Viện Giáo Lý
Bài học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giáo Lý của Sự Mặc Khải


“Bài học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giáo Lý của Sự Mặc Khải”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Giáo Lý của Sự Mặc Khải

Hình Ảnh
thiếu nữ đang cầu nguyện

Hãy suy ngẫm về lời mời mang tính tiên tri sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh. … Tôi khẩn nài anh chị em hãy gia tăng khả năng thuộc linh của mình để nhận được sự mặc khải” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96).

Khi các em học tài liệu này, hãy tìm kiếm các lẽ thật mà có thể giúp các em gia tăng khả năng thuộc linh của mình để nhận được và nhận ra mặc khải.

Phần 1

Làm thế nào tôi có thể biết được khi nào Thượng Đế đang phán bảo tôi?

Hình Ảnh
ảnh của Oliver Cowdery

Vào mùa đông năm 1828-29, một giáo viên 22 tuổi tên là Oliver Cowdery đã biết về Tiên Tri Joseph Smith và những bảng khắc bằng vàng khi ở trọ nhà cha mẹ của Joseph ở Palmyra, New York. Sau khi cầu nguyện riêng để biết những điều ông nghe thấy có thật không, Oliver cảm thấy một sự tin chắc bình an đầy thuyết phục. Ông đã đi đến Harmony, Pennsylvania và gặp Vị Tiên Tri ở đó. Tin chắc rằng sứ điệp mà Joseph chia sẻ về phúc âm phục hồi là thật, Oliver đã phục vụ với tư cách là người ghi chép của Joseph trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn. Không lâu sau khi Oliver bắt đầu giúp phiên dịch, Vị Tiên Tri đã nhận được những điều mặc khải cung cấp lời chỉ dẫn cho Oliver và đề cập đến mong muốn giúp phiên dịch của ông. Những lời Chúa phán cho Oliver được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 6:14–15, 22–23 giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những cách mà Ngài có thể phán cùng chúng ta.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 6:14–15, 22–23.

Khi Joseph nhận được điều mặc khải này thì “Oliver đã rất ngạc nhiên. Ông ta ngay lập tức nói với Joseph về lời cầu nguyện [trước đó] và nhân chứng thiêng liêng mà ông đã nhận được. Không ai có thể biết về điều đó ngoại trừ Thượng Đế” (Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau, Tập 1, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 [2018], trang 62).

Khi Oliver mong muốn phiên dịch một phần của bảng khắc, Chúa đã dạy thêm cho ông về việc nhận được điều mặc khải.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 8:2-4. Cân nhắc việc đánh dấu những câu này trong thánh thư của các em.

Nói về cách Chúa truyền đạt đến cả tâm trí lẫn tấm lòng của chúng ta qua quyền năng của Đức Thánh Linh, Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích một cách mà điều này có thể xảy ra:

Một sự giao tiếp với tấm lòng là một ấn tượng thông thường hơn. Chúa thường bắt đầu bằng cách ban cho ấn tượng. Khi có một sự công nhận về tầm quan trọng của các ấn tượng đó và có sự tuân theo các ấn tượng, thì một người sẽ có được nhiều khả năng hơn để nhận được lời chỉ dẫn chi tiết hơn cho tâm trí. (Richard G. Scott, “Helping Others to Be Spiritually Led” [bài nói chuyện cùng các nhà giáo dục tôn giáo của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội, ngày 11 tháng Tám năm 1998, trang 4], ChurchofJesusChrist.org)

Anh Cả Craig C. Christensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:

Chúng ta đều có những kinh nghiệm với Đức Thánh Linh, mặc dù chúng ta có thể không luôn luôn nhận ra những kinh nghiệm này. Khi các ý nghĩ đầy soi dẫn đến với tâm trí mình, chúng ta biết rằng những ý nghĩ này là đúng qua những cảm nghĩ thuộc linh đến với tâm hồn chúng ta. (Craig C. Christensen, “Một Ân Tứ Đức Thánh Linh Không Xiết Kể từ Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 14)

Đôi khi, các em có thể tự hỏi liệu một suy nghĩ hoặc cảm giác có thực sự đến từ Thượng Đế hay không. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ thảo luận về cách thức chúng ta có thể biết được sự khác biệt giữa Đức Thánh Linh và suy nghĩ của bản thân chúng ta trong video “Patterns of Light, Part 2: Discerning Light” (2:12).

Phần 2

Tôi có thể làm gì để mời gọi tinh thần mặc khải vào cuộc sống của tôi?

Hình Ảnh
em thiếu niên đang đọc thánh thư

Đôi khi, các em có thể cảm thấy thất vọng khi dường như điều mặc khải mà các em tìm kiếm lại không đến. Khi điều này xảy ra, các em có thể cân nhắc hướng dẫn của Chúa cho Oliver Cowdery khi ông cảm thấy thất vọng vì không thể nhận được sự mặc khải cần thiết để phiên dịch các bảng khắc (xin xem Các Thánh Hữu, 1:trang 62–64).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc về cách Chúa đã dạy Oliver như được ghi trong Giáo Lý và Giao Ước 9:7–8.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn giải thích một nguyên tắc mà chúng ta có thể học được từ lời giảng dạy của Chúa cho Oliver Cowdery:

Chúng ta sẽ nhận được những thúc giục của Thánh Linh khi đã làm hết sức của mình, khi chúng ta ra ngoài nắng làm việc thay vì ngồi trong bóng râm cầu nguyện để được hướng dẫn cách thực hiện bước đầu tiên. …

Vì vậy, chúng ta làm tất cả những gì có thể. Rồi chúng ta chờ đợi Chúa để Ngài mặc khải. Ngài có thời gian biểu của riêng Ngài.

