường mòn Chúa Giê Su trong tháng sau. Vì bản tính tôi bướng bỉnh nên tôi không hủy vé máy bay.

Tôi nhớ đã gặp hướng dẫn viên người Do Thái của chúng tôi vào một buổi sáng tháng Sáu đẹp trời. Tôi nhảy ra khỏi xe van rồi lôi ra bộ nạng và một xe scooter để gác cái chân bị thương. Mya, hướng dẫn viên của chúng tôi, nhìn vào cái chân bó bột của tôi và nói: “Hừm, tôi không nghĩ chị có thể đi trên con đường mòn này trong tình trạng đó.”

Tôi đáp: “Chắc thế.” “Nhưng không có gì ngăn cản tôi cố gắng.” Cô ta nhẹ gật đầu và chúng tôi bắt đầu. Tôi thích cô ta vì điều đó, vì tin rằng tôi có thể đi trên con đường mòn với cái chân bị gãy.

Tôi tự mình đi len lỏi trong một thời gian ngắn trên con đường dốc và những tảng đá. Sau đó, cảm động trước sự cam kết chân thành của tôi, Mya rút ra một sợi dây mỏng, buộc vào ghi đông xe scooter để gác chân bị thương của tôi và bắt đầu kéo. Cô ấy kéo tôi lên những ngọn đồi, qua những vườn chanh và dọc theo bờ Biển Galilee. Khi cuộc hành trình kết thúc, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với người hướng dẫn viên tuyệt vời đã giúp tôi hoàn thành được điều mà tôi có thể không bao giờ tự mình làm được.

Khi Chúa kêu gọi Hê Nóc hành trình khắp xứ và làm chứng về Ngài, Hê Nóc đã do dự.1 Ông ta chỉ là người nói năng chậm chạp. Làm sao ông có thể đi con đường đó trong tình trạng của mình? Ông bị mặc cảm vì khuyết điểm của mình. Câu trả lời tức thời và đơn giản của Chúa đối với trở ngại của ông là: “Hãy đi cùng với ta.”2 Giống như Hê Nóc, chúng ta phải nhớ rằng Đấng đã bị bầm dập và đau đớn vì chúng ta3 sẽ cho phép cái chết xảy ra cho chúng ta, nhưng Ngài không đòi hỏi chúng ta phải một mình đối mặt với những thử thách đó.4 Bất kể câu chuyện của chúng ta hay hướng đi hiện tại của chúng ta trên con đường có bị thử thách nặng nề như thế nào đi nữa thì Ngài cũng sẽ mời gọi chúng ta đi cùng với Ngài.5

Hãy nghĩ đến người thanh niên đang bị khó khăn đến gặp Chúa ở nơi hoang dã. Gia Cốp đã hành trình rất xa nhà. Trong đêm tối, ông nằm mơ không những thấy có một cái thang mà còn có những lời hứa giao ước quan trọng, kể cả điều mà tôi thích gọi là lời hứa đếm trên năm ngón tay.6 Vào đêm đó, Chúa đứng bên cạnh Gia Cốp, tự giới thiệu Ngài là Thượng Đế của tổ phụ của Gia Cốp, và rồi hứa:

  • Ta ở cùng ngươi.

  • Ta sẽ gìn giữ ngươi được an toàn.

  • Ta sẽ đem ngươi về nhà lại.

  • Ta sẽ không bỏ ngươi.

  • Ta sẽ giữ lời hứa cùng ngươi.7

Gia Cốp phải lựa chọn. Ông có thể chọn sống cuộc sống của mình chỉ quen thuộc với Thượng Đế của tổ phụ ông, hoặc ông có thể chọn sống cuộc sống trong mối quan hệ giao ước đã cam kết với Ngài. Nhiều năm về sau, Gia Cốp đã làm chứng về một cuộc sống ở bên trong những lời hứa giao ước của Chúa: “Đức Chúa Trời … đã trả lời ta trong lúc nguy hiểm, và đã phù hộ ta trong khi đi đường.”8 Giống như Ngài đã làm cho Gia Cốp, Chúa sẽ đáp ứng cho mỗi người chúng ta trong ngày chúng ta khốn khổ nếu chúng ta chọn gắn kết cuộc sống của mình với cuộc đời Ngài. Ngài đã hứa sẽ đi cùng chúng ta trên con đường.

