Đại Hội Trung Ương
Đương Nổi Ngày Ấy trong Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


Đương Nổi Ngày Ấy trong Đấng Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô giúp cho chúng ta có thể “đương nổi ngày ấy.”

Đó là một ngày với những câu chuyện ngụ ngôn thẳng thắn, rõ ràng, những câu hỏi phức tạp, và giáo lý sâu sắc. Sau khi quở trách gay gắt những người giống như “mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy,”1 Chúa Giê Su đã giảng dạy thêm ba câu chuyện ngụ ngôn về sự chuẩn bị thuộc linh và vai trò môn đồ. Một trong số đó là câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh.

“Khi ấy, nước thiên đàng sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể.

“Trong các nàng đó, có năm người dại và năm người khôn.

“Người dại khi cầm đèn đi thì không đem dầu theo cùng mình:

“Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình mình.

“Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục.

“Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!

“Các nữ đồng trinh bèn thức dậy cả, sửa soạn đèn mình.

“Các người dại nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt.

“Nhưng các người khôn trả lời rằng: Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua.

“Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.

“Chặp lâu, những người nữ đồng trinh khác cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi.2

“Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu.3

“Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ khi nào Con của Người đến.”4

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã đặt ra những câu hỏi đáng để suy ngẫm sau đây liên quan đến sự xuất hiện của Chàng Rể:5 “Nếu ngày tái lâm của Ngài là ngày mai thì sao? Nếu chúng ta biết rằng mình sẽ gặp Chúa ngày mai—vì chúng ta chết sớm hoặc vì Ngài đến bất ngờ—thì chúng ta sẽ làm gì hôm nay?”6

Tôi đã học được từ kinh nghiệm cá nhân rằng sự chuẩn bị thuộc linh cho sự tái lâm của Chúa không những thiết yếu mà còn là cách duy nhất để tìm thấy sự bình an và hạnh phúc đích thực.

Đó là một ngày thu trong lành, khi lần đầu tiên tôi nghe những từ: “Chị bị bệnh ung thư.” Vợ chồng tôi sững sờ! Khi chúng tôi lái xe về nhà trong im lặng, cố gắng chấp nhận tin này, tôi bắt đầu lo lắng cho ba đứa con trai của mình.

Tôi thầm hỏi Cha Thiên Thượng rằng: “Con sắp chết phải không?”

Đức Thánh Linh thì thầm: “Mọi việc sẽ ổn thôi.”

Rồi tôi hỏi, “Con sẽ sống chứ?”

Một lần nữa, câu trả lời lại đến: “Mọi việc sẽ ổn thôi.”

Tôi vô cùng hoang mang. Tại sao tôi lại nhận được câu trả lời giống hệt nhau cho dù tôi sống hay chết?

Rồi bất chợt, cả người tôi tràn ngập sự bình an tuyệt đối khi tôi được nhắc nhở rằng: Chúng tôi không cần phải vội vã về nhà và dạy các con mình cách cầu nguyện. Chúng đã biết cách để nhận được câu trả lời và sự an ủi từ lời cầu nguyện. Chúng tôi không cần phải vội vã về nhà và dạy thánh thư hay những lời của các vị tiên tri tại thế cho chúng. Những lời đó đã là một nguồn quen thuộc cho chúng có được sức mạnh và sự hiểu biết. Chúng tôi không cần phải vội vã về nhà và dạy chúng về sự hối cải, Sự Phục Sinh, Sự Phục Hồi, kế hoạch cứu rỗi, gia đình vĩnh cửu, hay giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong khoảnh khắc đó, mỗi bài học trong buổi họp tối gia đình, mỗi buổi học thánh thư, mỗi lời cầu nguyện với đức tin, mỗi lời ban phước, mỗi chứng ngôn được chia sẻ, mỗi giao ước đã lập và tuân giữ, mỗi lần bước vào ngôi nhà của Chúa, và mỗi khi tuân giữ ngày Sa Bát—ôi, mỗi điều đó đều thật quan trọng biết bao! Đã quá muộn để châm dầu vào ngọn đèn của chúng tôi. Chúng tôi cần đến từng giọt dầu, và chúng tôi cần ngay lúc này!

Nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài, nếu tôi chết, thì gia đình tôi sẽ được an ủi, củng cố, và một ngày nào đó sẽ được phục hồi. Nếu tôi còn sống, thì hẳn là tôi đã được tiếp cận với quyền năng vĩ đại nhất trên thế gian này để giúp đỡ, hỗ trợ và chữa lành cho tôi. Sau tất cả, nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, mọi việc sẽ ổn thôi.

