Viện Giáo Lý
Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Khải Tượng Thứ Nhất


“Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Khải Tượng Thứ Nhất,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Khải Tượng Thứ Nhất

Hình Ảnh
Khải Tượng Thứ Nhất

Chủ Tịch Joseph F. Smith đã mô tả Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith là “sự kiện lớn lao nhất … kể từ sự phục sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph F. Smith [năm 1998], trang 14). Khi các em học về Khải Tượng Thứ Nhất, hãy nghĩ về tầm quan trọng của sự kiện thiêng liêng này và ảnh hưởng của sự kiện đó đối với cuộc sống của các em và đối với thế gian này.

Phần 1

Chúng ta có thể học được các lẽ thật nào từ Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith?

Nói về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, Anh Cả Richard J. Maynes thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:

Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời và đầy soi dẫn để ngẫm nghĩ về những gì chúng ta học được từ kinh nghiệm thiêng liêng, đáng kính sợ … về thiên tính vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; sự hiện hữu của Sa Tan; cuộc đấu tranh giữa thiện và ác và các khía cạnh quan trọng khác của kế hoạch cứu rỗi vĩ đại. …

Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith là chìa khóa để mở ra nhiều lẽ thật đã bị che giấu trong nhiều thế kỷ. Chúng ta đừng quên hoặc coi nhẹ nhiều lẽ thật quý báu mà chúng ta đã học được từ Khải Tượng Thứ Nhất. (Richard J. Maynes, “The First Vision: Key to Truth,” Ensign, tháng Sáu năm 2017, trang 64, 65)

Joseph Smith lớn lên trong một thời kỳ vô cùng hoang mang về tôn giáo. Các giáo hội Ky Tô Hữu khác nhau trong vùng của ông đã cạnh tranh để cải đạo và tranh chấp mạnh mẽ với nhau về giáo lý và thực hành tôn giáo. Khi các em học lời tường thuật sau đây về Khải Tượng Thứ Nhất được ghi lại vào năm 1838 và hiện được bao gồm trong các tác phẩm tiêu chuẩn là Joseph Smith—Lịch Sử, hãy lưu ý những hiểu biết sâu sắc mà các em đạt được và đánh dấu các lẽ thật phúc âm có ý nghĩa riêng cá nhân đối với các em.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:8, 11–19.

Hình Ảnh
Những Mong Ước của Lòng Tôi (Khải Tượng Thứ Nhất), tranh do Walter Rane họa
Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Các Em

Ghi lại những lẽ thật mà các em có thể nhận ra được từ lời tường thuật của Joseph Smith năm 1838 về Khải Tượng Thứ Nhất của ông vào trong nhật ký ghi chép hoặc trong chỗ trống dưới đây. Cũng viết xuống lý do tại sao các em nghĩ rằng điều quan trọng là để hiểu những lẽ thật này. Sẵn sàng chia sẻ những điều các em viết ra khi tới lớp.

Phần 2

Làm thế nào mà nhiều lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith lại cung cấp hiểu biết sâu sắc nhiều hơn về sự kiện thiêng liêng này?

Hình Ảnh
văn bản từ Joseph Smith Papers

Chữ viết tay của Joseph Smith từ lời tường thuật năm 1832 của ông về Khải Tượng Thứ Nhất.

Lời tường thuật năm 1838 về Khải Tượng Thứ Nhất được ghi lại trong Joseph Smith—Lịch Sử đã được Joseph đọc cho chép lại trong suốt thời gian chống đối để “cho tất cả những ai muốn tìm hiểu lẽ thật có thể nắm được những sự kiện” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:1). Đây là lời tường thuật ưu việt của Khải Tượng Thứ Nhất và được ghi lại như là một phần lịch sử Giáo Hội chính thức của Joseph Smith. Nó được chính thức chấp nhận cùng với phần còn lại của sách Trân Châu Vô Giá vào năm 1880 và trở thành một phần của các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội vào thời gian đó.

