Đại Hội Trung Ương
Chúa Giê Su Ky Tô Là Kho Báu
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


Chúa Giê Su Ky Tô Là Kho Báu

Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, là “điểm nhắm” mà chúng ta nên nhìn vào, và là kho báu lớn nhất của chúng ta.

Vào năm 1907, một người Anh giàu có tên là George Herbert, Bá Tước thứ năm của Carnarvon,1 đã di chuyển đến Ai Cập và bắt đầu quan tâm đến ngành khảo cổ học. Ông đến gặp một nhà Ai Cập học nổi tiếng tên là Howard Carter và đề nghị hợp tác. Carter sẽ giám sát các cuộc khai quật khảo cổ của họ, còn Carnarvon sẽ tài trợ kinh phí.

Cùng với nhau, họ đã thành công khám phá nhiều địa điểm khác nhau. Sau đó, họ được phép khai quật trong Thung Lũng Các Vị Vua, tọa lạc gần thành phố Luxor thời nay, nơi mà lăng mộ của nhiều vị pha ra ôn đã được tìm thấy. Họ quyết định tìm kiếm ngôi mộ của Vua Tutankhamun. Tutankhamun đã lên ngôi ở Ai Cập hơn ba ngàn năm trước đó và trị vì 10 năm trước khi đột ngột qua đời.2 Người ta biết rằng ông đã được chôn cất trong Thung Lũng Các Vị Vua,3 nhưng địa điểm của ngôi mộ của ông vẫn còn là một bí ẩn.

Carter và Carnarvon đã dành ra năm năm để tìm kiếm ngôi mộ của Tutankhamun nhưng không thành công. Cuối cùng Carnarvon báo cho Carter biết rằng ông đã từ bỏ công cuộc tìm kiếm không có kết quả. Carter đã khẩn nài thêm một thời gian nữa để khai quật, và Carnarvon đã mủi lòng và đồng ý với việc tài trợ.

Carter nhận ra rằng toàn bộ mặt bằng đáy Thung Lũng Các Vị Vua đã được khai quật một cách có phương pháp—ngoại trừ khu vực căn cứ trại của chính họ. Trong vòng một vài ngày khai quật ở đó, họ đã tìm thấy những bậc thang đầu tiên dẫn xuống ngôi mộ.4

Cuối cùng, khi Carter nhìn vào tiền sảnh ngôi mộ của Tutankhamun, ông thấy vàng ở khắp mọi nơi. Sau ba tháng phân loại các vật phẩm ở ngoài tiền sảnh, họ đã khai mở phòng chôn cất được niêm phong vào tháng Hai năm 1923—cách đây 100 năm. Đây là cuộc tìm kiếm khảo cổ nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20.

Trong những năm tìm kiếm không hiệu quả đó, Carter và Carnarvon đã bỏ qua những gì nằm ngay dưới chân họ. Khoảng năm thế kỷ trước khi Đấng Cứu Rỗi giáng sinh, tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã ám chỉ việc xem nhẹ hoặc đánh giá thấp những điều xung quanh là “nhìn xa quá điểm nhắm.” Gia Cốp đã thấy trước rằng dân chúng ở Giê Ru Sa Lem sẽ không nhận ra Đấng Mê Si được hứa khi Ngài đến. Gia Cốp đã tiên tri rằng họ sẽ là một “dân tộc coi thường những lời nói minh bạch … và [muốn tìm kiếm] những điều mà họ không thể hiểu được. Vậy nên, do sự mù quáng của họ, một sự mù quáng [sẽ đến] vì đã nhìn xa quá điểm nhắm, nên họ phải sa ngã.”5 Nói cách khác, họ sẽ vấp ngã.

Lời tiên đoán của Gia Cốp đã ứng nghiệm. Trong suốt giáo vụ trần thế của Chúa Giê Su, nhiều người đã nhìn xa quá điểm nhắm, vượt quá Ngài. Họ đã nhìn vượt quá Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Thay vì nhận ra vai trò của Ngài trong việc làm tròn kế hoạch của Cha Thiên Thượng, họ lại lên án và đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Họ đã nhìn và chờ đợi một người nào khác sẽ mang lại sự cứu rỗi cho họ.