Chúng ta gọi đây là đi theo con đường giao ước—một con đường bắt đầu bằng giao ước báp têm và dẫn đến những giao ước cao hơn mà chúng ta lập trong đền thờ. Có lẽ anh chị em nghe thấy những lời đó và nghĩ đến những ô đánh dấu trên bảng liệt kê. Có lẽ anh chị em thấy đó chỉ là một con đường đầy những đòi hỏi. Nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy một điều gì đó hấp dẫn hơn. Giao ước không chỉ là một hợp đồng, mặc dù nó rất quan trọng. Giao ước là về một mối quan hệ. Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy: “Con đường giao ước là hoàn toàn về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế.”9

Hãy xem xét một giao ước hôn nhân. Ngày cưới là quan trọng nhưng mối quan hệ được xây đắp suốt cuộc đời chung sống sau này cũng không kém phần quan trọng. Điều này cũng đúng với một mối quan hệ giao ước với Thượng Đế. Các điều kiện đã được đặt ra và sẽ có những kỳ vọng trong suốt cuộc sống. Tuy nhiên, Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến khi có thể được, một cách hết lòng và “tiến tới”10 với Ngài ở bên cạnh chúng ta, tin tưởng rằng các phước lành đã được Ngài hứa sẽ đến. Thánh thư nhắc nhở chúng ta rằng các phước lành đó thường đến vào kỳ định của Ngài, và trong cách thức riêng của Ngài: 38 năm,11 12 năm,12 ngay lập tức.13 Con đường mòn của anh chị em sẽ đòi hỏi như thế nào, thì sự trợ giúp của Ngài cũng sẽ đòi hỏi như vậy.14

Sứ mệnh của Ngài là một sứ mệnh đầy hạ cố. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gặp chúng ta trong hiện trạng của chúng ta. Đây là lý do tại sao có Vườn Ghết Sê Ma Nê, cây thập tự và ngôi mộ. Đấng Cứu Rỗi được gửi đến để giúp chúng ta chiến thắng.15 Nhưng việc ở lại trong hiện trạng của chúng ta sẽ không mang lại sự giải thoát mà chúng ta tìm kiếm. Giống như Ngài đã không bỏ mặc Gia Cốp ở nơi hoang dã, Chúa cũng không có ý định bỏ bất cứ ai trong hiện trạng của họ.

Sứ mệnh của Ngài cũng là một sứ mệnh nâng cao các tín đồ của Ngài. Ngài sẽ tác động bên trong chúng ta16 để nâng chúng ta lên vị trí của Ngài và trong tiến trình này, sẽ làm cho chúng ta có thể trở nên giống như Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô đã đến để nâng đỡ chúng ta.17 Ngài muốn giúp chúng ta trở nên giống như Ngài. Đây là lý do tại sao có đền thờ.

Chúng ta phải nhớ rằng: việc chỉ đi theo con đường giao ước thì không đủ để sẽ được tôn cao mà chính là sự đồng hành với––Đấng Cứu Rỗi mới mang đến cho chúng ta cơ hội để được tôn cao. Và đây là lý do của mối quan hệ giao ước.

Khi đang ở Do Thái, tôi đã đến thăm Bức Tường phía Tây. Đối với người Do Thái, đây là thánh địa ở Do Thái. Đó là tất cả những gì còn lại của đền thờ của họ. Hầu hết họ đều ăn mặc đẹp đẽ nhất khi đến thăm chốn thánh này; sự lựa chọn trang phục của họ là biểu tượng cho sự tận tâm của họ đối với mối quan hệ của họ với Thượng Đế. Họ ghé thăm bức tường này để đọc thánh thư, thờ phượng và dâng lời cầu nguyện. Lời cầu xin có được một ngôi đền thờ ở giữa họ làm hao tổn mỗi ngày của họ, mỗi lời cầu nguyện của họ, niềm khao khát về một ngôi nhà giao ước. Tôi khâm phục sự tận tâm của họ.

Khi trở về nhà từ Do Thái, tôi đã lắng nghe kỹ hơn những cuộc trò chuyện xung quanh mình về các giao ước. Tôi nhận thấy mọi người hỏi: Tại sao tôi nên đi theo con đường giao ước? Tôi có cần phải vào một ngôi nhà để lập giao ước không? Tại sao tôi mặc bộ trang phục thánh? Tôi có nên dành hết nỗ lực vào mối quan hệ giao ước với Chúa không? Câu trả lời cho những câu hỏi hay và quan trọng này là rất đơn giản: Nó phụ thuộc vào mức độ quan hệ mà anh chị em muốn cảm nhận với Chúa Giê Su Ky Tô.18 Mỗi người chúng ta sẽ phải khám phá câu trả lời của riêng mình cho những câu hỏi vô cùng riêng tư đó.