Ngoài lời tường thuật năm 1838, Tiên Tri Joseph Smith đã ghi lại hoặc đọc cho chép lại ba lời tường thuật khác về kinh nghiệm của ông. Thêm vào đó, có năm lời tường thuật gián tiếp về Khải Tượng Thứ Nhất đã được những người cùng thời với Joseph Smith ghi lại.

Những lời tường thuật khác nhau về Khải Tượng Thứ Nhất kể về một câu chuyện nhất quán, mặc dù chúng khác nhau một cách tự nhiên trong việc nhấn mạnh và chi tiết. Các nhà sử học kỳ vọng rằng khi một cá nhân kể lại một kinh nghiệm trong những bối cảnh khác nhau cho các độc giả khác nhau trong nhiều năm, thì mỗi câu chuyện sẽ tập trung vào các khía cạnh khác nhau của kinh nghiệm đó và chứa đựng những chi tiết độc đáo. Thật vậy, những sự khác nhau tương tự với trong những bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất cũng có trong nhiều câu chuyện trong thánh thư về khải tượng của Phao Lô trên con đường đi đến thành Đa Mách và kinh nghiệm của các Sứ Đồ trên Núi Biến Hình. Tuy nhiên, bất chấp những điều khác biệt, một sự nhất quán cơ bản vẫn có trong tất cả các bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất. Một số người đã sai lầm khi tranh luận rằng bất kỳ sự thay đổi nào trong việc kể lại câu chuyện là bằng chứng của sự bịa đặt. Ngược lại, hồ sơ lịch sử phong phú cho phép chúng ta biết rõ sự kiện quan trọng này hơn so với trường hợp nếu có ít chứng cứ hơn về câu chuyện này. (“First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org)

Khi các em đọc các đoạn trích sau đây từ các bài tường thuật trực tiếp bổ sung về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, hãy cân nhắc đánh dấu các chi tiết và lẽ thật nổi bật với các em. Các em cũng có thể muốn ghi lại bất kỳ câu hỏi nào của mình và mang đến lớp.

Xin lưu ý Biên sử trọn vẹn của mỗi bài tường thuật có trong “Joseph Smith’s Accounts of the First Vision” tại trang josephsmithpapers.org.

Bài Tường Thuật năm 1832

Bài tường thuật này được viết ở đầu cuốn sách thư của Joseph Smith và là bài tường thuật duy nhất có một phần chữ viết tay của ông. Một số nằm trong bản viết tay của người ghi chép cho Joseph.

Vào khoảng mười hai tuổi, tâm trí tôi [trở nên] cực kỳ ấn tượng về những mối quan tâm hết sức quan trọng đối với sự an lạc của linh hồn bất diệt của tôi. …

… Tâm trí tôi trở nên buồn bã vô cùng, vì tôi đã thấy rõ tội lỗi của mình. … Tôi cảm thấy phiền muộn vì tội lỗi của mình và tội lỗi của thế gian. …

Do đó, tôi kêu cầu lên Chúa xin được thương xót vì tôi không thể nhận được lòng thương xót từ ai khác. Và Chúa đã nghe thấy tiếng kêu cầu của tôi trong vùng hoang dã và trong thái độ khẩn cầu Chúa, vào năm mười sáu tuổi, một luồng ánh sáng sáng hơn cả ánh sáng mặt trời lúc ban trưa chiếu xuống từ trên cao và ngự lên tôi. Tôi đã được đầy dẫy Thánh Linh của Thượng Đế, và Chúa đã mở ra các tầng trời trên tôi và tôi đã nhìn thấy Chúa.