Giống như những người ở Giê Ru Sa Lem, và giống như Carter và Carnarvon, chúng ta cũng có thể có khuynh hướng nhìn xa quá điểm nhắm. Chúng ta cần phải đề phòng khuynh hướng này, kẻo chúng ta sẽ bỏ lỡ Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của mình và không nhận ra nhiều phước lành Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta cần Ngài. Chúng ta được khuyên dạy phải trông cậy “hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi.”6

Ngài là điểm nhắm của chúng ta. Nếu chúng ta tưởng tượng một cách sai lệch rằng có một nhu cầu nào đó vượt quá những gì Ngài ban cho, thì chúng ta đang phủ nhận hoặc giảm bớt phạm vi và quyền năng mà Ngài có thể có trong cuộc sống của chúng ta. Ngài đã nhận lấy quyền thương xót và ban lòng thương xót đó cho chúng ta.7 Ngài là “nguồn gốc [tột bậc] mà chúng ta [cần phải] tìm kiếm [để có] được sự xá miễn các tội lỗi của [mình].”8 Ngài là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha và bênh vực điều mà Đức Chúa Cha đã muốn ngay từ đầu, để cho chúng ta trở về với Ngài với tư cách là những người thừa hưởng trong vương quốc của Ngài. Theo lời của tiên tri An Ma, chúng ta cần phải “ngước mắt [của mình] lên nhìn và bắt đầu tin nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế, rằng Ngài sẽ đến để cứu chuộc dân Ngài, và Ngài sẽ chịu thống khổ và chết để chuộc tội cho [chúng ta], và rằng Ngài sẽ sống lại từ cõi chết, mà điều này sẽ mang lại sự phục sinh.”9 Chúa Giê Su Ky Tô là kho báu của chúng ta.

Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta nhiều cách thức để tập trung vào Ngài một cách có chủ ý, kể cả cơ hội hằng ngày để hối cải. Đôi khi, chúng ta đánh giá thấp giá trị lớn lao biết bao của phước lành được ban cho này. Khi tôi tám tuổi, tôi đã được cha tôi báp têm. Sau đó, tôi nắm tay cha tôi khi chúng tôi đi ngang qua một con đường đông đúc. Tôi đã không chú ý và bước ra khỏi lề đường đúng vào lúc một chiếc xe tải lớn chạy qua. Cha tôi giật tôi lại, ra khỏi mặt đường và vào trong lề đường. Nếu ông không làm như vậy, thì tôi sẽ bị xe tải đâm trúng. Biết rõ bản tính tinh nghịch của mình, tôi đã nghĩ: “Có lẽ tốt hơn là mình bị chiếc xe tải cán chết vì mình sẽ không bao giờ được trong sạch như sau khi chịu phép báp têm.”

Khi tám tuổi, tôi đã lầm tưởng rằng nước báp têm rửa sạch tội lỗi. Không phải vậy. Nhiều năm sau khi chịu phép báp têm, tôi đã học được rằng tội lỗi được tẩy sạch bởi quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài khi chúng ta lập và tuân giữ giao ước báp têm.10 Sau đó, qua ân tứ hối cải, chúng ta có thể tiếp tục được trong sạch. Tôi cũng đã học được rằng Tiệc Thánh mang đến một chu kỳ đức hạnh mạnh mẽ vào cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi của mình.11

Cũng giống như kho báu ở dưới chân Carter và Carnarvon, các phước lành quý báu của Tiệc Thánh có sẵn cho chúng ta mỗi lần chúng ta tham dự lễ Tiệc Thánh. Chúng ta được hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta nếu chúng ta tiếp nhận Tiệc Thánh theo cách mà một người mới cải đạo tiếp nhận phép báp têm và lễ xác nhận, với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, và một quyết tâm sống theo giao ước báp têm đó. Đức Thánh Linh ban phước cho chúng ta với quyền năng thánh hóa của Ngài để chúng ta có thể luôn luôn gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi của mình, tuần này qua tuần khác.12

Nền tảng thuộc linh của chúng ta được củng cố qua sự hối cải, và bằng cách tận tâm chuẩn bị cùng dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng. Chỉ với một nền tảng thuộc linh vững chắc thì chúng ta mới có thể đối phó được khi mưa rơi xuống, khi lụt tràn tới, khi gió nổi lên trong cuộc sống của mình.13 Ngược lại, nền tảng thuộc linh của chúng ta bị suy yếu khi chúng ta chọn không tham dự lễ Tiệc Thánh hoặc khi chúng ta không tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong lễ Tiệc Thánh. Chúng ta có thể vô tình “tự lánh [mình] xa khỏi Thánh Linh của Chúa, khiến Ngài không còn chỗ đứng trong [chúng ta] để hướng dẫn [chúng ta] vào những nẻo đường của sự khôn ngoan, ngõ hầu [chúng ta] được phước, được thịnh vượng và được bảo tồn.”14

Khi có Đức Thánh Linh ở cùng mình, chúng ta sẽ được soi dẫn và hướng dẫn để lập và tuân giữ các giao ước khác, chẳng hạn như các giao ước chúng ta lập trong đền thờ. Làm như vậy sẽ gia tăng sức mạnh của mối quan hệ giữa chúng ta và Thượng Đế.15 Anh chị em có thể nhận thấy rằng nhiều ngôi đền thờ mới đã được loan báo trong những năm gần đây, mang đền thờ đến gần các tín hữu hơn bao giờ hết.16 Nghịch lý thay, khi đền thờ trở nên dễ tiếp cận hơn thì chúng ta có thể dễ trở nên tùy tiện hơn trong việc tham dự đền thờ. Khi đền thờ ở xa, chúng ta hoạch định thời gian và phương tiện đi đến đền thờ để thờ phượng ở đó. Chúng ta đặt ưu tiên cho những chuyến đi này.