Qua việc nghiên cứu kỹ Giáo Lý và Giao Ước, chúng ta hiểu được hai từ “sẽ ổn” có nghĩa là gì:

“Và vào ngày đó, khi ta đến ngự trong vinh quang, thì chuyện ngụ ngôn mà ta nói về mười trinh nữ sẽ được ứng nghiệm.

“Vì những ai khôn ngoan và đã nhận được lẽ thật, và đã chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của mình, và không bị lừa gạt—thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, những người ấy sẽ không bị đốn đi và ném vào lửa, nhưng sẽ đương nổi ngày ấy.”7

Chúa Giê Su Ky Tô giúp cho chúng ta có thể “đương nổi ngày ấy.” Việc đương nổi ngày ấy không có nghĩa là kéo dài mãi bản liệt kê những điều chúng ta phải làm. Hãy nghĩ đến cái kính lúp. Mục đích chính của nó không chỉ là khuếch đại vật thể. Mà nó còn có thể hội tụ và tập trung ánh sáng để làm cho ánh sáng mạnh mẽ hơn. Chúng ta chỉ cần đơn giản hóa, tập trung các nỗ lực của mình, và trở thành những người thu gom Ánh Sáng của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần thêm những kinh nghiệm thiêng liêng mang tính mặc khải.

Nằm ở tây bắc Israel có một dãy núi tuyệt đẹp thường được gọi là “núi thường xanh.” Núi Cạt Mên8 vẫn luôn xanh tươi quanh năm phần lớn là nhờ vào những hạt sương bé nhỏ. Sự nuôi dưỡng diễn ra hằng ngày. Giống như những hạt sương ở núi Cạt Mên,9 khi chúng ta tìm cách nuôi dưỡng tâm hồn mình “bằng những điều thuộc về sự ngay chính,”10 “những chuyện nhỏ nhặt tầm thường,”11 thì chứng ngôn của chúng ta và chứng ngôn của con cái chúng ta sẽ không mất đi!

Giờ đây, có thể anh chị em đang nghĩ: “Nhưng, Chị Wright này, chị không biết gia đình chúng tôi. Chúng tôi thật sự đang gặp khó khăn và chẳng hề giống như gia đình chị.” Anh chị em nói đúng. Tôi không biết gia đình của anh chị em. Nhưng một Thượng Đế với tình yêu thương vô hạn, lòng thương xót, quyền năng, sự hiểu biết, và vinh quang thì có.

Các câu hỏi mà anh chị em có thể đang đặt ra là những câu hỏi đau đáu trong sâu thẳm tâm hồn của anh chị em. Những câu hỏi tương tự cũng được tìm thấy trong thánh thư:

“Thầy không lo [gia đình con] chết sao?”12

“Vậy thì sự trông cậy [của con] ở đâu?”13

“[Con] phải làm sao đây để cho đám mây đen tối kia có thể được dời đi không còn bao phủ [con] nữa?”14

“Sự khôn ngoan tìm được ở đâu? Tại nơi nào có sự thông sáng?”15

“Làm thế nào để [con] có thể nắm vững được mọi điều tốt lành?”16

“Lạy Chúa, Ngài muốn con làm điều gì?”17

Và rồi những câu trả lời đến theo một cách tuyệt vời:

“[Ngươi] có tin quyền năng của Đấng Ky Tô đem lại cứu rỗi không?”18

“Có bao giờ Chúa lại truyền lệnh cho một ai không được thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài chăng?”19

“Ngươi tin [Ngài] làm được điều này sao?20

“[Ngươi] có tin các đấng tiên tri chăng?”21

“[Ngươi] có thực hành đức tin vào sự cứu chuộc của Đấng đã sáng tạo ra mình không?”22

“Đấng đoán xét toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?”23

Các bạn thân mến, chúng ta không thể chia sẻ dầu của mình, nhưng chúng ta có thể chia sẻ ánh sáng của Ngài. Dầu trong đèn của chúng ta không chỉ giúp chúng ta “đương nổi ngày ấy” mà còn có thể là phương tiện để soi sáng con đường mà dẫn những người chúng ta yêu thương đến với Đấng Cứu Rỗi, là Đấng sẵn sàng “dang tay tiếp nhận” họ.24

“Đức Giê Hô Va phán như vầy: Hãy nín tiếng ngươi, đừng than khóc, mắt ngươi đừng sa lụy, vì công việc của ngươi sẽ được thưởng; chúng nó sẽ trở về từ xứ kẻ thù.

