Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional năm 2023
Một Tương Lai Tràn Đầy Hy Vọng


Một Tương Lai Tràn Đầy Hy Vọng

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Chủ Nhật, ngày 8 tháng Một, năm 2023

Anh Cả Jeffrey R. Holland: Thưa các bạn trẻ thân mến của chúng tôi ở khắp mọi nơi! Thật là một đặc ân biết bao cho Chị Holland và tôi để được có mặt cùng với các em trong buổi tối hôm nay. Mặc dù chúng tôi đang tiếp cận với hầu hết các em trên khắp thế giới thông qua sự kỳ diệu của công nghệ hiện đại, nhưng chúng tôi cũng rất vui mừng để có những khán giả trực tiếp ở đây, tại trường đại học này và học viện tôn giáo của trường nơi mà Pat và tôi đã bắt đầu học đại học, hẹn hò và rồi kết hôn.

Ngay lúc này, tôi đang chờ để xem liệu các em có cảm thấy rùng mình khi tôi nhắc đến từ kết hôn không. Xin đừng hoảng hốt. Chúng tôi không định nói chuyện về việc kết hôn trong buổi tối hôm nay đâu. Một số các em đã kết hôn rồi, và chúng tôi không muốn các em còn lại phải thét lên và bỏ chạy ra khỏi phòng. Nhưng tôi sẽ kể về giai đoạn hẹn hò tìm hiểu của thời tuổi trẻ và sự khởi đầu của cuộc hôn nhân đầy lãng mạn của chúng tôi với ý nghĩ trong tâm trí rằng nếu điều đó đã xảy ra với chúng tôi trong một buổi tối như thế này, thì biết đâu? Điều đó cũng có thể xảy ra với những người khác.

Chắc chắn là có rất nhiều chị em đã nói với chúng tôi rằng có một số người nam cần phải được nhắc nhở, nếu không phải là bằng một mũi tên của Thần Tình Yêu thì có lẽ là bằng một chiếc vợt đánh bóng pickleball nhỏ. Nếu có bất kỳ bạn nữ nào ở đây tối nay đang ngồi cạnh một bạn nam giống với sự mô tả này, thì Anh Cả và Chị Holland cho phép các em huých khuỷu tay vào mạn sườn của cậu ấy ngay bây giờ—một cách nhẹ nhàng đủ để truyền đạt tình yêu thương, và đủ mạnh để cho thấy rõ quan điểm đó. Chúng tôi sẽ vui mừng nếu như cái huých tay đó dẫn đến kết quả tốt đẹp như cách nó đã xảy ra với chúng tôi, ngoại trừ trong trường hợp của chúng tôi, đó là khuỷu tay của tôi và mạn sườn của Chị Holland.

Tháng Sáu này sẽ là tròn đúng 60 năm trước, ngày Pat và tôi kết hôn trong Đền Thờ St. George mà chỉ cách khuôn viên trường đại học này một cây số. Sáu thập kỷ bên nhau đã đem đến cho chúng tôi một cơ hội đáng hoan nghênh để nói lời tạm biệt với một giai đoạn khó khăn đối với nhiều người và bi thương đối với một số người. Chúng ta đang dần thoát khỏi đại dịch COVID-19, nhưng dịch bệnh nghiêm trọng này cũng giống như hầu hết những dịch bệnh được mô tả trong Kinh Thánh vẫn còn là một vấn đề rất thực tế ở nhiều nơi trên thế giới, vì vẫn có trung bình hơn 1.700 ca tử vong bởi căn bệnh này được báo cáo hằng ngày.1 Tai họa này đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ về mặt sức khỏe thể chất mà còn cả về đời sống xã hội, chính trị và kinh tế đối với hầu hết tất cả mọi người trên hành tinh, bằng cách này hay cách khác.

Một loại tai họa khác đó là tai họa mà vẫn còn đang tiếp diễn ở đông Âu nơi hàng triệu người, bao gồm cả các tín hữu Giáo Hội, đã bị tàn phá, phải di dời, hoặc hy sinh chính mạng sống của họ trong cuộc xung đột mà họ không mong muốn và không đáng phải chịu. Cách đây chỉ vài tuần, trong khi đang thực hiện chỉ định của mình ở châu Âu, Chị Holland và tôi đã gặp gỡ với một số người tị nạn Ukraina này. Chúng tôi đã cười, khóc và cầu nguyện cùng với những người đã bỏ lại mọi thứ sau lưng và trốn chạy chỉ với bộ quần áo trên người. Chúng tôi cũng cảm thấy đau buồn cho các tín hữu trung tín của chúng ta ở trong nước Nga, là những người vô tội đã phải chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này. Ngoài những thảm kịch này, ở nhiều nơi trên khắp thế giới, chúng ta thấy những vụ xả súng hàng loạt—kể cả thảm kịch mà vừa mới xảy ra vào tuần trước ở nơi đây, miền nam Utah—nội dung giải trí đồi bại, và hoạt động chính trị mà trong đó các nguyên tắc cơ bản như liêm khiết, tử tế, và trung thực dường như đã bị lãng quên.