Với một ngôi đền thờ gần kề, chúng ta có thể dễ dàng để cho những điều nhỏ nhặt ngăn cản chúng ta tham dự, và tự nhủ: “Lần khác mình đi cũng được mà.” Việc sống gần một ngôi đền thờ sẽ mang lại sự linh động hơn trong việc sắp xếp thời gian đi đền thờ, nhưng chính sự linh động đó có thể khiến chúng ta dễ dàng xem nhẹ việc đi đền thờ. Khi làm như vậy, chúng ta bị “lệch khỏi điểm nhắm,” đánh giá thấp cơ hội đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn trong ngôi nhà thánh của Ngài. Cam kết của chúng ta để tham dự đền thờ tối thiểu phải luôn mạnh mẽ dù cho đền thờ ở gần hay ở xa.

Sau khi Carter và Carnarvon khai quật ở những nơi khác trong Thung Lũng Các Vị Vua để tìm kiếm ngôi mộ của Tutankhamun, họ đã nhận thấy sơ suất của mình. Chúng ta không cần phải lao nhọc thiếu hiệu quả như họ đã làm trong một thời gian để tìm ra kho báu của mình. Chúng ta cũng không cần phải tìm kiếm lời khuyên bảo từ những nguồn thông tin kỳ lạ, đánh giá cao sự mới lạ của nguồn thông tin đó và suy nghĩ rằng lời khuyên dạy như vậy sẽ thông sáng hơn là lời khuyên bảo mà chúng ta có thể nhận được từ một vị tiên tri khiêm nhường của Thượng Đế.

Như đã được ghi lại trong Kinh Cựu Ước, khi Na A Man tìm cách chữa lành bệnh phung của mình, ông đã tức giận vì được yêu cầu phải đi tắm bảy lần dưới một con sông bình thường gần đó. Nhưng ông đã được thuyết phục để tuân theo lời khuyên của tiên tri Ê Li Sê, thay vì dựa vào những định kiến ​​của bản thân về cách phép lạ sẽ xảy ra. Kết quả là Na A Man đã được chữa lành.17 Khi tin cậy vị tiên tri của Thượng Đế trên thế gian ngày nay và hành động theo lời khuyên dạy của ông, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc, và cũng có thể được chữa lành. Chúng ta không cần phải nhìn xa hơn nữa.

Thưa anh chị em, tôi khuyến khích anh chị em hãy tưởng nhớ và luôn luôn tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, là “điểm nhắm” mà chúng ta nên nhìn vào, và là kho báu lớn nhất của chúng ta. Khi đến cùng Ngài, anh chị em sẽ được tưởng thưởng với sức mạnh để đối phó với những thử thách của cuộc sống, lòng can đảm để làm điều đúng, và khả năng để làm tròn sứ mệnh của mình trên trần thế. Hãy trân quý cơ hội để hối cải, đặc ân để dự phần Tiệc Thánh, phước lành của việc lập và tuân giữ các giao ước đền thờ, sự vui thích của việc thờ phượng trong đền thờ, và niềm vui vì có một vị tiên tri tại thế.

Tôi chia sẻ lời chứng long trọng và chắc chắn rằng Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, là Cha Thiên Thượng của chúng ta, rằng Ngài hằng sống; Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Ky Tô; Ngài là Người Bạn nhân từ, đầy thông sáng của tôi trên trời cao,18 và đây là Giáo Hội phục hồi của Ngài. Xin cảm ơn anh chị em về đức tin và sự trung tín của anh chị em. Tôi cầu nguyện rằng anh chị em sẽ được ban phước, được thịnh vượng, và được gìn giữ, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Tên đầy đủ của Bá Tước thứ Năm của Carnarvon là George Edward Stanhope Molyneux Herbert.

  2. Ảnh chụp cắt lớp (chụp CT) được thực hiện vào năm 2005 cho thấy rằng Vua Tutankhamun có thể bị gãy xương chân, có lẽ đây là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng và tử vong.

  3. Hầu hết các pha ra ôn của Tân Vương Quốc Ai Cập đều được chôn cất trong Thung Lũng Các Vị Vua. Hầu hết những ngôi mộ đó đã được khai quật và bị đánh cắp trong thời cổ đại.

  4. Câu chuyện này về công cuộc khám phá ngôi mộ của Vua Tutankhamen chủ yếu dựa trên sách của Eric H. Cline, “King Tut’s Tomb,” Archaeology: An Introduction to the World’s Greatest Sites (năm 2016), trang 60–66.