“Đức Giê Hô Va phán: Sẽ có sự trông mong cho kỳ sau rốt của ngươi; con cái ngươi sẽ trở về bờ cõi mình.”25

Chúa Giê Su Ky Tô là “sự trông mong cho kỳ sau rốt của ngươi.” Không có điều gì chúng ta đã, đang, hoặc chưa làm, lại nằm ngoài ảnh hưởng của sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu của Ngài. Ngài là lý do vì sao mà câu chuyện của chúng ta chẳng bao giờ kết thúc.26 Vì vậy, chúng ta “phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu [chúng ta] tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: [Chúng ta] sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”27

Cuộc sống vĩnh cửu là niềm vui vĩnh cửu. Đó là niềm vui trong cuộc sống này, ngay lúc này đây—dù có những thử thách trong thời kỳ của chúng ta, nhưng niềm vui đến nhờ có sự giúp đỡ của Chúa để học hỏi và cuối cùng vượt qua những thử thách đó— có được niềm vui vô tận trong cuộc sống mai sau. Nước mắt sẽ khô, tấm lòng đau khổ sẽ được chữa lành, những gì đã mất sẽ được tìm lại, những ưu phiền sẽ tan biến, gia đình sẽ được phục hồi, và tất cả những gì Đức Chúa Cha có sẽ thuộc về chúng ta.28

Hãy hướng về Chúa Giê Su Ky Tô để sống29 là chứng ngôn của tôi trong thánh danh thiêng liêng của “Đấng Chăn Giữ và Giám Trợ của linh hồn [chúng ta],”30 Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 23:27.

  2. Ma Thi Ơ 25:1–11.

  3. Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 25:11 (trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục).

  4. Ma Thi Ơ 25:13.

  5. Anh Cả James E. Talmage đã dạy: “Chàng Rể là Chúa Giê Su; tiệc cưới tượng trưng cho sự hiện đến của Ngài trong vinh quang, để chính Ngài tiếp nhận Giáo Hội trên thế gian làm cô dâu của Ngài. Những người nữ đồng trinh tượng trưng cho những người tuyên bố niềm tin nơi Đấng Ky Tô, và do đó, họ mạnh dạn tin rằng sẽ được tính vào trong số những người có phước được tham dự bữa tiệc. Ngọn đèn để soi đường mà mỗi thiếu nữ mang theo là lời tuyên bố công khai về niềm tin và lối thực hành Ky Tô giáo; và trong bình chứa dầu dự trữ của những người khôn ngoan hơn, chúng ta có thể thấy được sức mạnh thuộc linh và sự dồi dào mà chỉ có sự siêng năng và tận tâm trong việc phục sự Thượng Đế mới có thể đảm bảo được” (Jesus the Christ [năm 1916], trang 578–579).

  6. Dallin H. Oaks, “Preparation for the Second Coming,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 9.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 45:56–57; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  8. “Sương cung cấp một lượng nhỏ hơi ẩm ngay cả trong mùa hè khô hạn, và rất quan trọng đối với các loại cây trồng mùa hè như dưa hấu. Khu vực càng gần biển, thì càng có khả năng có sương vào những đêm lặng gió, khi mặt đất trở nên lạnh hơn lớp không khí trên bề mặt. Nói chung, vùng Coastal Plain ven biển có nhiều sương hơn trong đất liền; nhiều nhất là ở Núi Cạt Mên, nơi trung bình có khoảng 250 đêm có sương sa mỗi năm” (Efraim Orni và Elisha Efrat, Geography of Israel, ấn bản lần thứ 3 [năm 1971], trang 147).

  9. Giáo Lý và Giao Ước 128:19.

  10. Mô Si A 23:18.

  11. An Ma 37:6.

  12. Mác 4:38.

  13. Gióp 17:15.

  14. Hê La Man 5:40.

  15. Gióp 28:12.

  16. Mô Rô Ni 7:20.

  17. Công Vụ Các Sứ Đồ 9:6.

  18. An Ma 15:6.

  19. 2 Nê Phi 26:28.

  20. Ma Thi Ơ 9:28.

  21. Công Vụ Các Sứ Đồ 26:27.

  22. An Ma 5:15.

  23. Sáng Thế Ký 18:25.

  24. Mặc Môn 6:17.

  25. Giê Rê Mi 31:16–17; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  26. Xin xem Camille N. Johnson, “Mời Đấng Ky Tô Làm Tác Giả Câu Chuyện của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 82: “Hãy để cho nghịch cảnh và hoạn nạn, vốn là một phần của mỗi câu chuyện hay, trở thành phương tiện mà nhờ đó anh chị em đến gần và trở nên giống Chúa Giê Su Ky Tô hơn.”

  27. 2 Nê Phi 31:20.

  28. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:38.

  29. Xin xem An Ma 37:47.

  30. 1 Phi E Rơ 2:25.