Và Ngài phán cùng tôi rằng: “Joseph, con trai của ta, tội lỗi của ngươi đã được tha rồi. Hãy đi, tuân theo luật pháp ta, và tuân giữ các giáo lệnh của ta. Này, ta là Chúa của vinh quang. Ta bị đóng đinh trên thập tự giá vì thế gian, rằng tất cả những ai tin vào danh của ta có thể có cuộc sống vĩnh cửu. Này, thế gian đắm chìm trong tội lỗi và chẳng một ai làm điều lành. Chúng đã trở bỏ khỏi phúc âm và không tuân giữ các giáo lệnh của ta. Chúng gần ta bằng môi lưỡi, nhưng lòng dạ chúng xa cách ta. Và cơn tức giận của ta đang phừng lên chống lại cư dân trên thế gian này, để viếng thăm chúng vì sự không tin kính của chúng và để mang lại điều mà đã được thốt ra từ miệng của các vị tiên tri và sứ đồ. Này, và trông kìa, ta sẽ chóng đến, theo như những điều đã được viết về ta, trong đám mây, khoác trên mình vinh quang của Cha ta”.

Tâm hồn tôi được tràn đầy tình yêu thương, và trong nhiều ngày tôi có thể vui mừng với niềm vui lớn lao. Chúa đã ở với tôi, nhưng tôi không thể tìm thấy ai có thể tin vào khải tượng từ thiên thượng. Tuy nhiên, tôi đã suy nghẫm về những điều này trong lòng.

Bài Tường Thuật năm 1835

Bài tường thuật này là biên sử của Joseph mô tả Khải Tượng Thứ Nhất của ông cho một người đến thăm nhà ông ấy. Bài tường thuật này được người ghi chép của ông viết trong nhật ký của Joseph.

Tôi khẩn cầu Chúa trong lời cầu nguyện thiết tha. Một cột lửa xuất hiện trên đầu tôi. Rồi liền đó nó giáng xuống trên tôi, và lòng tôi chan hòa niềm vui không kể xiết. Một Đấng hiện ra ở giữa cột lửa này, lan rộng khắp nơi, tuy nhiên không đốt cháy một thứ nào cả. Chằng bao lâu một Đấng khác hiện ra, giống như Đấng đầu tiên. Ngài phán bảo tôi: “Tội lỗi của ngươi đã được tha rồi” Ngài làm chứng cùng tôi rằng Chúa Giê Su Ky Tô là con trai của Thượng Đế. Và tôi trông thấy nhiều thiên sứ trong khải tượng này. Lúc đó, tôi khoảng mười bốn tuổi khi nhận được sự giao tiếp đầu tiên này.

Bài Tường Thuật năm 1842

Bài tường thuật này trích từ một bức thư được viết để trả lời các câu hỏi của một biên tập viên của tờ báo Chicago tên là John Wentworth.

Tôi lui về một nơi bí mật trong một khu rừng và bắt đầu khẩn cầu Chúa. Trong khi khẩn thiết cầu xin, tâm trí tôi bị đưa ra khỏi những vật thể mà tôi bị bao quanh và tôi bị bao phủ trong khải tượng thiêng liêng và nhìn thấy hai nhân vật vinh quang giống hệt nhau về nét mặt và hình dáng, được bao quanh bởi một ánh sáng rực rỡ che khuất mặt trời lúc ban trưa. Hai Ngài nói với tôi rằng tất cả mọi giáo phái đều tin vào những giáo lý sai lầm và rằng không ai trong số các giáo phái đó được Thượng Đế thừa nhận là giáo hội và vương quốc của Ngài. Và tôi đã được truyền lệnh một cách rõ ràng là “không được theo họ” và nhận được một lời hứa rằng phúc âm trọn vẹn sẽ được tiết lộ cho biết vào một lúc nào đó trong tương lai.

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Làm thế nào mà những bài tường thuật bổ sung này có thể giúp gia tăng sự hiểu biết và lòng biết ơn của các em về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith? Các em có thể thêm những lẽ thật bổ sung nào vào danh sách của mình từ phần 1 của tài liệu chuẩn bị này? Chứng ngôn của các em về sự kiện thiêng liêng này đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các em?