    Có vô số yếu tố góp phần vào sự lựa chọn của Carter và Carnarvon về nơi nào nên khai quật—và nơi nào không được khai quật—trong Thung Lũng Các Vị Vua. Khu vực xung quanh căn cứ của họ không thu hút sự chú ý ngay lập tức để khai quật. Khu vực hình tam giác cung cấp cho khách tham quan lối vào ngôi mộ của Ramses VI, vì vậy những cuộc khai quật ở đó sẽ đặc biệt bị gián đoạn. Theo lời của Carter, khu vực này bị bao phủ bởi “một số nhà lều xây cất thô sơ dành cho những người thợ , có lẽ được những người làm công sử dụng trong ngôi mộ của Rameses[,] … [và] ba thước Anh (1 mét) đất ở bên dưới họ.” Dường như các lều không được xây cất ở phía trên của lối vào một ngôi mộ (xin xem Howard Carter and A. C. Mace, The Tomb of Tut-ankh-Amen: Discovered by the Late Earl of Carnarvon and Howard Carter, tập 1 [năm 1923], các trang 124-28, 132).

    Để tìm đọc những lời tường thuật khác về sự khám phá ngôi mộ của Tutankhamun, xin xem Zahi Hawass, Tutankhamun and the Golden Age of the Pharaohs (năm 2005); Nicholas Reeves, The Complete Tutankhamun: The King, the Tomb, the Royal Treasure (năm 1990), các trang 80–83; và Nicholas Reeves và Richard H. Wilkinson, The Complete Valley of the Kings: Tombs and Treasures of Ancient Egypt’s Royal Burial Site (1996), trang 81–82.

  5. Gia Cốp 4:14.

  6. 2 Nê Phi 31:19.

  7. Xin xem Mô Rô Ni 7:27–28.

  8. 2 Nê Phi 25:26.

  9. An Ma 33:22.

  10. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:52.

  11. Xin xem David A. Bednar, “Teach to Build Faith in Jesus Christ” (bài nói chuyện được đưa ra tại hội thảo dành cho các vị lãnh đạo tôn giáo mới, ngày 23 tháng Sáu năm 2023); Rachel Sterzer Gibson, “Teach to Build Faith in Jesus Christ, Elder Bednar Instructs,” Church News, ngày 23 tháng Sáu năm 2023, thechurchnews.com.

  12. Tuy nhiên, Tiệc Thánh không được thiết lập như là một phương tiện cụ thể để bảo đảm sự xá miễn các tội lỗi của chúng ta (xin xem James E. Talmage, The Articles of Faith, ấn bản lần thứ 12, [năm 1924], trang 175). Một người không thể cố tình phạm tội tối thứ Bảy và kỳ vọng rằng tất cả những gì người ấy cần làm là ăn một miếng bánh mì và uống một chén nước vào ngày Chủ Nhật và được tẩy sạch tội lỗi một cách kỳ diệu. Nhưng ảnh hưởng thánh hóa của Đức Thánh Linh có thể thanh tẩy tất cả những ai hối cải với một tấm lòng chân thành và với chủ ý thật sự.

  13. Xin xem 3 Nê Phi 18:12–13.

  14. Mô Si A 2:36.

  15. Chủ Tịch Russell M. Nelson nói: “Thượng Đế có một tình yêu thương đặc biệt dành cho mỗi người lập giao ước với Ngài trong nước báp têm. Và tình yêu thương thiêng liêng đó càng sâu đậm hơn khi các giáo lễ khác nữa được lập và trung thành tuân giữ” (“Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], Gospel Library). Nhiều giao ước khác nhau trên con đường giao ước không chỉ liên tiếp mà còn bổ sung và thậm chí là phối hợp. Chúng tạo điều kiện để có được một sự kết nối gần gũi hơn và mạnh mẽ hơn với Thượng Đế. Sự kết nối như vậy cho phép chúng ta được biến đổi tới một điểm mà hình ảnh của Ngài thể hiện trên khuôn mặt và trong tấm lòng chúng ta được thay đổi lớn lao và vĩnh viễn (xin xem An Ma 5:14).

  16. Chủ Tịch Nelson giải thích rằng Chúa “đang làm cho các đền thờ của Ngài dễ tiếp cận hơn. Ngài đang đẩy nhanh tiến độ mà chúng ta đang xây cất đền thờ. Ngài đang gia tăng khả năng của chúng ta để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Ngài cũng đang giúp mỗi người chúng ta trở nên được tinh luyện một cách dễ dàng hơn về phần thuộc linh” (“Tập Trung vào Đền Thờ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 121).

  17. Xin xem 2 Các Vua 5:9–14.

  18. Xin xem “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 38.