Và, dĩ nhiên, có rất nhiều các vấn đề xã hội và văn hóa khác khiến chúng ta phải lo lắng. Nhưng chúng tôi không phải đến đây buổi tối nay để gây phiền muộn cho các em với các vấn đề trên thế giới. Thực ra, chúng tôi đến đây chính là vì lý do ngược lại! Chúng tôi nhận thấy có sự ưu phiền dễ hiểu đang vây quanh thế hệ của các em. Và chúng tôi xin lỗi vì thế hệ của chúng tôi vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề này mà các em hiện đang phải đối mặt. Nhưng chúng tôi kêu gọi các em và mỗi Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi khác hãy đi đầu trong lực lượng về mặt đạo đức để có thể giải quyết những vấn đề này, để có thể đẩy lùi làn sóng sợ hãi, bi quan và lo lắng đang bao quanh chúng ta. Việc các em cầu nguyện không những để Chúa ngự trị trong cuộc sống của các em,2 như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã yêu cầu, mà còn cầu nguyện rằng tấm gương và những giá trị trong cuộc sống của các em sẽ có thể ảnh hưởng đến những người khác mà chưa biết chắc về những giá trị đó thì thật quan trọng biết bao. Nếu như cá nhân chúng ta với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta đều yêu thương, hòa bình và tử tế hơn, nếu tất cả chúng ta đều cố gắng tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế một cách tốt nhất có thể thì chúng ta có tất cả lý do để cảm thấy tự tin về tình trạng của thế giới và của chính mình. Khi tiến bước tới tương lai theo cách này, được tràn đầy sự bình an và lời hứa thiêng liêng, thì chúng ta sẽ có thể hoàn toàn tạo ra một ảnh hưởng tuyệt vời trên thế giới. Abraham Lincoln có lần đã nói rằng ông cố gắng nhổ đi cỏ dại và trồng một cây hoa thay thế vào chỗ đó mỗi khi có cơ hội. Nếu chúng ta đều làm điều đó, thì chẳng bao lâu những sa mạc về mặt đạo đức và thuộc linh của chúng ta sẽ trở nên những khu vườn thực sự.3

Những người trong số các em ngoài kia, ở nước Đức trong buổi tối hôm nay—nơi mà rất nhiều lòng hiếu khách của những người Ky Tô hữu đang được thể hiện đối với những người tị nạn Ukraina mà chúng tôi vừa gặp—sẽ nhận ra câu nói của Johann Goethe rằng “nếu mỗi người đều quét dọn trước cửa nhà mình, thì chẳng bao lâu cả thế giới sẽ được sạch sẽ.”

Vì vậy, khi nhận ra các thử thách và mong muốn đưa ra cách thức để giải quyết những vấn đề đó, Chị Holland và tôi đến đây tối hôm nay như Sứ Đồ Phao Lô đã nói chúng ta hãy: “thường thường sẵn sàng … về sự trông cậy trong [chúng ta].”4 Chúng tôi sẽ nói về hy vọng, với tuyên bố rằng chúng ta không bao giờ được đánh mất nó hay các giá trị gắn liền với nó: là đức tin và lòng bác ái. Chúng tôi nhận ra có rất nhiều cách để định nghĩa các nguyên tắc có liên kết chặt chẽ với nhau này, và các em sẽ được nghe chúng tôi đưa ra một số định nghĩa vào tối nay. Các em cũng sẽ nghe chúng tôi tuyên bố cùng với Mô Rô Ni rằng điều cần thiết là phải có niềm hy vọng nếu chúng ta muốn “nhận được sự thừa hưởng tại nơi [Thượng Đế] đã chuẩn bị [cho chúng ta].”5 Chúng tôi muốn các em hãy tuyên bố về di sản đó với tư cách là các con trai và con gái của một vị vua. Để thực hiện điều đó, chúng ta phải nhận ra rằng hy vọng không phải chỉ là thông điệp và thái độ của những người có bản chất lạc quan; mà nó là đặc ân của tất cả những ai tin tưởng.6 Với tư cách là một kẻ tin hoàn toàn tràn đầy hy vọng (và đức tin cùng lòng bác ái), Chị Holland có sự cảm nhận mạnh mẽ về tầm quan trọng của toàn bộ giáo đoàn này trên khắp thế giới trong buổi tối hôm nay và vai trò của các em trong những ngày phía trước. Chị ấy biết rằng các em là nhóm người mà sẽ tiếp nối chúng tôi lãnh đạo và cảm thấy rằng việc các em tiến bước và đón nhận số mệnh của mình là điều thiết yếu. Xin mời Chị Holland.

Chị Patricia T. Holland: Tôi thực sự cảm thấy rất tin tưởng nơi các em. Các em là thế hệ các thành niên mạnh mẽ nhất mà thế giới từng biết đến. Tôi yêu thương các em vì điều đó. Anh Cả Holland và tôi rất biết ơn rằng các em tuân giữ các giao ước của mình và cố gắng làm điều đúng. Và vì có rất nhiều người trong số các em nên các em sẽ có quyền năng mà Anh Cả Holland đã nói đến. Tôi thấy được ánh sáng của các em trong căn phòng này. Ánh sáng ấy thật rạng rỡ. Nó khiến tôi nghĩ về lúc Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng dân Nê Phi. Ngài đã phán: “Các ngươi hãy đưa cao sự sáng của mình cho nó chiếu sáng trong thế gian. Này, ta là sự sáng mà các ngươi sẽ đưa cao.”7 Chúng tôi đã từng có thời trẻ tuổi như các em, nhưng bây giờ chúng tôi đã già. Khi nhìn lại cuộc đời mình và nếu tôi có thể sống lại bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời mình thì tôi hy vọng sẽ làm một điều khác đi—rất khác: Đó là đơn giản hóa! Đối với tôi, dường như mọi thứ đều tốt hơn khi được đơn giản hóa—thức ăn, quần áo, đồ đạc và lịch trình của chúng ta. Điều tôi hối tiếc nhất khi còn trẻ là tôi đã không nhìn ra nét giản dị tuyệt vời của phúc âm; mà tôi còn làm cho phúc âm trở nên quá phức tạp. Tôi cảm thấy phúc âm quá nặng nề, quá khó khăn và đôi khi còn quá bí ẩn. Đối với tôi, dường như ngay cả khi còn là một thành niên trẻ tuổi, tôi đã phải leo lên ngọn núi ngay chính, trải qua lò lửa hực để thanh tẩy và làm sáng tỏ mọi tranh cãi về giáo lý mà nhân loại đã biết đến để xem tôi có được chấp nhận trước mặt Thượng Đế hay không.