Đây là câu trả lời của tôi: Tôi đi theo con đường này với tư cách là “con gái yêu dấu của cha mẹ thiên thượng,”19 được hai Ngài biết rõ20được tín nhiệm vô cùng.21 Là một người con giao ước, tôi hội đủ điều kiện để nhận được các phước lành đã được hứa22. Tôi đã chọn23 đi cùng với Chúa. Tôi đã được kêu gọi24 làm nhân chứng của Đấng Ky Tô. Khi cảm thấy con đường trở nên khó đi, tôi được thêm sức25 nhờ ân điển làm cho có quyền năng. Mỗi lần bước qua ngưỡng cửa nhà Ngài, tôi cảm nhận được mối quan hệ giao ước sâu đậm hơn với Ngài. Tôi được thánh hóa26 với Thánh Linh của Ngài, được ban cho27 quyền năng của Ngài, và được biệt riêng28 để xây đắp vương quốc của Ngài. Qua tiến trình hối cải hằng ngày và dự phần Tiệc Thánh hằng tuần, tôi đang học cách trở nên kiên định29 và đi khắp nơi làm phước.30 Tôi đi trên con đường này với Chúa Giê Su Ky Tô và mong chờ cái ngày đã được hứa là Ngài sẽ tái lâm. Sau đó tôi sẽ được gắn bó với Ngài31 và được nhấc lên với tư cách là con gái thiêng liêng32 của Thượng Đế.

Đây là lý do tại sao tôi đi theo con đường giao ước.

Đây là lý do tại sao tôi bám vào những lời hứa giao ước.

Đây là lý do tại sao tôi bước vào ngôi nhà giao ước của Ngài.

Đây là lý do tại sao tôi mặc bộ trang phục thánh như một sự nhắc nhở.

Vì tôi muốn sống trong mối quan hệ giao ước đã cam kết với Ngài.

Có lẽ anh chị em cũng vậy. Hãy bắt đầu từ hiện trạng của anh chị em.33 Đừng để hiện trạng của anh chị em cản trở anh chị em. Hãy nhớ rằng sự tiến triển trên con đường giao ước là quan trọng hơn mức độ thăng tiến hoặc vị trí của mình trên con đường đó.34 Hãy nhờ một người mà anh chị em tin cậy, đang ở trên con đường giao ước, giới thiệu anh chị em với Đấng Cứu Rỗi mà họ đã bắt đầu biết. Hãy học theo Ngài. Hãy dành hết nỗ lực vào mối quan hệ bằng cách lập giao ước với Ngài. Tuổi tác hoặc địa vị của chúng ta đều không quan trọng. Anh chị em có thể đi cùng Ngài.

Sau khi chúng tôi đi xong Con Đường Mòn Chúa Giê Su thì Mya không lấy lại sợi dây của mình. Cô ta để nó buộc vào xe scooter. Trong vài ngày tiếp theo, những đứa cháu tuổi niên thiếu của tôi và bạn của chúng thay phiên nhau kéo tôi đi khắp các đường phố ở Jerusalem.35 Chúng bảo đảm rằng tôi không bỏ lỡ những câu chuyện về Chúa Giê Su. Tôi được nhắc nhở về sức mạnh của thế hệ đang vươn lên. Chúng ta có thể học hỏi từ các em. Các em thực sự mong muốn được biết Đấng hướng dẫn, Chúa Giê Su Ky Tô. Các em tin tưởng vào sức mạnh của sợi dây buộc chúng ta với Ngài. Các em có ân tứ đặc biệt để quy tụ những người khác đến với Ngài.36

May thay, chúng ta cùng nhau đi trên con đường này, đưa ra lời khích lệ trên suốt chặng đường.37 Khi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình với Đấng Ky Tô, chúng ta sẽ củng cố sự tận tâm của cá nhân. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Dân Hê Nóc đã đi lạc lối, họ đã chối bỏ Đấng Ky Tô, và họ “đã tìm kiếm lời khuyên dạy riêng cho mình trong bóng tối” (xin xem Môi Se 6:27–28). Trong lúc mất niềm tin nơi loài người, Hê Nóc đã tìm đến Chúa để được hướng dẫn. Lời kêu gọi này cho Hê Nóc cũng chính là lời kêu gọi mà Chúa dành cho tất cả chúng ta: “Hãy đi cùng với ta” (Môi Se 6:34; xin xem thêm Ma Thi Ơ 11:28). Nhưng có lẽ, giống như Hê Nóc, anh chị em không biết chắc là mình có thể đi theo con đường này trong hiện trạng của mình hay không. Có thể anh chị em cảm thấy bị cản trở về mặt nào đó. Có lẽ lý do chính khiến chúng ta cần đi theo con đường giao ước là vì hiện trạng của chúng ta, vì chúng ta bị cản trở về mặt nào đó và chúng ta cần sự giúp đỡ của Ngài.

  2. Xin xem Môi Se 6:23–34.

  3. Xin xem “Jesus of Nazareth, Savior and King,” Hymns, số 181.

  4. Xin xem Ê The 12:27.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30.

  6. Mấy đứa con gái của tôi muốn thì thầm lời hứa đếm bằng năm ngón tay này với con cái của chúng (các cháu của tôi) vào mỗi buổi sáng—một sự nhắc nhở về Cha Thiên Thượng là Đấng biết rõ từng đứa con của Ngài.

