Đại Hội Trung Ương
Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta Mỗi Ngày
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta Mỗi Ngày

Nguồn sức mạnh của chúng ta đến từ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta tìm cách đến cùng Ngài mỗi ngày một cách có chủ ý.

Các anh chị em thân mến, đây là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Thật là vui sướng biết bao khi được quy tụ trong Giáo Hội của Ngài. Tôi biết ơn Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhắc nhở chúng ta thường xuyên sử dụng tên đúng của Giáo Hội của Chúa nhằm giúp chúng ta nhớ rằng đây là Giáo Hội của Ngài và chúng ta tuân theo những lời giảng dạy của Ngài.

Chủ Tịch Nelson đã nói: “Trong những ngày tới, chúng ta sẽ thấy những biểu hiện vĩ đại nhất về quyền năng của Đấng Cứu Rỗi mà thế gian chưa từng thấy. … Ngài sẽ ban vô số đặc ân, phước lành và phép lạ cho người trung tín.”1

Một trong những đặc ân tuyệt vời nhất mà tôi và vợ tôi, Renee, có được, chính là được gặp gỡ với các Thánh Hữu tại nơi chúng tôi phục vụ. Chúng tôi nghe những câu chuyện của họ, chúng tôi chứng kiến ​​những mất mát của họ, chúng tôi san sẻ nỗi đau buồn với họ và chúng tôi vui mừng trước thành công của họ. Chúng tôi đã chứng kiến ​​nhiều phước lành và phép lạ mà Đấng Cứu Rỗi đã ban cho những người trung tín. Chúng tôi đã gặp gỡ những người phải trải qua nhiều thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua, những người đã phải chịu đựng những điều không tưởng.

Hình Ảnh
Chủ Tịch José Batalla và vợ ông, Chị Valeria Batalla.
Hình Ảnh
Flavia Cruzado và cha của cô.

Chúng tôi đã thấy quyền năng của Đấng Cứu Rỗi biểu hiện nơi một góa phụ mất chồng trong khi họ đang thực hiện công việc của Chúa tại Bolivia.2 Chúng tôi đã thấy quyền năng ấy nơi một phụ nữ trẻ tại Argentina bị ngã xuống đường ray tàu hỏa và mất đi một chân chỉ vì ai đó muốn lấy trộm điện thoại di động của cô ấy.3 Quyền năng ấy còn được biểu hiện nơi người cha đơn thân của cô, người giờ đây phải tiếp tục động viên và củng cố con gái mình sau khi phải chịu một hành động tàn ác không thể bào chữa được. Chúng tôi thấy quyền năng ấy nơi những gia đình mất nhà cửa và toàn bộ tài sản trong trận hỏa hoạn tại Chile chỉ hai ngày trước Lễ Giáng Sinh vào năm 2022.4 Chúng tôi thấy quyền năng ấy nơi những người chịu đau khổ sau một cuộc ly hôn đau thương và nơi những nạn nhân vô tội bị lạm dụng.

Hình Ảnh
Hỏa hoạn tại Chilê.

Điều gì đã ban cho họ quyền năng để vượt qua khó khăn? Điều gì tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta để bước tiếp khi mọi thứ dường như đã tan biến hết?

Tôi nhận ra rằng sức mạnh đó đến từ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta tìm cách đến cùng Ngài mỗi ngày một cách có chủ ý.

Tiên tri Gia Cốp đã dạy: “Và Ngài sẽ xuống thế gian để cứu vớt tất cả loài người nếu họ biết nghe theo lời của Ngài; vì này, Ngài sẽ hứng lấy những sự đau đớn của mọi người, phải, những sự đau đớn của từng sinh linh một, cả đàn ông lẫn đàn bà và trẻ con, là những người thuộc gia đình A Đam.”5

Đôi khi, anh chị em có thể cảm thấy việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô dường như là một điều bất khả thi, dường như không thể có được. Chúng ta có thể đang nghĩ rằng việc đến cùng Đấng Ky Tô đòi hỏi sức mạnh, quyền năng và sự hoàn hảo mà chúng ta không có, và chúng ta không thể tìm ra nghị lực để đạt được tất cả những thuộc tính đó. Nhưng tôi học được từ tất cả những người này rằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô chính là nguồn năng lượng để chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của mình. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ: “Tôi cần điều chỉnh cuộc đời mình trước khi đến cùng Chúa Giê Su,” nhưng sự thật là chúng ta đến cùng Chúa Giê Su để điều chỉnh cuộc đời mình thông qua Ngài.