Dĩ nhiên, lối suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ là quá nhiều cho một cô bé từ miền nam Utah để cảm thấy có thể giải quyết được. Như có người đã từng nói: “Lý do người ta không theo Ky Tô giáo như bạn là vì bạn đội tôn giáo của mình lên như một vấn đề hắc búa, như một chiếc mão gai.” Chỉ có một người đã phải mang chiếc mão gai đó, và Ngài đã làm như thế để chúng ta có thể sống một cách vui vẻ, dư dật và bình an—chứ không phải tuyệt vọng. Phúc âm không bao giờ có nghĩa là một ngọn núi mà cô bé ấy không thể leo lên. Ngài muốn cô bé ấy—và mọi người khác trên thế gian—luôn tràn đầy hy vọng. Ngài muốn chúng ta biết rằng phúc âm là đơn giản một cách tuyệt vời và tuyệt vời một cách đơn giản.

Nhưng xin chớ hiểu lầm. Khi nói tới hy vọng, tôi không có ý nói rằng Đấng Ky Tô sẽ ban cho chúng ta cây đũa thần hay thanh kiếm ánh sáng hiện đại. Hy vọng của chúng ta phải nhiều hơn của nhân vật Pinocchio “khi mong ước trước một vì sao”8 nếu đó là loại hy vọng mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy. Các bạn trẻ thân mến của tôi, đó là một ân tứ, ân tứ của Ngài ban cho chúng ta và cho toàn thể gia đình nhân loại. Và chúng ta nên công nhận đó là một ánh sáng chiếu rọi trong thế giới tối tăm. Như một nhà văn đã nói: “Không có ai hoàn toàn khốn khổ [mà chỉ có] những người đang sống mà không có hy vọng.”9

Sự đơn giản tuyệt vời trong khi khám phá ra ân tứ này về niềm hy vọng là các em không cần phải tìm kiếm nó; các em không cần phải chạy lòng vòng đuổi theo nó; các em không và không thể sản xuất ra nó. Giống như rất nhiều thứ khác trong lĩnh vực ân điển, các em sẽ không đạt được nó bằng cách dựa vào sức mạnh của chính mình hoặc sức mạnh của một người khác. Không có công thức bí mật hoặc bất cứ câu thần chú kỳ ảo nào cả. Nó sẽ không đến từ các bài tập hít thở sâu (có giá trị như vậy) hoặc bằng cách đọc một cuốn sách khác về cách tìm thấy hạnh phúc.

Thật ra, vai trò của chúng ta là quan trọng nhưng thực sự rất nhỏ; Thượng Đế có phần vụ lớn hơn. Phần vụ của chúng ta là đến cùng Ngài với lòng khiêm tốn và sự đơn giản, rồi sau đó chúng ta đừng lo lắng và đừng sợ hãi.10 Tại sao lại đơn giản như vậy? Vì ở đằng sau mọi điều Đấng Ky Tô đã dạy—trong mỗi câu thánh thư, câu chuyện và chuyện ngụ ngôn—là lời hứa rằng với Thượng Đế, “mọi việc đều làm được,”11 lời hứa rằng quyền năng của Thượng Đế có thể lau sạch mọi giọt lệ.12 Chúng ta phải buông bỏ nỗi tuyệt vọng cá nhân và tìm kiếm sự yên nghỉ trong Chúa.13 Vì vậy chúng ta đến trước mặt Ngài với sự nhu mì và khiêm tốn trong lòng14 để tiếp nhận các phước lành đi kèm với tình yêu thương liên tục của Ngài. Niềm tin cậy của chúng ta phải giống như của một trẻ nhỏ, hay của một con chiên nhỏ mà chúng ta thực sự ở trong đàn chiên lớn của Ngài.

Lòng chúng ta sẽ luôn bồn chồn cho đến khi được yên nghỉ trong Thượng Đế.

Lời kêu gọi này để trở nên nhu mì và khiêm tốn trong lòng—một trong số ít những lời mô tả mà Chúa nói về chính Ngài—rằng Ngài nhu mì và khiêm tốn trong lòng—là lời kêu gọi dành cho tất cả chúng ta với tư cách là các môn đồ của Ngài. Ngài phán rằng nếu chúng ta có thể sống theo cách này, thì tâm hồn của chúng ta sẽ được yên nghỉ và chúng ta sẽ khám phá ra rằng ách của Ngài là dễ chịu, gánh của Ngài là nhẹ nhàng.15 Tôi nhiều lần thấy lời kêu gọi phải nhu mì và khiêm tốn này trong khi tôi đọc thánh thư. (Có lẽ vì tôi cần nó nhiều lần.)