… Được Thánh Linh dạy không phải là một điều thụ động. Thông thường, Chúa sẽ không truyền đạt cho đến khi chúng ta nghiên cứu kỹ các vấn đề trong tâm trí của chính mình. Sau đó, chúng ta nhận được sự xác nhận. (Dallin H. Oaks, “In His Own Time, in His Own Way,” Ensign, tháng Tám năm 2013, trang 24, 26)

Ngay cả khi các em đã chuẩn bị bản thân để nhận được sự mặc khải qua những hành động xứng đáng và trung tín của mình, thì câu trả lời của Chúa có thể không đến ngay lập tức.

Anh Cả Scott đã khuyên bảo:

Các anh chị em làm gì khi các anh chị em đã chuẩn bị kỹ, cầu nguyện khẩn thiết, chờ đợi một thời gian hợp lý cho sự đáp ứng mà vẫn không cảm nhận được một lời đáp ứng nào? Các anh chị em có thể bày tỏ sự cảm tạ khi điều đó xảy ra, vì đó là một bằng chứng về sự tin cậy nơi Ngài. Khi các anh chị em sống một cách xứng đáng và sự lựa chọn của các anh chị em phù hợp với những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và các anh chị em cần phải hành động, thì hãy tiến hành với sự tin cậy. … Khi các anh chị em sống ngay chính và hành động với sự tin tưởng, thì Thượng Đế sẽ không để cho các anh chị em tiến hành quá xa mà không ban cho một ấn tượng cảnh giác nếu các anh chị em đã chọn quyết định sai. (Richard G. Scott, “Sử Dụng Ân Tứ Cầu Nguyện Thiêng Liêng”, Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 10)

Hình Ảnh
biểu tượng, khung lời thoại

Suy Ngẫm và Thảo Luận để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tại sao các em nghĩ rằng Chúa kỳ vọng các em phải nghiên cứu kỹ các vấn đề trong tâm trí của các em như là một phần của việc tìm kiếm sự mặc khải?

Nếu có thể, hãy mời một người bạn hoặc một người trong gia đình chia sẻ với các em những gì anh ấy hoặc cô ấy đã làm để mời gọi sự mặc khải. Các em có thể hỏi người đó sự mặc khải đã đến với anh ấy hoặc cô ấy như thế nào trong quá khứ khi đưa ra những quyết định quan trọng. Chuẩn bị chia sẻ một số điều các em đã học với cả lớp.

Phần 3

Sự mặc khải thường đến như thế nào?

Xem video “Patterns of Light: Spirit of Revelation” (3:04), hoặc học về lời phát biểu dưới đây của Anh Cả Bednar:

Một số điều mặc khải được tiếp nhận mãnh liệt ngay lập tức; một số khác được nhận ra dần dần và rất tinh tế. …

Một ngọn đèn được vặn lên trong căn phòng tối cũng giống như việc tiếp nhận một sứ điệp từ Thượng Đế một cách nhanh chóng, trọn vẹn và ngay lập tức. Nhiều người chúng ta đã trải nghiệm mẫu mực mặc khải này khi nhận được đáp ứng cho những lời cầu nguyện chân thành hoặc được hướng dẫn hoặc bảo vệ cần thiết, tùy theo ý muốn và kỳ định của Thượng Đế. … Tuy nhiên, mẫu mực mặc khải này thường ít phổ biến hơn.

Việc ánh sáng dần dần tỏa ra từ mặt trời mọc cũng giống như việc tiếp nhận một sứ điệp từ Thượng Đế “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một” (2 Nê Phi 28:30). Thường xuyên nhất, sự mặc khải đến theo mức độ nhỏ rồi tăng dần theo thời gian và được ban cho tùy theo ước muốn, mức độ xứng đáng và sự chuẩn bị của chúng ta. … Mẫu mực mặc khải này được cho thấy phổ biến hơn. …

Một kinh nghiệm thông thường khác về ánh sáng giúp chúng ta học thêm lẽ thật về mẫu mực mặc khải “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một”. Đôi khi mặt trời mọc vào một buổi sáng u ám đầy mây hay sương mù. Vì trạng thái u ám đó, nên việc nhận ra ánh sáng càng khó thêm, và không thể nào nhận biết chính xác lúc nào là lúc mặt trời mọc ở nơi chân trời. Tuy nhiên vào một buổi sáng như vậy, chúng ta có đủ ánh sáng để nhận biết một ngày mới và đi làm công việc của mình.

Trong một cách tương tự, chúng ta nhiều lần nhận được điều mặc khải mà không nhận biết một cách chính xác cách nào hoặc khi nào chúng ta đang nhận được mặc khải. (David A. Bednar, “Tinh Thần Mặc Khải”, Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 88-89)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Suy Ngẫm và Ghi lại Những Suy Nghĩ của Các Em để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy suy nghĩ về những lúc các em nhận được sự hướng dẫn và mặc khải. Cân nhắc những gì các em đã học được từ kinh nghiệm của chính mình để nhận được mặc khải cũng như từ việc học tập riêng cá nhân của các em ngày hôm nay. Sau đó, dành một vài phút để viết trong sổ ghi chép hoặc chỗ trống về những nguyên tắc này có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi hiện tại của các em.