Chúng ta không đến cùng Chúa Giê Su vì chúng ta hoàn hảo. Chúng ta đến cùng Ngài vì chúng ta có khiếm khuyết và chúng ta có thể “được toàn thiện” trong Ngài.6

Làm cách nào chúng ta có thể bắt đầu thực hành một chút đức tin mỗi ngày? Đối với tôi, việc thực hành bắt đầu vào buổi sáng: Khi thức dậy, thay vì nhìn vào chiếc điện thoại, tôi dâng lên một lời cầu nguyện. Thậm chí chỉ là một lời cầu nguyện đơn giản. Sau đó tôi đọc một câu thánh thư. Điều này giúp tôi giữ vững giao ước hằng tuần mà tôi lập khi dự phần Tiệc Thánh để “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.”7 Khi tôi bắt đầu ngày mới bằng một lời cầu nguyện và một câu thánh thư, tôi có thể “tưởng nhớ tới Ngài” khi nhìn vào chiếc điện thoại của mình. Tôi có thể “tưởng nhớ tới Ngài” khi tôi đối mặt với khó khăn và xung đột, và tôi cố gắng đối mặt với những điều đó theo cách mà Chúa Giê Su đã làm.

Khi tôi “tưởng nhớ tới Ngài,” tôi có ước muốn để thay đổi, để hối cải. Tôi tìm thấy nguồn năng lượng để tuân giữ các giao ước của mình và tôi cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của mình “cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho [tôi]; để [tôi] có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [tôi].”8 Điều đó giúp tôi kiên trì đến cùng.9 Hoặc ít nhất là kiên trì cho đến cuối ngày! Và trong những ngày mà tôi không mảy may nhớ đến Ngài, Ngài vẫn ở đó, yêu thương tôi và nói với tôi rằng, “Điều đó không sao cả; ngày mai con có thể thử lại.”

Mặc dù chúng ta không hoàn hảo trong việc tưởng nhớ tới Ngài, nhưng Cha Thiên Thượng nhân từ thì không bao giờ quên chúng ta.

Một trong những sai lầm mà chúng ta thường mắc phải là nghĩ rằng việc tuân giữ các giao ước, hay những lời hứa mà chúng ta lập với Thượng Đế, là một giao dịch mà chúng ta thực hiện với Ngài: Nếu tôi vâng lời thì Ngài sẽ bảo vệ tôi khỏi bất cứ điều gì tồi tệ nhất xảy ra với tôi. Nếu tôi đóng tiền thập phân thì tôi sẽ không bao giờ bị mất việc làm hoặc lửa sẽ không thiêu rụi nhà tôi. Nhưng rồi khi mọi việc xảy ra không như chúng ta mong đợi, thì chúng ta lại kêu cầu Chúa: “Ngài không lo con sẽ chết sao?”10

Các giao ước của chúng ta không chỉ đơn thuần là giao dịch; chúng có tính chuyển đổi.11 Qua các giao ước của mình, tôi nhận được quyền năng thánh hóa và củng cố của Chúa Giê Su Ky Tô, quyền năng này cho phép tôi trở thành một con người mới, tha thứ những điều dường như không thể tha thứ, vượt qua những thử thách tưởng chừng như không thể. Việc tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô một cách có chủ ý luôn luôn chứa đựng quyền năng; nó tiếp thêm sức cho tôi để “tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho [tôi].”12 Nó giúp tôi trở nên tử tế hơn, mỉm cười mà không cần lý do, trở thành người hòa giải,13 tránh được các cuộc xung đột, và để Chúa ngự trị trong cuộc sống của tôi.14

Khi nỗi đau của chúng ta hoặc của người thân nhiều đến mức chúng ta không thể chịu đựng nổi, thì việc tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô và đến cùng Ngài có thể làm nhẹ đi gánh nặng, làm mềm lòng và xoa dịu nỗi đau. Đây là quyền năng đã giúp một người cha vượt quá khả năng vốn có của mình để nâng đỡ con gái anh ấy vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần khi mất đi một chân.