Tôi chắc chắn rằng không có kết quả thuộc linh lớn lao nào từng được thực hiện bởi bất cứ ai mà không có hy vọng và lòng khiêm nhường. Lối suy nghĩ đó là niềm hy vọng của chúng tôi dành cho các em tối nay—để các em học được điều này trong khi vẫn còn trẻ. Chúng tôi muốn các em hết lòng biết rằng Thượng Đế là Cha của các em, rằng Ngài đã “bồng ẵm [các em] từ trong lòng mẹ,”16 rằng Ngài có các kế hoạch dành cho các em, các kế hoạch cho một “tương lai với niềm hy vọng.”17

Tôi xin chia sẻ với các em hai câu thánh thư tôi yêu thích trong Kinh Cựu Ước mà sử dụng một số lời lẽ đúng như thế. Ê Sai nói:

“Hỡi nhà Gia Cốp, và hết thảy … nhà Y Sơ Ra Ên, hãy nghe ta, ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ: …

“… Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải cứu các ngươi.”18

Và Giê Rê Mi viết:

“Đức Giê Hô Va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.

“Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, … và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời.”19

Tôi làm chứng cùng các em, các thành niên trẻ tuổi thân mến của tôi, rằng đây là một lẽ thật có được từ kinh nghiệm cá nhân rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ làm phần vụ của Ngài trong việc thực hiện những lời hứa này. Sẽ tùy thuộc vào chúng ta để hoàn toàn tin tưởng, tin tưởng một cách đơn giản, trở nên nhu mì như trẻ thơ và đặc biệt biết ơn khi chúng ta tiếp nhận các ân tứ của Ngài. Các em có muốn có được một năm thật sự tuyệt vời trong năm nay không? Các em có muốn có được một tương lai tràn đầy hy vọng không? Các em có tin rằng có những phước lành đang dành cho các em không? Các em có thấy được lòng nhân từ của Thượng Đế đủ để hy vọng và vươn tới không? Điều trớ trêu là điều này được thực hiện bằng cách quỳ xuống, cúi đầu, thậm chí có lẽ bằng cách sấp mình xuống dưới chân Thượng Đế nữa. Thật là một sự đơn giản tuyệt vời! Quỳ gối, cúi đầu, sấp mình trước “ngôi ơn phước.”20

Anh Cả Holland nêu ra rằng các em sẽ tìm thấy ân tứ quý báu này về niềm hy vọng được liên kết với hai ân tứ khác của Thượng Đế—đó là ân tứ về đức tin và lòng bác ái. Xin đừng làm như tôi đã làm khi tôi còn trẻ và làm cho các đức hạnh này trở nên to lớn và phức tạp đến mức chúng ta không thể nào hiểu được chúng. Hãy trân quý sự đơn giản của các đức hạnh này.

Tôi đề nghị với các em một trình tự nhỏ đơn giản này. Đức tin là sự tin chắc rằng có Thượng Đế, hy vọng là tin tưởng rằng Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta, và lòng bác ái là tình yêu thương và khả năng của Ngài tác động qua chúng ta để ban phước cho người khác.

Tôi đã biết được điều liên quan đến lòng bác ái rằng không ai trong chúng ta có nghị lực, thời gian, phương tiện hoặc sức mạnh để làm tất cả những gì lòng chúng ta muốn chúng ta làm. Chúng ta không thể làm tất cả; tấm lòng chúng ta thật sự vượt quá khả năng của mình. Thật là tuyệt vời biết bao khi quyền năng của Thượng Đế tác động qua chúng ta lại có thể mở rộng ảnh hưởng khiêm tốn của chúng ta, có thể nhân lên những nỗ lực hạn chế của chúng ta và làm cho những người khác điều mà chúng ta không bao giờ có thể một mình làm được.

Cách tiếp cận đơn giản này đối với ba vấn đề lớn về giáo lý ấy đã ban phước cho cuộc sống của tôi. Tôi ước muốn mình đã có thể nhìn thấy các vấn đề ấy theo cách ít đáng sợ này sớm hơn. Tôi tin chắc rằng Thượng Đế dự định rằng các lẽ thật phúc âm như vậy phải đủ minh bạch để ngay cả một đứa trẻ cũng hiểu được. Tôi xin được lặp lại điều đó. Đức tin là sự tin chắc rằng có Thượng Đế. Hy vọng là tin tưởng rằng Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. Và lòng bác ái là tình yêu thương của Ngài tác động qua chúng ta.

Trong khi đang nói về những ân tứ từ Thượng Đế, tôi xin thêm vào một ân tứ nữa để tiếp thêm hy vọng của chúng ta trong một năm mới. Việc soi sáng đức tin, hy vọng và lòng bác ái là điều tuyệt vời không thể diễn tả được—và đơn giản đến không thể tả xiết—sự ban cho Ánh Sáng của Đấng Ky Tô. Ánh sáng này, được liên kết chặt chẽ với niềm hy vọng, là một ân tứ được ban cho mọi người nam, nữ và trẻ em đã từng hoặc sẽ được sinh ra trên trần thế. Ánh sáng này được gắn liền vào bản chất của chúng ta. Đó là một phần linh hồn chúng ta.