  7. Xin xem Sáng Thế Ký 28:10–22. Giao ước Áp Ra Ham cũng là điểm nhấn quan trọng về cái đêm đó. Những yếu tố này của giao ước Áp Ra Ham đóng vai trò chính yếu trong cuộc sống của chúng ta và trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô: (1) lời hứa về một quyền thừa kế vĩnh cửu (câu 13); (2) dòng dõi vĩnh cửu (câu 14); và (3) phước lành và trách nhiệm để ban phước cho tất cả các dân tộc trên thế gian (câu 14).

  8. Sáng Thế Ký 35:3; sự nhấn mạnh được thêm vào. Cha mẹ của Gia Cốp ra lệnh cho ông phải rời nhà để tránh xa Ê Sau là người đã đe dọa giết ông, và để có cơ hội gặp một người mà ông có thể kết hôn trong giao ước (xin xem Sáng Thế Ký 27:41–45; 28:1–2, 5).

  9. Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, tháng Mười năm 2022, trang 11.

  10. 2 Nê Phi 31:20.

  11. Xin xem Giăng 5:5, câu chuyện về ao Bê Tết Đa.

  12. Xin xem Mác 5:25, câu chuyện về người đàn bà rờ áo của Đấng Ky Tô.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 14:31, câu chuyện về Phi E Rơ đi trên mặt nước.

  14. Xin xem “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

  15. Xin xem 1 Nê Phi 11:16–33.

  16. Xin xem Phi Líp 1:6; 2:13; Lời Mặc Môn 1:7.

  17. Xin xem Giăng 12:32.

  18. Đường đi thường được xác định bởi các đặc điểm chính như cột chỉ đường hoặc mốc dặm. Đó là một cách để bảo đảm rằng anh chị em đang đi đúng hướng hoặc tiến triển đúng hướng. Một mối quan hệ cũng có thể được xác định bởi các đặc điểm chính. Một số điều này bao gồm sự kỳ vọng (xin xem Giê Rê Mi 29:11; Giáo Lý và Giao Ước 132:7); sự phục tùng (xin xem Mô Si A 3:19; An Ma 7:23; 13:28; ); lòng khiêm nhường, sự vâng lời, tính kiên nhẫn, sự nhường nhịn, sự tin cậy (xin xem Châm Ngôn 3:5); và tình yêu thương (xin xem Rô Ma 8:31–39).

  19. Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ,” Thư Viện Phúc Âm, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Bonnie H. Cordon, “Những Người Con Gái Yêu Dấu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 67.

  20. Xin xem Giăng 4:1–29, câu chuyện về người đàn bà bên giếng nước.

  21. Xin xem An Ma 38:1–3.

  22. Xin xem Dân Số Ký 6:23–27.

  23. Xin xem Giô Suê 24:22.

  24. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:3; câu chuyện về Emma Smith.

  25. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:9–10.

  26. Xin xem 2 Sử Ký 20:1–17, nhất là câu 14.

  27. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:1–46.

  28. Xin xem 1 Sa Mu Ên 16:11–13.

  29. Xin xem Ê Xơ Tê 4:16, câu chuyện về Ê Xơ Tê.

  30. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38.

  31. Xin xem Ê Sai 43:1–5.

  32. Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:1–9.

  33. Một người bạn hiền đã nhắc nhở tôi rằng lời kêu gọi để hành động là quan trọng trong bất cứ mối quan hệ nào.

  34. Cuộc trò chuyện với Kristen Olsen, tháng Chín năm 2023.

  35. Cảm ơn Mack Oswald, Camden Oswald, Ashton Matheny, và Jack Butler, cảm ơn vì đã kéo tôi đi.

  36. “Anh chị em còn nhớ rằng tôi đã mời gọi giới trẻ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô gia nhập đạo quân trẻ tuổi của Chúa để tham gia vào chính nghĩa lớn nhất trên thế gian ngày hôm nay—sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. Tôi đã đưa ra lời mời này cho giới trẻ của chúng ta bởi vì các em có năng khiếu đặc biệt trong việc kết nối với người khác và chia sẻ những gì các em tin tưởng với một cách đầy thuyết phục” (Russell M. Nelson, “Các Nhân Chứng, Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn, và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 39).

  37. “Chúa Giê Su dạy rằng vương quốc của Thượng Đế … giống như một thành phố bị vây quanh bởi sự chết chóc ở mọi phía. Mỗi người có vị trí của mình trên tường thành để bảo vệ và không một ai có thể đứng được ở nơi mà người khác đứng, nhưng ‘không có điều gì ngăn cản chúng ta kêu gọi lẫn nhau’” (Martin Luther, trong Lewis William Spitz, The Renaissance and Reformation Movements [năm 1987], trang 335).