Hình Ảnh
Flavia Cruzado cùng Anh Cả Ulisses Soares.

Khi Anh Cả Soares đến thăm Argentina vào tháng Sáu năm ngoái và hỏi Flavia về tai nạn thương tâm của cô gái này, em ấy đã thành thật trả lời: “Em đã trải qua cảm giác bất ổn, cay đắng, tức giận và căm ghét khi [điều này xảy đến với em]. Có một điều đã giúp đỡ cho em rất nhiều đó là thay vì hỏi “tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”, em đã hỏi “tại sao điều này lại xảy ra?” … Đây là điều đã đưa em đến gần hơn với người khác và với Chúa. … Thay vì xa cách Ngài, em phải bám víu lấy Ngài.”15

Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Phần thưởng cho việc tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là quyền năng từ trời—quyền năng củng cố chúng ta để chống lại những thử thách, cám dỗ và nỗi đau lòng một cách hiệu quả hơn. … Do đó, những người tuân giữ giao ước được quyền có được một kiểu yên nghỉ đặc biệt.”16 Đây là kiểu bình yên và yên nghỉ tôi đã thấy được trong đôi mắt người góa phụ, bất chấp nỗi đau đớn mà cô phải chịu đựng vì nhớ chồng mỗi ngày.

Hình Ảnh
Cơn bão trên Biển Ga Li Lê.

Kinh Tân Ước kể về một thời điểm khi Chúa Giê Su và các môn đồ của Ngài ở trên một chiếc thuyền:

“Vả, có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền. …

“Nhưng Ngài đương … dựa gối mà ngủ. Môn đồ thức Ngài dậy mà thưa rằng: Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?

“Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi. …

“Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?”17

Tôi luôn bị cuốn hút bởi câu chuyện này. Có phải Chúa mong đợi các môn đồ sử dụng đức tin của họ để làm dịu cơn bão không? Hay là để quở gió? Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là cảm giác bình an giúp chúng ta chống chọi với giông bão, là sự hiểu biết rằng chúng ta sẽ không bị diệt vong vì Ngài đang ở trên thuyền cùng với chúng ta.

Đây chính là kiểu đức tin mà chúng tôi đã thấy khi đến thăm các gia đình sau trận hỏa hoạn tại Chile. Nhà cửa của họ bị thiêu rụi; họ đã mất tất cả. Tuy nhiên, khi chúng tôi bước vào đống đổ nát từng là nhà của họ và khi họ kể cho chúng tôi nghe về những trải nghiệm của họ, chúng tôi cảm thấy như đang đứng trên đất thánh. Một chị tín hữu đã nói với vợ tôi: “Khi tôi nhìn thấy những ngôi nhà xung quanh đang cháy, tôi có cảm giác rằng nhà của chúng tôi cũng sắp bị thiêu rụi, rằng chúng tôi sẽ mất tất cả. Thay vì nỗi tuyệt vọng, tôi lại cảm nhận được một cảm giác bình yên đến khó tả. Bằng một cách nào đó, tôi cảm thấy mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.” Việc tin cậy Chúa và tuân giữ các giao ước của chúng ta với Ngài mang đến quyền năng cho sự yếu đuối của chúng ta và niềm an ủi cho nỗi đau buồn của chúng ta.

Tôi biết ơn về cơ hội mà Renee và tôi có để được gặp với những Thánh Hữu phi thường này, tôi cũng biết ơn những tấm gương về đức tin, sức mạnh và lòng kiên trì của họ. Tôi biết ơn khi được lắng nghe những câu chuyện đau lòng và buồn thảm của họ, mặc dù những câu chuyện này sẽ không bao giờ xuất hiện trên trang nhất của một tờ báo hay được lan tỏa trên mạng. Tôi biết ơn vì máy ảnh đã không chụp lại những giọt nước mắt lăn trên má họ và biết ơn vì những lời cầu nguyện được dâng lên sau một sự mất mát hoặc một cuộc ly hôn đau thương; tôi biết ơn vì họ đã không đăng tải nỗi sợ hãi lên mạng, và về nỗi đau mà họ có thể chịu đựng bởi đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Những người này đã củng cố đức tin của tôi và tôi vô cùng biết ơn về điều đó.

Tôi biết rằng đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết rằng Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta quyền năng của Ngài nếu chúng ta đến với Ngài mỗi ngày. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.