Một trong những đoạn thánh thư yêu thích của tôi gồm có hàng chữ này: “Và Thánh Linh ban sự sáng cho mọi người bước vào thế gian; và Thánh Linh soi sáng cho mọi người ở khắp thế gian.21

Sự sáng đó là một trong những lý do cơ bản cho niềm hy vọng trong cuộc sống của chúng ta. Thật là đáng khích lệ, thật là thú vị và thật là tràn đầy hy vọng khi có điều gì đó ở bên trong chúng ta mà không những chỉ cho chúng ta biết cách thức đúng để vượt qua cuộc sống phức tạp mà còn cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ tìm ra con đường đúng đó nếu chúng ta “nhu mì và khiêm tốn trong lòng.”22 Như Chủ Tịch Nelson đã nói với toàn thể Giáo Hội mới tuần trước: “Thế gian cần ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô. Và thế gian [rất] cần ánh sáng [tuyệt vời] của anh chị em.”23

Các bạn trẻ tuyệt vời của tôi, lời cầu nguyện khẩn thiết nhất của tôi tối nay—niềm hy vọng của tôi—là tất cả các em, những người thành niên trẻ tuổi trên khắp thế giới sẽ tiếp nhận lời kêu gọi này như giáo vụ cá nhân của các em, rằng các em sẽ nắm lấy niềm hy vọng mà Đấng Cứu Rỗi đã nói tới và mang nó như một ngọn đuốc đến những người nào đang cảm thấy thế gian là nơi tối tăm và khó khăn. Có cách nào tôi có thể khuyến khích các em để thấy rằng việc mang ánh sáng này là giáo vụ ngày sau của các em không? Xin hãy hiểu rằng đây là điều quan trọng nhất mà tôi cảm thấy phải nói với các em buổi tối nay. Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là tôi sẽ không nói đủ về điều này để các em thực sự tin tôi. Các em phải mang ánh sáng này theo cách mà mọi bóng tối trên thế gian không thể dập tắt nó.

Cách tiếp cận đơn giản nhưng mạnh mẽ này đối với những vấn đề lớn lao và phức tạp khác sẽ thay đổi quỹ đạo của một thế gian đang sa ngã và tăm tối. Xin hãy có đức tin nơi Thượng Đế, hy vọng rằng Ngài sẽ giúp đỡ các em và tiếp nhận lòng bác ái mà để cho Ngài có thể tác động qua các em để chỉ hoàn thành điều mà các em có thể làm được.

Khi các em chấp nhận thử thách này và bắt đầu năm mới này, sau khi các em đã nhìn vào nội tâm, thì tôi khẩn nài với các em hãy hướng lên trên. Đôi mắt nhìn xuống các em sẽ là đôi mắt của Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng có thể và sẽ ban cho các em tất cả những điều các em hy vọng có được trong sự ngay chính. Các em không thể có được những phước lành này bằng cách đuổi theo chúng. Xin hãy ngừng chạy đến mức kiệt sức. Hãy im lặng; đứng yên. Hãy đơn giản hoá. Hãy nhu mì, khiêm tốn trong lòng và cầu nguyện. Tôi làm chứng với các em rằng các phép lạ sẽ đến khi chúng ta chậm lại, bình tĩnh và quỳ xuống. Tất cả những gì Đức Chúa Cha có thì một ngày nào đó có thể là của các em.24 Thật là một cách thực sự đầy hy vọng để đối mặt với tương lai của các em. Tôi yêu thương các em rất nhiều, tôi ngưỡng mộ các em, và sẽ luôn luôn cầu nguyện cho các em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Anh Cả Holland: Cảm ơn Chị Holland, vì không những đã giảng dạy phúc âm mà còn vì đã sống theo phúc âm cùng tràn đầy hy vọng về Đấng Ky Tô ở trong chị. Trong những ngày tháng khó khăn nhất của chúng tôi—và trong sáu thập niên kết hôn đã có sự chịu đựng—Chị Holland đã sống theo như lời chị đã dạy. Chị ấy luôn là một người tin. Chị ấy luôn tin cậy nơi ánh sáng vĩnh cửu bên trong tâm hồn mình. Chị ấy luôn sống với sự tin chắc rằng Thượng Đế sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và chỉ đường cho chúng ta đi ngay cả trời đêm dường như tối tăm mù mịt. Trong một thế giới đôi khi dường như đầy choáng ngợp đối với một cặp vợ chồng trẻ, thì các lẽ thật và những lời hứa của phúc âm thường là tất cả những gì chúng tôi phải bám chặt, nhưng thế là đủ vì tối nay ở đây, chúng tôi đã nhận được nhiều phước lành hơn bao giờ hết trong gần 60 năm hôn nhân của chúng tôi mà chúng tôi có thể mơ ước được. Vì vậy, như người phụ nữ xinh đẹp này đã nói và đã làm, xin hãy hy vọng, luôn cầu nguyện và tin tưởng.

Tôi xin được thêm vào lời khuyên của Chị Holland về câu thánh thư khuyến khích để đối mặt với tương lai một cách càng vui vẻ càng tốt. Một người nào đó đã từng viết rằng trong tất cả lời khuyến khích mà Đấng Ky Tô đưa ra cho chúng ta trong thánh thư, trong tất cả niềm hy vọng mà Ngài đã nhiều lần ban cho chúng ta, thì điều mà chúng ta nhiều lần không chấp nhận là lời khuyến khích “hãy vui lên.”25 Chúng ta hãy tin nhận Đấng Ky Tô theo lời của Ngài có được không? Chúng ta có thể thử điều đó xem không? Cầu xin cho chúng ta đón nhận lời mời vui vẻ, tràn đầy hy vọng đó buổi tối hôm nay khi chúng ta nắm bắt một cơ hội khác để bắt đầu một năm mới và làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành đúng như chúng ta mong muốn.

Như với tất cả các lời mời gọi chúng ta, Đấng Ky Tô đã sống theo như Ngài đã dạy. Bất chấp những gánh nặng mà Ngài đã mang, Ngài vẫn lạc quan, tích cực và Ngài đã giúp những người khác cũng được như vậy, tôi xin thêm vào, kể cả các vị tiên tri của Thượng Đế. Từ đáy sâu của Ngục Thất Liberty—và vực sâu của nỗi tuyệt vọng mà ông đã trải qua ở đó—lời khuyên bảo cuối cùng của Tiên Tri Joseph Smith dành cho Các Thánh Hữu đang cầu nguyện cho ông được trả tự do là “hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta; và rồi chúng ta có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra.”26 Và không có ai tích cực, lạc quan và tràn đầy hy vọng hơn Russell Marion Nelson, vị tiên tri tại thế của chúng ta là người đã lặp lại lời khuyên bảo của Joseph khi gần đây ông nói với chúng ta: “Không có một phước lành thiêng liêng nào sẽ bị giữ lại [khỏi] người ngay chính. … Chúa … muốn chúng ta hướng tới tương lai ‘với niềm mong đợi vui mừng’ [Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 513].”27 Các vị tiên tri vui mừng bởi vì họ là những môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô, và đó chính là nguồn gốc chính của tất cả sự lạc quan. Các vị tiên tri rất vui vẻ vì họ biết kế hoạch đó; họ biết ai là người chiến thắng cuối cùng.

Như Chị Holland đã nói rất hay, khả năng nhìn thế giới một cách lạc quan là một ân tứ khác từ Thượng Đế. Thánh thư thường nói cho chúng ta biết rằng: “Loài người”—và tôi có thể gồm vào phụ nữ và trẻ em—“có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui”28. Đó là lý do tại sao nó là một “kế hoạch hạnh phúc.”29 Nhờ vào kế hoạch đó và Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô chính là trọng tâm của kế hoạch đó, nên chúng ta có thể tràn đầy hy vọng cho dù một số ngày có thể đen tối đến đâu đi nữa.

Tấm gương vĩ đại của Đấng Cứu Rỗi trong vấn đề này đáng có được sự tôn kính của chúng ta khi chúng ta đối mặt với một năm mới, một năm mà có thể mang đến một số thử thách cho chúng ta. Hãy suy nghĩ về điều đó. Làm thế nào Chúa Giê Su có thể nói về sự vui vẻ ở giữa mọi nỗi thống khổ mà Ngài đã gặp phải trong khi đang sắp bị đóng đinh? Ngay cả trong bầu không khí đầy quyết định mà chắc hẳn đã bao trùm trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Đấng Ky Tô cũng vẫn nhắc nhở các môn đồ của Ngài về lý do và bổn phận của họ phải “vững lòng.”30 Tôi đã tự hỏi, với nỗi đau khổ đang ở trước mặt Ngài, thì làm thế nào Ngài có thể nói một cách lạc quan như vậy và kỳ vọng các anh em của Ngài sẽ nhìn tất cả những điều này một cách tích cực vui vẻ. Chắc chắn là sự biểu lộ này về đức tin của Ngài, hy vọng và lòng bác ái của Ngài có được nhờ vào Ngài biết hồi kết của câu chuyện. Ngài biết sự ngay chính sẽ thắng thế lúc cuối đời. Ngài biết rằng ánh sáng luôn luôn chế ngự bóng tối mãi mãi và vĩnh viễn. Ngài biết rằng Cha Thiên Thượng của Ngài không bao giờ ban lệnh truyền mà không ban cho cách thức để hoàn thành lệnh truyền đó.31 Một chiến thắng làm cho mọi người vui mừng và Đấng Ky Tô sẽ chiến thắng trong trận đại chiến với cái chết và ngục giới. Vậy thì, đây là lớp thần học nặng nề tối nay, nhưng đó là điều mà đã làm cho họ vui vẻ. Đấng Ky Tô chiến thắng chính là nguồn hy vọng của chúng ta trong năm mới này và mỗi năm—vĩnh viễn.

Vì những điều xao lãng trong cuộc sống và những cám dỗ của Lu Xi Phe, nên có thể rất khó để luôn hy vọng và vui vẻ nơi ngày mai hay tháng tới hoặc năm sau. Tuy nhiên, đó chính là quan điểm của Chị Holland khi yêu cầu đơn giản hóa và kiên trì tập trung vào những điều cơ bản của cuộc sống Thánh Hữu Ngày Sau. Đôi khi chúng ta tự ý luôn tập trung vào những điều xao lãng và cám dỗ và đôi khi cuộc sống làm điều đó thay cho chúng ta, nhưng trong cả hai trường hợp, nếu xây đắp chứng ngôn của mình dựa trên những điều cơ bản của phúc âm, thì chúng ta có thể nhận được nhiều điều từ những trải nghiệm đầy thử thách của mình như một người bạn đáng kính của tôi hiện đang nhận được. Anh ấy, vợ và con gái của anh ấy—và tôi tin rằng họ đang lắng nghe tôi nói chuyện tối nay—hiện giờ đều đang trải qua nhiều thử thách khác nhau về sức khỏe—tôi xin nói thêm, đó là các thử thách rất nghiêm trọng. Họ có đủ lý do để trở nên bực mình và tự hỏi niềm hy vọng, đức tin hay lòng bác ái của họ đã mang lại điều gì tốt đẹp cho họ. Nhưng vì quyết tâm làm môn đồ trong cả những lúc vui hay buồn nên họ đang thắng thế.

Trong một email mới gần đây (mà tôi đã xin phép anh ấy chia sẻ với các em), anh ấy viết:

“Trong vài tháng qua, thế giới của tôi đã trở nên rất nhỏ: [kích thước của chiếc giường] ở bệnh viện và phòng bệnh. [Sự hồi phục của vợ tôi sau ca ghép thận] đã được chứng minh là khó khăn, và vợ tôi đã trải qua tháng trước … ra vào bệnh viện. Như thế, tôi đã ‘cất bỏ’ rất nhiều điều của thế giới [xung quanh tôi].” Hãy nghĩ về từ sự đơn giản.

Anh ấy viết tiếp: “Tôi chưa bao giờ thích ý tưởng rằng Chúa ban cho chúng ta những thử thách, nhưng tôi tin rằng Ngài có thể sử dụng chúng cho các mục đích của Ngài. Một ý nghĩ mà trở nên hệ trọng đối với tôi trong vài tuần qua là … trọng tâm của phúc âm là chân chính và có thật biết bao [trái ngược với rất nhiều điều mà có thể trở nên thừa thãi]. Kinh nghiệm yêu thương người khác; kinh nghiệm được người khác yêu thương và phục vụ; sự hiện diện lặng lẽ của tiếng nói của Thượng Đế khi ta ngồi mệt mỏi [bên cạnh giường bệnh] của một đứa con đang đau ốm hoặc [trong một căn phòng bệnh viện] của người vợ [đang bệnh nặng] vào đêm khuya và [nghe lời phán thiêng liêng]: ‘Bình an cho tâm hồn con, hỡi con trai của ta.’

“Tôi đã đọc Sách Mặc Môn và Sách Phúc Âm và [đã] cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Ngoài sự hỗ trợ của Giáo Hội [và nền tảng thần học trừu tượng], thì [những điều] mà có thể giúp chúng ta hướng dần tới ánh sáng … chính là thực tế của đức tin, … chứng ngôn, [hy vọng và tình yêu thương].”

Anh ấy kết luận: “Tôi đã không thể tham dự các buổi lễ Tiệc Thánh trong nhiều tuần, nhưng tôi đã thấy rất nhiều người tốt đã trung thành với … các giao ước của họ khi phục vụ gia đình tôi. … Tôi được ban phước rất nhiều, và tôi yêu mến Chúa, [tôi yêu thương] phúc âm, [tôi yêu thương] Sự Phục Hồi và Giáo Hội.”32

Chứng ngôn hùng hồn đó về niềm hy vọng và sự kiên trì, được bày tỏ trong một thời điểm khó khăn nhất làm tôi cảm động. Và chúng ta cần biết rằng đến một lúc nào đó, hy vọng của chúng ta và lòng tin chắc của chúng ta cũng chắc chắn sẽ được thử thách và tôi luyện trong lò luyện gian khổ cá nhân. Các bạn trẻ tuyệt vời của tôi ơi, đức tin chưa được thử thách không phải là đức tin đâu. Chúng ta nói rằng chúng ta được xây trên đá của Đấng Ky Tô. Vâng, chúng ta hãy nên làm như thế, vì cuộc đời đầy mưa gió, bão tố, và nền cát sẽ không thể nào đứng vững khi gió thổi, mưa sa và lũ lụt kéo đến.33

Một lời bình luận cuối cùng khi chúng ta sắp kết thúc chương trình phát sóng toàn cầu này trong một năm mới tuyệt vời, kể cả một năm học viện giáo lý mới. Một số các em ngoài kia có thể lo lắng về những điều nghiêm trọng hơn là chọn học khóa học nào ở trường hoặc các em nên theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn nào. Một số các em có thể đang vật lộn với gánh nặng tội lỗi—và không có gì gây tổn hại và làm tiêu tan hy vọng của chúng ta cùng đem lại sự xa cách với Thượng Đế lớn hơn sự phạm giới đó mang lại. Chị Holland và tôi đã cố tình không chọn bài này làm bài nói chuyện về tội lỗi hoặc sự phạm giới, nhưng chúng tôi sẽ trở nên vô trách nhiệm nếu không đề cập đến điều mà Chúa đã phán là nghĩa vụ của chúng tôi để giảng dạy.

Sẽ luôn luôn có một nhu cầu phổ biến đối với nguyên tắc tràn đầy hy vọng sự thực hành hối cải. Khi đã phạm giới, chúng ta biết chính xác tại sao ngọn lửa hy vọng của chúng ta đã vụt tắt và tại sao đôi khi dường như không thể thắp lại được. Trong tình trạng như vậy, chúng ta phải thay đổi, hoặc niềm hy vọng của chúng ta về một tương lai vui vẻ sẽ tiêu tan. Niềm hy vọng đó bị vụt tắt vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta cần phải hối cải. Tất cả chúng ta! Mỗi ngày, Chủ Tịch Nelson đã nói như thế.34

Vì vậy, buổi tối nay, tôi yêu cầu các em phải giải quyết ngay mọi gánh nặng phạm giới, bắt đầu từ giờ phút này, tội lỗi là kẻ thù lớn nhất của niềm hy vọng và hạnh phúc mà tôi biết trên khắp thế gian. Hãy thú tội trước mặt Chúa, và đến trước mặt vị giám trợ nếu tội lỗi của các em đòi hỏi phải làm thế. Nhưng hãy thay đổi bất cứ điều gì là sai, dù lớn hay nhỏ. Sự hối cải là cách chúng ta bắt đầu lại; đó là cách chúng ta có được một tương lai huy hoàng. Cuộc sống đã đủ khó khăn nếu không vác trên lưng một đống lỗi lầm——suốt ngày, mỗi ngày, suốt đêm, mỗi đêm. Hãy gỡ bỏ chúng. Hãy đổi nỗi lo âu lấy sự bình an. Hãy đổi nỗi buồn lấy hạnh phúc. Đấng Ky Tô đã phó chính mạng sống của Ngài để các em có thể được tự do làm điều đó.

Sau đó, các em có thể làm như Nê Phi yêu cầu tất cả chúng ta phải làm. Chính trong lời từ biệt của mình không lâu trước khi qua đời, người con trai này, người đã chứng kiến quá nhiều xung đột và tranh chấp, nói điều mà Chị Holland và tôi đã muốn và cố gắng nói tối nay:

Phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.”35

“Niềm hy vọng hết sức xán lạn,” cùng với tình thương yêu của Thượng Đế và tất cả loài người—đó chính là điều chúng tôi mong muốn cho các em trong năm mới này. Cùng với niềm hy vọng xán lạn đó sẽ là lời thì thầm không thể phủ nhận được rằng Thượng Đế yêu thương các em, rằng Đấng Ky Tô là Đấng Biện Hộ cho các em, rằng phúc âm là chân chính. Mức độ xán lạn của nó sẽ nhắc nhở các em rằng trong phúc âm mỗi ngày, mỗi giờ—sẽ luôn luôn có một cơ hội mới, một cuộc sống mới, một năm mới. Quả là một phép lạ! Quả là một ân tứ! Và nhờ vào sự ban cho của Đấng Ky Tô mà những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống sẽ thuộc về chúng ta nếu chúng ta kiên trì tiếp tục tin tưởng, tiếp tục cố gắng và tiếp tục hy vọng.

Các em còn nhớ những tình trạng trên toàn cầu mà tôi đã đề cập tới khi chúng ta bắt đầu không? Vậy thì, hãy đương đầu với chúng và đối phó với những thử thách cá nhân của các em khi biết rằng với đức tin thì cuối cùng mọi việc sẽ được ổn thỏa. Hãy từ chối chấp nhận thế gian theo như vẻ bề ngoài của nó. Hãy tỏa sáng niềm hy vọng xán lạn của các em ở trên nó, và làm chophải trở thành theo đúng hiện trạng của nó. Hãy là ánh sáng mà Chị Holland đã kêu gọi các em nên trở thành, một ánh sáng không bao giờ bị dập tắt, ánh sáng của Đấng Cứu Thế.

Tôi để lại phước lành của một sứ đồ cho mỗi người các em buổi tối hôm nay trong năm mới này về những điều mà tôi biết chắc chắn và những điều mà các em sẽ luôn luôn cần. Tôi làm như vậy vì tình yêu thương của tôi dành cho các em, tình yêu thương của Chúa dành cho các em, tình yêu thương của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai dành cho các em. Tình yêu thương của mọi người! Và sự hiện diện của các em ở đây tối nay. Tôi ban phước cho các em để sức mạnh đơn giản nhưng tuyệt vời vốn có trong các nguyên tắc cứu rỗi chẳng hạn như đức tin, hy vọng và lòng bác ái, sẽ luôn được hiển nhiên và hiệu quả trong cuộc sống của các em. Tôi ban phước cho các em để biết, như tôi chắc chắn biết, rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là quý giá đối với cá nhân, luôn luôn tràn đầy hy vọng và chân chính vĩnh viễn. Tôi làm chứng với thẩm quyền của một sứ đồ rằng điều đó là chân thật và là sự đáp ứng chắc chắn duy nhất cho nhiều thử thách của cuộc sống, cuộc sống của các em và của tôi và là cách duy nhất để được tôn cao trong sự vĩ đại vĩnh cửu.

Tôi ban phước cho bất cứ ai trong số các em có thể đang nói trong những ngày này về một “cuộc khủng hoảng đức tin.” Đức tin thật sự, đức tin thay đổi cuộc sống, đức tin của Áp Ra Ham, luôn luôn bị khủng hoảng. Đó là cách mà các em tìm hiểu xem đó có phải là đức tin hay không. Tôi hứa với các em rằng nhiều đức tin hơn sẽ có nghĩa là ít khủng hoảng hơn, cho đến khi cuối cùng Thượng Đế phán: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm.”36

Tôi ban phước cho từng em để biết rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chính là: Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Và chỉ qua các giao ước và những cơ hội mà các giao ước đó đem lại mà một người có thể hoàn toàn có được “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”37 Tôi ban phước cho mỗi người trong các em, từng người một và từng cái tên, với mọi ân tứ mà các em cần cho cuộc tìm kiếm này, và tôi ban phước cho các em, khẩn nài với các em, nên kiên trì chịu đựng khi Cha Thiên Thượng, trong sự thông sáng của Ngài, tìm ra cách tốt nhất để thường xuyên ban cho các em điều mà các em cầu xin nhưng vẫn tiếp tục ban cho các em những gì các em cần. Về tình yêu thương thiêng liêng của Thượng Đế, về sự biện hộ vĩnh cửu của Đấng Cứu Rỗi thay cho chúng ta, về sự an ủi thường xuyên của Đức Thánh Linh, về quyền năng của thánh chức tư tế, và về truyền thống tiên tri hiện đang được hiện thân hóa nơi Chủ Tịch Russell M. Nelson, về tính chất thiêng liêng của Sách Mặc Môn, và về “niềm hy vọng hết sức xán lạn” mà phúc âm này mang lại, tôi xin đưa ra lời chứng trang nghiêm, thiêng liêng và cá nhân về cuộc sống của mình. Tôi làm như vậy trong danh của Ngài là nguồn gốc của mọi hy vọng của tôi, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.